Wednesday, November 30, 2016

VỀ CHÍNH SÁCH CHÂU PHI CỦA TRUNG QUỐC

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Chủ Nhật, ngày 24/11/2013
TTXVN (Algiers 22/11)
Những con số biết nói
Mối quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc, nước đang phát triển lớn nhất, và châu Phi, nơi có nhiều nước đang phát triển nhất, có hơn 60 năm lịch sử và tác động tới cuộc sống của hơn 2,3 tỷ người, trong đó hợp tác kinh tế và thương mại là động lực chính. Theo tạp chí“Afrique”, việc thành lập Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi (năm 2000) tạo động lực chính cho hợp tác kinh tế song phương.     
Động cơ chủ yếu của Chính phủ Trung Quốc là tìm kiếm nguồn nguyên liệu và làm sao để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng lớn ở trong nước. Trung Quốc mua than chủ yếu từ Nam Phi, quặng sắt từ Gabon, gỗ từ Guinea Xích đạo và đồng từ Zambia. Các ngành công nghiệp Trung Quốc cũng cần có thị trường mới để tiêu thụ hàng hóa của mình trong khi châu Phi là một thị trường rộng lớn. Hàng Trung Quốc tràn ngập các thị trường ở Cairo, Johanesbourg, Luanda, Lagos, Dakar và nhiều thành phố, làng mạc khác ở châu Phi. Kể các các mặt hàng nhỏ như diêm, trà túi, đồ chơi trẻ em và xà phòng tắm cũng được đưa từ Trung Quốc đến.
Ông Kobus van der Wath, nhà sáng lập Beijing Axis, một văn phòng tư vấn và dịch vụ mua bán có trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục tìm kiếm vị thế thường trực ở một châu Phi đang trỗi dậy. Trong những năm gần đây, trong khi chi phí nhân công thấp góp phấn làm giảm chi phí sản xuất, từ đó khiến hàng hóa rẻ hơn, nền kinh tế Trung Quốc đôi lúc đạt tăng trưởng hơn 10%/năm. Đồng nhân dân tệ được định giá thấp hơn so với các đồng ngoại tệ lớn khác trên thế giới, như đồng USD, đồng euro và đồng yên Nhật Bản, khiến các nhà nhập khẩu châu Phi đổ đến Trung Quốc.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này hiện nay đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của châu Phi. Trao đổi thương mại giữa hai bên tăng từ 10,6 tỷ USD (năm 2000) lên 160 tỷ (năm 2011). Để tạo thuận lợi cho hàng hóa châu Phi vào thị trường mình, Trung Quốc miễn thuế 97% hàng xuất khẩu của các nước kém phát triển nhất (PMA) có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, có mức thu nhập tính theo đầu người chưa đến 745 USD/năm theo chuẩn của Liên hợp quốc. Châu Phi có 33 nước thuộc diện này. Trong giai đoạn từ năm 2005-2010, Trung Quốc nhập 1,32 tỷ USD hàng hóa của châu Phi với thuế nhập khẩu bằng không. Trung Quốc góp phần thành lập các khu kinh tế đặc biệt ở Zambia, Mauritius, Nigeria, Ai Cập và Ethiopia, đồng thời rót 250 triệu USD vào xây dựng hạ tầng ở các nước châu Phi.
Trung Quốc không những là đối tác thương mại của châu Phi mà còn giúp các nước thuộc châu lục này cải thiện các lĩnh vực giáo dục, nông nghiệp và môi trường. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong hai năm, 2010 và 2011, nước này tặng 5.710 xuất học bổng cho các nước châu Phi. Hợp tác khoa học và công nghệ cũng được thúc đẩy, với 100 dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ chung dưới dạng quà tặng trang thiết bị, đào tạo và thực hành, 100 thực tập sinh người Phi theo học chương trình sau tiến sĩ tại Trung Quốc với sự hỗ trợ tài chính của chính phủ nước này.
Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực minh chứng sự năng động trong hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và châu Phi. Trong thời kỳ 2007- 2009, hơn 100 chuyên gia nông nghiệp Trung Quốc đến làm việc tại 33 nước châu Phi và từ năm 2009, 16 nhóm chuyên gia nông nghiệp được cử đến châu lục, đồng thời 847 chuyên gia nông nghiệp châu Phi được phía Trung Quốc đào tạo. Trung Quốc còn thành lập một số trung tâm công nghệ nông nghiệp ở 14 nước châu Phi và sẽ xây dựng thêm 10 trung tâm khác. Trong khuôn khổ Chương trình đặc biệt an ninh lương thực của Liên hợp quốc, hơn 700 chuyên gia nông nghiệp Trung Quốc đến làm việc tại 8 nước châu Phi. Hơn nữa, Trung Quốc còn đưa hàng nghìn thầy thuốc và giáo viên đến làm việc ở châu lục này.
Cuối tháng 11/2011, Trung Quốc cung cấp khoản viện trợ lương thực trị giá 69,58 triệu USD cho vùng Sừng châu Phi và các vùng lân cận. Đó được coi là khoản viện trợ lớn nhất cho nước ngoài mà Chính phủ Trung Quốc thực hiện kể từ khi thành lập nước (năm 1949) đến nay. Theo Sách Trắng của Trung Quốc, nước này đã cung cấp 256,29 tỷ nhân dân tệ (38,54 tỷ USD) viện trợ cho nước ngoài, trong đó 106,2 tỷ dành cho trợ giá; 76,54 tỷ dưới dạng vốn vay lãi suất bằng không và 73,55 tỷ vốn vay có lãi suất. Các nước châu Phi và châu Á chiếm 88% số các nước tiếp nhận số viện trợ này.
Về đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi, con số lúc đầu chỉ vào khoảng vài chục triệu USD, nay đã vượt qua con số 10 tỷ. Châu Phi là một trong những điểm tiếp nhận chính đầu tư của Trung Quốc, Hơn 2.000 doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào châu lục với tổng số vốn lên hơn 40 tỷ USD.
Theo Center for Global Development, một tổ chức tư vấn Mỹ, trong thời kỳ 2000-2011, Trung Quốc cung cấp 75 tỷ USD viện trợ cho châu Phi, gần tương đương với viện trợ của Mỹ trong cùng thời kỳ đó (khoảng 90 tỷ USD). Phần lớn số tiền đó cho phép các nước châu Phi giảm được các khoản nợ. Ít dự án khai khoáng được hưởng viện trợ trong khi các lĩnh vực vận tải, cất giữ lương thực và dự án năng lượng ngốn phần lớn số tiền đấu tư. Trung Quốc còn đầu tư hàng trăm triệu USD vào các lĩnh vực y tế, giáo dục và một số dự án văn hóa,
Như ở Côte d’Ivoire, Trung Quốc đầu tư 100 triệu USD vào xa lộ Grand Bassam. Tại Cộng hòa dân chủ Congo, 367 triệu USD được Trung Quốc chi cho công trình đập thủy điện Zongo II và 321 triệu để đặt đường cáp quang ở miên Đông nước này. Tại Senegal, Trung Quốc cung cấp 143 triệu USD để xây dựng mạng lưới chính phủ điện tử. Vùng Bắc Phi ghi nhận dự án nhà hát 1.400 chỗ trị giá 41 triệu USD ở Algeria do Trung Quốc tài trợ.
Với tổng số hơn 120 tỷ USD, đầu tư của Trung Quốc trên toàn thế giới đạt con số kỷ lục mới vào năm 2012 (kỷ lục trước là 111 tỷ USD vào năm 2010). Quỹ Heritage, một tổ chức tư vấn Mỹ, cho biết khoản đầu tư này được rót vào các lĩnh vực năng lượng, khai khoáng, vận tải, bất động sản, nông nghiệp, tài chính và công nghệ.
Từ năm 2005 đến nay, châu Phi tiếp nhận 108 tỷ USD viện trợ của Trung Quốc. Phần lớn số đầu tư này được rót vào lĩnh vực vận tải (34,31 tỷ USD), năng lượng, trong đó có dầu mỏ (31 tỷ) và khai khoáng (16,3 tỷ).
Bắc Kinh hỗ trợ nhiều nước ở châu Phi, trừ những nước công nhận Đài Loan, trong đó có 10 nước tiếp nhận nhiều nhất. Nigieria đứng đầu danh sách với 15,6 tỷ USD (năng lượng 8,2 tỷ, vận tải 3,8 tỷ, bất động sản 3,2 tỷ). Là điểm đến ưa thích thứ sáu của người Trung Quốc, Nigeria thu hút nhiều vốn hơn Anh hay Nga (13,3 tỷ USD). Các vụ chuyển nhượng chính liên quan đến cổ phần dầu mỏ ngoài khơi của Total được Sinopec mua lại vào tháng 11/2012 với giá 2,5 tỷ USD. Một khoản đầu tư khác vào tháng 6/2008 trị giá 2,27 tỷ USD được CNOOC dùng để mua lại South African Petroleum. Thứ hai đến Algeria với 10,5 tỷ USD (vận tải 8,8 tỷ; bất động sản 1,3 tỷ). Tiếp đó là Nam Phi với 8,6 tỷ USD (dịch vụ tài chính 5,9 tỷ; khai khoáng 2,7 tỷ); Ethiopia 7,8 tỷ (năng lượng 2,9 tỷ; vận tải và công nghệ 2,4 tỷ); Cộng hòa dân chủ Congo 7,8 tỷ (khai khoáng 7,2 tỷ, năng lượng 660 triệu); Chad 6,8 tỷ (vận tải); Angola 6,5 tỷ (bất động sản 5 tỷ, năng lượng 1 tỷ); Niger 5,2 tỷ (chủ yếu vào dầu mỏ 5 tỷ); Sierra Leone 4,7 tỷ (vận tải 3 tỷ; khai khoáng 1,8 tỷ) và cuối cùng là Cameroon 4,6 tỷ (vận tải 1,6 tỷ; năng lượng 1,5 tỷ; nông nghiệp 870 triệu).
Trong khi viện trợ chính thức phát triển của các nước phương Tây và các nước mới nổi cho châu Phi là dễ tiếp cận, thì loại viện trợ này của Trung Quốc lại khó tiếp cận hơn nhiều. Theo ông Andreas Fuchs, giáo sư kinh tế trường Đại học Heidelberg (Đức), lý do là Trung Quốc coi hoạt động viện trợ phát triển của mình là bí mật quốc gia. Đối với bà Vijaya Ramachandran, cộng tác viên của tổ chức tư vấn Center for Global Development, Trung Quốc là một tác nhân lớn mới nổi trong lĩnh vực viện trợ phát triển ở châu Phi.
Sáu lý do thuận cho hợp tác song phương
Năm 2009, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng đầu của châu Phi. Châu lục này có nên sợ sức mạnh của Trung Quốc không? Có nên sợ đó là một hình thức thực dân mới không? Dưới đây là 6 lý do được tạp chí “Maghreb” đưa ra để chứng minh mối quan hệ kinh tế giữa Bắc Kinh và các nước châu lục này là mô hình hợp tác song phương mới.
Thứ nhất, Bắc Kinh giúp châu Phi lấy lại được vai trò và tầm cỡ trên bàn cờ thế giới. Những ai chưa từng kinh qua thời kỳ Chiến tranh Lạnh không thể biết rằng cho đến khi Liên Xô sụp đổ (tháng 12/1991), châu Phi bị tranh giành bởi các nước thuộc hai khối khác nhau. Liên hợp quốc lúc đó là một chiến trường, nơi mỗi tiếng nói là một lá phiếu có trọng lượng. Một bên là Mỹ và châu Âu thuộc khối phương Tây và bên kia là khối Liên Xô, cả hai đều bỏ thời gian và công sức để chiều chuộng các nước Nam, cụ thể là các nước châu Phi, nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của họ. Châu Phi lúc đó có sức nặng đáng kể trong các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc. Năm 1971, chính tiếng nói cửa các nước châu Phi đã cho phép Trung Quốc lấy lại được chiếc ghế ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc từ tay Đài Loan.
Sau năm 1991, mọi thứ thay đổi hoàn toàn. Các nước không cần phải thường xuyên nhờ cậy đến châu Phi nữa vì siêu cường Mỹ thống soái cả thế giới. Việc Trung Quốc, sau khi trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, nhẩy vào cuộc giúp châu Phi được thừa nhận nhiều hơn về phương diện ngoại giao. Một bên là Bắc Kinh muốn mình là người bảo vệ các nước châu Phi, kể cả các “nhà nước không lượng thiện”; và bên kia là các cường quốc phương Tây lớn chạy theo ve vãn các đồng minh truyền thống cũ vốn không ngần ngại sử dụng con bài cạnh tranh ngoại giao.
Thứ hai, Trung Quốc góp phần đẩy giá nguyên liệu lên cao. Bắc Kinh yêu quý châu Phi như vậy trước hết vì nước này tìm thấy ở đó mọi thứ nguyên liệu mình cần có để phát triển đất nước. Trung Quốc mua ngày càng nhiều nguyên liệu của châu Phi, từ đó góp phần đưa giá lên cao. Với một thùng dầu thô có giá hơn 100 USD, với một giá đồng tăng gấp ba lần trong vòng hai năm và với nguyên liệu ngày càng cao giá hơn, tiền châu Phi thu về ngày càng nhiều.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo châu Phi cũng phải dè chừng đối với các nhà tư bản của Đế chế Trung Hoa không ngần ngại sử dụng các khoản tín dụng có bảo lãnh, như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từng phê phán trong những năm gần đây. Nhìn chung, Bắc Kinh cho vay nhiều tỷ USD để đổi lấy quyền khai thác khoáng sản hay các mảnh đất trồng rừng rộng lớn. Để tận dụng được nhiều hơn giá nguyên liệu tăng cao, các nhà lãnh đạo châu Phi phải làm sao để không bán nguyên liệu của mình với giá bỏ đi. Họ đã bắt đầu ý thức được điều đó và các thể chế Bretton Woods cũng như các đối tác truyền thống của châu Phi vì muốn tạo cân bằng với sức nặng ngày càng lớn của Trung Quốc, đang giúp các nước châu Phi kiểm soát tốt hơn mối quan hệ với Trung Quốc.
Thứ ba, Trung Quốc đưa cạnh tranh đến châu Phi. Trung Quốc không phải là nước duy nhất (lại) khám phá ra châu Phi vào đầu thế kỷ 21. Tiếp theo các nhà tư bản đỏ của Đế chế Trung Hoa, người ta thấy người Thổ Nhĩ Kỳ, người Nga cũng đã bắt đầu đổ xô đến châu Phi mặc dù còn hạn chế, đặc biệt là người Ấn Độ, Saudi Arabia, Hàn Quốc… Châu Phi được lợi nhiều từ chỗ đó. Các nước này đều có nguồn tài chính quan trọng, là những nhà cung cấp viện trợ song phương mới và cũng là các nhà đầu tư sốt sắng. Như vậy, bằng cách gia tăng hợp tác kinh tế tay đôi, các nước châu Phi tăng được khả năng đầu tư của mình.
Thứ tư, Trung Quốc chuyển hoạt động sản xuất công nghiệp sang châu Phi. Tại sao Trung Quốc tìm cách đưa hoạt động sản xuất sang châu Phi? Chủ yếu là để tìm kiếm nhân công giá rẻ và gần nguồn nguyên liệu. Công nhân nhà máy giầy Huajian của Trung Quốc ở vùng Addis-Abeba (Ethiopia) được trả công 30 USD/tháng. Các nhà đầu tư Trung Quốc không định dừng lại ở một nhà máy, mà cả một hệ thống đang được xây dựng ở một vùng với 80 nhà máy trong tương lai để tạo ra 20.000 việc làm.
Tại sao các nhà lãnh đạo châu Phi không thực hiện chính sách “theo kiểu Trung Quốc”? Trong những năm 1990, khi Bắc Kinh mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra quy định và từ đó đến nay, những quy định đó là bất khả xâm phạm. Bắc Kinh yêu cầu một phần sản phẩm nước ngoài được tiêu thụ ở Trung Quốc phải được sản xuất tại chỗ. Trung Quốc cũng buộc doanh nghiệp phương Tây phải liên doanh với một đối tác địa phương và trong phần lớn các trường hợp, doanh nghiệp địa phương được phép nắm đa số vốn trong liên doanh được thành lập. Điều đó giải thích tại sao trong vòng 20 năm, nền công nghiệp Trung Quốc phát triển mạnh mẽ như vậy.
Các nhà lãnh đạo châu Phi liệu có đủ dũng cảm để áp dụng một hình mẫu tương tự không ? Sự việc hiện nay đã bắt đầu tự nó chuyển động. Khi mở rộng các đặc khu kinh tế ở 6 nước châu Phi, Trung Quốc lặp lại hình mẫu từng cho phép Thâm Quyến chỉ trong vòng 30 năm đã trở thành một trong những trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc. Khu kinh tế thành lập ở Ai Cập được doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng để tái xuất sang châu Âu và Mỹ, từ đó tận dụng được các hiệp định kinh tế giữa Cairo và các đối tác phương Tây. Một số ngành công nghiệp Trung Quốc nhờ đó có thể có đứng vững ở châu Phi. Các nước châu Phi phải quyết định việc mình có được chuyển giao công nghệ hay không.
Thứ năm, Trung Quốc và châu Phi dường như có một quá khứ chung: cùng là nạn nhân của chủ nghĩa đế quốc phương Tây. Bắc Kinh thường sử dụng yếu tố này như một con bài chính trong chiến lược quyền lực mềm, tự mô tả mình như nước đang phát triển hàng đầu và một mô hình mà các nước châu Phi có thể học tập. Trong khi đó, quá khứ thực dân vẫn là một điểm đen trong mối quan hệ giữa các cường quốc thực dân cũ và đối tác truyền thống của châu Phi trong khi Trung Quốc không những không có quá khứ đó mà còn có một nền kinh tế không thâm hụt và có được hình ảnh tích cực.
Thứ sáu, Trung Quốc không chỉ bằng lòng với một quá khứ giống của các nước châu Phi mà còn tận dụng những thiếu sót của các đối thủ châu Âu. Trung Quốc đầu tư vào các lĩnh vực mà trước đây các nước phương Tây bỏ bê và không hề đòi hỏi gì về nhân quyền hay lãnh đạo tốt. Trung Quốc không áp dụng hình mẫu phương Tây. Rõ ràng là nước này bảo vệ lợi ích của mình. Chiếm lĩnh thị trường, mua nguyên liệu với giá hời nhất, tiêu thụ sản phẩm… Trung Quốc đang dần dần thiết lập mối liên hệ phụ thuộc tài chính đối với các đối tác của mình, về điểm này, Trung Quốc không khác gì so với các cường quốc khác. Nhưng lịch sử của Trung Quốc lại hoàn toàn khác với lịch sử của các nước châu Âu.
Các đồng minh truyền thống của châu Phi bị ngợp trước chính sách “châu Phi của Trung Quốc” vì họ không có được chính sách thích hợp cho châu lục. Họ thường rao giảng về dân chủ, nhưng hành động của họ khiến các chế độ độc tài phật ý. Trung Quốc không áp đặt bằng lưỡi lê hay đại bác như thực dân từng làm trước đây. Hơn nữa, nhiều nhà lãnh đạo đã bắt đầu hiểu ra rằng Trung Quốc có thể bị cạnh tranh. Dĩ nhiên, Trung Quốc, mặc dù có nhiều thế mạnh, không thể áp đặt được mình một cách dễ dàng như vậy đối với các nước châu Phi còn non yếu.
Như vậy, Trung Quốc là một giải pháp thay thế lý tưởng đối với nhiều nước châu Phi vì họ không có gì hơn kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và Liên Xô sụp đổ. Còn các nước phương Tây có thể lo ngại trước việc họ mất đi ảnh hưởng ở châu Phi vào tay Trung Quốc, trong lúc châu lục đang trỗi dậy và ý thức được sức mạnh của mình.
Không vụ lợi chăng?
Các đồng minh truyền thống của châu Phi hiện đang bị ngợp trước chính sách “Châu Phi của Trung Quốc”, Hồ Cẩm Đào đến thăm châu lục vào các năm 2004, 2006, 2007 và 2009. Tạp chí “Afrique” nhận xét ít có nguyên thủ các nước đối tác lớn nào của châu Phi tiến hành những chuyến công du đều đặn như vậy, qua đó, cho thấy quyết tâm của Trung Quốc tìm chỗ đứng ở châu Phi và nỗ lực đó lúc này đã được đền đáp.
Khi trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới vào năm 2010, Trung Quốc được mô tả như một hình mẫu phát triển mới. Hiện nay, nước này có sức hút chưa từng thấy đối với cả các nước đang phát triển lẫn các nước phát triển. Các nước đang phát triển tỏ ra đặc biệt thích Trung Quốc hơn phương Tây, trong khi có ý kiến cho rằng Trung Quốc không thực sự quan tâm đến lợi ích chiến lược “tư bản” mà các cường quốc phương Tây tiếp tục thể hiện một cách “sống sượng” trong mối quan hệ song phương.
Viện quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS) cho biết 60% mối quan hệ thương mại và tài chính của phần lớn các nước đang phát triển cách đây 20 năm hướng về phương Tây, song hiện nay chỉ còn 30%, nghĩa là có quy mô nhỏ hơn mối quan hệ mà các nước đang phát triển duy trì với các nước mới nổi.
Có thể tin rằng Trung Quốc có lập trường thực sự không vụ lợi trong mối quan hệ song phương với các nước đang phát triển không? Nếu độ tin cậy đó được chứng thực, Trung Quốc quả là “Đấng cứu thế” của các nước đang phát triển. Còn trong trường hợp ngược lại, các nước đang phát triển chỉ là đang đổi “chủ”, nhưng lần này một cách nhẹ nhàng, không nhỏ lê.
Trước hết, cần làm rõ bối cảnh hoạt động của Trung Quốc, đối lập với bối cảnh hoạt động của phương Tây. Các cuộc chinh phạt của phương Tây được tiến hành trong một môi trường yếu kém về luật pháp và công ước quốc tế, nhà nước nào cũng hành động tùy thuộc vào sức mạnh của mình (khi nói về thực dân hóa). Trong thời kỳ hậu thực dân hóa, trong khi các chuẩn mực quốc tế được thiết lập, chính các cường quốc đó, vốn gặp thuận lợi do không có cạnh tranh, đã biết cách duy trì sự thống trị của mình bằng cách áp đặt “luật lệ của kẻ mạnh”. Cũng chính vì vậy mà mọi nước không tôn trọng chuẩn mực được quy định bị coi là “nhà nước không lương thiện” “học trò tồi”… Như vậy, phương Tây thực hiện chính sách bảo tồn.
Còn các cuộc chinh phạt của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh khác: luật lệ và công ước quốc tế đã được thiết lập và bảo đảm bởi các cường quốc cần phải đối mặt, nếu muốn chinh phục thế giới Trong tình thế đó cách duy nhất để buộc người khác phải chấp nhận sự vượt trội của mình vẫn là “khéo léo” giành giật thị trường trong nước của các nước đang phát triển vốn phần lớn bị các cường quốc phương Tây nắm giữ. Thích ứng với bối cảnh đó, Trung Quốc từng bước và ngấm ngầm giành được các nước đang phát triển. Như vậy, con rồng châu Á đang ở giữa trận chiến chinh phạt chứ không phải trận chiến bảo tồn. Điểm yếu duy nhất của phương Tây trong trận chiến này là họ không biết cách thích ứng với bối cảnh hoạt động mới, từ đó có nguy cơ phải nhường chỗ cho Trung Quốc.
Do có sự khác biệt kể trên giải thích chính sách của mỗi nước, nên có thể phải xem xét lại dư luận về Trung Quốc ở các nước đang phát triển trong trận chiến này, với những phân tích sâu rộng hơn và thận trọng hơn. Bây giờ hãy nhìn vào những gì khiến chính sách của Trung Quốc khác với chính sách của các nước phương Tây. Trong thị trường hàng hóa và dịch vụ, các nước phương Tây sản xuất và phân phối theo mức sống ở chính nước mình, từ đó khiến hàng hóa và dịch vụ khó có thể vào được các nước đang phát triển, trong khi các nước này là một thị trường tiềm tàng rộng lớn. Còn Trung Quốc sản xuất và phân phối theo tiêu chuẩn ở từng nhóm nước khách hàng. Như vậy, hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc có thể đến được với tất cả các nước, bất luận đó là nước nào.
Trong thị trường vốn tài chính, phương Tây quy định điều kiện chính trị và kinh tế để được vay hay được tài trợ. Trong khi đó Trung Quốc cho các nhà nước vay tiền không kèm theo điều kiện và cũng thường không có lãi suất. Phần lớn hợp tác song phương được thiết lập theo mô hình hai bên cùng có lợi.
Về đầu tư, hợp tác tay đôi với phương Tây gần như không bao giờ dẫn tới việc xây dựng hạ tầng kinh tế ở một nước đang phát triển, nhưng từ khi Trung Quốc nhẩy vào, những công trình hạ tầng mà nước này xây dựng không ngừng thu hút các nước đang phát triển, kể cả các nước phương Tây.
Tuy tất cả các cường quốc trên thế giới rốt cuộc vẫn là “đế quốc” song các nước đang phát triển thiên về ý kiến cho rằng Trung Quốc tỏ ra “tử tế” trong mối quan hệ, trong khi phương Tây vẫn là “đế quốc” quá quan tâm đến lợi ích chiến lược “tư bản” của mình. Những lời than phiền về các cường quốc phương Tây cho thấy hoàn toàn có thể thấy được rằng Trung Quốc đã tìm được con ngựa chiến cho mình khi xây dựng một “đế quốc âm thầm” với vũ khí là “lòng tốt”, “niềm tin”, “không vụ lợi”…
Các nước đang phát triển phải nghiêm túc tự hỏi mình và về lâu dài không phải chỉ biết thiết lập mối quan hệ kinh tế-chính trị sâu rộng với Trung Quốc đến mức khó có thể thoát ra được. Không có gì bảo đảm rằng con rồng châu Á này vẫn sẽ giữ nguyên đà đó sau khi chắc chắn trở thành cường quốc số một thế giới. Do ván cá cược thay đổi một cách tự nhiên nên mọi thứ cho thấy bối cảnh mới sẽ buộc phải có chính sách duy trì sự vượt trội, hoàn toàn giống như những gì các nước phương Tây đang làm hiện nay. Luật lệ của kẻ mạnh sẽ được áp đặt, và mọi nhà nước sau này trở thành mối đe dọa đối với Trung Quốc, hay không tuân thủ các nguyên tắc mà nước này đặt ra, sẽ bị nghiền nát ngay lập tức, hay trở thành “nhà nước không lương thiện” cần phải chế ngự bằng mọi giá, Đối với Trung Quốc, điều chắc chắn là phải làm suy yếu hơn nữa các nước, đồng thời vẫn giữ các nước này ở thế thụ động để tiếp tục trị vì. Lịch sử sẽ lặp lại và các nước nghèo lúc đó sẽ than phiền về Trung Quốc.
Trong mối quan hệ giữa nhà nước với nhà nước, các nước không thể trông đợi vào lòng tốt hay lòng tử tế vì tất cả các bên đều rất vụ lợi. Muốn trở thành một “nhà nước tốt”, cần phải có mưu mẹo.
Thâu tóm cả châu Phi chăng?
Khi Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, kết thúc chuyến thăm ngoại giao đến châu Phi vào trung tuần tháng 4/2013, vấn đề mở rộng chính sách “Châu Phi của Trung Quốc” ngày càng được giới quan sát đặt ra nhiều hơn. Ông Claude Leblanc, Tổng biên tập tạp chí “Jeune Afrique”, Tổng biên tập tạp chí “Courrier International” từ năm 1993 đến năm 2011, nhà sáng lập nguyệt san miễn phí “Zoom Japon”, lý giải vấn đề này khi trả lời phỏng vấn tạp chí “Đại Tây Dương” dưới đây.
Hỏi: Nhân vật số một Trung Quốc vừa kết thúc chuyến công du ngoại giao một tuần lễ đến Nam Phi, Congo và Mozambique. Có thể nói Đế chế Trung Hoa, vốn có mặt từ nhiều năm nay ở khu vực này, đang thành công trong việc đứng chân ở châu Phi không?
Trả lời: Có thể nói là có nếu nhìn nhận sự việc theo quan điểm kinh tế và ngoại giao thuần túy. Trong vòng một thập kỷ, Trung Quốc đã thành công trong việc trở thành nhà đầu tư thứ tư ở châu Phi, một chiến công rất lớn, khi đầu tư vào các thị trường xây dựng địa phương và các lĩnh vực khai khoáng và dầu mỏ. Tuy nhiên, phương pháp của Trung Quốc khi làm ăn hoàn toàn không phù hợp với người dân địa phương vì họ ngày càng không chịu được hiện tượng này. Cách đầu tư của Trung Quốc cũng như phương pháp tuyển mộ nhân công cũng không tạo được sự đồng thuận ở các nước châu Phi. Chẳng hạn, Trung Quốc có thói quen chỉ giúp kiểu dân mình được lợi khi ký hợp đồng ở châu Phi bằng cách đưa máy móc và nhân công từ trong nước sang và cũng không quan tâm đến môi trường. Cách thức giải quyết sự việc đó về trung hạn gây ra căng thẳng có thể dẫn đến tình hình xấu.
Ở một số vùng, có thể ghi nhận một số hoạt động chống Trung Quốc trước tình trạng thị trường địa phương đột ngột bị đảo lộn do thương nhân từ Trung Quốc đến. Trong một lĩnh vực khác, điều kiện làm việc ở các công trường thuộc sở hữu của các công ty Trung Quốc, cụ thể là các mỏ khai khoáng, không hề tốt và chỉ làm gia tăng tâm lý thù oán nói trên. Người châu Phi quả thực tỏ ra nghi ngại trước lôgíc chỉ tính tới lợi nhuận đôi khi thể hiện trong cách hành xử của một số doanh nghiệp Trung Quốc trong một số trường hợp, họ không ngần ngại đóng ngay cửa nhà máy và đẩy tất cả người lao động ra đường.
Tuy Trung Quốc từ đó cũng có ý định cải thiện hình ảnh của mình bằng cách xây dựng bệnh viện, trường học hay thậm chí tài trợ một phần việc xây dựng trụ sở mới của Liên minh châu Phi, song có thể nói rằng họ vẫn còn phải vượt qua rào cản quan trọng về văn hóa và nhân văn. Nói vậy nhưng bước tiến của Trung Quốc ở châu Phi là không thể phủ nhận và có thể có được là nhờ đầu tư liên tục phương tiện về người (nhân công) và tài chính (tiền mặt). Có thể nói rằng hiện nay Trung Quốc là cường quốc có vị thế tốt nhất ở châu Phi.
Hỏi: Một số nước châu Á khác (Ấn Độ, Malaysia…) ngày càng có ý định tiến hành chinh phạt ở châu Phi. Liệu các nước này có thể trở thành đối thủ đáng gờm của Trung Quốc không?
Trả lời: Có và điều đó không chỉ liên quan đến các nước mới nổi như Ấn Độ. Châu Phi hiện nay cũng khiến các nước khác thèm khát như trước đây, đặc biệt nhờ có tài nguyên thiên nhiên (đất hiếm, than, khí đốt…) vẫn chưa khai thác quá mức như ở các nơi khác. Cũng có thể nói đến việc châu Phi đang dần dần giầu lên mặc dù không nhanh, từ đó giúp phát triển một tầng lớp trung lưu trong thời gian tới có thể tạo thành một thị trường thực thụ đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhật Bản cũng rất quan tâm đến châu Phi vì đây là một thị trường kinh tế quan trọng đối với hàng hóa của mình. Ấn Độ cũng đầu tư mạnh vào châu Phi, không những thông qua đầu tư mà còn trực tiếp phát triển nhiều ngành công nghiệp. Đây là cách tiếp cận giúp Ấn Độ có được lợi thế nhất định trước Trung Quốc vì qua đó thiết lập được một mối quan hệ rất nhân văn với người dân bản xứ.
Hỏi: Pháp mới đây cho thấy sự có mặt hùng hậu của mình ở châu Phi (Mali, Cộng hòa Trung Phi…). Liệu cường quốc thực dân cũ này có còn ảnh hưởng ở châu lục không?
Trả lời: Có và nước Pháp đang chứng minh điều đó. Chẳng hạn về Mali, Pháp là nước duy nhất can dự vào đây. Trên toàn miền Đông châu Phi, dĩ nhiên Pháp vẫn là một cường quốc có ảnh hưởng, cho dù có cả sự cạnh tranh của Mỹ và Trung Quốc. Ở đây còn có cả một lịch sử, cho dù quá trình lịch sử đó đôi khi phức tạp và gây tranh cãi.
Đôi lúc cũng có thể nổ ra phản kháng trước cách thức kiểm soát mối quan hệ với châu Phi của Pháp, song cũng có gì đó để hồi tưởng và nước Pháp thường có mặt trong những thời điểm gay cấn. Mali là một biểu hiện của truyền thống đó.
Về lâu dài, ảnh hưởng đó của Pháp chắc chắn sẽ suy giảm vì có một số nước mạnh bạo hơn và thành công trong sáng tạo hơn Pháp. Tuy nhiên, Pháp biết cách duy trì mối quan hệ mạnh mẽ với các nước thuộc địa cũ này. Trái lại, Pháp không biết cách bảo tồn mối quan hệ với Đông Dương, ở khu vực này của thế giới, đáng lẽ Pháp phải thông qua mối quan hệ trong quá khứ để có được lợi thế mới đúng.
Có thể nói đến sự tiến triển với Cộng hòa Trung Phi, nước trong một thời gian dài là khu sân sau của Pháp và hiện phần nào đang thoát ra khỏi vị thế đó sau khi Tổng thống Francois Bozize sụp đổ. Tình hình đó có thể lại tái diễn vì lợi ích của các nước châu Phi không phải lúc nào cũng là lợi ích của Pháp trong nhiều lĩnh vực.
Hỏi: Các nước châu Phi hiện nay ra sao? Có phát triển về phương diện kinh tế một cách rõ ràng không?
Trả lời: Chắc chắn là như vậy. Gần như tất cả các nước châu Phi đã bắt đầu có công ty xuyên quốc gia của mình: tổ hợp Sevital của Algeria đã vượt ra khỏi khuôn khổ biên giới quốc gia và đầu tư vào Côte d’Ivoire, Senegal… Cũng có thể kể ra một số ngân hàng Côte d’Ivoire hiện nay đang thiết lập mạng lưới tài trợ rộng rãi ở một số nước láng giềng. Ở đây có thể thực sự nói đến một nền kinh tế châu lục đang hình thành với một số doanh nghiệp đang phát triển ở cả trong và ngoài nước. Đó là một nền tảng kinh tế thực sự giống như của một số doanh nghiệp phương Tây. Điểm mạnh của các doanh nghiệp châu Phi này là hiểu rõ thị trường và khách hàng, từ đó giúp họ có khả năng thực sự đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Đó là một cái gì đó đang ngày càng phát triển trong mọi lĩnh vực.
Có “giết chết” Chính sách châu Phi của nước Pháp không?
Trung Quốc tăng gấp đôi đầu tư của mình vào châu Phi. Đối với các nước châu Phi, trong đó có nhiều nước trong một thời gian dài là đối tác chủ chốt của Trung Quốc, Bắc Kinh trở thành một đồng minh cần phải “có… để thay thế Pháp. Như vậy, liệu Bắc Kinh có trở thành một đồng minh của châu Phi gây bất lợi cho Pháp không? Chính sách Châu Phi của nước Pháp” có nguy cơ bị đe dọa bởi sự có mặt hùng hậu của Trung Quốc ở châu lục hay không? Trả lời phỏng vấn tạp chí “Đại Tây Dương”, ông Philippe Hugon, Giám đốc nghiên cứu thuộc Viện quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS), không loại trừ khả năng đó, nhưng nói thêm rằng không phải Trung Quốc không có trở ngại.
Hỏi: Tại Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) vừa qua, Bắc Kinh thông báo tăng gấp đôi khoản đầu tư vào châu Phi lên 20 tỷ USD. Chính sách “Châu Phi của Trung Quốc” mở rộng liệu có nghĩa là mối quan hệ ưu đãi giữa Pháp và nhiều nước châu lục sẽ kết thúc không?
Trả lời: Trung Quốc là đối tác kinh tế hàng đầu của châu Phi và từ nay, nước này vượt qua Pháp với tư cách là nhà cung cấp hàng đầu của châu lục. Báo cáo mới đây của Hải quan Pháp cho thấy châu Phi nhập khẩu ngày càng nhiều hàng Trung Quốc hơn và như vậy là bất lợi cho Pháp. Về con số, thị phần xuất khẩu của Pháp ở châu Phi, nghĩa là lượng hàng xuất khẩu sang châu Phi, giảm từ 16% (năm 2000) xuống còn 9% mười năm sau đó, Đối với Trung Quốc, khuynh hướng diễn ra theo chiều ngược lại, tăng từ 3% lên 12% trong cùng thời kỳ trên.
Ông Laurent Gasnier, Phó Giám đốc Cơ quan thống kê Hải quan Pháp, giải thích các con số này là do bản chất của hàng nhập khẩu vào châu Phi. Các nước châu lục nhập khẩu chủ yếu hàng hóa loại trung bình, có công nghệ trung bình như xe hơi, máy móc, kim loại. Trong tất cả các lĩnh vực này, Trung Quốc quả thực có mặt đông đảo, trong khi Pháp đúng hơn là có vị thế đối với hàng công nghệ cao và lương thực thực phẩm.
Tuy có mối quan hệ chặt chẽ với một số nước châu Phi, song về dài hạn, Pháp có khuynh hướng rút khỏi châu lục này. Sức nặng của đầu tư, sự có mặt về quân sự, tất cả các chỉ số đều đi theo hướng đó. Pháp đã đa dạng hóa các cuộc can thiệp trên thế giới, cho dù vẫn có các mối quan hệ ưu đãi, đặc biệt với các nước nói tiếng Pháp.
Trái ngược với động lực của Pháp, một số nước mới trỗi dậy, cụ thể là Trung Quốc, nhưng cả Ẩn Độ hay Brazil, đổ xô vào châu Phi, Có thể thấy Trung Quốc giống như những kẻ cạnh tranh không trung thực: các vấn đề tham nhũng, không tôn trọng điều kiện môi trường, có thể tạo thuận lợi cho các tổ hợp Trung Quốc đối mặt với các tổ hợp của Pháp. Bouygues hay Bolloré chắc chắn đã mất một số hợp đồng vì những lý do đó. Total cũng phải đối mặt với tình hình này. Các tổ hợp viễn thông cũng đấu với nhau, như France Telecom phải tiến hành một cuộc cạnh tranh mới. Việc các nước châu Phi đa dạng hóa đối tác đã làm thay đổi tình thế. Lợi ích của các nước mới nổi đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên mà châu Phi nắm giữ, chắc chắn tạo thuận lợi cho tăng trưởng của châu Phi.
Nhưng trên thực tế, toàn bộ đầu tư của Trung Quốc cũng tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp Pháp ở châu Phi. Các lĩnh vực thực sự có cạnh tranh về thị phần không nhiều. Viện trợ của Pháp không liên quan đến các hợp đồng ký với các doanh nghiệp Pháp. Sự có mặt của các đối tác mới như vậy có diễn ra, nhưng không ảnh hưởng gì đến lợi ích của Pháp.
Hỏi: Phương pháp và phương tiện được Trung Quốc sử dụng để duy trì mối quan hệ với châu Phi liệu có thích hợp với những gì mà Pháp thực hiện không?
Trả lời: về cơ bản, mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi giống với những gì diễn ra ở Pháp cách đây ba chục năm: đó là mối liên hệ chặt chẽ trong lĩnh vực chính trị, mối liên hệ nhà nước tư nhân không gắn với nạn tham nhũng trên diện rộng. Tất cả không quá liên quan đến tình hình môi trường và xã hội.      
Hiện nay, viện trợ của Pháp đã được đa phương hóa rất nhiều và phụ thuộc vào nhiều điều kiện bó buộc của châu Âu. Paris ngày càng dựa vào các tổ chức khu vực hơn là vào các nhà nước. Pháp cũng làm việc nhiều với các tổ chức phi chính phủ. Chính sách viện trợ của Trung Quốc không có các công cụ đó mà chỉ hoàn toàn dựa vào mối quan hệ giữa nhà nước với nhà nước. Trung Quốc sử dụng mập mờ cái mà họ gọi là hợp tác, đầu tư vào sản xuất và viện trợ.
Hỏi: Do không có quá khứ thực dân nên Trung Quốc có lợi thế hay yếu thế?
Trả lời: Cả hai và mỗi thứ một tý. Toàn bộ luận thuyết của Trung Quốc là đứng chân được ở các nước Nam, mới trỗi dậy, không có quá khứ thực dân và dựa trên chính sách hai bên cùng có lợi. Nhưng ngoài một cộng đồng kiều dân Trung Quốc nhỏ bé có mặt ở Madagascar và một vài mối quan hệ với một số nước có quá khứ cộng sản như Mali hay Tanzani-a, dưới thời Mao Trạch Đông, Trung Quốc hiểu biết rất ít về châu Phi.
Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều trở ngại lớn. Một phần là về ngôn ngữ vì số người Trung Quốc sống ở châu Phi chủ yếu đến từ nông thôn và không nói tiếng Anh. Tiếng Pháp cũng vậy. Người Trung Quốc phải theo học tại các Trung tâm ngôn ngữ Pháp để hiểu rõ hơn các nước nói tiếng Pháp. Phần khác là trở ngại về văn hóa. Do không hiểu người dân địa phương nên người Trung Quốc thường có thái độ bị coi là đàn anh, coi thường người khác, thậm chí phân biệt chủng tộc.
Hỏi: Pháp có còn con bài nào để sử dụng ở châu Phi đang ngày càng bị Trung Quốc lôi kéo không?
Trả lời: Có. Pháp vẫn giữ được mối quan hệ ưu đãi thông qua Pháp ngữ và có được khối kiến thức khổng lồ về các nước châu lục. Tại một số nước nói tiếng Pháp, người ta đôi khi đặt câu hỏi về những gì đang diễn ra ở Pháp hơn là ở châu Phi, dù chỉ liên quan đến bóng đá chẳng hạn. Tất cả xuất phát từ một lịch sử phức tạp và kéo dài, mặc dù có một số mặc cảm.
Các tổ hợp Pháp cũng ý thức được rằng sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu ở châu Phi sẽ trở thành các thị trường quan trọng. Tất cả những vận hội đó sẽ có lợi cho Pháp, đặc biệt khi doanh nghiệp Pháp hiểu được loại khách hàng này. Hàng hóa cần được thích ứng với nhu cầu. Pháp đã nhiều lần thất bại trong lĩnh vực này: chẳng hạn hãng chế tạo xe hơi Peugeot, sau khi thống trị trong ba chục năm, nay hoàn toàn bị bỏ rơi bởi các loại xe giá rẻ được chế tạo ở Trung Quốc hay Ấn Độ.
Hỏi: Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc liệu có nguy cơ nhấn chìm khả năng đầu tư của Pháp không?
Trả lời: Có, nhưng là theo quan điểm nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn đầu tư của Pháp đều là của khu vực tư nhân. Các công ty đa quốc gia Pháp không phải đối mặt với khó khăn kinh tế. Một số tổ hợp như Total, Bouygues, Bolloré hay France Télécom vẫn có thể đầu tư ồ ạt vào châu Phi và có thể tận dụng được mạng lưới doanh nghiệp vừa và nhỏ làm gia công của Pháp đang có mặt tại chỗ.
Cũng có một số dự án quan trọng được thực hiện dưới dạng hợp tác tay ba giữa đối tác châu Phi, Pháp và Trung Quốc. Total hiện nay hoàn toàn có lợi ích nếu thành lập liên doanh với một số công ty cửa Trung Quốc, France Télécom cũng vậy. Đó là một cách cần được sử dụng để đa dạng hóa hình ảnh, tăng cường khả năng liên minh, chia sẻ kiến thức và tận dụng khả năng đầu tư của các ngân hàng công của Trung Quốc.
Ván cá cược không nên xem nhẹ
Người Trung Quốc có cách nhìn riêng về châu Phi, nhưng không khác nhiều, so với nhãn quan của người phương Tây. Cách nhìn đó cũng chứa đựng nhiều yếu tố trong lịch sử của họ. Cũng giống như người phương Tây, người Trung Quốc đang đi tìm những chiếc gương phản chiếu của chính mình. Đó là nhận xét được nhà văn người Bỉ Lieve Joris đưa ra trên tạp chí “Thế giới” khi bàn về sự có mặt hùng hậu của Trung Quốc ở châu Phi và những thách thức mà nước này phải đối mặt ở châu lục.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi phức tạp, nhưng tích cực hơn nhiều so với những gì mà các nước châu Âu muốn nhìn nhận. Người Trung Quốc do bị kiềm chế bởi các chính sách hạn chế của nước họ, dự tính ồ ạt chuyển sang miền đất hứa mới là châu Phi.
Ở châu Âu, các gia đình lớn nối tiếp nhau sử dụng chung của cải của gia đình và mở rộng doanh nghiệp gia đình, với sự hỗ trợ của các thể chế hợp pháp, từ đó cho phép họ phát triển trước khi tiếp cận được các thị trường tài chính có hiệu quả. Điều này là không thể ở Trung Quốc, nơi các thể chế là không đáng tin cậy và chính sách một con không cho phép các gia đình mở rộng quy mô. Như vậy, khó có thể gây dựng kinh doanh gia đình thịnh vượng khi không có anh chị em, cũng không có nhiều anh chị em họ.
Như vậy, làm sao các gia đình Trung Quốc có thể thỏa mãn được ý muốn phát triển của mình? Cấu trúc hệ thống ngân hàng ở Trung Quốc vẫn còn quá yếu sẽ phải đi một chặng đường dài nữa mới có được một thị trường tài chính hiện đại và phát triển ở nước này. Các gia đình Trung Quốc không còn sự lựa chọn nào khác là tập hợp nhau lại để lập ra các tổ hợp bao gồm nhiều gia đình khác nhau. Hiện tượng đó cũng từng xẩy ra trong các gia đình Do Thái và các bộ tộc khác nhau vì một lý do nào đó, bị phân biệt ở một số nước không có cơ cấu pháp lý đáng tin cậy.
Trong trường hợp Trung Quốc, một giải pháp được tìm ra để thỏa mãn nỗi khát khao được phát triển: đó là châu Phi. Châu lục này được xem là điểm đến lý tưởng đối với hàng triệu người Trung Quốc muốn trốn chạy tình trạng môi trường xuống cấp và tác động tiêu cực của chính sách một con. Sự yếu kém của chính quyền châu Phi với sự thống trị của các hệ thống lãnh đạo di truyền (bộ tộc, nhóm sắc tộc, cộng đồng tôn giáo) khiến cho việc định cư của các tổ hợp gia đình này trở nên dễ dàng hơn ở các nơi khác.
Hiện có hơn một triệu doanh nhân và lao động nhập cư Trung Quốc định cư ở châu Phi. Họ hỗ trợ các tập đoàn lớn, đầu tư vào nhiều dự án phát triển và tiếp tục lập ra các hệ thống buôn bán nhỏ trên toàn châu lục. Tuy nỗ lực như vậy, song lượng vốn đầu tư của số người Trung Quốc này còn chưa đủ để thực sự tạo ra sức đẩy cần thiết cho ngành công nghiệp do quy mô của các nhà đầu tư này còn quá nhỏ bé. Người Trung Quốc đặc biệt yêu thích Ethiopia vì đây là một nước nghèo có lịch sử lâu đời và nền văn hóa rất cổ xưa. Một số nước có chính phủ mạnh, như Angola hay Sudan, cũng được người Trung Quốc ưa thích vì trong trường hợp có vấn đề, nhờ cậy đến một chính quyền vững vàng dường như sẽ giúp vững tâm hơn. Trái lại, người Trung Quốc khó có thể hiểu rằng Nigeria, một nước đầy dầu mỏ, lại có thể bị quản lý tồi tệ đến như vậy, khác xa với hình mẫu nhà nước có tổ chức cực kỳ chặt chẽ là nước họ. Hiểu biết châu Phi giúp ích nhiều cho người Trung Quốc ở một nước có khoảng hai chục trường đại học có chương trình trao đổi với các trường đại học ở nước mình.
Theo con số thống kê chính thức, người Trung Quốc xuất thân ở tỉnh Phúc Kiến là những người thành công nhất ở châu Phi, Do có được lợi thế vì từng có mặt trên thị trường Trung Quốc và Đài Loan là nơi họ nhận được đầu tư, họ làm việc có hiệu quả nhất trong việc thiết lập mạng lưới di cư giữa hai châu lục.
Như vậy, bế tắc đối với doanh nghiệp Trung Quốc là có thực và có tính cấp bách. Mặc dù tình hình kinh tế và địa chính trị thúc đẩy người Trung Quốc ồ ạt đổ đến châu Phi, song lý do về dân số lại bức bách hơn. Chính vì vậy, người Trung Quốc cần đến châu Phi, không phải để phát triển thịnh vượng mà đơn giản chỉ để sống được. Đối với người Trung Quốc, châu Phi không phải là một thuộc địa trong tương lai (người ta không thể nghĩ đến chuyện người Trung Quốc tìm cách áp đặt nền văn hóa của mình cho người châu Phi nếu không có lòng tin, như các nước phương Tây đã làm), mà là miền đất hứa duy nhất để tiếp tục công việc kinh doanh của mình.
Từ năm 1999, quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi không ngừng được cải thiện. Điều đó giải thích tại sao từ đó đến nay một số lớn người Trung Quốc di cư đến các nước châu Phi để xây dựng cuộc sống mới và thực hiện các dự án kinh doanh mới. Năm 2009 ít nhất 750.000 người Trung Quốc có thể đã sang sống và làm việc tại châu Phi. Nhiều người trong số đó làm việc trong lĩnh vực xây dựng, dầu mỏ, đường sắt hay viễn thông. Ước tính trao đổi kinh tế giữa Trung Quốc và 45 nước châu Phi (trong đó chủ yếu là Zambia, Zimbabue, Sudan, Algeria, Nigeria, Kenya, Tanzania, Nam Phi) lên tới 115 tỷ USD và con số này tăng khoảng 44%/năm theo đánh giá của tờ “Daily Telegraph ” (Anh). Trung Quốc cần có nguồn tài nguyên thiên nhiên ở châu Phi như dầu thô (70%), nguyên liệu (15%), còn châu Phi cần đến Trung Quốc như một trong những nhà đầu tư chính vào châu lục.
Theo bà Solange Guo Chatelard, nhà nghiên cứu nhân chủng học xã hội thuộc Max Planck Institute (Đức), ở châu Phi, Trung Quốc được nhìn nhận đúng hơn là một đối tác đáng tin cậy và đặc biệt là có hiệu quả, cho dù mối quan hệ giữa các nước châu lục và người khổng lồ Trung Quốc là phức tạp. Tầm quan trọng mà Trung Quốc xác định đối với các nền kinh tế châu Phi trước hết là một cơ hội và một lời hứa hẹn. Bà Solange Chatelard cho rằng hiện nay còn quá sớm để sự thần kỳ kinh tế Trung Quốc được coi là một câu chuyện thành công hay để xác định xem các nước châu Phi đã săn sàng., có quan tâm hay có khả năng đi theo con đường đó không, cho dù đây là lần đầu tiên kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc, nhân dân các nước Algeria và Angola có được một giải pháp sinh động để thay thế khối các nước tài trợ phương Tây.
Mặt khác, bà Solande Guo Chatelard đặt câu hỏi: sự có mặt về kinh tế được tăng cường của Trung Quốc ở châu Phi liệu có phải là tin tốt lành cho châu lục không? Trong khi có một số ý kiến cho rằng Trung Quốc là đối tác trong thế kỷ 21 đối với phát triển châu Phi và chất xúc tác duy nhất đối với tăng trưởng ở châu lục, một số ý kiến khác có tính phê phán hơn, lo ngại Trung Quốc sẽ trở thành một cường quốc thực dân mới, cướp bóc tài nguyên thiên nhiên và làm trầm trọng thêm nạn tham nhũng và tình trạng bất công ở châu Phi.
Trên thực tế, đối với Trung Quốc, ở châu Phi, không phải tất cả đều màu hồng. Người Trung Quốc đến châu Phi vào thời điểm mối quan hệ giữa châu lục này và phương Tây bị phong tỏa: đáng lẽ phải đặt điều kiện và giúp đỡ, họ lại đến với một ý thức nhất định về sự phiêu lưu, để đến những nơi không ai dám đến, và phát minh ra một mối quan hệ song phương mà người châu Phi đã bắt đầu phải than phiền.
Trung Quốc đầu tư mạnh vào nông nghiệp châu lục với việc thành lập 20 trung tâm nghiên cứu cho phép các nước châu Phi cải thiện năng lực sản xuất. Nhưng khi Chính phủ Cộng hòa dân chủ Congo cho công ty ZTE International của Trung Quốc thuê hàng nghìn hécta đất không sử dụng, phản ứng tiêu cực đã nhanh chóng nổ ra. Oxfam, một tổ chức từ thiện Anh, và nhiều tổ chức khác cho đó là “chiếm đoạt đất đai”. Theo một công trình nghiên cứu của Standard Chartered Bank (Anh), lời cáo buộc này có thể là quá mức. Nhưng tác giả một số công trình nghiên cứu khác cho rằng về dài hạn, Trung Quốc có thể tìm cách sản xuất và nhập khẩu nhiều lương thực hơn nữa từ châu Phi. Về phần mình, Ngân hàng Thế giới không loại trừ khả năng, với tiềm năng của châu Phi đang nắm giữ tới 60% đất không được trồng trọt của thế giới, có thể Trung Quốc sẽ tiếp tục nhòm ngó các vùng đất canh tác ở đây.
Thêm vào đó là những lời phê phán ngày càng mạnh đối với sự có mặt ngày càng tăng và đôi khi hung hãn của Trung Quốc ở châu Phi, Nhiều tiếng nói ở châu lục tố cáo chất lượng hàng Trung Quốc và cho rằng giá hàng rẻ là nguyên nhân khiến các ngành công nghiệp địa phương sụp đổ. Comatex và Batexd, hai doanh nghiệp dệt may lớn ở Mali, bị tác động mạnh bởi vải giá rẻ nhập từ châu Á. Tờ “The Economist” nhấn mạnh đến việc hàng trăm nhà máy dệt bị phá sản ở Nigeria vì không thể cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến việc Chính phủ Tanzania quyết định cấm người Trung Quốc bán hàng Trung Quốc tại các chợ ở nước mình, Người Trung Quốc được hoan nghênh nếu họ đến đầu tư, nhưng không được dang tay chào đón nếu họ đến để buôn bán hay đánh giầy. Chủ tịch Hiệp hội sản xuất đồ gỗ Zimbabue, Neil Brace, cảnh báo Quốc hội nước mình rằng nhập khẩu đồ gỗ Trung Quốc sẽ làm tê liệt ngành công nghiệp này ở trong nước.
Các nhà đầu tư và thương nhân Trung Quốc cũng vấp phải vô vàn thách thức khác ở châu Phi, Sự khác biệt về văn hóa giữa người Trung Quốc và người bản xứ, trong đó có hàng rào ngôn ngữ, thường gây ra căng thẳng xã hội. Tình trạng thiếu hạ tầng ở châu Phi gây phương hại tới hoạt động của doanh nghiệp địa phương, ở một số nước, mất điện thường xuyên đẩy chi phí sản xụất lên cao và chính sách áp dụng đối với doanh nghiệp lại không nhất quán. Chính phủ các nước châu Phi có thể sẽ tăng thuế nhằm khắc phục phần nào tình trạng ngân sách thâm hụt. Phần lớn các nền kinh tế châu Phi vẫn còn yếu và dễ bị tác động bởi các cú sốc của nền kinh tế thế giới.
Trung Quốc hy vọng giảm căng thẳng xã hội bằng cách lấp đầy chiếc hố ngăn cách thông tin. Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã đã tăng số phân xã ở châu Phi lên con số 20. Dịch vụ China Africa News được thực hiện từ năm 2008 để đưa tin về châu Phi và Trung Quốc từ nguồn châu Phi Trung Quốc và phương Tây. Đầu năm 2012, China Central Televisión (CCTV) thành lập trạm phát sóng hải ngoại đầu tiên tại Nairobi (Kenya). Chiến lược của kênh này là tuyển mộ một vài trong số các nhà báo giỏi nhất của châu Phi để thực hiện phóng sự về châu Phi phục vụ khán giả của khoảng 170 nước. Pang Xinhua, nhà sản xuất của kênh CCTV, khẳng định Trung Quốc thông tin hàng ngày về châu Phi và bình luận theo hướng tích cực. Nhưng bà Yu Shan Wu, nhà nghiên cứu thuộc Viện các vấn đề quốc tế Nam Phi, nhận xét cách làm đó xuất phát từ động cơ lớn hơn nhiều của Trung Quốc: giới thiệu theo hướng tích cực nền văn hóa và những giá trị của mình. Đối với bà Wu, đây là một bước đi mới của Trung Quốc trong lĩnh vực truyền thông ở châu Phi.
Hoạt động của Trung Quốc ở châu Phi, theo ông David Shinn cựu Đại sứ Mỹ tại Burkina Faso và Ethiopia, khiến các nước phương Tây quan ngại. Chính sách không can thiệp của nước này vào công việc nội bộ của các nước châu Phi và cách tiếp cận trực tiếp về viện trợ giúp Trung Quốc trở nên hấp dẫn hơn so với các nhà tài trợ phương Tây với viện trợ thường kèm theo điều kiện cải thiện nhân quyền và dân chủ. Khi còn là Ngoại trưởng Mỹ, bà Hilary Clinton cũng từng cảnh báo về “chủ nghĩa thực dân mới ở châu Phi và cho rằng đến châu Phi, khai thác tài nguyên thiên nhiên ở đây trả tiền cho các nhà lãnh đạo sở tại rồi ra đi, là việc quá dễ dàng. Tờ “The Guadian (Anh) còn nhìn nhận cách hành xử của Trung Quốc ở châu Phi là một cuộc “tấn công được che giấu”, nhưng các nước châu lục đã hiểu ra thông điệp của bà Clinton và các nhà lãnh đạo đã bắt đầu tỏ ra thận trọng hơn.
Tháng 7/2012, Tổng thống Nam Phi, Jacob Zuma, cảnh báo tình trạng mất cân đối hiện nay trong trao đổi thương mại là không thể chấp nhận được. Hàm ý ông muốn nói đến khuynh hướng của châu Phi chỉ xuất nguyên liệu sang Trung Quốc và chỉ nhập hàng công nghiệp Trung Quốc giá rẻ với khối lượng lớn. Cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc về châu Phi, Maged Abdelaziz, nhấn mạnh đến sự cần thiết đối với các nước châu lục phải có chiến lược để kiểm soát mối quan hệ với những người khổng lồ kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.
Tháng 6/2011, thương lượng diễn ra tại Nam Phi để hợp nhất ba tổ chức thương mại vùng (Cộng đồng Đông Phi, Thị trường chung miền Đông và miền Nam châu Phi, Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi) thành một khu trao đổi mậu dịch tự do bao gồm 26 nước với Tổng sản phẩm quốc nội cộng lại lên tới 1.000 tỷ USD. Khu vực này có thể cho phép châu Phi nói lên tiếng nói của mình một cách mạnh mẽ hơn trong các cuộc thương lượng.
Tương lai của mối quan hệ Trung Quốc-châu Phi ra sao? Theo báo cáo “China Return to Africa ”, sự tham gia của Trung Quốc vào phát triển ở châu Phi được nhiều người nhìn nhận là tích cực mặc dù có mối quan ngại trong một số giới ở châu Phi. Các tác giả báo cáo này kết luận tình hình như sau: hợp tác giữa Trung Quốc và châu Phi sẽ được tăng cường và chừng nào châu Phi còn cần đến các khoản đầu tư khổng lồ của nước ngoài để phát triển, Trung Quốc còn có lý do để hiện diện ở châu lục.
Tuy nhiên, cũng đã có một bài học đối với Trung Quốc, nước coi châu Phi là yếu tố chủ chốt trong chiến lược phát triển kinh tế của mình, với minh chứng là các sự kiện ở Libya. Các cuộc cách mạng trong thế giới Arập khiến đông đảo kiều dân nước ngoài phải rời khỏi châu Phi, trong đó có người Trung Quốc. Chỉ riêng ở Libya đã có tới 29.000 người Trung Quốc phải hồi hương. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã phải ngừng hoạt động ở đây, khiến đầu tư của nước này tại châu Phi phần nào giảm sút, Zheng Wei, Giám đốc Trung tâm rủi ro và bảo hiểm trường Đại học kinh tế Bắc Kinh cho rằng không loại trừ khả năng Trung Quốc phải tính tới rủi ro chính trị thế giới và đó là một bài học quan trọng đối với chính phủ nước này.
Từ 10 năm trở lại đây, đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi tăng với tốc độ chóng mặt. Liệu các cuộc nổi dậy của dân chúng ở châu lục có làm rối loạn mối quan hệ này không? Trên thực tế, nếu như các cuộc nổi dậy trong thế giới Arập khiến Trung Quốc lo lắng vì sợ ngọn lửa có thể sẽ lan đến tận cửa ngõ nước mình, mối lo ngại là có thực trên thực địa. Theo bà Solange Guo Chatelard, không nên coi nhẹ ván cá cược chính trị và kinh tế trong mối quan hệ Trung Quốc-châu Phi. Hiện Trung Quốc đang theo dõi sát sao tình hình khủng hoảng ở châu Phi, nhưng vẫn giữ nguyên ý định duy trì mối quan hệ tốt đẹp với đối tác lớn của mình là châu Phi. Về phương diện kinh tế, tương lai của Trung Quốc và châu Phi khó có thể tách khỏi nhau. Vấn đề còn lại là xem tác động của các cuộc cách mạng ở châu Phi đến tương lai đó như thế nào,/

No comments: