Thông qua chính sách mới đối với châu Phi
Ngày 12/6 vừa qua, một quan chức cấp cao Đức cho biết, Chính phủ nước này đã thông qua một chính sách mới cho phép định hướng sự can dự của Berlin đối với châu Phi.
Theo Đại sứ Đức tại Zambia Bernd Finke, chính sách mới thừa nhận những thay đổi nhanh chóng của châu Phi trong những năm vừa qua và sự hấp dẫn mới của châu lục này đối với thế giới. Đây là một lục địa đang trỗi dậy.
Mục tiêu quan trọng trong chiến lược mới của Đức là tăng cường quyền sở hữu và sự hội nhập khu vực, cũng như hỗ trợ công tác quản lý, pháp trị, phát triển kinh tế và ngăn ngừa khủng hoảng tại châu Phi. Ngoài ra, chính sách này cũng chú trọng vào vấn đề giáo dục ở các cấp, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
Chính sách mới của Đức đối với châu Phi sẽ vạch ra các phương hướng chính sách mới cho việc Berlin can dự vào châu Phi trong những năm tới, trong đó các ưu tiên là thúc đẩy hòa bình, an ninh và nhân quyền, cũng như chống đói nghèo, tăng cường hội nhập khu vực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư.
Châu Âu trở lại châu Phi - cuộc trở lại chưa muộn?
Vừa qua, hội nghị cấp cao Liên hiệp châu Âu (EU) và Liên minh châu Phi (AU) lần thứ tư với chủ đề "Ðầu tư vào con người, thịnh vượng và hòa bình", diễn ra tại Brúc-xen, Bỉ, đã thu hút sự tham dự của 80 nguyên thủ quốc gia đến từ hai châu lục.
Ðây là lần đầu các nhà lãnh đạo EU muốn có sự chuyển đổi đầy tham vọng từ mối quan hệ "viện trợ" sang "đối tác bình đẳng" về thương mại và đầu tư với "lục địa đen". Ðây cũng là cơ hội lấy lại vị thế của "lục địa già" vốn chậm chân hơn trong cuộc đua của các cường quốc tới châu Phi giàu tiềm năng.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu H.V.Rôm-pơi đánh giá, hội nghị đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ giữa EU và AU với mong muốn phát triển mối quan hệ "đối tác bình đẳng" về thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, đề xuất này của EU được cho là tham vọng khi giữa hai bên chưa có một "sân chơi bình đẳng".
Điều này được lý giải do "Lục địa đen" vẫn cần sự bảo trợ từ EU và chắc chắn giữa "cho và nhận" không tránh khỏi những điều kiện đi kèm. EU đã viện trợ hơn 140 tỷ ơ-rô từ năm 2007 đến 2013, trong đó 18 tỷ ơ-rô của năm 2012 chiếm gần nửa số tiền viện trợ của thế giới dành cho châu Phi.
Ngay trước thềm hội nghị này, EU đã quyết định hỗ trợ 95 triệu ơ-rô cho 16 dự án thuộc chín nước châu Phi nhằm cung cấp nguồn năng lượng cho khu vực nông thôn.
Cùng với sự hiện diện của quân đội Mỹ ở nhiều nước châu Phi, châu Âu cũng không kém phần sốt sắng. EU tuyên bố sẽ dành 800 triệu ơ-rô cho quỹ "Trợ giúp châu Phi" giai đoạn 2014-2016 nhằm giúp tăng cường khả năng phòng, chống và quản lý xung đột.
Tại hội nghị cấp cao lần này, xung đột ở CH Trung Phi trở thành trọng tâm của các cuộc thảo luận. Cuộc khủng hoảng tại quốc gia này là mối quan tâm lớn của EU, bởi châu Âu sẽ phải hứng chịu trước tiên làn sóng tị nạn nếu xung đột gia tăng gây bất ổn ở châu Phi.
Tổng thống Pháp Ph.Ô-lăng-đơ và Thủ tướng Ðức A.Méc-ken đều bày tỏ sẵn sàng phối hợp với AU nhằm chấm dứt bạo lực tại CH Trung Phi. Tổng thống Pháp còn đề xuất thành lập một liên minh hai châu lục nhằm đối phó ba thách thức về an ninh, phát triển và môi trường.
Dù phải đối mặt khủng hoảng nợ, song EU vẫn tỏ ra sẵn sàng mở hầu bao chi 30 triệu ơ-rô trong tổng số 352 triệu ơ-rô cam kết trợ giúp bình ổn tình hình CH Trung Phi. Anh sẽ đóng góp thêm 7,2 triệu ơ-rô cho chương trình viện trợ nhân đạo, nâng tổng số tiền Luân Ðôn tài trợ cho quốc gia châu Phi này lên 27,8 triệu ơ-rô.
Ngay trước thềm hội nghị, EU bắt đầu triển khai khoảng 1.000 binh sĩ tham gia phái bộ gìn giữ hòa bình cùng với khoảng 8.000 binh sĩ AU và Pháp đang có mặt tại CH Trung Phi.
Cùng với sự hiện diện quân sự ở các nước châu Phi khác, châu Âu đang muốn mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi núp dưới các chiến dịch huấn luyện chống khủng bố tương tự chiêu bài của Mỹ.
Với hơn một tỷ dân và giàu tài nguyên thiên nhiên, châu Phi hiện trở thành một "điểm đến" hấp dẫn. Việc Mỹ cũng như các cường quốc mới nổi đang tìm cách "vẽ lại bản đồ ảnh hưởng" ở châu lục này trở thành thách thức lớn đối với "lục địa già".
Tăng cường hợp tác với châu Phi không chỉ giúp châu Âu giành lại thị trường tiềm năng cho hàng hóa mà còn hứa hẹn một nguồn cung nguyên liệu dồi dào. Tuy nhiên, để lấy lại vị trí đã mất, "lục địa già" sẽ phải bước vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt không kém phần cam go trên con đường trở lại châu Phi.
Trung Quốc, Mỹ "chạy đua" tới châu Phi
Trong cuộc đua trở lại "Lục địa già" châu Phi không chỉ có các nước châu Âu, Mỹ mà quan trọng hơn, trong suốt thập niên qua cuộc đua này còn có sự tham gia của Trung Quốc.
Thời kỳ đầu Thế kỷ 21, Trung Quốc giữ thái độ thận trọng với Châu Phi, tính tới năm 2005, đầu tư chỉ khoảng 6 tỉ USD, trong đó đầu tư trực tiếp khoảng 1,5 tỉ USD. Nhưng khi thấy Mỹ và Phương Tây lơ là, nên Trung Quốc bắt đầu ồ ạt thập tự chinh sang Châu Phi, nhất là năm 2006, khi Trung Quốc ban hành “Văn kiện chính sách Châu Phi” và thành lập “Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - Châu Phi” ở Bắc Kinh tháng 11/2006.
Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào thăm 8 nước Châu Phi đầu năm 2007 và mở rộng hầu bao đầu tư vào Châu Phi, như lập “Quỹ phát triển Châu Phi” với 5 tỉ USD để trợ cấp những nước khó khăn, bãi bỏ thuế xuất khẩu từ 190 mặt hàng lên 440 mặt hàng xuất sang Châu Phi, viện trợ 38 triệu USD cho các công trình công ích, như trường học, bệnh viện, trạm y tế phòng bệnh, thuộc chữa bệnh.
Kể từ đó, Trung Quốc đã ồ ạt đầu tư vào 49 nước Châu Phi và đẩy nhanh tốc độ buôn bán với các nước này. Năm 2004, Trung Quốc mới chỉ có 77 công ty ở các nước Châu Phi, nhưng năm 2006 đã tăng vọt lên tới 715 công ty các loại, năm 2010 có hơn 1.600 công ty ở 49 nước Châu Phi với tổng kim ngạch đầu tư trên 50 tỉ USD, nhất là vào khai thác dầu lửa.
Kim ngạch buôn bán Trung Quốc – Châu Phi trong những năm qua đã tăng bình quân hàng năm 30%, năm 2006 đạt 55,5 tỉ USD, tăng hơn 4 lần so với năm 2000 và năm 2010 đạt 127 tỉ USD, năm 2012 tới 200 tỉ USD. Hàng giá rẻ ồ ạt chở sang Châu Phi đổi lại một khối lượng lớn nguyên vật liệu, khoáng sản và dầu lửa ùn ùn chở về Trung Quốc.
Hãng AFP bình luận “Thời đại Trung Quốc” đã bắt đầu ở Châu Phi. Trung Quốc đã thay thế EU và Mỹ để độc chiếm ở Châu Phi và đang “đỏ lên”, trong khi EU và Mỹ “đen tối”.
Mỹ và Phương Tây đã bừng tỉnh, nên “Mùa Xuân Châu Phi” đã dấy lên năm 2011 làm Trung Quốc bị thiệt hại to lớn, nhất là ở Lybi tới gần 20 tỉ USD, ngoài ra Trung Quốc còn bị lên án và tẩy chay khỏi Châu Phi.
Tuy nhiên, ngay sau thất bại năm 2011 khi “Mùa Xuân Châu Phi” nổ ra, Trung Quốc liền lên kế hoạch “tái chiếm Châu Phi” tranh giành với Mỹ. Tại “Hội nghị lần thứ 5 cấp Bộ trưởng Trung Quốc-Châu Phi” ở Bắc Kinh tháng 7/2012.
Trung Quốc quyết định viện trợ 20 tỉ USD cho các nước Châu Phi trong 3 năm tới. Tân Chủ tịch nhà nước Tập Cận Bình cũng vội vã thăm 4 nước Châu Phi ngay khi làm Chủ tịch nước vào trung tuần tháng 3/2013 đê khẳng định sự trở lại của Trung Quốc.
Đồng thời Trung Quốc cũng gấp gáp tiến hành gặp gỡ thượng đỉnh Trung – Mỹ từ 6 -7/6/2013 tại California (Mỹ) sớm hơn dự định 3 tháng so với trước đây để thuyết phục Mỹ không nên lấn sân ở Châu Á và chèn ép Trung Quốc ở Châu Phi.
Cùng với “Chiến lược trở lại Châu Á – Thái Bình Dương”, Mỹ cũng tiến hành “Chiến lược thu hồi và củng cố địa vị” ở Châu Phi.
Xuất phát từ chiến lược này, nên Tổng thống Barack Obama đã tiến hành chuyến thăm ba nước Châu Phi là Senegal, Cộng hòa Nam Phi và Tanzania từ 29/6 tới 3/7/2013 nhằm lấy lại niềm tin của dân chúng châu lục này đối với Mỹ.
Nếu chuyến thăm Châu Phi năm 1998 của cựu Tổng thống Bill Clinton chi cho Châu Phi 42,7 triệu USD, chuyến thăm của cựu Tổng thống Bush năm 2003 và 2006 chi khoản tiền tương tự thì chuyến thăm này của ông Obama tới xấp xỉ 100 triệu USD, đồng thời quyết tâm đẩy kim ngạch buôn bán Mỹ - Châu Phi lên cao hơn nữa thời gian tới trên cơ sở hơn 95 tỉ USD hiện nay.
Ngày 29/6/2013, tuyên bố tại Cộng hòa Nam Phi, ông Obama nói Mỹ không phản đối “Trung Quốc độc chiếm Châu Phi”, nhưng ông mạnh mẽ lên án Trung Quốc chỉ biết vơ vét tài nguyên từ Châu Lục này.
Bình luận về chuyến thăm này của Obama, báo chí Mỹ viết: “Thời đại Trung Quốc ngự trị Châu Phi đã qua rồi”. Các nhà bình luận cho rằng thời gian tới cuộc chạy đua giữa Mỹ và Trung Quốc tới Châu Phi sẽ rất gay gắt chẳng kém gì chạy đua ở Châu Á - Thái Bình Dương.
No comments:
Post a Comment