Wednesday, November 30, 2016

MĨ ĐIỀU CHÌNH CHÍNH SÁCH VỚI CHÂU PHI

Là châu lục giàu tiềm năng, châu Phi luôn chiếm vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của các cường quốc. Đối với Mỹ, châu Phi chưa bao giờ hết “nóng”, khi cường quốc số một thế giới này luôn có những chính sách nhằm gia tăng ảnh hưởng cũng như lợi ích tại khu vực.

Trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống B.Ô-ba-ma, Mỹ đã có những bước điều chỉnh cơ bản chính sách đối với châu Phi. Tăng cường sự hiện diện cũng như ảnh hưởng của Mỹ ở lục địa đen được coi là một trong những “di sản” quan trọng về chính sách đối ngoại mà ông Ô-ba-ma muốn để lại dấu ấn sau khi rời Nhà trắng. Diễn đàn Thương mại Mỹ - châu Phi (USABF) được tổ chức ở Niu Oóc gần đây cũng không nằm ngoài mục tiêu nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ tài chính, thương mại và đầu tư giữa hai bên. Theo đuổi cách tiếp cận mới đối với châu Phi, Mỹ đang có trong tay nhiều sự lựa chọn. Không chỉ bị giới hạn trong khuôn khổ những thỏa thuận viện trợ hay chống khủng bố, Mỹ có thể mở rộng mối quan hệ hợp tác với các nước châu Phi sang lĩnh vực thương mại, đầu tư. Giới doanh nghiệp Mỹ coi châu Phi là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu nguyên liệu thô.

Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật Cơ hội và Tăng trưởng cho châu Phi (AGOA) dưới thời Tổng thống B.Clin-tơn. Thời Tổng thống G.Bu-sơ, Mỹ đã thành lập Bộ Chỉ huy châu Phi (AFRICOM) và triển khai Chương trình cứu trợ khẩn cấp nhằm đối phó căn bệnh HIV/AIDS. Còn trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống B.Ô-ba-ma, Mỹ đã chuyển hướng chính sách đối ngoại, trong đó ưu tiên hợp tác kinh tế thương mại với châu Phi. Tại USABF gần đây, Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma cùng những người đồng cấp Nam Phi, Ni-giê-ri-a và khoảng 50 nhà lãnh đạo châu Phi khác, cùng đại diện hơn 100 tập đoàn đã thảo luận bảy vấn đề thiết yếu đối với nền kinh tế châu Phi gồm tài chính, đầu tư, cơ sở hạ tầng, năng lượng, nông nghiệp, hàng hóa tiêu dùng và công nghệ thông tin - truyền thông. Tại đây, hàng loạt sáng kiến đầu tư của chính phủ và khu vực tư nhân đã được công bố. Nhờ những điều chỉnh cơ bản trong chính sách của Mỹ mà nguồn vốn đầu tư đã được khơi thông, đổ vào các thị trường châu Phi. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Mỹ và các nước châu Phi tăng nhanh. Trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống B.Ô-ba-ma, Mỹ đã triển khai sáng kiến “điện năng châu Phi” với gần 43 tỷ USD vốn cam kết từ 120 đối tác công-tư. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Cộng đồng các nước Đông Phi (EAC) sang thị trường Mỹ cũng đã tăng 24% trong giai đoạn 2013-2014.

Sự điều chỉnh chính sách của Mỹ đối với châu Phi được đưa ra trong bối cảnh nhiều cường quốc cũng đẩy mạnh chiến lược nhằm giành ảnh hưởng tại lục địa đen, nhất là trong lĩnh vực thương mại - đầu tư. Mặc dù châu Phi chỉ chiếm khoảng 3,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn cầu, tuy nhiên vai trò của châu lục này ngày càng được khẳng định với nhiều tiềm năng quan trọng và luôn cần thiết cho chiến lược của các cườn g quốc. Tăng cường sự hiện diện ở châu Phi thông qua các sáng kiến thúc đẩy thương mại và đầu tư hai chiều là hướng đi chủ yếu của Oa-sinh-tơn. Riêng nhiệm kỳ hai, Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma đã có hai chuyến công du tới châu Phi. Trong khi toàn cầu có nhiều sự dịch chuyển chiến lược, việc Mỹ nỗ lực xây dựng mối quan hệ đối tác hiệu quả với các nước châu Phi, trong đó thúc đẩy thương mại - đầu tư được cho là sẽ mang lại nhiều sự lựa chọn hơn cho Oa-sinh-tơn trong quá trình hoạch định chính sách đối ngoại.

No comments: