PGS.TS. ĐINH CÔNG TUẤN
Thứ sáu, 14 Tháng 7 2017
Bối cảnh và sự ra đời sáng kiến “vành đai, con đường” của Trung Quốc
Sau khi trở thành Tổng bí thư ĐCS TQ (2012), và Chủ tịch nước (2013), Chủ tịch Tập Cận Bình đã xây dựng lý luận về việc “phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa”, thực hiện “giấc mộng Trung Hoa”, với hai mục tiêu 100 năm, một là kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCS TQ (1921 – 2021) nhằm xây dựng xã hội khá giả toàn diện, hai là kỷ niệm 100 năm thành lập nước CHNDTrung Hoa (1949 – 2049) xây dựng thành công nhà nước Trung Quốc hiện đại hóa XHCN, văn minh, dân chủ, giàu mạnh, hài hòa. Để thực hiện hai mục tiêu 100 năm, TQ đã đưa ra rất nhiều các sáng kiến nhằm xây dựng và phát triển TQ lớn mạnh không ngừng. Về đối nội, Trung Quốc lấy “Bốn toàn diện” làm ngọn cờ (toàn diện xây dựng xã hội tiểu khang, toàn diện đi sâu cải cách, toàn diện “y pháp lập quốc” và toàn diện nghiêm khắc quản lý, quản trị Đảng), lấy “xây dựng pháp trị” làm khâu đột phá, lấy “chống tham nhũng” làm công cụ xiết chặt kỷ cương. Về đối ngoại, TQ từ bỏ phương châm “giấu mình chờ thời”, chuyển sang “hành động thể hiện”, chủ động đưa các sáng kiến vào việc tham gia, hoạch định, dẫn dắt lối chơi mới trên thế giới. Mục tiêu đưa TQ trở thành người giữ vị trí trung tâm địa – chính trị toàn cầu. TQ đã triển khai chiến lược “nước lớn kiểu mới” với Mỹ, triển khai chiến lược “ngoại giao chu biên, đại chu biên” với các nước láng giềng, với đột phá bằng sáng kiến xây dựng chiến lược “một vành đai, một con đường” (OBAOR), sáng kiến xây Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Sáng kiến xây dựng khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP). Về sáng kiến xây dựng chiến lược “một vành đai, một con đường” (OBAOR), được Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra ý tưởng đầu tiên trong phát biểu tại trường Đại học NATRAPAEP, KAZASTAN ngày 07/9/2013. Tiếp đó ngày 03/10/2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề xuất trước Quốc hội Indonesia rằng TQ sẵn sàng cùng các ASEAN xây dựng “con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI”. Đến Hội nghị APEC tháng 11/2014, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố TQ và các nước cùng nhau xây dựng chiến lược “Một vành đai, một con đường” (OBAOR).
Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” (OBAOR) của TQ đã chính thức trở thành chính sách quốc gia từ tháng 11/2013 khi Nghị quyết Trung ương 3 khóa XVIII của ĐCS TQ nêu rõ: “phải xây dựng cơ cấu tài chính tiền tệ mở, đẩy nhanh xây dựng tương hỗ liên thông cơ sở hạ tầng với các quốc gia và khu vực xung quanh, thúc đẩy xây dựng “vành đai kinh tế, con đường tơ lụa” và “con đường tơ lụa trên biển”, hình thành một cục diện mới, mở cửa toàn phương vị”. Trong kỳ họp Quốc hội lần thứ 3, khóa XII, ngày 05/3/2015, TQ đã đề ra đường lối mới: “Đẩy mạnh điều chỉnh chính sách đối ngoại láng giềng, thúc đẩy triển khai chiến lược “một vành đai, một con đường” (OBAOR)”. TQ đã đưa ra sáng kiến mới kết nối Đông – Tây, Á – Âu – Phi bằng một chiến lược “Một vành đai, một con đường” (OBAOR)” xây dựng Ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), xây dựng khu mậu dịch tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP).
Trong bối cảnh hiện nay, khi nước Mỹ dưới thời Tổng thống D.Trump đã đẩy mạnh chủ nghĩa bảo hộ, lấy “chấn hưng nước Mỹ” làm mục tiêu, tạm gác lại Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), và các Hiệp định tự do thương mại khác, làn sóng bảo hộ đang gia tăng mạnh mẽ khắp thế giới, thì việc TQ đẩy mạnh xu hướng hội nhập quốc tế, thúc đẩy tự do hóa, phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa. Các sáng kiến của TQ nhằm xây dựng OBAOR, AIIB, FTAAP đã được nhiều nước trên thế giới hưởng ứng hoan nghênh. Dự án “vành đai, con đường” đã quy tụ 65 quốc gia, chiếm 63% dân số thế giới, với khoảng 1/3 GDP toàn cầu, dự kiến khoảng 21.000 tỷ USD, xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ đạt 23,9% toàn cầu, sẽ được đầu tư trong vòng 10 năm. Đây là dự án đầy tham vọng này của TQ. Quy mô xây dựng OBAOR là: thế giới sẽ có một khu vực rộng lớn, dưới sự khống chế của TQ, đó là một không gian nối liền 3 châu lục Á – Âu – Phi, với 2 con đường đều xuất phát từ TQ (theo đường bộ và đường biển), hội tụ tại Venise (Italia) tạo thành một vòng trong khép kín lớn, một hành lang kinh tế dài nhất xuất phát từ TQ, thông qua Trung Á, Đông Nam Á, Nam Á, Tây Á, qua một phần châu Âu, phía Đông với vành đai kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, phía Tây với vành đai kinh tế châu Âu. OBAOR sẽ gồm: 1) “Vành đai kinh tế, con đường tơ lụa trên bộ” (NSR). 2) “Con đường tơ lụa trên biển” (MSR). NSR và MSR chia thành 3 tuyến: 1) Tuyến Bắc: xuất phát từ Bắc Kinh – Nga – Đức – Bắc Âu. 2) Tuyến giữa (trung): xuất phát từ Bắc Kinh – Tây An – Urumsi – Apganistan – Kazastan – Hungary – Paris. 3) Tuyến Nam: Tuyền Châu – Phúc Châu – Quảng Châu – Hải Khẩu – Bắc Hải – Hà Nội – Kuala Lumpur – Jakata – Colombo – Calcuta – Nairobi – Athens – Venise.
Những cơ hội và thách thức của sáng kiến “vành đai, con đường”
- Những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện sáng kiến vành đai, con đường của TQ hơn 3 năm qua là rất đáng được ghi nhận. Ngân hàng cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), đã được thành lập vào ngày 25/12/2015 tại Bắc Kinh, với 70 quốc gia tham gia. Tính đến tháng 3/2017, ngân hàng AIIB đã chi hơn 890 tỷ USD cho hơn 100 dự án. TQ còn xây dựng Quỹ con đường tơ lụa với số vốn của TQ lên đến hơn 40 tỷ USD. Trong số các dự án “con đường, vành đai”, tiêu biểu có một số dự án đã đi vào hoạt động:
1) Tuyến đường sắt từ TQ đến châu Âu, nối liền từ 27 thành phố của TQ đến 28 thành phố ở châu Âu đã đi vào hoạt động.
2) Chuyến tàu hỏa chở hàng hóa đầu tiên đã hoàn thành từ tỉnh Chiết Giang (TQ) đến thành phố London (Anh quốc), dài 12.000 km, chạy trong 18 ngày đi qua 8 quốc gia (giảm ½ thời gian so với đi đường biển).
3) TQ đã xây dựng tuyến đường sắt nối liền từ TQ đến Lào dài 418 km, nối liền TQ với khu công nghiệp rất hiện đại do TQ xây dựng ở Lào.
4) TQ đã xây dựng tuyến đường sắt dài 873 km nối liền từ TQ đến các cảng biển Thái Lan.
5) Ở châu Phi, TQ xây dựng xong tuyến đường sắt dài 471 km nối liền thủ đô Kenya với các cảng biển Ấn Độ Dương.
6) TQ xây dựng tuyến đường sắt nối Pakistan với khu vực Tân Cương TQ.
7) Năm 2015, ba doanh nghiệp nhà nước TQ đã mua cảng Cum bốt (Thổ Nhĩ Kỳ), lấy đó làm nơi tập kết và chu chuyển hàng hóa, kết nối giữa TQ với châu Á, châu Âu.
8) Năm 2013, TQ đã xây dựng xong khu công nghiệp Un Tan (Malaysia) để chuyên sản xuất thép, nhôm và chế biến dầu cọ.
9) Ở Đông Âu, năm 2014 TQ đã xây dựng khu công nghiệp lớn nhất ở nước ngoài của TQ, được đặt tại ngoại ô Thủ đô Minsk (Belarusia) v.v…
- Trong 3 năm qua, bên cạnh những thành tựu nêu trên, TQ còn tích cực quảng bá sáng kiến “con đường, vành đai” của mình, để nhân dân thế giới hiểu, tạo niềm tin, có thêm quyết tâm tham gia vào dự án đó. Đặc biệt trong 2 ngày 14,15/5/2017, tại Bắc Kinh, TQ đã tổ chức diễn đàn hợp tác quốc tế mang tên “Hợp tác quốc tế vành đai, con đường” nhằm thúc đẩy liên kết kinh tế, kết nối khu vực giữa các châu lục Á – Âu – Phi. Diễn đàn đã thu hút 29 nguyên thủ quốc gia, với hơn 1200 đại biểu đại diện cho hơn 100 nước và các tổ chức quốc tế tham gia. Chủ đề của Diễn đàn là “Tăng cường hợp tác quốc tế, chung tay xây dựng “vành đai, con đường”, phát triển cùng có lợi”. Diễn đàn đã thảo luận những nội dung xuyên suốt gồm kết nối chính sách, kết nối hạ tầng, kết nối thương mại, kết nối tài chính, kết nối người dân. Diễn đàn còn là dịp để lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế, cùng trao đổi về các biện pháp tăng cường hợp tác, thúc đẩy hội nhập quốc tế vì hòa bình, ổn định, an ninh, thịnh vượng và phát triển bền vững. Qua đó, sẽ mở ra cơ hội hợp tác, kết nối kinh tế giữa các quốc gia và khu vực, đặc biệt là thúc đẩy kết nối kinh tế thông suốt, hiệu quả, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông liên lục địa, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp, mở rộng giao lưu nhân dân, góp phần thực hiện thành công chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững.
Sau khi khởi xướng sáng kiến “vành đai, con đường” vào năm 2013, có thể coi diễn đàn lần này là hoạt động ngoại giao quan trọng nhất của TQ năm 2017. Có thể coi đây là diễn đàn quốc tế có quy mô đầu tiên, tầm vóc cao nhất để từng bước thảo luận những vấn đề xoay quanh sáng kiến vành đai, con đường của TQ. Kỳ vọng lớn nhất của TQ là thông qua diễn đàn để tổng kết, đánh giá kết quả giai đoạn đầu sau hơn 3 năm triển khai, thảo luận, lắng nghe phản hồi của các bên liên quan, đồng thời làm rõ nội hàm, phương châm, lộ trình của TQ, giúp các bên hiểu rõ lập trường của TQ với sáng kiến này. Từ đó làm sâu sắc hơn lòng tin giữa các nước, kêu gọi sự ủng hộ quốc tế cụ thể, đưa sáng kiến này đi vào thực chất để triển khai trong các giai đoạn tiếp theo.
Tuy vậy, để thực hiện hóa một sáng kiến với quy mô hàng chục nghìn tỷ USD, được ví von với dự án Massall của Mỹ nhằm tái thiết châu Âu sau chiến tranh thế giới thứ II (1945), quả là một điều không hề đơn giản. Sáng kiến này của TQ, bên cạnh những cơ hội, còn gặp muôn vàn các thách thức vô cùng to lớn:
+) Thách thức lớn nhất, đó là sáng kiến này của TQ sẽ có xung đột gì với chiến lược của các nước lớn. Chiến lược “xoay trục” của Mỹ, chiến lược “hướng Đông” của Ấn Độ, chiến lược của Nga ở Trung Á và chính sách hướng Nam mới của Nga…
+) Thách thức thứ hai đó là sáng kiến vành đai, con đường của TQ có thực sự đem lại lợi ích cho các nước trên thế giới hay không, hay biến các nước trở thành nơi tiêu thụ hàng hóa giá rẻ của TQ, và TQ sẽ mua những sản phẩm thô, tài nguyên quý báu của các nước. Điều đó đang gây nghi ngại lớn cho các nước trên thế giới.
+) Thách thức thứ ba là các nước trên thế giới đang nghi ngờ các lợi ích về chính trị, an ninh, quốc phòng của họ sẽ bị xâm phạm, nếu sáng kiến vành đai, con đường đi qua các vùng tranh chấp, nhạy cảm, đang diễn ra xung đột… như vùng tranh chấp ở Biển Đông, ở Trung Á, giữa Ấn Độ và Pakistas…
+) Thách thức thứ tư là các nước lo lắng TQ lợi dụng xây dựng cơ sở hạ tầng với danh nghĩa vì mục tiêu chung, nhưng sẽ tiêu thụ các sản phẩm sản xuất dư thừa trong nước như sắt, thép, xi măng, nhân công, …phục vụ cho lợi ích lâu dài của TQ. TQ sẽ biến các nước sẽ trở thành con nợ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Các công trình cơ sở hạ tầng dự toán ít, rồi đội vốn lên cao, sẽ làm cho các nước bị thâm hụt ngân sách, nợ công cao, cuối cùng sẽ trở thành con nợ của TQ. Từ phụ thuộc vào kinh tế, các nước sẽ bị phụ thuộc vào chính trị. Điển hình là chủ nghĩa thực dân mới đã hình thành như ở châu Phi hiện nay.
Vì vậy, các nước tham gia diễn đàn lần này là để nghe, hiểu, phát biểu, tìm tiếng nói chung và lựa chọn các cơ chế tham gia phù hợp với lợi ích của nước mình.
Việt Nam sẽ tham gia vào sáng kiến con đường, vành đai như thế nào?
Nhận thức chung của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tích cực tham gia vào xu hướng hội nhập quốc tế. Việt Nam đẩy mạnh kết nối chiến lược với các nước lớn, tích cực kết nối cơ sở hạ tầng quốc gia, trước hết là với các quốc gia láng giềng như Trung Quốc. Sáng kiến vành đai, con đường của TQ đã phù hợp với chủ trương tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam. Vì lợi ích của đất nước, đảm bảo hiệu quả kinh tế, giữ vững an ninh, an toàn, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, đó là mục tiêu, là chủ trương của chúng ta trên con đường hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, với sự tham gia của các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, địa phương đã tiến hành thăm chính thức TQ và tham dự diễn đàn “Hợp tác quốc tế vành đai, con đường” của TQ từ ngày 11 đến 15/5/2017. Ngày 14, 15/5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các vị đứng đầu Nhà nước và chính phủ của 29 quốc gia đã tham dự Hội nghị. Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, trong bối cảnh thế giới đang bước vào giai đoạn mang tính bước ngoặt, mỗi quốc gia, khu vực đều tìm cách tiếp cận mới, sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, khai thác hiệu quả những thành tựu tiên tiến của khoa học công nghệ, đảm bảo môi trường hòa bình, an ninh, ổn định để cùng phát triển bền vững. Trên tinh thần đó, Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến liên kết kinh tế, kết nối khu vực nói chung, sáng kiến “vành đai, con đường” nói riêng, và sẵn sàng hợp tác cùng các quốc gia nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các dự án đem lại lợi ích chung, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững. Hợp tác trong khuôn khổ “vành đai và con đường” cần gắn với chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững và các khuôn khổ hợp tác khu vực, toàn cầu hiện có. Đảm bảo các tiêu chí bền vững, hiệu quả và bao trùm, ưu tiên các dự án thiết thực, xuất phát từ nhu cầu phát triển của các quốc gia, khu vực, và hợp tác phát triển bền vững dựa trên nguyên tắc đồng thuận, bình đẳng, tự nguyện, minh bạch, cởi mở, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi, tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế. Việt Nam rất nỗ lực trong thúc đẩy liên kết kinh tế và kết nối giao thông với các nước láng giềng, hỗ trợ các nước không có biển và trung chuyển tham gia ngày càng sâu và hưởng lợi từ hệ thống thương mại toàn cầu. Sự cần thiết ưu tiên hàng đầu cho kết nối kinh tế thông suốt, hiệu quả giữa các quốc gia, trong đó chú trọng phát triển hạ tầng giao thông liên lục địa, hình thành mạng lưới giao thông kết nối các quốc gia châu Á với nhau, giữa châu Á với châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, phát huy hiệu quả các hành lang giao thông thông qua các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư và đi lại của người dân… Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đã nhấn mạnh đến việc kết nối sáng kiến “vành đai, con đường” của TQ với “hai hành lang, một vành đai” của Việt Nam… Việt Nam đã tích cực tham gia và là thành viên sáng lập Ngân hàng cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Việt Nam tin tưởng có nhiều dự án của TQ sẽ được triển khai ở Việt Nam trong tương lai với mục tiêu hai bên cùng có lợi, đảm bảo phát triển bền vững, giữ vững an ninh, chủ quyền của Việt Nam.
Để tham gia vào các dự án này, phía Việt Nam cần phải nghiên cứu bài bản, cần lựa chọn thật kỹ lưỡng những dự án nào có thể tham gia, dựa trên nguyên tắc như Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã phát biểu “đồng thuận, bình đẳng, tự nguyện, minh bạch, cởi mở, tôn trong lẫn nhau, cùng có lợi, tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và pháp luật quốc tế”.
No comments:
Post a Comment