THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Chủ Nhật, ngày 24/11/2013
(Tạp chí “Nghiên cứu các vấn đề quốc tế”, Trung Quốc, số 2/2013)
10 năm đầu thế kỷ 21, châu Phi có được thời kỳ tăng trưởng kinh tế tương đối ổn định liên tục trong 10 năm hiếm có kể từ những năm 60 của thế kỷ 20 đến nay, trở thành khu vực kinh tế tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu. Song bước sang 10 năm tiếp theo, tình hình kinh tế và chính trị của lục địa này đã có biến đổi xáo trộn, xu hướng phát triển lại tái hiện mờ mịt.
Từ khi cục diện Bắc Phi xẩy ra biến động lớn năm 2010 và ảnh hưởng đến các nước châu Phi hạ Sahara đến nay, bánh xe lịch sử của lục địa châu Phi dường như lại một lần nữa đứng trước ngã ba của tương lai khó đoán định, về tổng thể, lục địa này đang ở trong trạng thái phức tạp giữa hai xu thế đan xen là hướng tới phát triển và chìm sâu vào rối ren. Nhưng cùng với tiến trình phức tạp trên được đẩy mạnh, sự phát triển không đồng đều giữa các nước ở châu lục này và các khu vực sẽ ngày một nổi rõ, một số nước sẽ có khả năng đi đầu trỗi dậy thành “quốc gia mới nổi” và “quốc gia có động lực phát triển” của châu Phi, từ đó trở thành lực lượng tích cực dẫn dắt khu vực châu Phi và tiểu khu vực dần đi tới ổn định và phát triển, nhưng một số nước lại có thể tiếp tục rối ren, chiến tranh và tai họa liên miên, thậm chí rơi vào tình cảnh chia rẽ và tan rã dưới tác động của các nhân tố ở trong và ngoài nước. Xét xu thế phát triển lâu dài, châu Phi không thể phát triển đồng bộ, sự phân hóa giữa tiến trình phát triển cũng như tính đa dạng của hơn 50 nước châu Phi sẽ là một xu thế chung. Trong bối cảnh này Trung Quốc cũng cần có một tính toán lâu dài và toàn diện trong chiến lược và chính sách hợp tác với châu Phi, đưa ra những phán đoán và sự lựa chọn cụ thể trong những lĩnh vực mang tính cơ sở và mang tính chiến lược.
I- Động lực mới và cơ hội mới phát triển châu Phi
1- Xu thế phát triển mới
Xu thế tích cực nổi rõ. 10 năm đầu thế kỷ 21, châu Phi có được thời kỳ tăng trưởng kinh tế tương đối ổn định kéo dài trong 10 năm hiếm có kể từ những năm 60 của thế kỷ 20 đến nay, trở thành khu vực kinh tế tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu. Trong hầu hết thập kỷ qua, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của châu Phi đều giữ tăng trưởng ổn định từ 4-5%, cao hơn mức chung của toàn cầu, tốc độ phát triển của một lượng đáng kể các nước châu Phi còn nhanh hơn của thế giới. Ví dụ năm 2011, không những phần lớn các nước châu Phi hạ Sahara đã duy trì xu thế phát triển tương đối tốt, tốc độ bình quân đều trên 5%, mà 6 trong 10 nước có tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới năm đó đều nằm ở châu Phi, Ghana ở Tây Phi đứng đầu bảng của thế giới với tốc độ tăng trưởng 13%. Trong năm này, tăng trưởng kinh tế của phần lớn các nước châu Âu đều chưa tới 1%, Mỹ cũng chỉ vượt qua 1% một cách miễn cưỡng. Năm 2012, tình hình kinh tế toàn cầu khó khăn chồng chất, song tăng trưởng kinh tế của các nước châu Phi hạ Sahara vẫn là số, 4, đạt 5,5%, trở thành một trong những khu vực kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Đặc biệt điều để lại ấn tượng sâu sắc là 14 trong 25 nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất toàn cầu năm 2012 là đều đến từ châu Phi hạ Sahara, GDP đều đạt trên 6,5%. Sự thực là năm 2010 không một nước nào trong 40 nước có tăng trưởng kinh tế nhanh nhất toàn cầu đền từ các nước phát triển phương Tây hoặc thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương. Theo báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Phi, mặc dù môi trường kinh tế toàn cầu năm 2013 vẫn đầy rẫy rủi ro, nhưng chỉ cần tình hình không tiếp tục xấu đi mức tăng trưởng kinh tế của các nước châu Phi hạ Sahara vẫn có thể đạt 5,4%, và nếu không bao gồm Nam Phi, con số này có thể lên tới 6,6%, từ đó trở thành khu vực kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Mặc dù một nguyên nhân cơ bản khiến kinh tế châu Phi tăng trưởng tương đối nhanh mấy năm gần đây là do khởi điểm ban đầu của nó rất thấp, nhưng kiểu tăng trưởng tương đối nhanh và ổn định này lại làm cho thế giới bên ngoài nẩy sinh sự kỳ vọng và tưởng tượng quá mức đối với tương lai của lục địa này.
Mấy năm gần đây, một hiện tượng nổi bật trong tiến trình phát triển của châu Phi là lục địa này đang xuất hiện một loạt các nước tràn đầy sức sống và bắt đầu có lòng tự tin dân tộc. Năm 2011, Nam Phi tham gia nhóm “các nước BRICS” (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), “trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên tiến vào câu lạc bộ các nước lớn mới nổi trên toàn cầu. Ngày 25/3/2013, Hội nghị thượng đỉnh khối BRICS đã khai mạc ở Durban Nam Phi với chủ đề “BRICS và châu Phi: Đối tác vì phát triển, hội nhập và công nghiệp hóa”, tập trung vào 4 lĩnh vực quan trọng, bao gồm thúc đẩy xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng cho châu Phi, thành lập Ngân hàng phát triển BRICS, Viện nghiên cứu,chính sách BRICS và Hội đồng kinh doanh BRICS. Chủ đề phát triển châu Phi và những niềm tin của Hội nghị thượng đỉnh lần này được dựa trên tinh thần hợp tác Nam-Nam, một lần nữa đổ dồn sự chú ý của thế giới vào lục địa này. Sau Nam Phi còn có một số “quốc gia mới nổi” hoặc “quốc gia có động lực phát triển” khác. Trước tiên là Nigeria, nước có nguồn tài nguyên phong phú và dân số đông nhất châu Phi, từng bị gọi là “người không lồ châu Phi chân què”, trong 10 năm qua cũng bắt đầu đẩy nhanh các bước tiến lên. Dựa vào tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục ở mức 7% của quốc gia này trong mấy năm qua, nhà lãnh đạo và các tinh hoa của nước này phổ biến cho rằng Nigeria sẽ là một “nước BRICS” mới tiếp theo của châu Phi. Tới nărn 2015, Nigeria có khả năng trở thành nước có dân số lớn thứ ba thế giới, và mục tiêu của nước này là trở thành cường quốc kinh tế thế giới vào năm 2030. Ngoài ra, Angola, Ghana, Mauritius, Cộng hòa dân chủ Congo, Cộng hòa Congo, Rwanda, Ethiopia, Sudan, Zambia, Botswana, Mozambique và Tanzania đều đang dần thể hiện xu thế trở thành quốc gia mới nổi hoặc quốc gia có động lực phát triển của châu Phi ở các mức độ khác nhau. Một số trong những nước này, ví dụ Rwanda, Angola, 20 năm trước đã trải qua các cuộc sắc tộc tàn sát nhau hoặc nội chiến, điều này ứng với câu nói lưu hành của người Hy Lạp cổ 2 nghìn năm trước: “Châu Phi luôn xẩy ra những điều mới lạ”.
Trong những năm gần đây, sự thay đổi tự nhiên của lục địa châu Phi còn xẩy ra ở nhiều phương diện. Khi cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu kéo dài và lan rộng, một số nước châu Phi vẫn phát triển nhờ có nguồn tài nguyên phong phú, cục diện chính quyền ổn định, bắt đầu chuyển từ nước mắc nợ sang nước chủ nợ thông qua tốc độ phát triển nhanh trong nhiều năm. Ví dụ như Angola với nguồn tài nguyên dầu mỏ phong phú, năm 2011 đã bắt đầu cung cấp khoản vay cho mẫu quốc trước đây là Bồ Đào Nha để giúp đỡ hệ thống tài chính sắp sụp đổ của quốc gia Nam Âu này duy trì ổn định. Sự thay đổi trong mối quan hệ giữa Angola và Bồ Đào Nha có ý nghĩa tượng trưng đặc biệt đối với sự thay đổi mang tính lịch sử và đặc biệt của hệ thống thế giới. Sự thực là lực lượng thúc đẩy thế giới phát triển đang chuyển dịch từ các nước phát triển phương Bắc sang các nước đang phát triển phương Nam, năm 2009, ngoại thương của các nước mới nổi chiếm gần 40% tổng lượng thương mại toàn cầu, đóng góp trên 20% cho GDP toàn cầu, và trên 55% cho lượng tăng thêm của kinh tế thế giới. Đang có sự thay đổi kịch tích trong mối quan hệ “chi phối-phụ thuộc” giữa lục địa châu Phi với các nước truyền thống phương Tây kể từ nhiều thế kỷ qua. Ví dụ, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cũng đã ảnh hưởng tới châu Phi khiến mức tăng trưởng kinh tế đột ngột giảm từ 7,1% năm 2007 xuống 2,8% năm 2009, nhưng năm 2010 lại đảo chiều mạnh, trở lại mức 5,3%. Điều này phản ánh động lực phát triển và sức sống của kinh tế châu Phi đang ngày càng đến từ chính bên trong lục địa này, và đến từ sự hợp tác với các nước mới nổi như Trung Quốc. Đúng như lời phát biểu của Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma tại “Diễn đàn hợp tác Trung-Phi” tháng 8/2010, ảnh hưởng mang tính chi phối của phương Tây đối với châu Phi đang yếu đi, “trước đây các nước phát trển công nghiệp hắt xì hơi là cả thế giới đều kinh sợ, nhưng chính họ lại chịu ảnh hưởng chủ yếu trong cuộc khủng hoảng lần này.”
2- Xu thế phát triển ngày một nổi rõ
Xét cục diện tổng thể toàn cầu về phát triển trung và dài hạn, lục địa châu Phi có nhiều tiềm lực to lớn và ưu thế đặc biệt, một số trong đó ngày càng nổi rõ cùng với tiến trình phát triển của các nước Nam được đẩy mạnh, đặc biệt là sự lôi kéo của các nền kinh tế mới nổi trên thể giới.
Thứ nhất, tiềm lực về dân số và sức lao động. Hiện dân số cửa 54 quốc gia châu Phi tổng cộng khoảng 1 tỷ người, kết cấu dân số và đặc điểm phát triển của châu lục này là trẻ hóa và tăng trưởng nhanh. Theo tốc độ tăng trưởng dân số hiện nay, đến năm 2030, 60% dân số dưới độ tuổi 30 tăng thêm mới trên toàn cầu sẽ tập trung ở lục địa đen này. Tới năm 2040, châu Phi sẽ có gần 1,1 tỷ người trong độ tuổi lao động, nhiều hơn cả Trung Quốc và Ấn Độ. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho rằng so với sự già hóa dân số ngày một nghiêm trọng và giá thành lao động không ngừng tăng cao ở các khu vực khác trên thế giới, nếu cục diện chính trị của châu Phi duy trì ổn định, đầu tư cho giáo dục cơ sở và giáo dục việc làm để nâng cao tố chất lao động không ngừng tăng lên, lợi tức dân số có thể dùng cho phát triển kinh tế của châu Phi trong tương lai tương đối khả quan. Trong 20 năm tới, bàn tay vô hình của toàn cầu hóa sẽ dịch chuyển cơ hội việc làm sang các nước có ưu thế giá thành, châu Phi sẽ “thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng tiếp theo của thế giới” ở các ngành có trình độ thấp.
Thứ hai, ngành nông nghiệp, chăn nuôi rất có triển vọng phát triển. Châu Phi có hơn 9 tỷ mẫu đất có thể khai thác sử dụng, nhưng thực tế chưa sử dụng tới 1/4, hiện 60% diện tích đất canh tác chưa được sử dụng trên toàn cầu tập trung ở châu Phi, Chỉ riêng Cộng hòa Dân chủ Congo đã có 1,8 tỷ mẫu đất có thể khai thác, tương đương với giới hạn thấp nhất của tổng lượng đất đai Trung Quốc phải bảo vệ, trong khi nước này chỉ có 67 triệu dân, tương đương khoảng 5% của 1,3 tỷ dân Trung Quốc. Nêu nguồn tài nguyên đất đai rộng lớn như vậy có thể được khai thác sử dụng thì điều này sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với việc cải thiện dân sinh, an ninh lương thực của châu Phi và thế giới.
Thứ ba, có các nguồn tài nguyên chiến lược, trữ lượng năng lượng phong phú. Châu Phi chiếm 40% trữ lượng vàng, 10% dầu mỏ và khoảng 80%-90% thép crôm và bạch kim của thế giới. Mấy năm gần đây, khu vực Đông Phi phát hiện nguồn dầu khí trên đất liền và dưới biển với trữ lượng phong phú, chỉ riêng số lô dầu khí có thể thăm dò của Kenya đã tăng lên đến 51, điều này có thể làm thay đổi về căn bản địa vị của châu Phi trong nguồn tài nguyên dầu khí toàn cầu. Ngoài ra, xét từ góc độ tổng hợp phát triển kinh tế, thảo nguyên rộng lớn, nước sông hồ trong vắt, không khí sạch sẽ, văn hóa độc đáo, sông núi bao la hùng vĩ của châu Phi đều có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Sự thực là nhiều năm qua mặc dù do cục diện chính trị rối ren và chiến tranh liên miên, châu Phi luôn là khu vực có rủi ro cao về đầu tư trên thế giới, nhưng đồng thời cũng là khu vực lợi tức đầu tư tương đối cao nhất thế giới, về tổng thể cao hơn một số nước châu Á đang phát triển tương đối nhanh như Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.
Thứ tư, tiến trình công nghiệp hóa được đẩy nhanh, trở thành thị trường lớn mới nổi trên thế giới. Theo ý tưởng của Liên minh châu Phi, lục địa nay sẽ được xây dựng thành một khu vực thương mại tự do thống nhất và là của chính họ vào năm 2017 – Khu vực Thương mại Tự do châu Phi. Điều này sẽ giúp châu Phi cải thiện trạng thái bất lợi bị gạt ra bên lề của hệ thống kinh tế thế giới. Sự phát triển của nhiều nước châu Phi trong mấy năm gần đây cho thấy “giống như Trung Quốc và Việt Nam, thông qua chính sách khuyến khích vốn đầu tư nước ngoài, các nước châu Phi đã có thể đẩy nhanh phát triển công nghiệp, mở rộng xuất khẩu ra bên ngoài. Thành công có thể lặp lại. Ví dụ như mấy năm gần đây, thị phần của Ethiopia ở thị trường hoa cảnh Liên minh châu Âu tăng vọt. Và ở một số quốc gia châu Phi nào đó, số nhân viên nhà máy đầu tiên của một số ngành nghề đã lên tới 50.000 người.” Năm 2011, GDP của toàn châu Phi đạt 2.300 tỷ USD, vượt qua Brazil và Nga. Hiện mức độ đô thị hóa của châu Phi cơ bản tương đương với Trung Quốc, quy mô dân số thành thị tăng với tốc độ nhanh, lục địa này hiện có hơn 300 triệu sức mua tương đối ổn định và các nhóm thu nhập trung bình (giai cấp trung lưu) không ngừng tăng lên, trong 20 năm tới, số người thuộc giai cấp trung lưu sẽ tăng lên trên 800 triệu người, châu Phi do đó có hy vọng trở thành thị trường mới nổi có tiềm lực. Hiện nay, ngành hàng không, trao đổi hàng hóa, bảo hiểm, năng lượng kiểu mới, phát triển kinh tế xanh của châu Phi v.v… đều ngày càng có sức hấp dẫn đối với thế giới bên ngoài.
Thứ năm, có không gian lớn để phát triển trong tương lai. Xét từ góc độ so sánh trên toàn cầu, hiện mặc dù trình độ phát triển kinh tế – xã hội các nước châu Phi vẫn thấp kém, ở tầng thấp nhất của trình tự phát triển toàn cầu, nhưng vì sự lạc hậu tương đối của nó, không gian và quy mô phát triển trong tương lai là rất lớn. Hiện nay, GDP bình quân đầu người của lục địa, đặc biệt là các nước châu Phi hạ Sahara vẫn chưa tới 1.000 USD, trong 20- 30 năm tới, dù con số này chỉ nâng lên mức 3.000 – 4.000 USD, thì chắc chắn sẽ mang lại những thay đổi và ảnh hưởng to lớn đối với thế giới.
3- Động lực mới phát triển châu Phi
Ngoài ưu thế phát triển và tiềm lực được nói đến ở trên, về căn bản, động lực then chốt thúc đẩy lục địa châu Phi phát triển lần này đến từ sự tích lũy và phát triển trong thời gian dài của các nhân tố tích cực trong nội bộ châu Phi, và sự kết hợp hữu cơ, tác động tích cực giữa các nhân tố bên trong và lực lượng thúc đẩy bên ngoài. Qua sự tìm kiếm trong nhiều năm, sau khi bước sang thế kỷ 21, châu Phi đang bước vào ngã rẽ then chốt trong lịch sử. Sự tích lũy và phát triển của các nhân tố bên trong cùng sự thay đổi, thúc đẩy của môi trường bên ngoài, ngày càng trở thành “động lực mới” và “cơ hội mới” thúc đẩy châu Phi phát triển trong thế kỷ mới.
Trước tiên, sau hơn nửa thế kỷ phát triển, “nhà nước” – sự tồn tại chính trị và quan niệm tinh thần hoàn toàn mới mà chân thực – dần được kiến tạo và phát triển mang tính lịch sử ở lục địa châu Phi. Là tốp sau cùng tiến vào ngưỡng “nhà nước hiện đại” trong hệ thống thế giới hiện đại, quá trình xây dựng và phát triển của hàng chục quốc gia non trẻ châu Phi mới được thành lập sau những năm 60 của thế kỷ 20 mang yêu cầu thời đại đặc biệt và những quy định bên trong của nó, nó khiến các quốc gia này phải trải qua quá nhiều loạn lạc, xung đột và rối ren trong hàng chục năm qua. Song do kiên định bảo vệ chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc, phần lớn các nước châu Phi đã duy trì được thống nhất và toàn vẹn chủ quyền đất nước. Ngày nay, cùng với việc đẩy mạnh thống nhất đất nước, cùng với quan niệm quốc gia độc lập tự chủ dần dần hình thành và ăn sâu bén rễ, trong khá nhiều quốc gia châu Phi, một số nước tích cực thay đổi tình trạng rối loạn trong nước, một số về lâu dài muốn thúc đẩy mạnh mẽ các lực lượng mang tính cơ sở để phát triển hiện đại đất nước, đều đang dần tích lũy trong tiến trình lịch sử lặng lẽ, đồng thời bắt đầu thể hiện ý nghĩa tích cực đặc biệt của mình trong bối cảnh cục diện thế giới thay đổi. Ví dụ, ở một số nước châu Phi, việc tăng cường xây dựng chính trị quốc gia hiện đại và năng lực cầm quyền của chính phủ; việc hình thành quan niệm quốc gia chủ quyền hiện đại; việc tăng cường lòng trung thành và sự đồng thuận của người dân đối với đất nước; tiến trình nhất thể hóa khu vực và sự phát triển của các tổ chức hợp tác khu vực trên cơ sở sự lớn mạnh của quốc gia; sự tự tôn, tự tin và ý thức tự lập của người dân châu Phi; yếu tố phát triển hiện đại giữa văn hóa và tâm lý như tình cảm yêu nước và trách nhiệm chính trị của tinh hoa trí thức và tinh hoa chính trị các nước v.v… đều đang được tích lũy và phát triển chậm rãi nhưng mạnh mẽ trong nỗ lực và theo đuổi của nhiều thế hệ người châu Phi trong hàng chục năm qua. Đây chính là nguyên nhân căn bản khiến lục địa châu Phi bước vào thời kỳ kinh tế phát triến tương đối ổn định và với tốc độ nhanh trong mấy năm gần đây.
Thứ hai, cấu trúc quốc gia và năng lực hành động của khá nhiều quốc gia châu Phi dần được củng cố và ổn định, năng lực quản lý của chính phủ cũng bắt đầu lớn mạnh thực sự. Sau khi được thử nghiệm một thời gian dài, một số thể chế chính trị hiện đại mang đặc điểm bản quốc và mang tính bao dung dần phát triển ở châu Phi. Do sự hợp tác kinh tế ngày một tăng cường với các nước mới nổi trên thế giới, tiềm lực phát triển nói trên của châu Phi đang chuyển từ ưu thế tiềm tàng sang ưu thế thực tế. Hơn 10 năm qua, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính của phương Tây năm 2008, trọng tâm phát triển kinh tế thế giới đang chuyển dịch nhanh về các nước Nam, các nước mới nổi, đến từ một loạt các nước mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và các nước châu Á-Thái Bình Dương khác, Nam Á, Mỹ Latinh và khu vực Trung Đông, đầu tư vào châu Phi về năng lượng, khoáng sản, nông nghiệp, tài chính, điện tín và xây dựng cơ sở hạ tầng ngày một tăng lên, nhu cầu đối với các nguồn tài nguyên, thị trường, sức lao động và đất đai châu Phi cũng ngày một nhiều, điều này đã giúp tăng cường sức cạnh tranh quốc tế của tài nguyên châu Phi, mở rộng và nâng cao chuỗi giá trị các yếu tố phát triển của châu Phi. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, tới năm 2011, đã có 538 dự án của các nước mới nổi ở châu Phi, vượt xa 319 dự án của các nước phát triển. Từ năm 2000-2007, số tiền đầu tư của Ấn Độ vào châu Phi tăng lên trên 800%, tới năm 2009, trên 1/3 điểm đến đầu tư của Ấn Độ là ở châu Phi. Đồng thời, thương mại và đầu tư trong nội bộ châu Phi cũng đang tăng nhanh. Các nghiên cứu có liên quan cho thấy cùng với sự đẩy nhanh của tiến trình nhất thể hóa khu vực châu Phi và việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng xuyên khu vực, mỗi giao dịch thương mại nội khối tăng 5%, GDP của toàn châu Phi sẽ tăng 200 tỷ USD. Ngày nay, trong nội bộ châu Phi, giữa thế giới châu Á và châu Phi đang hình thành một mối quan hệ Nam-Nam kiểu mới, nhu cầu tài nguyên và thương mại đầu tư đến từ các nước mới nổi đang ngày càng trở thành nguồn động lực quan trọng để châu Phi thực hiện tăng trưởng kinh tế. Báo cáo “Triển vọng kinh tế châu Phi năm 2011” do Hội đồng kinh tế châu Phi của Liên hợp quốc công bố cho rằng hợp tác kinh tế thương mại với các quốc gia mới nổi sẽ thay thế các nước truyền thống phương Tây trong càng nhiều lĩnh vực, trở thành động lực mới phát triển châu Phi. Lãnh đạo các nước châu Phi hiểu rất rõ điều này, ngay cả là những người phê phán Trung Quốc xuất phát từ mục đích chính trị cũng hiểu rõ điều này. Ngày 14/3/2012, Tổng thống Zambia Michael Sata, trúng cử và lên cầm quyền với chiêu bài chống Trung Quốc đã nói với các nhà doanh nghiệp Trung Quốc ở phủ tổng thống rằng đầu tư của Trung Quốc đối với Zambia đem lại điều tốt lành đến cho hai nước, hy vọng các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng đầu tư, có nhiều hành động thiết thực hơn ở các ngành khai thác mỏ, nông nghiệp và dệt ở Zambia. Một số cơ quan nghiên cứu của châu Phi chỉ rõ “chúng tôi muốn làm cho đầu tư khiến cả hai bên được lợi. Đối với các nhà đầu tư và các nước châu Phi muốn được lợi từ trong đó, thì đây là một mối quan hệ hợp tác.”
Cuối cùng, trọng tâm chính trị – kinh tế thế giới dịch chuyển về “phương Đông” về mặt địa lý và “phương Nam” về mặt kinh tế chính trị học. Xét cấu trúc tác động tích cực của sự phát triển toàn cầu, nếu những diễn biến của hệ thống kinh tế thế giới có thể bao dung và mở cửa hơn nữa, giữa các nước phát triển phương Tây có hình thái hoàn thiện, các nước mới nổi đang trỗi dậy nhanh, các nước châu Phi – “thế giới thứ ba” có tiềm lực lớn, có thể hình thành cục diện tác động tích cực với nhau, tìm kiếm cục diện mới của thế giới trong đó các bên hợp tác cùng có lợi cùng thắng lợi, thì lục địa châu Phi sẽ có thể bước vào một thời kỳ mới liên tục phát triển. Xét theo ý nghĩa này, châu Phi đang thể hiện với thế giới những tiềm lực to lớn và hy vọng vào tương lai từ nhiều mặt, và làm cho cộng đồng quốc tế ngày càng có khuynh hướng cho rằng trong 20-30 năm tới, châu Phi sẽ trở thành “lục địa tăng trưởng mới” của nền kinh tế thế giới, trở thành niềm hy vọng cho sự phát triển mới của kinh tế toàn cầu trong một thời kỳ dài hơn sắp tới. “Xét theo nghĩa này thì ai nắm được châu Phi thì sẽ nắm được tương lai”.
II- Các nhân tố khó lường và trở ngại chủ yếu trong tiến trình phát triển
Tuy nhiên, khi chúng ta nhận thấy các nhân tố tích cực thì cũng cần đánh giá đầy đủ những trở ngại và khó khăn mà châu Phi phải đối mặt trong tiến trình phát triển. Hiện các nhân tố tiêu cực kiềm chế và gây trở ngại cho châu Phi phát triển vẫn tồn tại, và được thể hiện rõ ở các mặt sau:
Thứ nhất, mặc dù kinh tế châu Phi phát triển tương đối nhanh trong 10 năm gần đây, nhưng vẫn chưa thể thay đổi trạng thái kém phát triển, lạc hậu nhất thế giới. Hiện 3/4 các nước chậm phát triển nhất thế giới đều tập trung ở châu Phi, nghèo đói, chiến tranh và xung đột vẫn là trạng thái phổ biến của châu lục này. Mặc dù các bên đều rất nỗ lực nhưng “Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ” mà Liên hợp quốc đề ra vẫn chưa thể thực hiện ở nhiều nước châu Phi, các vấn đề dân sinh cơ bản như thất nghiệp, mù chữ, bệnh tật nghiêm trọng, môi trường xấu đi chưa được thay đổi về căn bản. Đồng thời, trong mấy năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của một số nước châu Phi đều dựa vào xuất khẩu tài nguyên, năng lượng và hàng hóa sơ cấp dưới mô hình tăng trưởng với tài nguyên là chủ đạo, tăng trưởng. GDP chẳng có mấy vai trò đối với việc cải thiện đời sống người dân và nâng cao cơ cấu kinh tế đất nước. Ngay cả Nigeria có xu thế phát triển mạnh mẽ, các vấn đề như xung đột và mâu thuẫn giữa các sắc tộc và khu vực, sự mục nát và hiệu quả thấp của các quan chức chính phủ, phân phối không công bằng và khoảng cách giầu nghèo đều có xu thế mở rộng, có khá nhiều mối lo trong quá trình phát triển.
Thứ hai, kinh tế về tổng thể vẫn dựa vào các nước phát triển phương Tây và thị trường quốc tế ma họ giữ chủ đạo, nền móng phát triển yếu và không ổn định. Mấy năm gần đây, kinh tế phương Tây tiếp tục suy thoái, đầu tư, buôn bán và viện trợ cho châu Phi giảm mạnh, môi trường kinh tế bên ngoài của một số nước châu Phi có xú hướng xấu đi, chịu tác động trước hết là các nước Bắc Phi lệ thuộc cao vào châu Âu về kinh tế, loạn trong giặc ngoài chồng chất lên nhau dẫn tới cục diện chính trị Bắc Phi từ các nước Maghreb tới Ai Cập, từ Sudan tới Somalia bắt đầu có biến động đột ngột vào năm 2010, biến động liên tục, chiến tranh và tai họa liên miên. Trong thời gian tới, sự thống nhất và an ninh chính quyền của một số nước châu Phi sẽ phải đối mặt với những thách thức mới.
Thứ ba, sự can thiệp của bên ngoài và cường quyền khiến tình hình an ninh một số nước châu Phi vô cùng nghiêm trọng, làm cho cuộc khủng hoảng chia rẽ và sụp đổ trở nên trầm trọng hơn. Cuộc chiến tranh Libya năm 2011 tuy không gây ra phản ứng dây chuyền ở châu Phi nhưng tạo thành nhiều “vết nứt” đối với hòa bình và an ninh khu vực, hiệu ứng lan ra ngoài và những ảnh hưởng tầng sâu không ngừng nổi lên. Hiện vẫn chưa thể dẹp yên nổi loạn ở Libya, khuynh hướng chia rẽ ở phía Đông gia tăng, các bộ tộc ở sâu trong sa mạc phía Nam thì mạnh ai nấy làm, sau khi chiến tranh qua đi, quốc gia này đang phải đối mặt với vận mệnh tan rã, chia rẽ. Một lượng lớn dân tị nạn và phần tử vũ trang tràn vào các nước xung quanh kết hợp với nhân tố rối ren vốn có ở đó, khiến tình hình an ninh khu vực Sahel có xu hướng xấu đi. Mali xẩy ra đảo chính quân sự, phiến quân Tuareg ở phía Đông Bắc tuyên bố độc lập, thành lập đất nước, Mali đứng trước tình cảnh chia rẽ. Năm 2011, lấy cớ “trách nhiệm bảo vệ” và “can thiệp nhân đạo”, các nước phương Tây và NATO đã can thiệp bằng vũ lực vào xung đột ở Libya và cuộc khủng hoảng bầu cử ở Côte d’ivoire, làm cho châu Phi một lần nữa đứng trước mối đe dọa mới của chủ nghĩa can thiệp phương Tây và chủ nghĩa thực dân mới ngóc đầu dậy. “Can thiệp nhân đạo” của phương Tây không những làm cho chủ quyền, an ninh quốc gia của một số nước châu Phi đứng trước các thách thức nghiêm trọng, về khách quan đã khuyến khích ý thức chống đối của phe đối lập, quyền uy của chính phủ và hiệu quả của thống trị gặp những thách thức chưa từng có, các nước châu Phi đứng trước thách thức sinh tồn “mất đi chủ quyền” hoặc “mất đi đất nước”. Sự thực là nếu chủ quyền không được bảo vệ có hiệu quả, các nước châu Phi sẽ xẩy ra hiệu ứng dây chuyền chia rẽ, tan rã, trong 10, 20 năm tới, xung đột nội bộ và sự can thiệp bên ngoài với các hình thức có thể dẫn tới nhiều quốc gia châu Phi bị chia cắt thành nhiều nước nhỏ, nếu như vậy thì sẽ không có hy vọng cho sự hồi sinh của châu Phi.
Thứ tư, sự đoàn kết bị thách thức ở nhiều phương diện, tiến trình nhất thể hóa tiến bước khó khăn, nguy cơ chính trị chia rẽ gia tăng. Khi xưa lục địa châu Phi là đối tượng để phương Tây cướp đoạt nô lệ, ngày nay khi phương Tây làm chủ thế giới, trước sự bá quyền tập thể và liên danh can thiệp của phương Tây, từng cá nhân các nước châu Phi cũng không thể thoát khỏi vận mệnh này. Tổng thống đầu tiên của Ghana Nkrumah từng nói: “Châu Phi hoặc là thống nhất, hoặc là tiêu vong.” Nhưng đoàn kết thống nhất và nhất thể hóa châu Phi không phải là việc dễ, do chịu ảnh hương thời gian dài của mẫu quốc nên trong quan hệ với bên ngoài mỗi quốc gia châu Phi non trẻ có “chủ nhân” của mình, hình thành cục diện bị lôi kéo bởi lợi ích bên ngoài. Dưới sự sai khiến của các cường quốc bên ngoài, châu Phi vẫn rất dễ xẩy ra phân hóa và ai lo việc người đó, làm người đại diện cho lợi ích của mẫu quốc, dẫn tới “chiến tranh ủy nhiệm” ở lục địa châu Phi. Từ năm 2010 đến nay, nội bộ các nước châu Phi phân hóa nghiêm trọng trong việc đối xử với vấn đề xung đột và can thiệp quan sự của bên ngoài ở Libya, cũng như tòa án hình sự quốc tế trước đó trừng phạt Tổng thống Sudan Omar a1-Bashir, do bất đồng ý kiến nên Liên minh châu Phi ở vào tình thế khó xử, quyền uy, tính hợp pháp và hiệu quả vốn đã mong manh càng bị nghi ngờ và thách thức. Trong bối cảnh này, cơ chế an ninh tập thể của châu Phi đã suy yếu đáng kể. Mấy năm gần đây các vấn đề an ninh phi truyền thống của châu Phi tăng lên, các hoạt động của chủ nghĩa khủng bố bị rơi vào thời kỳ sục sôi mới, có xu thế trỗi dậy rõ rệt ở Đông Phi, Bắc Phi và Tây Phi, Boko Haram ở Nigeria hoạt động ngang ngược, xung đột giáo phái ở Ai Cập, Nigeria và Sudan leo thang.
Thứ năm, năng lực của đất nước và chức năng của chính phủ còn hạn chế làm cho một số nước châu Phi ngày càng ở trong trạng thái hệ thống nhà nước bị xóa bỏ và chức năng của chính phủ yếu kém cửa trạng thái “xã hội không có nhà nước”. Do năng lực chung của đất nước và năng lực cầm quyền của chính phủ, tiến trình hội nhập dân tộc của một số quốc gia châu Phi nhiều lần bị gián đoạn, quyền lực của chính phủ trung ương thường chẳng có cách nào thâm nhập tới các tầng lớp trong xã hội và khu vực xa xôi, năng lực hành động để thống nhất đất nước rất yếu. Trong bối cảnh này, sự đồng thuận dân tộc và tình cảm yêu nước của một số nước châu Phí còn lâu mới được đặt lên trên vị trí quan trọng trong việc xây dựng ý thức hệ và văn hóa của đất nước, tinh thần yêu nước và quan niệm quốc gia dân tộc ngày càng mờ nhạt. Còn các nước châu Phi bắt chước theo phương Tây thường không giữ được truyền thống văn hóa, bộ tộc thì bị chia rẽ trong lĩnh vực đời sống tinh thần. Sự xóa bỏ thể chế thống nhất đất nước và năng lực quản lý của chính phủ yếu kém đã dẫn tới những tai họa to lớn. Ở nhiều quốc gia và khu vực của châu Phi hiện nay, năng lực của chính phủ hạn chế nghiêm trọng, chính quyền cơ sở chẳng có vai trò gì, không nhận thấy mạng lưới chính quyền và hệ thống quản lý có các chức năng rõ ràng, liên thông từ dưới lên trên, trong trạng thái “có xã hội bộ tộc mà chẳng có chính phủ trung ương”, hàng trăm hàng nghìn người rơi vào tình cảnh khó khăn không được trợ giúp, tự sinh tự diệt trong các sa mạc và thảo nguyên rộng lớn. Mặc dù hiện nay các nước châu Phi có nguồn nhân lực dồi dào, có đông dân trong độ tuổi lao động, nhưng do thiếu người tổ chức và cơ chế động viên tổ chức họ thành đại quân xây dựng đất nước, nguồn dân số khổng lồ này chẳng có cách nào chuyển hóa thành nguồn nhân lực và yếu tố sản xuất phục vụ cho việc xây dựng đất nước, lợi tức dân số vẫn chưa được phát huy sử dụng.
Muốn phát triển thì châu Phi ngày nay còn phải khắc phục nhiều trở ngại, phải tìm kiếm trên con đường dài. Thứ nhất, trên một ý nghĩa nào đó, các nước châu Phi cần một phong trào giải phóng tư tưởng mới, tức là cần kết hợp với tình hình thực tế, tính toán thận trọng con đường phát triển, tìm cách châu Phi hóa các vấn đề của châu Phi. Thứ hai, phải hình thành tư tưởng tự chủ và tinh thần độc lập, các phần tử tri thức cần nâng cao năng lực độc lập quan sát và tính toán con đường phát triển đất nước, chấn hưng văn hóa tư tưởng của quốc gia dân tộc, hình thành tầng lớp tinh hoa tri thức độc lập tự chủ. Thứ ba, xây dựng năng lực của đất nước là tiền đề căn bản để phát triển châu Phi, các nước châu Phi cần hết sức coi trọng việc xây dựng năng lực đất nước, nâng cao năng lực hành động và quản lý của chính phủ. Các nước châu Phi hiện đặc biệt cần bồi dưỡng tinh thần yêu nước, tinh thần phấn đấu vì quốc gia dân tộc, đặt lợi ích quốc gia và lợi ích dân tộc lên hàng đầu. Thứ tư, các nước châu Phi cần chuyển trọng tâm công tác của đất nước sang xây dựng kinh tế, lấy phát triển kinh tế làm trung tâm để xây dựng năng lực của đất nước. Việc làm ra của cải giầu tinh thần lý trí thực tế hơn bất cứ lý tưởng chính trị nào, về cơ bản, việc xây dựng an ninh và hòa bình của châu Phi chỉ có thể được thực hiện thông qua phát triển kinh tế và đoàn kết xã hội. Thứ năm, các nước châu Phi cần một sách lược phát triển đất nước dài hạn và ổn định, liên tục theo đuổi mục tiêu phát triển đất nước, kiên trì tinh thần độc lập tự chủ, phấn đấu gian khổ, vấn đề của châu Phi không thể giải quyết trong chốc lát, sự phấn đấu thật sự quan trọng hơn bất cứ khẩu hiệu và diễn thuyết hoa lệ nào.
Điều đặc biệt chú ý là trong 10 năm qua, quan điểm của phương Tây đối với châu Phi đã có những thay đổi kịch tính mang ý nghĩa châm biếm. Tháng 5/2000, tạp chí “Nhà kinh tế” Anh đăng bài “Châu lục tuyệt vọng”, trình bầy một cách hình tượng quan điểm bi quan của phương Tây đối với sự đan xen giữa tai họa thiên nhiên và do con người gây ra ở lục địa này, “lũ lụt ở Mozambique, nạn đói ở Ethiopia, giết người hàng loạt ở Rwanda, nội chiến ở Sierra Leone, các cuộc chiến tranh ở toàn bộ châu lục chạm đến là bùng phát”, châu Phi trở thành “trung tâm phiền phức” của thế giới, triển vọng là một màu đen và tuyệt vọng. Tuy nhiên vào tháng 1/2011, tức là 10 năm sau đó, tạp chí này lại đăng bài viết với chủ đề “Một lục địa có hy vọng: bầy sư tử xưng vương”, cách nhìn nhận đối với châu Phi đã có sự đảo chiều mạnh mẽ, châu Phi được xem là lục địa có hy vọng nhất trên thế giới, địa vị và tầm quan trọng của châu lục này nhận được những lời ca tụng hiếm có kể từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, phương pháp quan sát lý giải đối với châu Phi như vậy là quá đơn giản, chủ quan. Giống như việc coi châu Phi là lục địa tuyệt vọng của 10 năm trước, nay lại tâng bốc quá mức cũng không phù hợp. Sự thực là tình hình châu Phi vẫn vô cùng phức tạp, thuyết bi quan hoặc thuyết lạc quan đơn giản đều khó có thể phán đoán chuẩn xác tình hình thực sự của châu Phi.
III- Nắm vững “cơ hội châu Phi”: Sự lựa chọn chiến lược của Trung Quốc
Trước xu thế phát triển đang thay đổi và cơ hội phát triển ngày một nổi rõ của châu Phi, Trung Quốc cần có một tính toán toàn diện và lâu dài trong chiến lược và chính sách hợp tác, đưa ra những phán đoán và lựa chọn rõ ràng trong một số vấn đề mang tính chiến lược hoặc toàn cục đối với châu Phi, dốc sức thúc đẩy hợp tác Trung Quốc-châu Phi lên tầm cao mới.
Trước tiên, Trung Quốc có thể thông qua các biện pháp giầu tính sáng tạo, thúc đẩy quan hệ hợp tác Trung Quốc-châu Phi thay đổi, phát triển và không ngừng nâng lên mức cao mới trong lịch sử, hình thành cấu trúc quan hệ cùng coi nhau là cơ hội phát triển, là điểm tựa chiến lược.
Một nguyên nhân quan trọng khiến kinh tế các nước châu Phi phát triển tương đối ổn định và nhanh chóng trong hơn 10 năm qua là do mối quan hệ Nam-Nam kiểu mới cùng có lợi, cùng ưu đãi lẫn nhau với các nước mới nổi như Trung Quốc với đặc trưng là cùng nhau phát triển đã được hình thành. Các nghiên cứu của cộng đồng quốc tế cho thấy hợp tác Trung Quốc-châu Phi là động lực bên ngoài quan trọng nhất thúc đẩy kinh tế châu Phi tăng trưởng trong 10 năm qua. Hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của châu Phi, là thị trường xuất khẩu của hàng hóa châu Phi. Trung- Quốc cũng là nguồn đầu tư giúp châu Phi tăng trưởng nhanh nhất, là bên chịu trách nhiệm quan trọng nhất trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng và xây dựng năng lực cơ sở phát triển của châu Phi. Nghiên cứu của các cơ quan quốc tế như Ngân hàng Thế giới cho thấy chỉ riêng sự phát triển của thương mại Trung Quốc-châu Phi đã đóng góp trên 20% cho tăng trưởng kinh tế châu Phi trong mấy năm gần đây, nhưng hợp tác Trung Quốc-châu Phi và sự đóng góp của Trung Quốc đối với công cuộc phát trển của châu Phi không chỉ hạn chế ở thương mại hàng hóa mà còn thể hiện trong các lĩnh vực rộng rãi có ý nghĩa lâu dài. Mấy năm gần đây, cùng với ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Phi dần vượt qua các nước phương Tây, thì cũng đang làm thay đổi mối quan hệ giữa lục địa này với thế giới bên ngoài trong nhiều lĩnh vực, do đó ngày càng có các cuộc thảo luận và tranh luận liên tục về các chủ đề liên quan đến “vai trò của Trung Quốc ở châu Phi”, “sứ mệnh của Trung Quốc ở châu Phi”.
Tiến trình mang tính hiện đại bắt đầu ở phương Tây chỉ là giai đoạn đầu của sự phát triển mang tính hiện đại của nhân loại, nó chưa thể chấm dút toàn bộ lịch sử phát triển hiện đại của con người, Trung Quốc và các nước châu Á, châu Phi hoàn toàn có khả năng mở ra tiến trình hiện đại của nhân loại mới trong tương lai, về lâu dài, nhu cầu phát triển của châu Phi đã mang đến cho Trung Quốc các cơ hội đặc biệt tạo dựng tư cách quốc gia mang tính đại diện của mình. Trong cấu trúc của hệ thống toàn cầu ngày nay đều có mối quan hệ Nam-Bắc khác nhau với châu Âu, châu Á, châu Mỹ và châu Đại Dương, châu Phi là một “lục địa phương Nam” kém phát triển thực sự, 54 quốc gia trên toàn bộ lục địa đều là các quốc gia đang phát triển, hơn một nửa trong 50 quốc gia kém phát triển nhất thế giới đều tập trung ở lục địa đen này, tính phổ biển và tính bức thiết của vấn đề phát triển đã trao cho lục địa này tất cả tư cách và vận mệnh chung của quốc gia và dân tộc. Châu Phi của ngày hôm nay xem ra luôn hỗn loạn và rối ren, tình hình mỗi nước dù khác nhau, nhưng vẫn không xa rời bản chất vốn có, đói nghèo lạc hậu, kinh tế suy thoái và dân sinh khó khăn, thực sự là cội nguồn của rối ren.
Đối với các nước đang phát triển, phát triển là chính trị lớn nhất, là biểu hiện cao nhất của lợi ích quốc gia. Đối với Trung Quốc, phát triển càng có ý nghĩa phục hưng văn minh đặc biệt. Là lục địa có đông các nước đang phát triển nhất, đất đai rộng lớn, tài nguyên phong phú, văn hóa lịch sử đa nguyên và lâu đời cũng như kinh tế xã hội kém phát triển, những điều này làm cho châu Phi có nhu cầu phát triển lớn. Vì vậy, sự hợp tác giữa Trung Quốc và châu Phi đã tạo ra mối quan hệ hợp tác chiến lược phát triển lâu dài giữa quốc gia đang phát triển lớn nhất thế giới với lục địa đang phát triển lớn nhất thế giới, trong sự hội tụ sáng tạo của hai nền văn minh lớn cùng nhau xây dựng thành một tổ hợp không gian và thời gian phát triển hữu cơ lớn nhất thế giới, dưới nguyên tắc bình đẳng, ủng hộ lẫn nhau và hợp tác cùng thắng, với sự nỗ lực chung bền vững, hai khu vực, hai nền văn minh lớn cùng nhau phát triển, phục hưng, hiện đại hai nền văn minh lớn, đây đều là những việc có ý nghĩa to lớn và ảnh hưởng sâu xa bất kể đối với bản thân Trung Quốc, châu Phi hay là thế giới, bất luận là đối với lịch sử hay là đối với tương lai. Đây là điểm xuất phát để chúng ta lý giải và nắm vũng các vấn đề của châu Phi, cũng là nền tảng vững chắc để Trung Quốc và châu Phi thiết lập mối quan hệ hợp tác Nam-Nam kiểu mới mà định hướng và trọng tâm là phát triển. Vì lý do này, Trung Quốc cần dựa vào phương thức mới, vận dụng các lực lượng văn minh, mở ra con đường mới phát triển đất nước, tạo ra không gian mới trao đổi, phát triển với thế giới, Xác định mình là nước lớn mang tính thế giới đang trỗi dậy thúc đẩy nhân loai cùng nhau phát triển, phát triển hài hòa và hợp tác phát triển, một lực lượng mang tính xây dựng mang lại cơ hội phát triển và hy vọng cho thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển trong tương lai, là mấu chốt để quyết định liệu Trung Quốc cuối cùng có thể trở thành một quốc gia phát triển hiện đại trên thế giới không. Trở thành một nước lớn ngày càng trỗi dây mang lai hy vọng và cơ hội cho nước khác, dân tộc khác chứ không phài là hy sinh lợi ích của nước khác, dân tộc khác, là sự lựa chọn đúng đắn trên con đường phát triển của Trung Quốc, cũng là sự lựa chọn duy nhất, nếu không Trung Quốc sẽ vấp phải ngày càng nhiều trở ngại và sự kiềm chế của bên ngoài trong quá trình trỗi dậy và phát triển.
Thứ hai, trong thời gian tương đối dài tới, châu Phi vẫn là chỗ dựa bên ngoài quan trọng nhất để Trung Quốc phục hưng dân tộc, hiện đại và phát triển, hợp tác với châu Phi đang đứng trước những thách thức và cơ hội to lớn thay đổi và phát triển trên cơ sở kế thừa truyền thống.
Mấy năm gần đây, sự phòng ngừa, nghi ngờ chiến lược của Mỹ và các nước phương Tây đối với Trung Quốc không giảm đi, chiến lược “quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương” của Mỹ là để phân hóa, ly gián mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước xung quanh, nổi rõ ý đồ gây căng thẳng chiến lược ở xung quanh nhằm kiềm chế Trung Quốc phát triển hòa bình. Nếu nắm vững không chính xác, châu Á có khả năng biến từ “thị trường” phát triển của thế giới thành “chiến trường” đối đầu. Trước sự chèn ép chiến lược của Mỹ và các nước đồng minh, Trung Quốc cần bình tĩnh đối phó, “anh làm việc của anh, tôi làm việc của tôi”, kiên trì chiến lược đã định, tự thúc đẩy tiến trình phát triển và hòa bình của thế giới với quyết tâm và các biện pháp kiên định hơn. Cụ thể, Trung Quốc đang thoát ra khỏi tình thế bế tắc chiến lược mà phương Tây sắp đặt về mặt chiến lược, “anh đến tôi đi”, anh đến cổng nhà tôi thì tôi sẽ đi tới thế giới rộng lớn hơn, anh muốn hình thành bàn cờ chiến lược bao vây tôi thì tôi sẽ thoát khỏi vòng bao vây của anh, áp dụng sách lược “tác chiến tuyến ngoài” hoặc “giương Đông kích Tây” để làm hồi sinh không gian chiến lược của Trung Quốc. Trước cái gọi là “tái cân bằng chiến lược” quay trở lại Đông Á của Mỹ, Trung Quốc có thể tự đưa ra một sự “tái cân bằng chiến lược” khác dựa vào trí tuệ của mình, thông qua thúc đẩy thế giới hòa bình phát triển, cùng nhau phát triển để vượt qua tư duy “Chiến tranh Lạnh” của Mỹ và phương Tây, khởi xướng và thúc đẩy thế giới phát triển hòa bình với hoài bão và tầm nhìn lớn hơn, mang tính bao dung và mang tính xây dựng hơn. Cụ thể Trung Quốc có thể cân nhắc lựa chọn một số nước châu Phi làm chỗ dựa chiến lược của mình, thông qua các biện pháp hợp tác thiết thực khả thi, dốc sức thúc đẩy các nước châu Phi có liên quan phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng an ninh hòa bình và nâng cao năng lực đất nước, làm cho các nước châu Phi và thế giới cảm nhận được rõ hợp tác phát triển với Trung Quốc không những có thể mang lại lợi ích thực sự cho các nước đang phát triển mà còn có thể mang lại không gian phát triển và cơ hội chiến lược rộng lớn hơn. Quan hệ hợp tác Trung Quốc-châu Phi được đẩy mạnh thì có thể trở thành một điểm tựa chiến lược quan trọng thúc đẩy mối quan hệ giữa Trung Quốc với thế giới phương Tây, cải thiện môi trường chiến lược bên ngoài, mở rộng không gian chiến lược bên ngoài để Trung Quốc phát triển.
Cuối cùng, Trung Quốc cần thông qua tổng kết lý luận và thực tiễn hợp tác phát triển Trung Quốc-châu Phi để xây dựng quyền phát ngôn mang tính hiện đại và sức mạnh tư tưởng của mình, cung cấp môi trường lý luận và quyền phát ngôn đặc biệt có “tư tưởng Trung Quốc” hoặc “trí thức Trung Quốc” trong lĩnh vực phát triển.
Hội nghị thượng đỉnh Durban lần đầu tiên đã xác định chủ đề trọng tâm là thành lập Viện nghiên cứu chính sách BRICS, xây dựng lại quan niệm giá trị tự lập và tự chủ về tư tưởng của các nước đang phát triển, điều này cho thấy các nước liên quan đã ngày càng nhận thức được ý nghĩa quan trọng của việc mở rộng tư tưởng và sáng tạo tri thức, nó thực sự đã mở ra một vũ đài mới mang ý nghĩa chiến lược cho hợp tác phát triển Trung Quốc-châu Phi. Ngày nay, vấn đề phát triển kinh tế xã hội, hòa bình và an ninh của châu Phi ngày càng có ý nghĩa vượt ra ngoài lục địa này và tác động tới sự thay đổi của cục diện chiến lược toàn cầu. Do đó, các lực lượng trong cộng đồng quốc tế đã dồn dập can thiệp vào các công việc của châu Phi dựa trên sự đòi hỏi chiến lược và quan niệm khác nhau, vạch mục tiêu chiến lược, tìm kiếm đối tác hợp tác, giành lấy lợi ích chiến lược ở châu lục này, mối quan hệ giữa châu Phi với thế giới bên ngoài vì vậy trở nên ngày càng phức tạp, đa dạng. Các quan niệm tư tưởng và phương án chính sách được tranh luận trên phạm vi thế giới, các quan niệm và trào lưu tư tưởng khác nhau đến từ khắp nơi về việc làm thế nào để châu Phi hòa bình, an ninh và ổn định, làm thế nào đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội cho các nước, các dân tộc ở lục địa này lúc tăng lên lúc lại giảm đi.
Mấy năm gần đây, các cuộc tranh luận và nghiên cứu về nguyên lý và con đường phát triển châu Phi ngày càng trở thành điểm cao để cạnh tranh tư tưởng và xung đột tri thức. Đằng sau các cuộc cạnh tranh tư tưởng quốc tế và đua tranh quyền phát ngôn phức tạp này còn bao hàm các cuộc đua tranh về tính chính đáng và tính hiệu quả của các mô hình phát triển, quan niệm phát triển và quyền lợi phát triển của cộng đồng quốc tế. Xét theo ý nghĩa nào đó, các nước không thuộc phương Tây, các nước đang phát triển mới vươn lên, có khả năng hoặc buộc phải lựa chọn mô hình và con đường phát triển khác với phương Tây. Về lâu dài, sáng tạo tư tưởng và việc giành được ưu thế tri thức ngày càng có ý nghĩa quan trọng đối với sự phục hưng và phát triển của Trung Quốc và thế giới Á-Phi. Sau hơn 100 năm nỗ lực, sự hiện đại, phát triển của Trung Quốc và nhiều nước không thuộc thế giới phương Tây đã đạt được những tiến triển lớn ở các mức độ khác nhau, dần dần có kinh nghiệm phát triển hiện đại và tinh thần tự tin của mình. Nhưng dù Trung Quốc hay là thế giới không thuộc phương Tây khác, nếu kinh nghiệm phát triển hiện đại và giá trị của trí tuệ chưa được chính họ tự tổng kết một cách nghiêm túc và thế giới bên ngoài thừa nhận, thì năng lực khai phá tư tưởng và năng lực chủ đạo phát ngôn của thế giới phi phương Tây chưa thể đảm bảo cho tiến trình phát triển của họ được đẩy mạnh độc lập và bền vững./.
No comments:
Post a Comment