Wednesday, November 30, 2016

"NỔI SỢ D.TRUMP" CỦA CHÂU PHI VÀ CƠ HỘI CỦA TRUNG QUỐC

Khi ông Trump “chèo lái con thuyền” nước Mỹ, Washington có thể sẽ rút khỏi châu Phi và Trung Quốc đã sẵn sàng để sẵn sàng lấp đầy khoảng trống.
Khi ông Donald Trump được bầu trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, ông đã đưa ra những tuyên bố mơ hồ và những chính sách không xác định. Trong khi châu Á và châu Âu được nhấn mạnh trong chiến dịch tranh cử, ông Trump lại khá im lặng về châu Phi. Sắp tới, ông Trump sẽ nhậm chức vào tháng 1/2017. Có nhiều điều không chắc chắn về việc ông sẽ định hình chính sách của mình với châu Phi và mối quan hệ giữa Mỹ và “Lục địa đen” sẽ bị ảnh hưởng như thế nào trong tương lai.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là việc ông Trump đắc cử sẽ là tin xấu đối với châu Phi. Dựa vào tuyên bố “Nước Mỹ là trên hết” của ông, châu Phi sẽ không nằm trong danh sách ưu tiên khi Mỹ giảm sự can dự của mình với thế giới nhằm tập trung các nguồn lực cho các vấn đề trong nước. Đầu tiên có thể sẽ là vấn đề cắt giảm viện trợ. Mặc dù Mỹ chỉ giành 1% tổng ngân sách liên bang cho viện trợ năm 2015, nhưng có số này có nguy cơ giảm xuống mức thấp lịch sử dưới thời ông Trump. Trong khi châu Phi là lục địa có tốc độ phát triển nhanh nhất, ông Trump dường như không quan tâm đến điều này.

Tổng thống Trump cũng có thể là “hồi chuông báo tử” đối với hầu hết các thỏa thuận thương mại của Mỹ với châu Phi. “Đạo luật Cơ hội và Phát triển châu Phi” (AGOA), vốn được ký thành luật tháng 5/2000 nhằm giúp “các nước Tiểu vùng Sahara hưởng lợi thông qua việc tiếp cận tự do thị trường Mỹ”, có thể sẽ là một trong những thỏa thuận Mỹ-châu Phi đầu tiên bị hủy bỏ. AGOA đã thành công trong trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư, trở thành ưu tiên hàng đầu cho chính sách Mỹ ở châu Phi. Với thương mại hai chiều đạt 36 tỷ USD năm 2015, các nước châu Phi có thể mất hàng tỷ USD nếu AGOA bị bãi bỏ. Cùng với nguy cơ “Kế hoạch viện trợ khẩn cấp cho châu Phi của Tổng thống Mỹ” (PEPFAR) và những sáng kiến phát triển khác như “Đạo luật Điện châu Phi” của ông Obama bị hủy, lục địa đen có thể sẽ rơi vào “bóng tối”.

Ngoài ra, lịch sử của những tuyên bố và hành động theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc gây tranh cãi của Tổng thống đắc cử Mỹ, cùng với việc bổ nhiệm ông Stephen K. Bannon vào vị trí chiến lược gia trưởng kiêm cố vấn cấp cao của Nhà Trắng, sẽ khiến cho các nước châu Phi không thể đặt sự tin cậy của họ đối với chính quyền của ông Trump. Trên thực tế, điều này có thể làm gia tăng những quá trình hủy hoại vốn đang diễn ra trong khu vực, đặc biệt là khi Trung Quốc đang tăng cường những nỗ lực nhằm “quyến rũ” các nhà lãnh đạo châu Phi.

Yếu tố Trung Quốc

Trong khi đó, những lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ ở châu lục này được bảo vệ thông qua một số căn cứ quân sự và các thỏa thuận quốc phòng mong manh. Camp Lemonnier, cơ sở lớn nhất của Mỹ, ở Djibouti và đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố dựa trên những máy bay không người lái nhằm đối phó với các nhóm khủng bố như Boko Haram và cướp biển Somali. Từ Djibouti, quân đội Mỹ có thể giám sát nhiều điểm nóng an ninh của châu Phi, cũng như phía Tây Nam của bán đảo Arab. Nói cách khác, Mỹ sẽ không để mất căn cứ này.

Nhưng Tổng thống Djibouti Ismail Omar Guelleh lại đang có xu hướng ngả sang Trung Quốc, khi Bắc Kinh có kế hoạch đầu tư hàng tỉ đô la vào quốc gia Đông Phi này. Năm 2015, Djibouti đã đồng ý để Trung Quốc bố trí căn cứ quân sự đầu tiên của Bắc Kinh, gần Camp Lemonnier, khiến nhiều chuyên gia an ninh quan ngại, trong đó có vấn đề nghe lén của Trung Quốc. Ông Guelleh giờ đây có khả năng sẽ ngả sang Bắc Kinh nhiều hơn trong tương lai khi ông Trump hướng vào các vấn đề nội bộ của Mỹ.

Kết quả cuối cùng là tất cả các nước châu Phi sẽ tìm kiếm các mối quan hệ ngày càng gần gũi hơn với đối thủ cạnh tranh chính của Mỹ ở châu lục này – Trung Quốc. Về mặt truyền thống, Mỹ đã cung cấp các kế hoạch chi tiết cho sự phát triển của Lục địa đen. Nhưng sự can dự của Trung Quốc ở châu lục này đã tăng lên nhanh chóng và nhiều nhà lãnh đạo châu Phi ngày càng hướng về Bắc Kinh như một thay thế cho các mô hình dân chủ và tự do do Mỹ dẫn đầu. Theo một cuộc khảo sát của Afrobarometer, Trung Quốc đứng thứ hai về mô hình phát triển, được hỗ trợ bởi các khoản đầu tư lớn của Bắc Kinh và mối quan hệ thương mại ngày càng mở rộng.

Khi ông Trump “chèo lái con thuyền” nước Mỹ, Washington có thể sẽ rút khỏi châu Phi và Trung Quốc đã sẵn sàng để sẵn sàng lấp đầy khoảng trống. Tổng thống sắp mãn nhiệm Mỹ, ông Obama đã nỗ lực đầy khó khăn để giành được “trái tim và khối óc” của người châu Phi, nhưng chiến dịch tranh cử của ông Trump đã cho thấy có ít hy vọng về những tiến bộ mà Mỹ có thể tạo ra trong thương mại, đầu tư, cải thiện mức sống đối với châu lục này.
NGUỒN: http://vfpress.vn/tai-chinh/noi-so-donald-trump-cua-chau-phi-va-co-hoi-cho-trung-quoc-337582.html

No comments: