Sunday, December 11, 2016

TRUNG ĐÔNG: LÀM SAO ĐỂ CHẤM DỨT BẠO LỰC TÔN GIÁO?

Đó là câu hỏi được đánh giá là bức thiết đối với tình hình Trung Đông hiện nay. Ông Moha Ennaji* đã đi tìm câu trả lời trong bài viết trên Project Syndicate, ngày 8/12.Sự phát triển của chủ nghĩa cực đoan, bạo lực và nội chiến ở Trung Đông kể từ sau cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả rập năm 2011 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân và phúc lợi xã hội của nhiều nước trong khu vực. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng các chính phủ ủng hộ hòa bình, kiến tạo thịnh vượng và bảo vệ con người đang là nhiệm vụ vô cùng cấp thiết.

Tâm lý đánh đồng

Tính đến nay, tình trạng bạo lực ở Trung Đông đã khiến khoảng 180.000 người Iraq và 470.000 người Syria thiệt mạng, 6,5 triệu người Syria phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Những người tị nạn này, bao gồm nhiều phụ nữ và trẻ em, thường bị tra tấn trong các nhà tù hay bị lạm dụng trong các trại tạm cư.

Theo Trung tâm Nghiên cứu chính sách Syria, một nửa trong số những người tị nạn là trẻ em và thiếu niên dưới 18 tuổi. Thực tế này được đánh giá là sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực đến sự phát triển của quốc gia Trung Đông này trong tương lai. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ước tính, 2,1 triệu trẻ em đang sống ở Syria và 700.000 em đang tị nạn ở nước ngoài không được đến trường.

Có thể nói, những tổn thất về con người nói trên là biểu hiện của một vấn đề sâu sắc hơn: mâu thuẫn tôn giáo ở Trung Đông, cụ thể là Hồi giáo. Trái với suy nghĩ của số đông, các tín đồ Hồi giáo không cho rằng tôn giáo của họ bản chất đã mang tính bạo lực.

Khi theo dõi tin tức ở phương Tây, người ta dễ hiểu tại sao Hồi giáo lại chịu nhiều sự chỉ trích đến thế. Từ sự tàn bạo của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Iraq, các cuộc tấn công đẫm máu của al-Qaeda cho đến các vụ hành quyết dã man phụ nữ ngoại tình theo luật Sharia ở Afghanistan, bạo lực ở Trung Đông... đều được quy kết cho nguyên nhân tôn giáo. Vì vậy, Hồi giáo thường được nhìn nhận như một mối đe dọa nghiêm trọng.

Tuy nhiên, như nhà triết học Canada Charles Taylor giải thích, nguy hiểm thực sự không phải ở bản thân Hồi giáo, mà là “tâm lý đánh đồng”. Các phần tử Hồi giáo cực đoan chỉ chiếm chưa đầy 0,5% số người Hồi giáo trên toàn thế giới. Dù vậy, hình ảnh về những kẻ thánh chiến đang dần đại diện cho Hồi giáo trong mắt truyền thông phương Tây, và điều này ảnh hưởng xấu đến các tiến trình phát triển chính trị ở Trung Đông.

Bỏ qua những bản chất tốt đẹp của Hồi giáo, truyền thông phương Tây đang củng cố một quan điểm cứng nhắc và áp đặt: Hồi giáo đồng nghĩa với bạo lực. Trên thực tế, quan niệm này đang ngày càng được chấp nhận rộng rãi ở Mỹ và châu Âu, theo Michael Griffin trong cuốn sách “Nhà nước Hồi giáo và việc viết lại lịch sử”.

Các giải pháp chính sách

Hiện nay, nhiều người tán thành với lý thuyết “sự va chạm văn hóa” của cố Giáo sư Đại học Harvard Samuel Hungtington, cho rằng Hồi giáo mâu thuẫn với xã hội hiện đại. Tuy nhiên, luận điểm của Huntington đã bỏ qua những ý tưởng và ảnh hưởng của những người tiên phong cải cách Hồi giáo – như Muhammad Abdul (1) và Jamaleddin al-Afghani (2), vốn có tác động đến tận ngày nay.

Một trong những ảnh hưởng sâu rộng nhất của các nhà cải cách nói trên là sự hình thành trào lưu “salafi”, theo đó nhấn mạnh nhà nước hiện đại đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của cộng đồng Hồi giáo. Ngày nay, các nhà tư tưởng Hồi giáo, như Abdolkarim Soroush (Iran), Tahar Haddad (Tunisia), Fazlur Rahman (Pakistan)... vẫn tiếp tục nghiên cứu sự kết nối giữa tư tưởng Hồi giáo và các giá trị hiện đại. Mặc dù những kẻ cực đoan luôn phủ nhận ý kiến của những nhà tư tưởng Hồi giáo này, song quan điểm của họ vẫn có ảnh hưởng sâu sắc đến các tầng lớp tín đồ trên toàn thế giới.

Trên thực tế, các học giả Hồi giáo nói trên cũng thừa nhận tôn giáo cũng phần nào góp phần tạo nên tình trạng bạo lực ở Trung Đông. Các hành động bạo lực, vốn phổ biến và đa dạng ở khu vực, được hình thành từ nhiều yếu tố bao gồm mâu thuẫn quan điểm tôn giáo, truyền thống văn hóa, sắc tộc, chiến tranh, sự đấu đá chính trị… Tuy nhiên, như đã nói ở trên, về bản chất, Hồi giáo không kích động bạo lực, chiến tranh. Nhiều tổ chức đang lợi dụng danh nghĩa Hồi giáo để thực hiện các âm mưu có lợi cho mình.

Điều Trung Đông cần hiện nay là các chính sách phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả nhằm giải quyết các vấn đề có thể gây ra mâu thuẫn tôn giáo, chẳng hạn như tạo ra các cơ hội giáo dục bình đẳng, tạo công ăn việc làm, xử lý tình trạng tham nhũng… Những chiến lược này có thể giúp nâng cao tiến trình dân chủ hóa, sự phát triển kinh tế, thúc đẩy xã hội dân sự cũng như cải thiện môi trường truyền thông đại chúng. Điều quan trọng là các chính phủ ở khu vực không nên “Hồi giáo hóa” mọi vấn đề, mà tốt hơn là phát triển các giải pháp chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân.

Trong số vấn đề kể trên, giáo dục là yếu tố then chốt quyết định thành công. Các chương trình đào tạo cần mang tính tổng hợp hơn, mở rộng kiến thức của học sinh về tôn giáo và văn hóa. Bên cạnh đó, các trường học cần giữ sự khách quan trước áp lực của chính phủ và giáo hội, đồng thời nêu cao tinh thần tự do tôn giáo.

Cuối cùng, năng lực của chính phủ trong việc giải quyết bạo lực tôn giáo cũng là việc không được xem nhẹ. Trừ phi các nhà lãnh đạo có thể dung hòa giữa chính sách và tôn giáo, bạo lực sẽ không bao giờ kết thúc.

* Ông Moha Ennaji là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đối thoại liên văn hóa và người tị nạn (Morocco) và là Giáo sư Văn hóa học tại Đại học Fez (Morocco). Các cuốn sách của ông mới xuất bản bao gồm “Những biên giới mới của sự di cư của người Hồi giáo ở Bắc Mỹ và châu Âu”, “Cộng đồng người Hồi giáo Morocco ở châu Âu”.

Bài viết trên phản ánh quan điểm riêng của tác giả.

---

[1] Muhammad Abdul (1849-1905), người Ai Cập, là nhà luật học Hồi giáo, học giả tôn giáo và nhà cải cách tự do. Ông được xem là một trong những người xây dựng nên “chủ nghĩa hiện đại Hồi giáo” – còn được gọi là Neo-Mu’tazilism.

[2] Jamaleddin al-Afghani (1839-1897), người Thổ Nhĩ Kỳ, là nhà hoạt động chính trị và nhà tư tưởng Hồi giáo. Ông cũng là người góp phần hình thành nên “chủ nghĩa hiện đại Hồi giáo”.

No comments: