Saturday, July 22, 2017

Năm lý do khiến Mỹ không thể cạnh tranh với Trung Quốc tại Châu Phi

Thay vì cạnh tranh với Trung Quốc ở Châu Phi, Mỹ nên tìm cách khai thác đến mức tối đa những cơ hội mà Mỹ có thể, trong khi yêu cầu Bắc Kinh phải đóng góp cho khu vực này tương xứng với lợi ích và ảnh hưởng lớn hơn của họ tại đó.

Xem nguồn (2014) tại:

- Tiếng Anh: http://nationalinterest.org/feature/five-reasons-why-the-united-states-can%E2%80%99t-beat-china-africa-11094



Châu Phi đang thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ khắp thế giới. Việc Trung Quốc đầu tư sâu rộng vào lục địa này đã đặt Mỹ vào thế bất lợi, khiến Mỹ không thể cạnh tranh với Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ không cần phải làm việc đó, bởi cuộc ganh đua Mỹ-Trung sẽ không được quyết định tại châu Phi. Đầu tháng này, Tổng thống Barack Obama đã mời gần 50 nhà lãnh đạo châu Phi tới Washington D.C dự Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên được tổ chức giữa Mỹ và châu Phi. Là sự kiện lớn nhất giữa một vị Tổng thống Mỹ và những người đứng đầu nhà nước của châu Phi, hội nghị thượng đỉnh này cho thấy những nỗ lực của Chính quyền Obama tái can dự vào châu Phi, một quá trình được khởi động bằng chuyến công du của ông Obama tới châu lục này vào mùa Hè năm 2013. 
Một phần không nhỏ trong chiến lược "xoay trục" sang châu Phi này xuất phát từ mong muốn chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại châu lục này. Trên thực tế, bản thân Tổng thống Obama gần như đã nói rõ điều này. Trong khi tuyên bố rằng châu Phi đã phát triển để lớn mạnh hơn một siêu cường, ông Obama và các quan chức cấp cao của chính quyền đã nhiều lần tìm cách phân biệt sự can dự của Mỹ với sự can dự của Trung Quốc tại châu Phi. Không nêu đích danh Trung Quốc, Tổng thống Obama phát biểu tại hội nghị: "Chúng tôi không nhìn vào châu Phi chỉ vì tài nguyên thiên nhiên; chúng tôi nhận thấy nguồn tài nguyên lớn nhất của châu Phi là con người, cùng với tài năng và tiềm năng của họ. Chúng tôi không chỉ đơn giản là muốn khai thác các loại khoáng sản để phục vụ cho sự phát triển của chúng tôi; chúng tôi muốn xây dựng những mối quan hệ đối tác thực sự nhằm tạo ra công ăn việc làm và cơ hội cho tất cả các dân tộc chúng ta, đồng thời mở ra một thời kỳ phát triển tiếp theo của châu Phi. Đó là một dạng quan hệ đối tác mà Mỹ đề nghị". 
Những nỗ lực của Chính quyền Obama nhằm tái can dự vào châu Phi được đánh giá là có cơ sở, đặc biệt là với những cơ hội phát triển tại các khu vực trong vùng châu Phi Hạ Sahara. Tuy nhiên, có ít nhất năm lý do cho thấy tại sao Mỹ không thể vượt qua Trung Quốc ở châu lục này. 
1. Tụt hậu quá xa 
Lý do đầu tiên giải thích tại sao Mỹ không thể vượt qua Trung Quốc ở châu Phi là bởi vì Mỹ đang nỗ lực vươn lên từ một vị trí quá xa ở phía sau Trung Quốc. Mặc dù mới chỉ vượt qua Mỹ về thương mại với châu Phi vào năm 2009, Trung Quốc đã nhanh chóng thiết lập được một vị thế dẫn đầu nổi trội. Năm ngoái, trao đổi thương mại của Mỹ với châu Phi chỉ dừng ở mức 85 tỷ USD, trong khi thương mại của Trung Quốc với khu vực này đã tăng lên mức 200 tỷ USD. Tương tự như vậy, trong khi Mỹ dành chưa đầy 1% đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của mình cho châu Phi vào năm ngoái, thì Trung Quốc đã dành ít nhất là 3,4% FDI của họ cho khu vực này (cần tính rằng phần lớn FDI của Trung Quốc không được công bố). 
Quan hệ chính trị giữa Trung Quốc và châu Phi cũng gần như liên tục phát triển. Từ năm 2000, Trung Quốc và châu Phi đã tổ chức Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) ba năm một lần. Trong khi đó, không có diễn đàn thường xuyên nào, cho dù chỉ mang dáng dấp như vậy, giữa Mỹ và châu Phi. Và hội nghị thượng đỉnh đầu tiên này cũng không thể thay thế một diễn đàn được thiết lập. Ngoài ra, quan hệ giữa Bắc Kinh và châu Phi không chỉ giới hạn trong phạm vi FOCAC. Ngay trong tháng nhậm chức, Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, đã tới thăm ba nước châu Phi như một phần trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông ở cương vị này. Trong khi đó, ngoại trừ một chặng dừng chân ngắn ở Ghana, cho đến nửa nhiệm kỳ thứ hai của mình, Tổng thống Obama thậm chí đã không tới thăm lục địa này. Tương tự như vậy, trong khi Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn chưa đến châu Phi khi còn tại nhiệm thì Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đến thăm Nigeria, Angola và Kenya chỉ hơn một năm sau khi nhậm chức. 
2. Quan tâm của Trung Quốc ngày càng tăng 
Lý do thứ hai khiến Mỹ không thể cạnh tranh với Trung Quốc ở châu Phi là bởi Bắc Kinh đã mở rộng lợi ích của họ trong khu vực này. Trung Quốc coi châu Phi là cần thiết để đảm bảo nhu cầu ngày càng tăng của họ đối với tài nguyên thiên nhiên, và cũng hy vọng sẽ tăng xuất khẩu hàng hóa thành phẩm cho khu vực này. Đáng chú ý nhất, châu Phi có tầm quan trọng đặc biệt đối với những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn dầu lửa của Trung Đông. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã nhập khẩu 1/3 nhu cầu về dầu lửa của mình từ châu Phi. Nếu kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng ở mức hợp lý, Bắc Kinh sẽ tiếp tục tăng lượng dầu nhập khẩu từ châu lục này. 
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang bận rộn chuẩn bị cho tương lai này. Trong chuyến công du châu Phi hồi đầu năm nay, Thủ tướng Lý Khắc Cường hứa hẹn sẽ tăng gấp đôi giá trị trao đổi thương mại song phương với châu Phi, lên 400 tỷ USD vào năm 2020. Ông Lý cũng cho biết Trung Quốc có kế hoạch tăng gấp bốn lần vốn đầu tư trực tiếp vào châu Phi, lên 100 tỷ USD vào năm 2020 (và một lần nữa, phần lớn FDI của Trung Quốc tại châu Phi được thực hiện mà không được công bố). Trong bối cảnh thua xa so với Trung Quốc trong rất nhiều các chỉ số, Mỹ sẽ phải đẩy mạnh hơn nữa tiến độ cam kết của mình. Chẳng hạn, để có thể cạnh tranh với Trung Quốc về thương mại, Mỹ sẽ phải đẩy nhanh tốc độ lên hơn bốn lần trong vòng sáu năm tới. 
3. Quan tâm của Mỹ ngày càng giảm 
Mức độ quan tâm của Mỹ đối với châu Phi đang suy giảm. Mặc dù chỉ trích Trung Quốc là chỉ quan tâm đến châu Phi vì ở đó có dầu lửa và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, sự quan tâm của Mỹ đối với khu vực này nói chung cũng giống sự quan tâm của Trung Quốc. Theo Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ, khoảng 60% kim ngạch nhập khẩu của Mỹ từ châu Phi là dầu lửa. Các ước tính khác cho thấy có tới hơn 75% kim ngạch nhập khẩu của Mỹ từ khu vực này là các loại tài nguyên thiên nhiên. 
Đây là vấn đề tác động mạnh tới tương lai của quan hệ thương mại Mỹ-châu Phi, nếu xét tới thực tế là nhu cầu của Mỹ đối với dầu lửa của châu Phi đã sụt giảm mạnh. Chỉ riêng trong bốn năm qua, Mỹ đã cắt giảm tới 90% lượng dầu nhập khẩu từ khu vực này. Nếu cuộc cách mạng về năng lượng từ khí đá phiến ở Tây bán cầu vẫn tiếp tục, Mỹ có thể sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu lửa từ châu Phi. 
Ngay cả khi có thể khai thác các cơ hội kinh tế ngày càng lớn tại vùng Hạ Sahara, riêng thực tế này đã cho thấy giá trị trao đổi thương mại Mỹ-châu Phi có xu hướng giảm trong những năm tới. Điều đó thực sự đã trở thành xu hướng của những năm gần đây. Như đã nói ở trên, giá trị thương mại song phương của Mỹ với châu Phi trong năm ngoái chỉ đạt 85 tỷ USD, giảm đáng kể từ mức 125 tỷ USD trong năm 2011. Thương mại giữa Mỹ và châu Phi đang trong xu hướng tiếp tục giảm trong năm nay, với kim ngạch trong năm tháng đầu năm chỉ đạt 31 tỷ USD. Điều này cho thấy khả năng tăng gấp bốn lần giá trị thương mại với châu Phi vào năm 2020 là chuyện viễn tưởng. 
4. Cạnh tranh không lành mạnh 
Lý do thứ tư khiến Mỹ không thể vượt qua Trung Quốc ở châu Phi là do sân chơi không lành mạnh, bởi các doanh nghiệp Trung Quốc có một số lợi thế hơn hẳn so với các doanh nghiệp Mỹ trên thị trường châu Phi. 
Đáng nói nhất trong trò chơi này là sự hỗ trợ mạnh mẽ mà các doanh nghiệp Trung Quốc nhận được từ chính phủ của họ. Do các lợi ích kinh tế của Trung Quốc ở châu Phi có tầm quan trọng chiến lược, Bắc Kinh sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ đáng kể cho các doanh nghiệp của họ (chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước) đang hoạt động ở châu Phi. Kết quả là các công ty này thường có khả năng mua hàng hóa của châu Phi với giá cao hơn giá thị trường, trong khi các doanh nghiệp Mỹ không có khả năng làm như vậy. Nhờ sự hỗ trợ của nhà nước, các doanh nghiệp Trung Quốc thường sẵn sàng đầu tư vào các lĩnh vực có độ rủi ro cao mà các doanh nghiệp phương Tây không thể. 
Bên cạnh việc được nhà nước hỗ trợ, các công ty Trung Quốc ở châu Phi còn có thể mời chào các khoản hối lộ mà thường là rất quan trọng để đảm bảo giành được các hợp đồng lớn trong khu vực. Ngược lại, theo luật pháp Mỹ, các công ty Mỹ bị cấm tham gia các hoạt động như vậy. Cuối cùng, các doanh nghiệp (và cả các quan chức) Trung Quốc thường thức thời hơn người Mỹ về nhu cầu kinh tế của châu Phi. 
5. Mỹ còn có nhiều mối bận tâm khác 
Một sự can dự mạnh mẽ hơn về mặt chính trị từ phía Mỹ sẽ là chưa đủ để vượt qua những bất lợi vốn có về kinh tế. Ngoài ra, bất kỳ nỗ lực nào tăng cường can dự vào châu Phi dường như cũng sẽ bị giới hạn, do chính sách đối ngoại của Mỹ đang mắc phải hội chứng "hoạt động thái quá", và mối quan tâm nhất thời của Mỹ ở châu Phi chính là một trong những triệu chứng của hội chứng này. 
Không có lý do gì để hy vọng điều này có thể thay đổi trong những năm tới, bởi các hoạt động ngoại giao của Mỹ đang tập trung mạnh hơn vào những khu vực khác trên thế giới. Trước tiên, Mỹ vẫn bị ám ảnh bởi các vấn đề của Trung Đông và chủ nghĩa khủng bố. Sự can thiệp gần đây nhất của Mỹ tại Iraq cho thấy mặc dù một Tổng thống Mỹ đã khó nhọc như thế nào để đưa đất nước mình thoát khỏi Trung Đông, khu vực này đã dễ dàng lôi kéo Mỹ trở lại. Xét mức độ bất ổn mà khu vực này có thể phải đương đầu trong những năm tới và những thập kỷ tới, có thể thấy rằng Mỹ có rất ít cơ hội để rũ bỏ nỗi ám ảnh này. Trung Đông không phải mối bận tâm duy nhất của Mỹ. Cuộc phiêu lưu gần đây của Nga ở Ukraine đã làm dấy lên một mối quan tâm mới tại Washington về khả năng xoay trục sang châu Âu. Trên thực tế, các nhà lãnh đạo cấp cao của Bộ Quốc phòng - trong đó có cả Đại tướng Philip Breedlove, Tổng Tư lệnh NATO tại châu Âu và Tư lệnh Mỹ tại châu Âu - đã phát đi tín hiệu cho thấy họ sẽ gửi thêm quân tới châu Âu trong những năm tới. 
Nhìn vào lịch trình của Ngoại trưởng John Kerry, có thể thấy Mỹ sẽ tăng sự chú ý hơn nữa đối với châu Âu, vượt xa sự chú ý mà nước này dành cho châu Phi. Năm ngoái, ông Kerry đã dành một tuần ở châu Phi để đến thăm 5 quốc gia khác nhau, và đã có các cuộc dừng chân chớp nhoáng tại Morocco và Algeria vào cuối chuyến công du châu Âu, và tại Tunisia vào cuối chuyến công du châu Á-Trung Đông. Trong khi đó, năm nay ông Kerry đã thực hiện 14 chuyến thăm châu Âu, tới 10 quốc gia khác nhau và Tòa Thánh Vatican. Ông đã thăm Pháp tới 6 lần, với tổng thời gian dài hơn thời gian ở châu Phi. Ngoài Trung Đông và châu Âu, Mỹ dành gần hết nỗ lực và nguồn lực còn lại cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nói cách khác, Mỹ sẽ không thể có nhiều thời gian dành cho châu Phi. Mức độ quan tâm nhỏ nhoi này có thể chỉ đủ để phục vụ mục tiêu chống khủng bố và can thiệp nhân đạo. Khả năng khai thác các cơ hội kinh tế đang gia tăng tại châu Phi sẽ tiếp tục được đặt xuống hàng thứ yếu. 
Nói tóm lại, cho dù cố gắng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi, Mỹ không thể cạnh tranh với Trung Quốc ở châu Phi. May mắn thay, Mỹ không cần không phải làm việc đó. Cuộc ganh đua Mỹ-Trung sẽ không được quyết định ở châu Phi, và khu vực này là nơi mà các lợi ích của hai nước không triệt tiêu lẫn nhau. Thay vì cạnh tranh với Trung Quốc ở châu Phi, Mỹ nên tìm cách khai thác đến mức tối đa những cơ hội mà Mỹ có thể, trong khi yêu cầu Bắc Kinh phải đóng góp cho khu vực này tương xứng với lợi ích và ảnh hưởng lớn hơn của họ tại đó./. 

No comments: