PGS.TS ĐINH CÔNG TUẤN
Đặt vấn đề
Mấy năm qua, thế giới đã chứng kiến những bất ổn và biến động khôn lường, từ khủng hoảng kinh tế đến bạo lực khủng bố, khủng hoảng di cư , ly khai biệt lập, đối đầu ngoại giao, an ninh quân sự… với quy mô và cấp độ chưa từng thấy kể từ sau chiến tranh thế giới thứ II đến nay. Rõ ràng, trật tự thế giới thay đổi sâu sắc, với xu hướng bất ổn ngày càng gia tăng. Trong đó, nổi bật lên sự cạnh tranh khốc liệt về chiến lược toàn cầu của tam giác Nga – Mỹ - Trung. Bài viết này sẽ cố gắng luận giải những đối sách của Nga trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc hiện nay.
1. Trật tự thế giới mới sau chiến tranh lạnh
- Sau chiến tranh thế giới thứ II (1939 - 1945), nhữngquyết định của hội nghị Yanta về những vấn đề quan trọng của thế giới đã trở thành nền tảng cơ sở cho việc thiết lập một trật tự thế giới mới, được gọi là trật tự hai cực Yanta. Hai nước đứng đầu hai cực là Mỹ và Liên Xô, đại diện cho hai hệ thống xã hội đối lập nhau là Tư bản chủ nghĩavà Xã hội chủ nghĩa. Trong đó, trật tự hai cực Yanta đã phản ánh hiện thực mới của thế giới sau chiến tranh, đó là sự phân chia khu vực ảnh hưởng và sự cân bằng quyền lực giữa hai siêu cường Mỹ và Liên Xô trong quan hệ quốc tế.
- Với bản chất chế độ chính trị khác nhau, hai siêu cường Mỹ - Xô đã nhanh chóng chuyển từ Liên minh chống phát xít trở thành đối địch nhau, mỗi siêu cường đã tập hợp chung quanh mình các đồng minh để thiết lập nên hai hệ thống TBCN và XHCN. Đó là trật tự haicực Yanta, và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, các trật tự quốc tế, thế giới lại được phân đôi với hai siêu cường hùng mạnh bằng cuộc “chiến tranh lạnh” căng thẳng, chạy đua vũ trang ráoriết với khối liên minh chính trị - quân sự liên tiếp ra đời. Thế giới luôn bên bờ vực của cuộc chiến tranh hủy diệt và đã diễn ra các cuộc chiến tranh cục bộ mà thực chất là sự đối đầu giữa hai phe, hai hệ thống, như cuộc chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên (1950 – 1953), cuộc chiến tranh của 3 nước Đông Dương chống đế quốc Mỹ là cuộc chiến tranh cục bộ lớn nhất giữa hai phe (1954 – 1975). Tuy đối đầu nhau quyết liệt, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau (chạy đua vũ khí hạt nhân, chạy đua kinh tế dưới tác động khoa học – kỹ thuật) mà hai siêu cường Mỹ - Xô đã thực hiện chiến lược phòng ngự, các nước lớn như Anh, Pháp, đều mong muốn tránh hết sức phải đụng đầu trực tiếp với các nước lớn. Do đó, thế giới trong trật tự này đã diễn ra nhiều xu hướng: đối đầu và hòa hoãn, đấu tranh và hợp tác.
- Trong nhữngnăm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90, những biến đổi chính trị to lớn đã diễnra ở Liên Xô và Đông Âu. Công cuộccải tổ ở Liên Xô do Goocbachov khởi xướng đã phạm phải những sai lầm nghiêm trọng, gây ra sự hỗn loạn về chính trị. Ngày 21/12/1991, Liên Xô tuyên bố giải thể, 15 nước cộng hòa trở thành các quốc gia độc lập. Công cuộc cải tổ ở Liên Xô đã tác động xấu đến tình hình chính trị, kinh tế ở Đông Âu. Các nước phương Tây đã lợi dụng tình hình khó khăn ở Liên Xô , Đông Âugây ảnh hưởng về kinh tế, chính trị ở khu vực này. Cùng với những sai lầm quan trọng trong đường lối cải tổ ở Đông Âu, kết quả đã dẫn đến sự sụp đổ của chế độ CNXH ở các nước Đông Âu. Trật tự hai cực Yanta đã tồn tại gần nửa thế kỷ (1945 - 1991) không còn nữa. Cục diện thế giới và quan hệ chính trị quốc tế đã thay đổi về cơ bản, dẫnđến hình thành trật tự thế giới mới và tập hợp lực lượng mới. So sánh lực lượng trên bình diện toàn cầu, từ chỗ cân bằng giữa hai hệ thống chính trị - xã hội đối lập, chuyển sang trạng thái mất cân bằng có lợi cho Mỹ và phương Tây. Xuất hiện trật tự thế giới mới: “Nhất siêu (Mỹ), đa cường, đa trung tâm”.Và tình hình quốc tế đã không phát triển một cách hòa bình, ổn định như người ta mong đợi. Sự đối đầu Đông Tây và hệ tư tưởng, chính trị, quân sự, kinh tế… đã từng chi phối đời sống quốc tế suốt nửa thế kỉ chiến tranh lạnh, nay đã chuyển hóa dưới hình thức khác, và nổi lên những mâu thuẫn mới. Sự vận động của những mâu thuẫn này sẽ quyết định đến diện mạo của trật tự thế giới và xu hướng phát triển của quan hệ quốc tế sau chiến tranh lạnh:
Trước hết, đó là mâu thuẫn giữa các nước lớn xung quanh việc thiết lập một trật tự thế giới mới. Mỹ vẫn tuyên bố về một trật tự thế giới đơn cựcdo Mỹ đứng đầu, lãnh đạo thế giới. Nhưng trên thực tế, đã không diễn ra theo ý muốn của Mỹ. Liên Xô tan rã, nhưng Liên bang Nga vẫn tiếp tục tồn tại và tiềm lực quân sự kế thừa Liên Xô, không phải là một cường quốc bại trận để chấp nhận một trật tự thế giới do Mỹ sắp đặt. Các trung tâm kinh tế, các cường quốc khu vực như Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản, đã không ngừng lớn mạnh và luôn tạo cho mình một vị thế đáng kể để chia sẻ quyền lực, chi phối đời sống chính trị thế giới. Cuộc khủng bố 11/9/2001 là một đòn choáng váng, thúc đẩy mạnh mẽ hơn mưu tính thiết lập trật tự đơn cực do Mỹ đứng đầu. Mỹ đã lợi dụng cuộc chiến chống khủng bố để thành lập “liên minh chống khủng bố” nhằm tập hợp lực lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành trật tự thế giới mới do Mỹ đứng đầu. Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh ở Afganixtan (10/2001), cuộc chiến tranh ở Iraq (3/2003) nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược lâu dài bá chủ thế giới. Chủ nghĩa đơn phương của Mỹ đã vấp phải sự chống đối quyết liệt của các nước lớn như Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức… và của các nước nhỏ trên thế giới. Và thế giới đều mong muốn xây dựng một “trật tự thế giới đa cực”. Trong thế giới đa cực đó, các mâu thuẫn như mâu thuẫn lợi ích dân tộc, mâu thuẫn về sắc tộc, tôn giáo, mâu thuẫn về hệ tư tưởng, mâu thuẫn giữa các nước tư bản phát triển với các nước đang phát triển… vẫn tồn tại, với những biểu hiện mới, đã tác động đến chiều hướng phát triển của quan hệ quốc tế sau chiến tranh lạnh[1].
2. Chiến lược toàn cầu của các nước lớn hiện nay
2.1. Mục tiêu chiến lược và quan hệ giữa các nước lớn hiện nay
Hiện nay, mục tiêu chiến lược toàn cầu của Mỹ vẫnkhông thay đổi. Đó là tiếp tục xác lập một trật tự thế giới một cực do Mỹ lãnh đạo. Còn các nước Liên minh châu Âu (EU) mong muốn xây dựng trật tự thế giới đa cực, EU sẽ từng bước giảm dần sự lệ thuộc vào Mỹ kể cả an ninh và kinh tế. Nhưng EU vẫn ra sức củng cố, mở rộng NATO và EU để xây dựng một châu Âu không chia cắt, dân chủ, hòa bình, ổn định, vững mạnh cả về kinh tế, chính trị, an ninh. Mục tiêu chiến lược toàn cầu của Nga là mong muốn tiếp tục xây dựng thế giới đacực, xác lập lại vị thế cường quốc của mình như thời Liên Xô, thực hiện thành công chiến lược về chính trị, an ninh, quân sự, kinh tế… nhằm phục hồi ảnh hưởng quốc tế đã từng có và phát triển kinh tế ổn định, vững vàng, bảo đảm an ninh, toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Mục tiêu của Trung Quốc là khẳng định vị thế cường quốc khu vực vàthế giới, phát huy ảnh hưởng chính trị, kinh tế, quân sự trên phạm vi khu vực và trên toàn thế giới, muốn trở thành siêu cường lãnh đạo thế giới trong thế kỷ XXI.
Hiện nay, tamgiác Mỹ - Nga – Trung có tầm ảnh hưởng và chi phối đến cục diện chiến lược toàn cầu và sự phát triển của thế giới. Vì thế, nó được ví như “thế chân vạc”, trong đó, mỗi cường quốc được coi như một chân vạc, quan hệ giữa các cực trong tam giác, giữa các chân trong chân vạc đó, vừa nương tựa vào nhau, vừa cạnh tranh với nhau. Quan hệ phức tạp đó vừa thỏa hiệp, vừa cạnh tranh, kiềm chế nhau gay gắt. vì lợi ích quốc gia, và vì mục tiêu chiến lược của riêng nước mình. Nó được thể hiện ở một số đặc điểm như sau:
Thứ nhất: thế chân vạc “không cân xứng” (“tam giác” không đều)
- Trong thời kỳ trước chiến tranh lạnh, Mỹ và Liên Xô là hai siêu cường có mục tiêu chung cùng chống chủ nghĩa phát xít, vì vậy cả Mỹ và Liên Xô đều phải hợp tác với nhau để chống lại cuộc chiến tranh do phát xít gây ra. Họ là đồng minh, thân thiết, chi phối mọi mối quan hệ với các nước khác, trong đó có Trung Quốc.
- Trong thời kỳ “chiến tranh lạnh”, giai đoạn đầu Liên Xô và Trung Quốc cùng là đồng chí trong hệ thống các nước XHCN, nên họ hợp tác chặt chẽ với nhau cùng chống Mỹ. Nhưng từ giai đoạn 1960 – 1961 trở đi, Trung Quốc chống Liên Xô, vì cho rằng Liên Xô theo chủ nghĩa xét lại, đã hợp tác với Mỹ. Giai đoạn này, tam giác Liên Xô – Mỹ - Trung luôn xuất hiện tình thế “nhất biên đảo” (ngả sang một bên), Trung Quốc ngả sang Mỹ, chống Liên Xô.
- Thời kỳ “sau chiến tranh lạnh”, Liên Xô và Đông Âu tan rã, Mỹ - Nga – Trung là tam giác không đều. Nga yếu đi, quan hệ Mỹ - Trung tăng cường mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, quân sự, an ninh. Nhưng đến những năm gần đây, quan hệ 3 nước Mỹ - Nga – Trung đã có những thay đổi, xuất hiện xu thế vừa hợp tác, vừa đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Cặp quan hệ Mỹ - Trung đang thân thiết, nồng ấm đã chuyển dần sang vừa hợp tác, vừa đấu tranh quyết liệt. Cặp Mỹ - Nga từ ấm áp (giai đoạn 1991 – 2012) đã chuyển sang căng thẳng, đối đầu quyết liệt. Và cặp quan hệ Mỹ - Trung lại nồng ấm, thân thiết hơn.
- Như vậy là, những sự kiện kinh tế, chính trị, quân sự xảy ra trên thế giới thời gian qua thể hiện những biến đổi sâu sắc trong cục diện chiến lược quốc tế nói chung, cục diện chiến lược trong tam giác Mỹ - Nga – Trung nói riêng. Đó là: siêu cường Mỹ đang suy giảm, hai cường quốc Nga, Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ. Tuy suy giảm, nhưng thực lực của Mỹ vẫn mạnh hơn hẳn Nga, Trung Quốc. Tính về GDP, chi phí cho quốc phòng, những điều Mỹ đã tạo dựng cho nền kinh tế, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo… Mỹ vẫn ở đẳng cấp cao hơn hẳn Nga và Trung Quốc, để đuổi kịp Mỹ, cả Nga và Trung Quốc còn phải mất nhiều thập kỷ nữa. Trong tương lai gần, xu hướng trật tự thế giới “nhất siêu, đa cường” đang chuyển dần sang “đa cực”, tuy vậy, Mỹ vẫn giữ vai trò nổi trội trong các công việc quốc tế.
2.2. Chiến lược toàn cầu của cặp tam giác Mỹ - Nga – Trung
2.2.1. Chiến lược toàn cầu của Mỹ
Sau chiến tranh thế giới thứ II, Mỹ đã triển khai chiến lược toàn cầu với tham vọng làm bá chủ thế giới. Chiến lược đó được thực hiện qua nhiều chiến lược cụ thể, dưới tên gọi các học thuyết khác nhau.
a) Mục tiêu chiến lược toàn cầu của Mỹ là:
- Ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới tiêu diệt các nước xã hội chủ nghĩa.
- Đàn áp phong trào giải phóng dân tộc và phong trào công nhân quốc tế
- Khống chế, nô dịch các nước đồng minh của Mỹ.
b) Chính sách cơ bản: dựa vào sức mạnh Mỹ (thực lực)
c) Mỹ đã triển khai nhiều học thuyết cụ thể qua các giai đoạn như sau:
- Năm 1947: học thuyết Truman với chiến lược “ngăn chặn”
- Năm 1953: học thuyết Aixenhao và chiến lược “trả đũa ào ạt” (đánh trả ngay) … quân phiệt hóa nước Mỹ, tìm cách “lấp chỗ trống” sau khi Pháp thất bại ở Đông Dương năm 1954, Anh thất bại ở Trung Cận Đông 1957.
- Năm 1961: học thuyết Kenơdi với chiến lược “phản ứng linh hoạt”
- Năm 1969: học thuyết Nicxon với chiến lược “ngăn đe trên thực tế”
- Năm 1981: Học thuyết Rigân với chiến lược “đối đầu trực tiếp”, chạy đua vũ trang.
- Năm 1993: Bilclinton triển khai chiến lược “cam kết và mở rộng”: mềm dẻo nhưng vẫn thiên vị với Israen và duy trì căn cứ quân sự và quân đội ở Nhật Bản, Hàn Quốc…
- Từ năm 2001 – 2008: Tổng thống Bush (con) thi hành chính sách cứng rắn. Sau sự kiện 11/9/2001, Bush đã thi hành chiến lược “vượt trên ngăn chặn và phòng vệ”, áp dụng sức mạnh quân sự nhằm tái cấu trúc an ninh thế giới theo lợi ích quốc gia của Mỹ.
Học thuyết của Bush gồm 4 trụ cột chính: (1) Bành trướng dân chủ, (2) Chủ nghĩa đơn phương, (3) Quyền bá chủ của Mỹ, (4) Đe dọa và chiến tranh ngăn chặn. Trụ cột thứ nhất cho thấy sự lan tỏa nền dân chủ Mỹ đến các quốc gia bằng con đường bạo lực như gây ra cuộc chiến tranh xâm lược ở Afganixtan, Iraq. Trụ cột thứ hai chính là khả năng tấn công đơn phương của Mỹ để thúc đẩy lợi ích quốc gia. Trụ cột thứ ba ám chỉ đến chủ nghĩa bá quyền của Mỹ để thúc đẩy lợi ích quốc gia. Trụ cột thứ tư liên quan đến chiến lược “đánh đòn phủ đầu”, với chiến lược này, Mỹ có thể “bắn mũi tên trúng hai đích”: 1) Tiến hành tấn công hay chiến tranh vào kẻ thù nhằm tiêu diệt khả năng kẻ thù tấn công nước Mỹ trong tương lai, (2) Ngăn cản các quốc gia khác có ý định xâm hại bá quyền của Mỹ bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD).
Trong suốt 8 năm cầm quyền (2001 – 2008) của nhiệm kỳ tổng thống Bush, nước Mỹ đã dồn sức vào hai cuộc chiến tranh hao người tốn ở Afganixtan và Iraq này. Nhưng khi mà hai cuộc chiến tranh này đã đi qua và tình hình đã dần ổn định trở lại, thì người Mỹ bắt đầu cảm thấy mệt mỏi về những gì mà hai cuộc chiến tranh đem lại. Ông Obama sở dĩ giành chiến thắng trong cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ năm 2008 và đã đưa ra những lời cam kết mạnh mẽ về việc rút quân khỏi Afganixtan và Iraq, đồng thời tập trung vào nền kinh tế trong nước để giải quyết hậu quả mà 2 cuộc chiến ở Trung Đông đã gây ra cho nền kinh tế Mỹ.
Từ năm 2009 đến nay: tổng thống Obama đã đưa ra học thuyết Obama với chiến lược toàn cầu mới. Mỹ vẫn khẳng định vai trò lãnh đạo thế giới, là siêu cường số 1. Tuy nhiên, Mỹ cũng phải thừa nhận một mình Mỹ không thể tự mình đối phó với các thách thức xuyên quốc gia, mà phải gắn với lợi ích và an ninh của cộng đồng quốc tế. Vì vậy, Mỹ tuy vẫn bảo lưu quyền hành động đơn phương trong những trường hợp cần thiết, nhưng đã nhấn mạnh hơn vào sử dụng các biện pháp “sức mạnh mềm”, “quyền lực thông minh”, tăng cường ngoại giao đa phương và can dự để giải quyết các vấn đề an ninh của chính mình. Tổng thống Obama chủ trương tiếp tục xây dựng hình ảnh một nước Mỹ “thân thiện và ít đáng sợ hơn” so với chính sách “đánh đòn phủ đầu” của người tiền nhiệm. Đây có thể là những định hướng chung, mở đầu cho sự điều chỉnh chiến lược toàn cầu của Mỹ, khi mà môi trường chiến lược quốc tế đã thay đổi và được thể hiện trên các bình diện sau:
1) Hướng tới châu Á – Thái Bình Dương
Với ý tưởng: “một phần quan trọng của lịch sử thế giới trong thế kỷ XXI sẽ được viết lên ở châu Á”, Mỹ đãquyết định chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á – Thái Bình Dương. Để thực hiện ý tưởng này, những năm gần đây, Oa-sinh-tơn chủ trương chuyển thêm các nguồn lực sang châu Á, thông qua tăng cường triển khai các lĩnh vực chủ chốt, như: gia tăng các chuyến thăm ngoại giao cấp cao tới khu vực; tăng cường triển khai lực lượng quân sự và các cuộc tập trận; thúc đẩy hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), v.v. Trong đó, Mỹ đặc biệt quan tâm tới các nước ASEAN và coi đó là một trong những nhiệm vụ có tầm quan trọng hàng đầu. Mỹcam kết sẽ tiếp tục tăng cường sự hiện diện tích cực và lâu dài tại khu vực với các mục tiêu nhất quán, như: không cho phép nước nào làmbá chủ tại khu vực; không để bị loại ra khỏi Đông Nam Á bởi một cường quốc hoặc một liên minh; bảo đảm tự do lưu thông hàng hải; bảo vệ quyền lợi mậu dịch và đầu tư của Mỹ; ủng hộ đồng minh và các nước bạn bè; truyền bá dân chủ, nhân quyền và tự do tín ngưỡng; không để khu vực trở thành căn cứ của chủ nghĩa khủng bố. Bên cạnh đó, Mỹ còn xúc tiến một loạt biện pháp nâng cao quan hệ với ASEAN nhưthực hiện đối thoại cấp cao, đẩy mạnh đầu tư và hợp tác về kinh tế, quốc phòng. Mỹ ưu tiên cho Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương triển khai quân ở “tuyến trước”; thúc đẩy quan hệ đồng minh ổn định với Thái Lan, Phi-líp-pin; làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác với Xin-ga-po; phát triển các mối quan hệ chiến lược mới hoặc toàn diện với In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a, v.v.
Với Trung Quốc, Mỹ điều chỉnh quan hệ theo hướng: vừa “can dự tích cực”, vừa tìm cách kiềm chế Bắc Kinh. Song, sự nghi kị và thiếu lòng tin giữa hai bên vẫn là nhân tố có thể gây mất ổn định. Trên thực tế, cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn tránh đối đầu, giữ ổn định quan hệ nhằm thực hiện những mục tiêu chiến lược của mỗi bên. Tuy nhiên, gần đây, trong vấn đề Biển Đông, quan điểm của Mỹ đã có sự thay đổi đáng kể, từ chỗ tuyên bố không đứng về bên tranh chấp nào, nay chuyển sang phê phán Trung Quốc và coi những hành động bồi đắp đảo nhân tạo trái phép của Bắc Kinh ở Biển Đông là “mối đe dọa đối với an ninh khu vực và tự do hàng hải quốc tế”. Chính giới Mỹ cho rằng, nhìn chung, chính sách của chính quyền Tổng thống B. Ô-ba-ma đối với Trung Quốc trong những năm qua, đãcó điều chỉnh và đãkhông mang lại hiệu quả, làm tăng thêmvị thế của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên trường quốc tế.
Với các nước Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản,…Mỹ đãđiều chỉnh ngày càng rõ rànghơn. Trong đó, định hướng hợp tác quốc phòng Mỹ – Nhật Bản (năm 2015) không chỉ củng cố liên minh hai nước, mà còn là sự thỏa hiệp để Nhật Bản sửa đổi hiến pháp, nhằm gia tăng vai trò toàn cầu về quân sự của nước này.
2) Tiến thoái lưỡng nan ở châu Âu
Cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ucraina cho thấy, Mỹ vẫn xúc tiến điều chỉnh chiến lược theo hướng gia tăng kiềm chế Nga, khống chế châu Âu, dưới ảnh hưởng của Mỹ. Tuy nhiên, sự kiện Crưm sáp nhập vào Nga đã đẩy chính quyền Obama vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nghĩa là vừa muốn xoay trục sang châu Á, vừa muốn bảo trợ an ninh châu Âu. Theo giới phân tích, chính cách thức mà Nga đối phó với Mỹ và phương Tây đã buộc Mỹ phải hoạch định lại chính sách theo hướng: giành sự quan tâm nhiều hơn cho châu Âu, nhất là tăng cường sức mạnh cho tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhằm đối phó với Nga. Hơn nữa, việc chiến lược an ninh quốc gia (năm 2015) của Mỹ xác định Nga là một nguy cơ đe dọa tới an ninh quốc gia của Mỹ và đồng minh đã chứng minh cho xu thế này. Theo đó, Mỹ và phương Tây sẽ củng cố thế đứng ở Ucraina, thúc đẩy Hiệp định liên kết giữa Ucraina, Gruzia, Moldova với EU, mở rộng hoạt động và vai trò của NATO ở châu Âu nhằm siết chặt vòng vây với Nga. Các nhà quan sát cho rằng, chính cuộc khủng hoảng Ucraina là cái cớ để Mỹ và phương Tây cân nhắc việc tăng ngân sách quốc phòng, cũng như đóng quân vĩnh viễn và triển khai thêm các hệ thống vũ khí hạng nặng tại một số nước Đông Âu.
3) Tiếp tục đẩy nhanh chiến lược Đại Trung Đông
Nội dung cơ bản trong điều chỉnh chiến lược của Mỹ ở Trung Đông là chuyển từ chấp nhận nguyên trạng sang tích cực can dự dưới chiêu bài: “thúc đẩy kinh tế thị trường tự do và dân chủ, nhân quyền”. Theo đó, Oa-sinh-tơn đã khai thác triệt để tình trạng khủng hoảng kinh tế – xã hội và bất bình đẳng về chênh lệch giàu – nghèo ở các nước, hòng lật đổ các thể chế chính trị lâu năm nhưng không nghe theo sự “chỉ đạo” của Mỹ. Để thực hiện chủ trương đó, Mỹ đã sử dụng mọi biện pháp (kể cả lợi dụng khủng bố) đẩy nhiều quốc gia vào các cuộc xung đột, nội chiến sắc tộc, tôn giáo, nhất là xung đột giữa người Hồi giáo dòng Xi-ai và Xăn-ni. Với các khẩu hiệu: “Đừng bao giờ ngừng chiến”, “Trung Đông có thể tốt hơn”, Mỹ muốn chia nhỏ các quốc gia nơi đây thành các khu vực của bộ lạc thời nguyên thủy để dễ bề quản lý và “Mùa xuân A-rập” được coi là một trong những bước đi của sự điều chỉnh chiến lược này. Cùng với đó
Ngay trong diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ đầu (năm 2009), Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma tuyên bố: “Đã đến lúc nước Mỹ phải phát triển mối quan hệ bình đẳng với Mỹ La-tinh” thay vì tự cho mình có quyền được can thiệp. Đây là sự điều chỉnh chiến lược có tính bước ngoặt đối với khu vực được coi là sân sau của Mỹ. Và bước ngoặt đó đã thực sự diễn ra khi ngày 17-12-2014, lãnh đạo Mỹ và Cu-ba tuyên bố bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Theo đánh giá của giới phân tích quốc tế, sở dĩ Mỹ quyết định bình thường hóa quan hệ với Cu-ba là nhằm cải thiện mối quan hệ với khu vực Mỹ La-tinh – khu vực mà ảnh hưởng của Mỹ đang bị thách thức bởi các thế lực bên ngoài, nhất là Nga và Trung Quốc. Với quyết định đó, Oa-sinh-tơn đã thoát khỏi tình trạng bế tắc về ngoại giao vì việc bao vây, cấm vận đối với Cu-ba đã tạo rào cản lớn trong quan hệ giữa Hoa Kỳ với các nước Mỹ La-tinh. Theo Uây-nơ Xmít, cựu Trưởng Văn phòng đại diện quyền lợi Mỹ tại Cu-ba, Mỹ đã nhận ra một thực tế là, họ đang ở thế bị cô lập và phải lắng nghe những tuyên bố của các nước Mỹ La-tinh, rằng chính sách của Mỹ đã lỗi thời và cần phải thay đổi.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, việc Mỹ thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Cu-ba còn nhằm làm thay đổi cách tiếp cận và chuyển hóa nước này theo quỹ đạo của Mỹ. Điều này được thể hiện khi Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã không ngần ngại khi nói rằng: “những thay đổi công bố ngày hôm nay không nhanh chóng dẫn tới sự thay đổi trong xã hội Cu-ba, nhưng thông qua chính sách can dự, chúng ta không chỉ bảo vệ được các giá trị của Mỹ một cách hiệu quả hơn, mà còn thắp lên ánh sáng của tự do, giúp người dân Cu-ba tự giúp mình khi họ tiến vào thế kỷ XXI”.
5) Ngoài ra, chính sách đối với châu Phi cũng được Oa-sinh-tơn hết sức quan tâm. Lần đầu tiên, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã đích thân chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – châu Phi với hơn 50 nguyên thủ quốc gia tham gia vào năm 2014. Đây là sự điều chỉnh chiến lược đầy tham vọng, mang tính đột phá của Mỹ đối với châu lục giàu tài nguyên và có thị trường lao động, thương mại đầy tiềm năng này. Theo đó, Mỹ đã cam kết đến năm 2018 sẽ đầu tư vào khu vực châu Phi khoảng 33 tỷ USD; trong đó có 12 tỷ USD của Chính phủ Mỹ bổ sung cho sáng kiến “Pao-ơ Át-ri-ca” mà Tổng thống B. Ô-ba-ma đề xuất năm 2013.
Như vậy, trước bối cảnh môi trường chiến lược toàn cầu đang có bước chuyển quan trọng, xuất phát từ tham vọng và lợi ích quốc gia, Chính quyền Mỹ đã, đang có những điều chỉnh chiến lược toàn cầu, dẫn tới bùng nổ mâu thuẫn và xung đột lợi ích với các quốc gia khác, nhất là với các nước lớn. Mặt khác, là siêu cường số 1 thế giới, sự điều chỉnh chiến lược của Oa-sinh-tơn tất yếu buộc các đối tác tương tác của Mỹ phải có sự điều chỉnh chiến lược tương ứng để thích nghi hoặc đối phó; trong đó, do có mâu thuẫn tiềm tàng, nhưng bị ràng buộc về kinh tế nên không loại trừ các nước lớn có thể thỏa hiệp “trên lưng” các nước nhỏ. Dư luận cho rằng, sự điều chỉnh chiến lược toàn cầu của Mỹ trước hết là vì lợi ích của nước này, nhưng cũng có thể là nhu cầu khách quan tại thời điểm mà cấu trúc an ninh toàn cầu đang có bước chuyển quan trọng. Vì thế, sự điều chỉnh đó có góp phần vào xây dựng nền hòa bình, ổn định ở từng khu vực và trên thế giới hay không, vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
2.2.2. Chiến lược toàn cầu của Trung Quốc
Hơn 90 năm qua kể từ khi thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (1921), hơn 70 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1949), mục tiêu chiến lược của Trung Quốc không hề thay đổi, đó là xây dựng Trung Quốc trở thành cường quốc số 1 lãnh đạo thế giới. Từ sau Đại hội 18 ĐCSTQ (2012), TQ đặc biệt nhấn mạnh xây dựng “CHXH đặc sắc Trung Quốc”, với nền tảng lý luận là kiên trì phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng “ba đại diện” của Giang Trạch Dân, quan điểm phát triển khoa học, hài hòa XHCN của Hồ Cẩm Đào. Và hiện nay Trung Quốc đã bổ sung lý luận về việc “phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa”, thực hiện “giấc mộng Trung Hoa” với hai mục tiêu có tính tiêu chí của Tập Cận Bình (2 mục tiêu 100 năm, một là kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ (1921 – 2021) nhằm xây dựng xã hội khá giả toàn diện, và hai là kỷ niệm 100 năm thành lập nước CHNDTH (1949 – 2049) xây dựng thành công nhà nước TQ hiện đại hóa XHCN, văn minh, dân chủ, giàu mạnh, hài hòa.
Trong cuốn sách “Cuộc đua marathon 100 năm: chiến lược bí mật của Trung Quốc thay thế Mỹ làm bá chủ toàn cầu” của tác giả Michael Pillsbury có nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ vượt lên trên tất cả các biện pháp của quyền lực quốc gia, hướng tới Mỹ, một đất nước đáng gờm, ảnh hưởng tiêu cực đến Mỹ và các lợi ích của Mỹ. Trung Quốc đang có phương pháp thực hiện chiến lược “marathon 100 năm” để thay thế Mỹ làm bá chủ toàn cầu, đồng thời áp đặt một trật tự thế giới mới lấy Trung Quốc làm trung tâm.
Để thực hiện chiến lược toàn cầu của mình, Trung Quốc hiện nay đã điều chỉnh chiến lược đối ngoại mới như sau:
(1) Chiến lược đối ngoại của TQ đã thay đổi theo từng giai đoạn của đất nước.
- Sau khi nước CHNDTH ra đời (1949), thập kỷ 50 của thế kỷ XX, TQ thực hiện chính sách đối ngoại “nhất biên đảo” (ngả một bên) (ngả về Liên Xô).
- Đến thập niên 60 (thế kỷ XX) TQ điều chỉnh thành “Lưỡng biên phản” (chống cả hai bên: Liên Xô, Mỹ).
- Bước vào thập niên 70 (thế kỷ XX), TQ chuyển sang chính sách “Nhất điều tuyến” ( một tuyến).
- Thập kỷ 80, TQ thực hiện chính sách “Độc lập cán” (thực hiện chính sách độc lập tự chủ).
- Sau chiến tranh lạnh thập kỷ 90, TQ thực hiện chính sách đối ngoại mới “tăng cường kết bạn”. Cho đến nay, đường lối đối ngoại “tăng cường kết bạn” ngoại giao bạn bè vẫn được TQ duy trì tiếp tục.
(2) Những điều chỉnh mới trong chiến lược “Ngoại giao bạn bè”
- Đặc trưng chiến lược “Ngoại giao bạn bè” của TQ là:
1) Thực dụng, cùng có lợi
2) Trên cơ sở tự nguyện đôi bên
3) Công khai, không chống nước thứ 3
4) Được thiết lập bằng con đường ngoại giao chính thống
5) Cơ chế vận hành là đối thoại nhiều tầng nấc, xây dựng mô hình hợp tác song phương (nước với nước, bộ ngành địa phương với nhau, các lĩnh vực khác nhau, hình thức: gặp gỡ cấp cao thường kỳ, đường dây nóng, trao đổi…).
6) Khung quan hệ được xác định gồm 4 tầng nấc:
· Tầng thứ nhất: “Mô hình ổn định” chỉ quan hệ hai nước đạt đến trình độ mật thiết, ổn định. Ví dụ: quan hệ TQ với LB Nga.
· Tầng thứ hai: “Mô hình thông thường” chỉ quan hệ mới bắt đầu khởi sắc, chưa có biểu hiện gì đặc sắc. Ví dụ: quan hệ TQ – Canada.
· Tầng thứ 3: “Mô hình có triển vọng”, chỉ mối quan hệ đã được xác lập, nhưng phát triển chưa toàn diện, có nhiều vấn đề cọ xát gay cấn. Ví dụ: quan hệ TQ – Hoa Kỳ.
· Tầng thứ 4: “Mô hình tiềm năng”, chỉ mối quan hệ tương lai có thể xây dựng và phát triển quan hệ tốt trên nhiều lĩnh vực”.
7) Cơ cấu chủ thể trong chiến lược “Ngoại giao bạn bè” của TQ bao gồm 3 bộ phận chủ yếu:
Thứ nhất: “Điểm”, là nói đến quan hệ của TQ với các nước lớn trên thế giới, bao gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc: Hoa Kỳ, Nga, Anh, Pháp, những nước này có ảnh hưởng lớn đến các công việc quốc tế. TQ đặc biệt chú ý phát triển quan hệ toàn diện với các nước lớn, nước trở thành “điểm” cực kỳ quan trọng trong chiến lược “ngoại giao bạn bè” của TQ.
Thứ hai: “Tuyến”, thực chất chỉ “cương tuyến” (đường biên giới quốc gia). TQ chú trọng quan hệ với các nước láng giềng, coi đây là “tuyến” sống còn, an nguy quốc gia.
Thứ ba: “Diện” chỉ TQ xây dựng với tất cả các quốc gia trên thế giới với tinh thần hữu nghị, hợp tác, cùng có lợi.
(3) Những điều chỉnh mới trong chính sách ngoại giao hiện nay, thời Tập Cận Bình lãnh đạo đất nước
- Sau khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình đã tiến hành điều chỉnh rất nhiều về chính sách đối nội và đối ngoại, đáng chú ý nhất là chiến lược, chính sách ngoại giao. Trong kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 12 ngày 5/3/2015, TQ đã đưa ra tiêu đề điều chỉnh ngoại giao mới: “Đẩy mạnh điều chỉnh chính sách ngoại giao láng giềng, thúc đẩy triển khai chiến lược “một vành đai, một con đường”, nội dung đã nêu rõ: “Đi sâu đối thoại chiến lược và hợp tác thực chất với các nước lớn, xây dựng khung quan hệ nước lớn lành mạnh, ổn định. Thúc đẩy toàn diện ngoại giao chu biên (láng giềng mở rộng), xây dựng “cộng đồng vận mệnh chu biên”. Theo đó, TQ sắp xếp thứ tự ưu tiên:
+) “Ngoại giao nước lớn” được đặt ở vị trí đầu tiên
+)“Ngoại giao láng giềng” được đặt ở vị trí thứ hai.
- Trung Quốc đang tính toán xây dựng “chiến lược ngoại giao đại chu biên” cho 10 năm tới, với các nội dung sau: (1) Xác lập điểm ngoại giao “đại chu biên”, (2) Xây dựng nước lớn kiểu mới với Mỹ và 3 nước lớn xung quanh là Nhật, Nga, Ấn Độ, (3) Thống nhất đồng bộ, liên thông ngoại giao láng giềng của 6 địa bàn Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á, Trung Á, Tây Á và Nam Thái Bình Dương, (4) Kết hợp điều phối 4 mặt tư duy ngoại giao láng giềng giữa “đột phá trên biển” với “tích cực Tây tiến”, “đứng vững trong nước” và “triển khai ra ngoài”[5]. Với 4 phương châm: “chân thành, thân thiện, cùng có lợi và “dung” (hài hòa, chi phối, thôn tính).
- Cụ thể, các hướng điều chỉnh ngoại giao mới của TQ là:
+ ) Ở phía Đông Bắc: cạnh tranh mãnh liệt với Nhật Bản với chính sách “nhận diện phòng không”, tranh chấp chủ quyền biển đảo.
Ở phía Đông Nam, đưa cơ sở lý luận đường biên giới lịch sử về “đường lưỡi bò, 9 đoạn”, đưa giàn khoan HD 981 vào vùng biển Việt Nam, xây dựng 7 đảo nhân tạo trên vùng biển của Việt Nam, thách thức an ninh chủ quyền và an ninh hàng hải của các nước láng giềng như Việt Nam, Philippin, Malayxia, Brunei.
+) Ở phía Bắc, tạm thời hòa hoãn với Nga, nhưng vẫn thực hiện âm mưu thôn tính vùng đất Viễn Đông rộng lớn của Nga khi có điều kiện, thực hiện âm mưu mở rộng bành trướng biên giới với Mông Cổ.
+) Ở phía Nam, ấp ủ âm mưu chia rẽ, mua chuộc, thôn tínhcácvùng đất của Myanma, Lào, Campuchia.
+) Ở phía Tây, lôi kéo các nước Pakistan,Nepal, các nước Trung Á(SNG) nhằm chia rẽ với Ấn Độ và Nga.
- Đặc biệt TQ đưa ra sáng kiến mới kết nối Đông – Tây, Á – Âu – Phi bằng chiến lược “Một vành đai, một con đường” (OBAOR), xây dựng Ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), xây dựng khu vực mậu dịch tự do Châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP)
+) Ý tưởng đầu tiên được Tập Cận Bình đề ra chiến lược cùng nhau xây dựng “vành đai kinh tế, con đường tơ lụa” (NSR) được phát biểu tại trường Đại học Natrapaep, Kazastan ngày 7/9/2013.
+) Sau đó đến ngày 3/10/2013, Tập Cận Bình đề xuất trước Quốc Hội Indonexia rằng TQ sẵn sàng cùng các nước ASEAN xây dựng “con đường tơ lụa trên biển thế kỉ 21” (MSR).
+)Tập Cận Bình lại nêu đề nghị nàytại Hội nghị APEC 11/2014,Trung Quốc coi thời điểm ngày ra đời của NSR và MSR được gọi chung là chiến lược “một vành đài, một con đường” (OBAOR).
+)OBAOR chính thức trở thành chính sách quốc gia từ tháng 11/2013 bằng nghị quyết trung ương 3 khóa 18: “Phải xây dựng cơ cấu tài chính tiền tệ mở, đẩy nhanh xây dựng hỗ liên hỗ thông cơ sở hạ tầng với các quốc gia và khu vực xung quanh, thúc đẩy xây dựng “vành đai kinh tế con đường tơ lụa” và “con đường tơ lụa trên biển” hình thành một cục diện mới mở cửa toàn phương vị”.
- Mục tiêu TQ xây dựng chiến lược “một vành đai, một con đường” (OBAOR) là:
+) Chủ động đề xuất mới với tư duy nước lớn, vai trò nước lớn, khát khao thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”, xây dựng TQ là trung tâm địa chính trị - kinh tế toàn cầu, độc chiếm biển Đông, thực hiện đường lưỡi bò.
+)Chống lại “chiến lược xoay trục” của Mỹ, đối trọng với TPP và TTIP của Mỹ, do Mỹ chi phối, lấylạivị trí lãnh đạo số 1 thế giới từ tay Mỹ.
+)Tận dụng yếu tố lịch sử, hơn 2100 năm trước, TQ khởi xướng con đường tơ lụa để khuếch trương thanh thế, mở rộng lợi ích của mình (ngày nay TQ cũng có điều kiện để sử dụng yếu tố lịch sử phục vụ cho chiến lược quốc gia) nhằm phá thế cô đơn, gia tăng ảnh hưởng ra khu vực, thế giới.
+) Nhu cầu thúc đẩy kinh tế, ngăn đà thiểu phát: cầu thị trường, nguồn năng lượng, nguyên liệu, phát triển cân bằng vùng - miền. Cụ thể, TQ sẽ sử dụng những nguyên liệu sản xuất dư thừa trong nước (sắt thép, xi măng, vật liêu xây dựng...) cùng lực lượng lao động dư thừa và đồng nhân dân tệ để chuyển đổi, để xây dựng một vành đai, một con đường, thông qua ngân hàng AIIB.
- Quy mô của “1 vành đai, 1 con đường” (OBAOR):
+) Thế giới sẽ có một khu vực rộng lớn dưới sự khống chế của TQ:
· Một không gian nối liền 3 châu lục Á – Âu – Phi.
· Qua 26 quốc gia và vùng lãnh thổ với dân số 4,4 tỷ người, chiếm 63% dân số thế giới, GDP đạt 21.000 tỷ USD, chiếm 29% GDP toàn cầu, xuất khẩu hàng hóa dịch vụ đạt 23,9% toàn cầu.
+) Hai con đường đều xuất phát từ TQ theo đường bộ và đường biển, hội tụ tại Venise (Ý) tạo thành một vòng tròn khép kín lớn, một hành lang kinh tế dài nhất xuất phát từ TQ, thông qua Trung Á, Đông Nam Á, Nam Á, Tây Á, qua một phần châu Âu, phía Đông đối với vành đai kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, phía Tây đối với vành đai kinh tế châu Âu.
+ ) NSR và MSR chia làm 3 tuyến: (1) Tuyến Bắc: xuất phát từ Bắc Kinh – Nga – Đức – Bắc Âu, (2) Tuyến giữa (Trung): xuất phát từ Bắc Kinh – Tây An – Urumsi – Apganistan – Kazastan – Hungary – Paris, (3) Tuyến Nam: Tuyền Châu – Phúc Châu – Quảng Châu – Hải Khẩu – Bắc Hải – Hà Nội – Kuala Lumpur – Jakarta – Colombo – Calcuta – Nairobi – Athens – Venise.
- Những khó khăn thực thi “một vành đai, một con đường” của TQ:
+) Nội bộ TQ
· Tiềm lực TQ còn hạn chế (kinh tế)
· Nội bộ phân tán, mâu thuẫn xã hội sâu sắc (chính trị)
+)Bên ngoài
· Mỹ và phương Tây gây cản trở
· TQ không có đồng minh chiến lược, các nước láng giềng và trên thế giới đều nghi ngờ giữa nói và làm của Trung Quốc, không đi đôi với nhau, nghi ngờ động cơ bành trướng, thôn tính lãnh thổ của TQ ẩn náu trong sáng kiến mới hiện nay.
· Không có cơ sở pháp lý vững vàng để thực hiện, thiếu cơ chế đảm bảo. Các nước tham gia vì có lợi ích của đất nước họ, nhưng nếu kết quả không đạt được như mong đợi, nhất định các nước sẽ bỏ cuộc giữa đường.
3. Đối sách của Nga trong quan hệ với Mỹ, Trung Quốc
3.1.Chiến lược toàn cầu của Nga
Liên bang Cộng hòa XHCN Xô Viết viết tắt là Liên Xô, được thành lập từ năm 1917 và sụp đổ năm 1991. Trong suốt hơn 70 năm tồn tại, Liên Xô là một siêu cường, đối trọng, đối lập với Mỹ trong trật tự thế giới hai cực Yanta. Sau khi bị sụp đổ, nước Nga đã thay thế vị trí của Liên Xô trên trường quốc tế. Giai đoạn đầu, nước Nga bị khủng hoảng, suy yếu, nên đã chấp nhận xu hướng “ngả sang phương Tây”, mong muốn tìm được sự hỗ trợ của phương Tây, giúp Nga hội nhập nhanh vào hàng ngũ “các nước dân chủ” trên thế giới, giai đoạn Tổng thống Nga Birut Enxim làm tổng thống 1992 – 1998. Nhưng kể từ khi Tổng thống V. Putin đắc cử (2000 – 2008) và 2014 đến nay, Tổng thống V. Putin đã đề ra đường lối đối ngoại mới: từ bỏ chính sách phiến diện nghiêng hẳn về phương Tây, để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, thực dụng, thúc đẩy hình thành trật tự thế giới đa cực. Xây dựng mối quan hệ đối tác “theo tất cả các hướng” để đảm bảo những điều kiện bên ngoài ổn định thuận lợi cho nước Nga phát triển. Thứ tự ưu tiên trong chiến lược đối ngoại của Nga trong nhiệm kì đầu của Tống thống V. Putin là: (1) Các nước SNG, (2) Châu Âu, Mỹ, các nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, nhật Bản…, (3) Các nước châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, (4) Các nước ở châu Phi, châu Mỹ la tinh….
Gần đây, Nga công bố các ưu tiên chiến lược an ninh năm 2016 với thứ tự như sau:
(1) Các quan hệ đối tác như các nước SNG, Abkhazia và Nam Osseatia, Liên minh kinh tế Á – Âu (Nga, Belarus – Cazacstan), Trung Quốc, Ấn Độ, tổ chức hợp tác an ninh Thượng Hải (SCO), Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), khối BRICS (gồm Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil, Nam Phi), (2) Các nước châu Âu, châu Mỹ, NATO, (3) Với khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong có ASEAN và Việt Nam, (4) Châu Phi, châu Mỹ. Nga còn công bố chiến lược “xoay trục” hướng tới châu Á – Thái Bình Dương từ tháng 9/2012, và Trung Đông, hướng chiến lược mới của Nga… nhằm khẳng định sức mạnh toàn cầu của Nga.
3.2. Đối sách mới trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc:
3.2.1. Đối với Mỹ
Nga luôn nhận thức rõ ràng rằng, trong chiến lược toàn cầu của mình, Mỹ luôn coi Nga là kẻ thù tiềm tàng, là đối tượng kiềm chế hơn bao giờ hết.
- Sau chiến tranh lạnh (1991), nước Nga khủng hoảng sâu sắc cả chính trị, kinh tế, xã hội, nên Mỹ đã thực thi chính sách “nới lỏng” với Nga. Mỹ luôn coi Nga là “quốc gia hạng 2”, nên ít kiềm chế, chống phá Nga hơn. Tuy vậy, đến tháng 3/1999, trong cuộc khủng hoảng ở Nam Tư (quốc gia đã ít, nhiều chịu ảnh hưởng lớn của Nga trong không gian Xô Viết), Mỹ đã bất chấp vai trò của Nga, vội vã tiến hành ném bom Nam Tư. Điều đó đã gây ra sự phản ứng quyết liệt của Nga đối với Mỹ. Dẫn đến những quyết định tạm ngừng mối quan hệ của Nga với khối quân sự do Mỹ đứng đầu.
- Những năm đầu thế kỷ XXI, các nước SNG lần lượt xảy ra các phong trào chính trị được gọi là “cách mạng sắc màu” như: “cách mạng hoa hồng” 2003 ở Gruzia, “cách mạng cam” năm 2004 ở Ucraina… Nga đã phê phán Mỹ, cho rằng Mỹ là kẻ chủ mưu lợi dụng tình hình xung đột khu vực, sử dụng chiêu bài cách mạng sắc màu để chống phá các nước Nga và SNG, gây nên tình trạng xã hội bất ổn định và nhân dân bị chia rẽ sâu sắc, gây nên các cuộc đảo chính, chiến tranh huynh đệ tương tàn trong không gian hậu Xô Viết.
- Năm 2008, Mỹ đã âm mưu xúi giục, khuyến khích chính quyền thân Mỹ ở Gruzia tấn công Abkhazia và Nam Osseatia, gây nên cuộc chiến tranh “huynh đệ tương tàn” 5 ngày đêm tại đây. Điều đó buộc Nga phải điều quân đội Nga sang tấn công lực lượng Gruzia để bảo vệ hai vùng đất này. Trong khi đó, Mỹ đã cáo buộc và coi hành động của Nga là xâm lược và coi hai vùng đất này là thuộc chủ quyền của Gruzia.
- Năm 2011, Mỹ đã tiến hành ủng hộ lực lượng đối lập, lật đổ chính quyền của Tổng thống Libi M. Gaddafi, và đã sát hại ông tổng thống Libi. Nga đã lên án hành động can thiệp quân sự này của Mỹ và NATO, những kẻ đã sát hại Tổng thống Gaddafi, đã trực tiếp can thiệp thô bạo vào Libi.
- Năm 2014, Mỹ đứng đằng sau giật dây cho Maidan tiến hành biểu tình, lật đổ Tổng thống Yanocovic của Ucraina, dẫn đến cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở đây. Sau khi Nga sáp nhập Crưm vào lãnh thổ Nga thông qua cuộc trưng cầu dân ý ở Crưm, Mỹ đã áp lệnh cấm vận, trừng phạt Nga. Mỹ còn cáo buộc Nga hỗ trợ cho lực lượng ly khai ở miền Đông Ucraina, gây ra cuộc xung đột mà cho đến nay vẫn là điểm nóng trên trường quốc tế. Sự khủng hoảng Ucraina đã gây ra chia rẽ sâu sắc giữa Nga và Mỹ.
- Trong cuộc khủng hoảng Syria từ năm 2014 đến nay, Mỹ đã lật đổ chính quyền hợp pháp của Tổng thống Syria, ủng hộ các lực lượng đối lập chống lại Tổng thống Syria Assad. Nga coi Tổng thống Assad là nhân tố quan trọng trong tiến trình hòa bình ở Trung Đông, chống lại nhà nước Hồi giáo cực đoan IS. Được sự yêu cầu của Tổng thống Syria Assad, Nga đã tiến hành không kích IS trên đất nước Syria. Điều đó đã được sự đồng tình ủng hộ của nhà nước Syria, nhân dân Trung Đông,
3.2.2. Đối với Trung Quốc
Năm 2016, Nga đã công bố một số ưu tiên chính sách của mình. Nga ưu tiên phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, coi đây là then chốt để bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực, và thế giới.
Điều đó đã được chứng minh bằng sự hợp tác trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, an ninh, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội…hiệu quả giữa hai nước trong giai đoạn qua.
Theo số liệu thăm dò gần đây của Pew, 79% cho rằng người Nga đánh giá tốt về Trung Quốc, 51% người Trung Quốc nói rằng họ yêu quý nước Nga. Sự thắt chặt quan hệ Nga – Trung đã giúp hai nước củng cố vai trò chi phối trung tâm Á – Âu, thông qua dự án “một con đường, một vành đai”, các tổ chức hợp tác kinh tế như BRICS, tổ chức kinh tế, chính trị, quân sự SCO…
Đặc biệt, trong giai đoạn căng thẳng giữa Mỹ và Nga lên đến cao trào (khủng hoảng Ucraina, khủng hoảng Syria), đặc biệt việc Mỹ và phương Tây vẫn tiếp tục bao vây, cấm vận Nga, thì việc hai cường quốc Nga – Trung xích lại gần nhau, cùng nhau chống Mỹ, đã đẩy Mỹ rơi vào tình huống tồi tệ, bất lợi, phá vỡ tam giác chiến lược duy trì trật tự thế giới trong nhiều thập kỷ qua. Việc tái lập quan hệ hiện nay giữa Nga và Trung Quốc là “cơn ác mộng Henry Kissinger”, người cùng Tổng thống R. Nixon trong năm 1971 đã chủ trương bắt tay với Trung Quốc để chống lại Liên Xô. Động thái này đã góp phần vào việc tạo ra một tam giác chiến lược cho Mỹ khi Trung – Xô quay lại chấp nhau.
Tuy nhiên, tình hình hiện nay cũng có chút thay đổi. Thế chủ động đang được đặt trong tay Bắc Kinh, chứ không phải Nga hay Mỹ. Trong bối cảnh hai con hổ Nga – Mỹ đấu nhau, Trung Quốc vươn lên trở thành “ngư ông đắc lợi”.
Trong xu hướng mối quan hệ Nga – Trung vẫn còn có những bất đồng và sự khác biệt về các vấn đề diễn ra trong lịch sử, chủng tộc và cạnh tranh địa chính trị v.v…, hiện nay việc Nga – Trung thắt chặt quan hệ, đã được các nước phương Tây hay dùng các thuật ngữ rất đắt sau đây để mô tả thực chất mối quan hệ đó là “một cuộc hôn nhân giả”, “quan hệ chiến lược kiểu hai mặt của một đồng xu”, “mối tình Nga – Trung đã xuất hiện những vết rạn nứt”, “quan hệ Nga – Trung là bạn, không phải đồng minh”, “Nga coi Trung quốc là kẻ địch tiềm tàng”, “mảng tối trong quan hệ Nga – Trung” v.v… Điều đó muốn nói lên một điều là: mối quan hệ Nga – Trung là mối quan hệ vừa hợp tác, vừa lợi dụng, vừa cạnh tranh, không ổn định lâu dài, không có niềm tin tưởng chiến lược… Bà Phó Oánh, chủ tịch Ủy ban đối ngoại Quốc hội Trung Quốc có bài viết “Beijing and Moscow are close, but not Allies” trên trang Forign Policy 2016 viết rằng: “Một phần dân chúng trong xã hội Trung Quốc hiện nay vẫn còn bức xúc về những điều diễn ra trong lịch sử như nhà Thanh đã để mất đất cho Nga hoàng… Trung Quốc đã phải rút kinh nghiệm khi hai lần “làm đồng minh” với Nga, một lần từ thời phong kiến, một lần trong thời Liên Xô. Đó đều có những hệ lụy và kết quả xấu! Vì vậy, Trung Quốc đã chỉ xác định từ năm 1992 Trung Quốc chỉ là “bạn”, chứ không là “đồng minh”…” với Nga. Rõ ràng, mối quan hệ Nga – Trung không còn niềm tin chiến lược với nhau, luôn nghi kị, khiêu khích…
Những mâu thuẫn Nga – Trung Quốc
1) Kinh tế: Nga thể hiện sự bất mãn với Trung Quốc sau nhiều “hợp tác không chân thành”.
- Nga chỉ trích Trung Quốc đã quá “xét nét” trong việc triển khai hợp tác về ngân hàng trong khi Nga bị Mỹ và phương Tây gia tăng các lệnh trừng phạt về kinh tế. Trung Quốc đã không hoàn thành việc giao dịch và thanh toán qua ngân hàng Trung Quốc. Những thủ tục kéo dài đến nửa tháng, đáng lẽ chỉ nửa ngày là xong. Trung Quốc đòi hỏi quá đáng và không cần thiết về quyền giám sát, thận trọng đối với việc chấp hành lệnh trừng phạt. Trung Quốc đã gây cho Nga những thách thức lớn về tình trạng chậm chễ trong thanh toán cho Nga. Hiệp định hoán đổi tiền tệ hai bên ký năm 2014 không được triển khai tốt đẹp vì nhu cầu của doanh nghiệp hai bên không nhiều.
- Mối quan hệ kinh tế, thương mại hòa hảo Nga –Trung đang có dấu hiệu đi xuống. Quy mô mậu dịch hai nước nửa đầu năm 2015 chỉ đạt 30 tỷ USD, giảm 29% cùng kỳ năm 2014, kém xa kỳ vọng của Nga là 100 tỷ USD. Nga cũng lần đầu tiên rớt khỏi nhóm 15 nước đối tác mậu dịch lớn nhất Trung Quốc.
- Thỏa thuận hợp tác lĩnh vực khí thiên nhiên 400 tỷ USD đang rơi vào tình trạng “sa lầy” do không thể thống nhất được “các chi tiết nhỏ” trên bàn đàm phán. Đúng như PGS.TS Skolkovo Andrei Sharonov, giám đốc trường đại học quản lý Moscow đã nói: “Quan hệ thân mật giữa Nga và Trung Quốc trong bối cảnh hiện tại đa phần xuất phát từ tính toán chính trị hơn là mục tiêu hợp tác kinh tế. Điều này đã dẫn đến việc thành quả hợp tác thu được ít ỏi và yếu ớt hiện nay[2].
2) Chính trị, an ninh:
Nga luôn cảnh giác với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ khu vực Sibiri và vùng Viễn Đông của Nga. Ở khu vực này, số lượng người Hoa đã tăng lên nhanh chóng, cộng với sự phụ thuộc ngày càng tăng của khu vực này vào Trung Quốc khiến Nga luôn cảm thấy đây sẽ là “mối ẩn họa” khiến chính phủ và người dân Nga bất an nhất, đe dọa đến mối quan hệ Nga – Trung trong tương lai.
- Đối với khu vực Trung Á, về truyền thống là không gian chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nga. Nhưng hiện nay, Trung Quốc đang thực hiện chính sách mới với kế hoạch “con đường tơ lụa mới”, sử dụng nhiều tỷ NDT để giúp các nước láng giềng vùng Trung Á và liên minh khu vực phát triển, qua đó gián tiếp hỗ trợ tăng trưởng trong nước và mở rộng sức mạnh mềm của Trung Quốc (làm đường, hợp tác dầu khí, hợp tác kinh tế, quân sự, văn hóa). Mặc dù 4 quốc gia vùng Trung Á cùng với Nga và Trung Quốc đều tham gia tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), nhưng Nga hết sức bất mãn với việc Trung Quốc đã nhúng tay làm tổn thất những lợi ích của Nga ở khu vực này. Trong khi đó, Trung Quốc cũng không hài long với việc Nga đã phát triển mạnh mối quan hệ hợp tác về kinh tế, quốc phòng, an ninh với các nước Đông Nam Á, bao gồm các nước có mâu thuẫn với Bắc Kinh về vấn đề biển Đông. Những động thái của Nga đang xoay trục sang phía Đông, cùng hợp tác với Việt Nam khai thác dầu khí ở biển Đông, cho Việt Nam vay 8 tỷ USD xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đã bán cho Việt Nam những vũ khí hiện đại, như máy bay, tàu ngầm, tên lửa chống tàu… đã khiến cho Trung Quốc lo lắng. Đặc biệt, Nga cùng Việt Nam xây dựng nhà máy bảo dưỡng, sữa chữa các thiết bị quân sự, hải quân ở Cam Ranh, càng khiến Trung Quốc thêm bất án, lo lắng, nó đã động chạm đến lợi ích sống còn của Trung Quốc…
Tóm lại, trật tự thế giới hiện nay đang chuyển dần từ “nhất siêu, đa cường, đa trung tâm” sang “đa cực”. Mỹ vẫn là siêu cường nổi lên mạnh mẽ nhất, Nga phục hồi dần lấy lại địa vị siêu cường như thời Liên Xô trước kia, đã thiết lập lại vị trí của mình qua sự kiện lấy lại Crưm, giải quyết vấn đề khủng hoảng ở miền Đông Ucraina, cũng như cùng với Mỹ có vai trò quyết định trong việc giải quyết khủng hoảng ở Syria. Trung Quốc sau hơn 30 năm cải cách – mở cửa đến nay đã trở thành siêu cường trong khu vực, muốn cùng Mỹ trong vai trò nước lớn mới G2 để giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế. Trong tam giác Mỹ - Nga – Trung hiện nay, Mỹ vẫn mạnh nhất, Nga và Trung Quốc là hai cạnh có vị trí và thực lực thấp hơn Mỹ. Tuy vậy, 3 siêu cường này đang tồn tại trong xu thế vừa hợp tác vừa cạnh tranh, dựa vào nhau để phát triển. Vì lợi ích của quốc gia, các nước tính toán kỹ càng trong bài toán hợp tác, cạnh tranh. Khi thì liên kết với nhau để chống lại nước kia, khi thì cùng hợp tác, cùng cạnh tranh, cùng chống đối nhau quyết liệt.
Tài liệu tham khảo
1. Đinh Công Tuấn, “Điều chỉnh chính sách đối ngoại của Trung Quốc hiện nay”, 17/7/2015, Điều chỉnh chính sách đối ngoại của Trung Quốc hiện nay”, http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhin-ra-the-gioi/dieu-chinh-chinh-sach-doi-ngoai-cua-trung-quoc-hien-nay
2. Khoa quân sự, “Lịch sử quan hệ quốc tế (1919 - 2005), phần 2”, http://quankhoasu.blogspot.com/2012/04/lich-su-quan-he-quoc-te-1919-2005-ts.html
3. Tạp chí Cộng sản, “Nhận thức về quan điểm cục diện thế giới đa cực trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI”, http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Quan-triet-thuc-hien-nghi-quyet-dai-hoi-dang-XI/Noi-dung-co-ban-van-kien/2011/12102/Nhan-thuc-ve-quan-diem-cuc-dien-the-gioi-da-cuc-trong.aspx
4. Nguyễn Quốc Hùng, "Thế giới sau chiến tranh lạnh - Một số đặc điểm và xu thế”, http://dav.edu.vn/en/introduction/history-and-development.html?id=436:so-28-the-gioi-sau-chien-tranh-lanh-mot-so-dac-diem-va-xu-the
5. Vietnamnet, “Trật tự thế giới thay đổi sau một năm bất ổn”, http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/281110/trat-tu-the-gioi-thay-doi-sau-mot-nam-bat-on.html
6. Nguyễn Văn Thành, "Trật tự thế giới mới thế kỷ XXI qua dự báo của một số nhà nghiên cứu", http://nguyenquynhanh-dhan.blogspot.com/2010/10
7. Pháp lý online, “Tam cường Mỹ-Nga-Trung: Sự thực dụng lọc lõi của Bắc Kinh”, http://phaply.net.vn/thegioi/
8. “Sự kiện Crưm sáp nhập Nga chấm dứt trật tự thế giới đơn cực”, http://www.tuyengiao.vn/Home/Quocte/sukienvabinhluanqt/74559/Su-kien-Crum-sap-nhap-Nga-cham-dut-trat-tu-the-gioi-don-cuc
9. "Syria-bước đột phá chiến lược toàn cầu của Nga", http://baodatviet.vn
10. “Quan hệ Nga - Trung: vừa hợp tác vừa cạnh tranh”, http://kienthuc.net.vn
11. Nguyễn Vĩnh Long Hồ, “Nga quay lại biển Đông thành hình “thế chân vạc”: Mỹ - Nga – Hoa”, http://baovecovang2012.wordpress.com/2015
12. “Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ: phép biện chứng tam hùng”, http://vn.sputniknews.com/vietnamese.ruvr.ru/2013_03_27
13. Tạp chí quốc phòng toàn dân, “Tam giác Mỹ - Nga – Trung trong cục diện thế giới “đa cực” hiện nay” , http://tapchiqptd.vn/
14. Nguyễn Hường, “Bình luận: Tam giác Mỹ - Trung – Nga sẽ định hình lại trật tự thế giới?”, http://giaoduc.net.vn/
15. ““Thế chân vạc” địa chiến lược Mỹ - Trung – Nga trong thế kỷ XXI”, http:/lyluanchinhtri.vn/home/index.php/quocte/item/1090/
16. “Những chuyển động mới trong quan hệ Mỹ - Nga – Trung Quốc hiện nay”, http://tapchiqptd.vn/
17. “Tam giác quan hệ Mỹ - Trung – Nga”, http://nghiencuubiendong.vn/
18. “Thế tam quốc ngắn dài ba nước”, http://nguyentandung.org/
19. “Nga điều chỉnh chiến lược chống lại Mỹ?”, http://laodong.com.vn/thegioi
20. “Học thuyết Bush (Bush Doctrine), http://nghiencuuquocte.org/2015
21. “Đôi nét về chiến lược an ninh và đối ngoại của Mỹ hiện nay”, http://tapchiqptd.vn/
22. “Nga, Mỹ tranh hùng, Trung Quốc đắc lợi tại Trung Đông”, http://vnexpress.net/
23. “Chính sách hướng Đông của Nga và tác động đối với Đông Nam Á và biển Đông”, http://nghiencuubiendong.vn/
24. “Sự khác nhau giữa Nga và Mỹ trong chiến lược toàn cầu”, http”//tinmoi.vn/
25. “Chuyên gia Nga: “Đường lưỡi bò” sẽ mang lại sự hủy diệt ở biển Đông”, http://www.viethaingoai.net/
26. “Khủng hoảng quan hệ Nga – Mỹ và các kịch bản”, http://nghiencuubiendong.vn/.
27. “Nga thách thức trật tự thế giới hậu Chiến tranh lạnh”, http://tuoitre.vn/the-gioi/2015/20151225/
28. “Nga – Trung: Quan hệ chiến lược kiểu hai mặt một đồng xu”, http://vietnamnet.vn/vn
29. “Mảng tối trong quan hệ Nga – Trung”, http://www.tinbiendong.com/
30. “Mối tình Nga – Trung đã xuất hiện nhiều rạn nứt”, http://baodatviet.vn/
31. “Nga có ý gì khi xem Trung Quốc là “kẻ địch tiềm tàng?””, http://nguyentandung.org/
32. Minh Thi, “Nga: Trung Quốc là nhân tố quan trọng trong chính sách đối ngoại 2016”, http:/soha.vn/quocte/
33. “Chiến lược “xoay trục” của Nga hướng tới châu Á – Thái Bình Dương”, http://www.thepach.com/
34. “Nga công bố các ưu tiên trong chiến lược an ninh quốc gia 2016”, http://haugiangtivi.vn/
35. “Putin lệnh thay đổi chiến lược an ninh quốc gia”, http://www.avis.com.vn/vn/Tin-The-gioi/
36. An Tuấn Việt (2015):Nhìn lại sự điều chỉnh chiến lược toàn cầu đáng chú ý gần đây của Mỹ, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, ngày 15/12, http://tapchiqptd.vn
----------------------
[1]“Quan hệ quốc tế sau chiến tranh thế giới thứ II đến năm 2005”, http://quanhoasu.blogs-pot.com/2012/04
[2]“Mối tình Nga – Trung đã xuất hiện nhiều rạn nứt”, http://baodatviet.vn
No comments:
Post a Comment