Kế hoạch của Trung Quốc nhằm tăng cường sáng kiến OBOR ở châu Phi diễn ra không chỉ ở trong một thế giới hậu Brexit, mà còn trong bối cảnh nước Mỹ vừa có một chính quyền mới, đứng đầu bởi ông Donald Trump, người hầu như chưa hề đề cập đến bất kỳ chính sách đối ngoại nào đối với châu Phi. Đây là cơ hội quý giá để Trung Quốc tăng cường thúc đẩy sáng kiến này tại Châu Phi.
Mới đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 8/1/2017 đã bắt tay thực hiện điều mà đã trở thành truyền thống trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc – khởi động năm mới bằng chuyến viếng thăm chính thức đến châu Phi. Kể từ năm 1991 đến nay, có tới 5 ngoại trưởng Trung Quốc đã thăm châu Phi trong các chuyến công du nước ngoài đầu tiên của họ mỗi năm.
Trong chuyến công du 5 ngày của mình trong năm nay, ông Vương Nghị đã thăm 5 nước châu Phi gồm Madagascar, Zambia, Tanzania, Cộng hòa Congo và Nigeria. Trung Quốc và châu Phi chia sẻ các quan hệ song phương kể từ những năm 1950, dựa trên câu chuyện về đấu tranh cùng nhau nhằm chống chủ nghĩa đế quốc. Kể từ đó đến nay, mối quan hệ này đã phát triển mạnh mẽ với việc Trung Quốc trở thành một trong những nhà tài trợ lớn nhất – cả về lĩnh vực tài chính lẫn cơ sở hạ tầng – cho khu vực châu Phi hạ Sahara. Nhưng các số liệu cho thấy phần lợi đang nghiêng về phía Trung Quốc. Tính đến năm 2013, khoảng 70% các khoản tài trợ của Trung Quốc được dành để phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Phi.
Trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2014, cả Trung Quốc lẫn châu Phi đã trải qua một số trở ngại trong quan hệ song phương. Trung Quốc lẽ ra đã xây dựng nhiều sân vận động, sân bay, bệnh viện, đường cao tốc và các đập thủy điện ở khắp châu Phi, nhưng các dự án này đã khiến nhiều nước châu Phi lâm vào cảnh nợ nần, đối mặt với các xung đột về môi trường cũng như các cuộc đình công của người lao động. Thực sự, trong một bài viết được đăng trên tờ Thời báo Tài chính năm 2013, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nigeria Lamido Sanusi đã cáo buộc rằng đầu tư của Trung Quốc ở khu vực châu Phi hạ Sahara có vẻ như là một hình thức “đô hộ”, xét về cả quy mô lẫn kiểu cách. Và điều quan trọng hơn cả là Bắc Kinh cũng bị lên án là đã kéo lùi nền kinh tế châu Phi đang tăng trưởng do chỉ tập trung theo đuổi các nguyên liệu thô, chứ không chú trọng vào tạo công ăn việc làm cũng như thiết lập các thị trường địa phương.
Trung Quốc cũng trải qua nhiều giai đoạn khó khăn trong nỗ lực của họ tăng cường sức ảnh hưởng ở châu Phi. Vào năm 2014, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đã cảnh báo các mối quan hệ thương mại không cân xứng của châu Phi với Trung Quốc dường đang trở nên “không còn phù hợp trong dài hạn”. Tại Zambia, vào năm 2015, chính phủ nước này đã phải giành quyền kiểm soát một mỏ đồng của Trung Quốc sau nhiều phàn nàn về tình trạng bóc lột lao động ở đây. Cùng năm đó, Tổng thống Botswana Ian Khama cũng đã kêu gọi giảm bớt việc ký kết các hợp đồng mới với các công ty Trung Quốc, viện dẫn chất lượng xây dựng kém cũng như tình trạng các dự án thường bị trì hoãn.
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi sau đó Trung Quốc đã nhận thấy sự cần thiết phải khởi động lại một cách nghiêm túc chính sách đối ngoại của nước này đối với khu vực châu Phi hạ Sahara. Trong các chuyến công du cấp cao đến lục địa này từ năm 2014 đến 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đặt nền móng cho một chương trình nghị sự vốn tập trung nhiều hơn vào khía cạnh đa phương nhằm cam kết với các nhà lãnh đạo châu Phi rằng, ngoài các khoản viện trợ về cơ sở hạ tầng, chính sách của Trung Quốc ở châu Phi giờ đây sẽ bao gồm cả sự hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, bảo vệ môi trường cũng như giảm bớt tình trạng đói nghèo – toàn bộ các lĩnh vực mà các nhà lãnh đạo châu Phi cho là đã bị Bắc Kinh làm ngơ bấy lâu nay.
Chính sách mới của Bắc Kinh tiếp đó đã được Chủ tịch Tập Cận Bình bổ sung tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai của Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) tổ chức ở Johannesburg vào tháng 12/2015. Tại Hội nghị này, ông Tập Cận Bình đã công bố một khoản viện trợ trọn gói 60 tỷ USD cho châu Phi, bao gồm thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, các dịch vụ tài chính, phát triển xanh, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phúc lợi công cộng, y tế công, tiến hành trao đổi giữa nhân dân với người dân hai bên, cũng như thúc đẩy hòa bình và an ninh.
Trong chuyến công du đến châu Phi lần này, Ngoại trưởng Vương Nghị đã xem xét để tận dụng những thành công liên quan đến Hội nghị thượng đỉnh nói trên, với nhiều điều tích cực đã diễn ra trong năm 2016, chẳng hạn như việc khai trương tuyến đường sắt Addis Ababa-Djibouti, những tiến triển trong việc xây dựng tuyến đường sắt Mombasa-Nairobi, cũng như việc phát triển các khu công nghiệp và đặc khu kinh tế.
Đặc biệt, Trung Quốc đang thúc đẩy các nước châu Phi tham gia sáng kiến “Một vành đai, một con đường” (OBOR). Sáng kiến OBOR được Trung Quốc đề xuất lần đầu tiên vào năm 2013, với mục đích xây dựng một mạng lưới thương mại và cơ sở hạ tầng nối châu Á với châu Âu và châu Phi, dựa theo các lộ trình thương mại của Con đường Tơ lụa cổ đại. Về mặt chính thức, OBOR nhấn mạnh 5 lĩnh vực hợp tác: 1) Phối hợp các chính sách phát triển; 2) Xây dựng các mạng lưới phương tiện và cơ sở hạ tầng; 3) Củng cố các dòng chảy thương mại và đầu tư; 4) Thúc đẩy hợp tác về tài chính; và 5) Làm sâu sắc những trao đổi về văn hóa và xã hội.
Việc Trung Quốc lựa chọn châu Phi tham gia sáng kiến OBOR là do vào thế kỷ thứ 14, các đội tàu hải quân của Trung Quốc đã từng đặt chân đến bờ biển phía Đông của châu lục này, mà cụ thể là đất nước Kenya ngày nay. Thực sự, trong khi Kenya là trung tâm cho sáng kiến OBOR của Trung Quốc ở châu Phi, các dự án khác cũng sẽ được tiến hành ở Bizerte (Tunisia), Dakar (Senegal), Dar es Salaam (Tanzania), Djibouti (Djibouti), Libreville (Gabon), Maputo (Mozambique) và Tema (Ghana).
Một ví dụ điển hình cho mạng lưới rộng lớn này là cảng Bagamoyo ở Tanzania. Việc xây dựng cảng này, với nguồn tài trợ của Trung Quốc và Oman, đã được bắt đầu vào năm 2016. Một khi hoàn thành, Bagamoyo dự kiến sẽ trở thành cảng biển lớn nhất ở châu Phi, có khả năng tiếp nhận lượng hàng hóa lớn gấp 20 lần so với cảng Dar es Salaam. Nhờ tiếp cận được tuyến xe lửa ở hành lang miền Trung cũng như tuyến xe lửa TAZARA, đồng thời có tuyến đường cao tốc chạy song song nối Bagamoyo với Tuyến cao tốc Uhuru-Zambia, kế hoạch này nhằm xây dựng Bagamoyo trở thành một trụ cột chiến lược trong sáng kiến OBOR cũng như Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc ở châu Phi, nối Bagamoyo với các nước Đông Phi khác, trong đó có Mozambique, Malawi, Zambia, Cộng hòa Dân chủ Congo, Burundi, Rwanda, Uganda, Kenya, Nam Sudan, Comoros, Madagascar và Seychelles.
Đối với châu Phi, đây là một bước đi đáng hoan nghênh. Lý do ở đây là khá đơn giản – một châu lục đang thiếu trầm trọng các khoản viện trợ và hệ thống cơ sở hạ tầng sẽ luôn đánh giá cao sự quan tâm của một siêu cường đang trỗi dậy, đặc biệt là khi sự quan tâm này lại đi kèm với những khoản tiền lớn và có rất ít điều kiện kèm theo. Việc này đang diễn ra bất chấp thực tế rằng một số điểm nóng kinh tế mới nhất của thế giới hiện đang nằm ở khắp khu vực châu Phi hạ Sahara, và rằng các nền kinh tế Đông Phi đã ổn định do sự gần gũi của những nước này đối với Các tuyến đường kết nối trên biển (SLOC) quan trọng ở Ấn Độ Dương.
Đối với Trung Quốc, sự tham dự của những nước như Madagascar trong sáng kiến OBOR đầy tham vọng sẽ là điều mang tính sống còn. Là hòn đảo lớn nhất ở châu Phi, và là nước có các mối liên hệ trực tiếp với Con đường Tơ lụa cổ đại, Madagascar là một sự mở rộng tự nhiên cho Con đường Tơ lụa thế kỷ 21 mà Trung Quốc đang ấp ủ. Thực sự, Tổng thống Madagascar Hery Rajaonarimampianina đang ca ngợi nước ông là cửa ngõ để thông qua đó Con đường Tơ lụa hiện đại có thể tiếp cận châu Phi. Tanzania, mà nhà lãnh đạo nước này đã có cuộc gặp với ông Vương Nghị vào ngày 9/1, cũng đã tuyên bố ý định của họ muốn trở thành một đầu cầu để sáng kiến OBOR tiếp cận châu Phi.
Chuyến thăm châu Phi của Ngoại trưởng Vương Nghị đã kết thúc vào ngày 12/1, nhưng các kết quả của chuyến thăm này là đầy hứa hẹn, không chỉ cho sự tiến triển của sáng kiến OBOR ở châu Phi, mà còn làm sâu sắc thêm các quan hệ của Trung Quốc với châu lục này. Kế hoạch của Trung Quốc nhằm tăng cường sáng kiến OBOR ở châu Phi diễn ra không chỉ ở trong một thế giới hậu Brexit, mà còn trong bối cảnh nước Mỹ vừa có một chính quyền mới, đứng đầu bởi ông Donald Trump, người hầu như chưa hề đề cập đến bất kỳ chính sách đối ngoại nào đối với châu Phi. Điều chắc chắn hiện nay là một cơ hội địa chính trị quý giá đang mở ra cho cả Bắc Kinh và khu vực châu Phi hạ Sahara.
Narayani Basu là nhà báo tự do với quan tâm đặc biệt về chính sách đối ngoại của Trung Quốc, an ninh khu vực Đông Á và ngoại giao tài nguyên tại Châu Phi và Nam Cực. Bài viết được đăng trên South Asia Monitor.
Văn Cường (gt)
No comments:
Post a Comment