Tại cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế Tokyo về Phát triển châu Phi lần thứ 6 (TICAD6) diễn ra hai ngày (27-28/8) ở Nairobi, Kenya; Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định Tokyo cam kết hỗ trợ 30 tỉ USD cho khu vực châu Phi trong 3 năm tới. Số tiền này sẽ dùng hỗ trợ lĩnh vực tư nhân lẫn chính phủ để phát triển hạ tầng, giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Trong đó, 10 tỉ USD được dùng để phát triển cơ sở hạ tầng thông qua hợp tác với Ngân hàng Phát triển châu Phi (ADB). Nhật Bản, một quốc gia không giàu tài nguyên, đã lưu ý đến tiềm năng khai thác tài nguyên thiên nhiên to lớn của châu Phi. Mối quan tâm này được chú trọng hơn nữa sau khi Nhật Bản đóng cửa gần như tất cả các lò phản ứng hạt nhân của mình sau thảm họa Fukushima năm 2011, dẫn tới sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt. Thủ tướng Abe nói: “Khi kết hợp với lĩnh vực đầu tư tư nhân, tôi hy vọng tổng số tiền sẽ lên đến 30 tỉ USD. Đây là khoản đầu tư đặt niềm tin vào tương lai của châu Phi, một sự đầu tư để Nhật Bản và châu Phi cùng phát triển”. Khoản 30 tỉ cam kết hôm 27/8 là số tiền tách biệt hoàn toàn với số tiền tại hội nghị TICAD 2013, Tokyo cũng cam kết hỗ trợ 32 tỉ USD cho châu Phi trong thời gian 5 năm. Ông Abe nói rằng 67% trong số đó đã được sử dụng trong các dự án. Cam kết đầu tư lần này củaThủ tướng Abe đã phản ánh một sự chuyển đổi rộng lớn hơn trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản với châu Phi, đó là chuyển từ viện trợ sang thương mại và từ chính phủ tới khu vực tư nhân.
Đối thủ của Nhật Bản trong việc tranh giành ảnh hưởng tại châu Phi là Trung Quốc. Theo thống kê của Tổ chức Thương mại ngoài Nhật Bản cho thấy đầu tư trực tiếp của Nhật Bản tại châu Phi năm 2015 đạt mốc 1,24 tỉ USD, giảm so với 1,5 tỉ USD một năm trước đó. Tokyo đầu tư vào khá nhiều lĩnh vực như đường, sân bay, bến cảng, nhà máy điện... Trong khi đó, Trung Quốc đã đầu tư 2 tỉ USD vào quốc gia Equatorial Guinea, quốc gia có nguồn dầu mỏ dồi dào chỉ trong tháng 4/2015[1].
Thay vì đầu tư tài chính đơn thuần, Nhật Bản có hướng đi khác nhằm vào chất lượng và ngoại giao để thuyết phục các lãnh đạo châu Phi, ông Koichi Sakamoto - giáo sư nghiên cứu phát triển vùng tại Đại học Toyo cho rằng: “Nhật Bản gần như phải “chiến đấu” với Trung Quốc ở thị trường châu Phi. Khi Nhật Bản không thể đối chọi với Trung Quốc về khoản tiền đầu tư, thì họ cần phải nhấn mạnh về mặt chất lượng”[2]. Bằng chứng là chuyến công du châu Phi trong tháng 8 vừa qua của Thủ tướng Abe là chuyến đi thứ 3 của ông tới lục địa này kể từ khi nhận chức vào cuối năm 2012. Trong lịch sử chưa có một vị Thủ tướng Nhật Bản nào tới châu Phi từng đó lần trong một khoảng thời gian ngắn như vậy.
Ông Abe cũng làm sâu sắc thêm sự tương phản giữa Nhật Bản và Trung Quốc rằng: “Nhật Bản có trách nhiệm thúc đẩy giá trị của tự do, giá trị của pháp luật và kinh tế thị trường; không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực; nỗ lực làm cho xã hội thịnh vượng hơn”.
Một thực tế là Nhật Bản sớm nhận thức rõ ràng hơn ảnh hưởng về kinh tế ngày càng lớn của châu Phi và đã có những chính sách mở mang quan hệ với châu lục này. Trên trang mạng “forejgnaffairs.com” ngày 16/9 có đăng tải bài viết của tác giả J.Berkshire Miller, theo tác giả Miller trong nhiều thập kỷ qua, chính sách đối ngoại của Nhật Bản với châu Phi chỉ xoay quanh mục tiêu thể hiện sức mạnh mềm, chủ yếu được thể hiện dưới dạng viện trợ phát triển. Nhưng trong những năm gần đây, áp lực kinh tế trong nước cộng với sự cạnh tranh của các quốc gia khác tại châu Phi buộcTokyo phải cân nhắc lại. Thông điệp của Nhật Bản gửi đến các nước châu Phi rất rõ ràng là, có những con đường đến với sự phát triển bền vững mà không liên quan gì đến Trung Quốc[3]; Tokyo chỉ muốn mang tới châu Phi những sáng kiến đặc biệt để thúc đẩy sự phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân công có tay nghề, y tế và nông nghiệp. Sự giúp đỡ ấy của Nhật Bản đang được các nước châu Phi đón nhận, và đây là một trong những cơ sở quan trọng để hai bên tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác.
Các quốc gia châu Phi đã và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với Nhật Bản, bởi việc cải cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không thể thiếu sự ủng hộ của các nước thuộc châu lục này. Điều đó có thể góp phần hoàn thành giấc mơ dài mà Nhật Bản đang ấp ủ. Đó là trở thành một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hướng đến mục tiêu này, Nhật Bản đã cải thiện quan hệ với các quốc gia châu Phi. Bộ Ngoại giao Nhật Bản vừa đưa ra kế hoạch cử phái đoàn ngoại giao tại Liên minh châu Phi (AU) và bổ nhiệm một đại sứ tại đây. AU với 50 thành viên là một trong những khối bỏ phiếu quan trọng tại Đại hội đồng Liên hợp quốc[4].
Động lực thúc đẩy mối quan hệ giữa Nhật Bản với châu Phi còn được thể hiện chủ yếu bởi tầm quan trọng của các nước này đối với nền kinh tế Nhật Bản. Có rất nhiều khoáng sản và nguyên liệu thô dùng để sản xuất các sản phẩm xuất khẩu của Nhật Bản, từ ô tô đến các loại đồ dùng gia đình đều đến từ các quốc gia châu Phi. Bằng việc mở rộng đầu tư và khuyến khích hợp tác liên doanh, Tokyo hy vọng giành được chuỗi cung ứng các nguyên liệu này. Một mục tiêu khác của Nhật Bản là năng lượng vì nhu cầu đặc biệt của nước này đối với các nguồn nhiên liệu nước ngoài do việc cắt giảm sản lượng điện hạt nhân trong nước sau thảm họa năm 2011[5].
Với việc ngày càng có nhiều chính sách đầu tư vào châu Phi, Nhật Bản đã và đang mong muốn tìm kiếm các nguồn năng lượng mới, cũng như tranh thủ sự ủng hộ của châu Phi nhằm góp phần tăng cường vị thế của Tokyo trên trường quốc tế. Còn đối với châu Phi, đây chính là một cơ hội tốt để các nước đang còn nghèo song có nhiều tiềm năng ở nơi đây thu hút được nguồn vốn từ Nhật Bản nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.
Trần Mỹ Hoa, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á
[1] Japan pledges to invest $30 billion in Africa over next three years
https://www.japantoday.com/category/politics/view/japan-pledges-to-invest-30-billion-in-africa-over-next-three-years
[2] Nhật Bản dùng chất lượng 'đấu' với tiền của Trung Quốc ở châu Phi
http://www.baomoi.com/nhat-ban-dung-chat-luong-dau-voi-tien-cua-trung-quoc-o-chau-phi/c/20174398.epi
[4] Động lực khiến Nhật Bản đẩy mạnh quan hệ với Châu Phi.
Bản dịch của TTXVN, Tin tham khảo thế giới, ngày 06/09/2016. Tr20;21.
[3]; [5] Chính sách “xoay trục” sang châu Phi của Nhật Bản
Bản dịch của TTXVN, Tin tham khảo thế giới, ngày 21/09/2016. Tr19;20.
No comments:
Post a Comment