Wednesday, November 30, 2016

KINH TẾ CHÂU PHI 2013-2014 VÀ TRIỂN VỌNG ĐẦU TƯ

Bất chấp chính trị bất ổn, kinh tế Châu Phi vẫn đạt mức tăng trưởng 5% trong năm 2012-2013, cao hơn các châu lục khác trên thế giới. Năm 2012, sự tăng trưởng mạnh kinh tế Bờ Biển Ngà, đã giúp khu vực Tây Phi phát triển trong khi các nước khác vẫn duy trì được nền kinh tế ổn định. IMF cho biết kinh tế Châu Phi tăng trưởng là 5,4%. Nhưng tại Bắc Phi, sự bất ổn chính trị đã ảnh hưởng đến nền kinh tế của Ai Cập và Tunisia. Trong báo cáo năm 2013, kinh tế Bắc Phi chậm lại kể từ mùa xuân Ả Rập tháng 1/2011 (theo số liệu của WB). Hầu hết các nước Bắc Phi không đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra: Ai Cập đạt 2,7%, Angieri đạt 2,6%, Maroc 2,9%, Tunisia 2,5%. Riêng Libi sản lượng khai thác dầu đã phục hồi sau cuộc chiến và đạt mức tăng trưởng cao kỷ lục với 117%. Tăng trưởng kinh tế năm 2012 khu vực Bắc Phi là 4,7%.

Nhìn chung năm 2012, tình hình an ninh chính trị tương đối ổn định tại đa số các nước Châu Phi, đặc biệt các quốc gia như Bờ Biển Ngà, Sierra Leone, Zambia, Ghana và Senegal đã có sự tiến bộ rõ rệt. Senegal đã thành công khi tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống vào đầu năm 2012. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số điểm nóng như bất ổn chính trị tại Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Mali và tình trạng cướp biển gia tăng tại vùng vịnh Guinea (Tây Phi). Dù có những bất ổn chính trị Châu Phi vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài bởi những tiềm năng chưa được khai thác, môi trường kinh doanh đang được cải thiện, tình hình chính trị đi vào ổn định và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao hơn các khu vực khác. Những lĩnh vực như chế biến nông sản, xây dựng, năng lượng, mỏ, tài chính - ngân hàng, ô tô, viễn thông, vận tải thu hút được nhiều nguồn vốn FDI nhất.

Kinh tế Châu Phi đạt 4,8% năm 2013 và dự đoán là 5,3% năm 2014 (Theo số liệu của OECD, AfDB, ECA và UNDP). Các kênh tài chính đầu tư và kiều hối…. vào Châu Phi lên cao kỷ lục với 186,3 tỷ USD trong năm 2012. Trong đó, kiều hối 60,4 tỷ USD, viện trợ nước ngoài 56,1 tỷ USD. Các quốc gia Nam Phi, Angola và Mozambique là những điểm thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với các lĩnh vực viễn thông, tài chính và bảo hiểm chiếm tỷ trọng lớn. Theo Báo cáo của Ngân hàng phát triển châu Phi (AFDI), trong thập kỷ qua, Châu Phi là khu vực tăng trưởng nhanh thứ hai trên thế giới chỉ sau Châu Á. Theo thống kê của tạp chí The Economist (Anh), 6/10 nước có tốc độ phát triển nhanh nhất trong năm 2012 đến từ lục địa đen.

Trong những năm qua phát triển kinh tế, xã hội và môi trường đầu tư của Châu Phi đã thay đổi một cách triệt để, góp phần vào sự phát triển vốn đầu tư. Các chỉ số kinh tế cho thấy xu hướng lạc quan để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong những năm tiếp theo, đó chính là điều kiện cần thiết góp phần thay đổi hình ảnh của Châu Phi với các nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn ý thức được các thách thức họ phải đối mặt tại một số quốc gia như tại vùng Sừng châu Phi, đặc biệt là Somalia, Mali, Guinea Bissau, nơi luôn hiện diện sự bất ổn về chính trị.

Định hướng phát triển nền kinh tế nội địa và thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế khu vực nhằm tránh phụ thuộc vào kinh tế của Châu Âu và Bắc Mỹ đã phát huy hiệu quả và giúp tăng trưởng thương mại của các nước Châu Phi khu vực cận Sahara từ 7% vào năm 1990 lên 15% vào năm 2010. Sự nỗ lực của chính phủ các nước ở Châu Phi nhằm thực thi các chính sách tự do hóa thương mại trong khu vực, hội nhập thể chế và phát triển cơ sở hạ tầng đang là động lực cốt lõi để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp tục phát triển mở rộng thị trường, vùng, miền.

Nếu năm 2001 Brazil đầu tư vào châu Phi 69 tỉ USD thì tới năm 2009 con số này đã lên đến hơn 210 tỉ USD. Các công ty Brazil tập trung nhiều vào lĩnh vực khai khoáng, đặc biệt là than đá, và mới chỉ tập trung vào những quốc gia như Angola hay Mozambique do sự tương đồng về ngôn ngữ. Nhưng giờ đây, hoạt động đã được mở rộng ra toàn Châu Phi như Algeria, Congo và Guinea. Bên cạnh đó, đầu tư vào dầu khí đang được quan tâm. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Brazil Petrobras hiện đã khuếch trương hoạt động của mình tại 28 nước Châu Phi. Ở khu vực Tây Phi, mục tiêu chính của Petrobras là tìm kiếm nguồn dầu thô nhẹ, đồng thời tìm kiếm cơ hội khai thác ở vùng nước cực sâu mà họ rất có thế mạnh. Tuy nhiên, hiện Brazil vẫn còn xếp sau Trung Quốc về những dự án đầu tư tại Châu Phi. Hoa Kỳ cũng có những dự định trở lại châu lục này với chuyến đi dài ngày của Tổng thống Obama vào ngày 26/6 - 2/7/2013 với tuyên bố “Tôi đang ở Châu Phi bởi vì tôi nghĩ nước Mỹ cần có mặt trong một châu lục đầy hứa hẹn và tiềm năng này. Nó sẽ mang lại điều tốt đẹp cho nước Mỹ”.

Để duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, Châu Phi cần thúc đẩy chương trình nghị sự về cải cách cơ cấu nhằm nâng cao mức tăng trưởng. Mặc dù có sự tăng tốc phát triển, nhưng chưa thật sự cải thiện cuộc sống của nhiều người Châu Phi và còn rất nhiều người chỉ được hưởng một phần từ sự phục hồi kinh tế của lục địa.
Theo IMF tốc độ tăng trưởng trung bình tại Mozambique là 8% trong 20 năm, nhưng GDP bình quân đầu người chỉ tăng từ 150 đến 500 USD. Báo cáo thường niên của AfDB, Trung tâm Phát triển của OECD, ECA và UNDP trong tháng 5/2013, tài nguyên thiên nhiên như nông nghiệp, khai thác khoáng sản và năng lượng là chìa khóa để chuyển đổi kinh tế của Châu Phi. Nhưng Châu Phi phải làm như thế nào nếu các nước công nghiệp phát triển và mới nổi suy thoái?

Hầu hết các nước Châu Phi phụ thuộc vào việc sản xuất và xuất khẩu một số lượng hạn chế sản phẩm. Đa dạng hóa xuất khẩu liên quan đến việc đa dạng hóa sản xuất. Sản phẩm nông nghiệp như các sản phẩm khai khoáng có thể được xử lý tại chỗ nhưng điều này liên quan đến một số điều kiện bao gồm cơ sở hạ tầng, giáo dục, đào tạo và thị trường mở cửa hơn nữa. Theo Emmanuel Nnadozie, giám đốc bộ phận chính sách kinh tế vĩ mô của Ủy ban Kinh tế Châu Phi (ECA), tiếp cận các thị trường là điều cần thiết để thực hiện một quá trình "chuyển dịch cơ cấu dựa trên tài nguyên thiên nhiên: hội nhập khu vực và tiếp cập một cách tốt hơn vào thị trường của những đối tác lớn."
Nigeria, quốc gia đông dân nhất và sản xuất dầu mỏ hàng đầu ở Châu Phi, đã vượt mặt Nam Phi để trở thành nền kinh tế lớn nhất lục địa, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 510 tỷ USD năm 2013 (Số liệu do Văn phòng Thống kê quốc gia của Nigeria (Yemi Kale) công bố). Trong năm 2012, GDP của Nigeria đạt 453,9 tỷ USD, trong khi đó Nam Phi đạt 384 tỷ USD. Nigeria cũng đã đặt mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển nền kinh tế, đưa quốc gia Tây Phi này vào danh sách 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2020. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về Châu Phi, còn được gọi “Davos châu Phi”, lần thứ 24 khai mạc ngày 8/5/2014 tại Nigeria. WEF về châu Phi năm nay diễn ra trong bối cảnh đất nước này đang phải đối mặt với những thách thức lớn về an ninh, đặc biệt là các vụ tấn công và bắt cóc gần 300 nữ sinh do nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram tiến hành.



Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan phát biểu tại diễn đàn WEF ngày 8/5/2014 - Ảnh: AFP/TTXVN

Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các nước Châu Phi đã tăng trưởng từ 196 triệu USD năm 2002 lên 1 tỷ USD năm 2007 và lên gần 4,3 tỷ USD năm 2013. Châu Phi có nhu cầu lớn đối với hàng nông sản, công nghiệp mà Việt Nam có thế mạnh như: gạo, cà phê, hạt tiêu, dệt may, da giày, thủy sản, điện thoại, linh kiện điện tử, máy móc thiết bị phụ tùng, linh kiện xe gắn máy… Ngược lại, Việt Nam cần nhập khẩu những mặt hàng nguyên liệu đầu vào quan trọng như hạt điều, bông, gỗ, dầu thô, khoáng sản, sắt thép phế liệu… từ Châu Phi để phục vụ ngành công nghiệp chế biến trong nước. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi đã không ngừng tăng từ 127 triệu USD năm 2002 lên 683 triệu USD năm 2007 rồi 2,87 tỷ USD năm 2013, với tốc độ trung bình là 38%/năm. Việt Nam có quan hệ thương mại với tất cả 55 nước trong khu vực. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Châu Phi cũng tăng liên tục từ 69,3 triệu USD năm 2002 lên 1,24 tỷ USD năm 2011 và 1,42 tỷ USD năm 2013, tăng trung bình 62%/năm.
Tính đến hết năm 2012, đã có 18 dự án đầu tư của Việt Nam tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ Châu Phi với tổng số vốn 1,1 tỷ USD, các lĩnh vực đầu tư đa dạng như: viễn thông, xây dựng, sản xuất tấm lợp, xe gắn máy, hàng may mặc, điện tử, điện lạnh, đồ uống đóng chai, khai thác và chế biến gỗ, vàng, khoáng sản, nông nghiệp… Tính đến năm 2012, đã có 7 quốc gia Châu Phi đầu tư vào Việt Nam. Các lĩnh vực đầu tư chính gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa, lĩnh vực hoạt động khoa học công nghệ, dịch vụ lưu trú và tư vấn. Đứng đầu trong danh sách đầu tư vào Việt Nam là Cộng hòa Seychelles với 7 dự án, tổng số vốn là 28,63 triệu USD. Tiếp đến là Mauritius với 10 dự án, tổng số vốn đạt 19,5 triệu USD. Kenya với 1 dự án đầu tư số vốn 16 triệu USD. Ngoài ra còn có các dự án nhỏ của doanh nghiệp các nước Nigeria, Maroc, Ai Cập và Sierre leone.

Trần Nguyễn
(Tổng hợp)

No comments: