Wednesday, November 30, 2016

QUAN HỆ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - MA-RỐC: 10 NĂM NHÌN LẠI


Trao đổi giữa hai nước những năm gần đây có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ma-rốc đạt 101 triệu USD, tăng 24% so với năm 2012 đưa Ma-rốc trở thành một trong 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là điện thoại và linh kiện, cà phê, hàng hải sản, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, tàu thuyền các loại, hàng dệt may, sợi, giày dép, lưới đánh cá, hóa chất, hạt tiêu...
Đôi nét về thị trường Ma-rốc
Ma-rốc nằm ở khu vực Tây Bắc châu Phi, phía bắc là Địa Trung Hải, phía đông giáp An-giê-ri, phía nam giáp Tây Sahara và phía tây là Đại Tây Dương. Do nằm giáp eo biển Gibralta là điểm ngắn nhất ngăn cách châu Âu với châu Phi nên Ma-rốc có một vị trí địa-chính trị quan trọng ở khu vực Bắc Phi.
Với diện tích 446.550 km2, Ma-rốc có dân số 32,3 triệu người, thủ đô là Rabat nhưng trung tâm kinh tế lại là thành phố cảng Casasblanca. Ngôn ngữ sử dụng chính ở đây là tiếng A-rập, tiếng Pháp là ngoại ngữ phổ biến, ngoài ra còn có tiếng địa phương Béc be. Về tôn giáo, đạo Hồi là quốc đạo chiếm đến 98,7% dân số. Đơn vị tiền tệ là đồng Đi-ham (DH) (1 USD = 8,865 DH).
Ma-rốc có trữ lượng phốt phát lớn nhất thế giới với 54,5 tỷ tấn (sản xuất khoảng 20 triệu tấn/năm, trong đó xuất khẩu 10 triệu tấn), ngoài ra có sắt, măng gan, chì, thiếc, muối.
Năm 2013, GDP đạt 104,8 tỷ USD, tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,1%. GDP bình quân đầu người khoảng 3000 USD/năm.
Trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp chiếm 15,1%, công nghiệp 31,7% và dịch vụ 53,2%.
Về ngoại thương, năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu của Ma-rốc đạt 16,78 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm có phốt phát và phân bón, hàng dệt may, thực phẩm và đồ uống, khoáng sản, thành phần điện tử, bán dẫn, sản phẩm dầu lửa, trái cây có múi, cá. Các bạn hàng chính là Pháp, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Braxin, Mỹ.
Kim ngạch nhập khẩu của Ma-rốc năm 2013 là 38,66 tỷ USD. Mặt hàng nhập khẩu chính gồm dầu thô, hàng sơ chế, trang thiết bị viễn thông,  thực phẩm và đồ uống, hàng tiêu dùng, nhiên liệu, điện. Các bạn hàng chính là Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ, A-rập Xê-út, Trung Quốc, Ý và Nga.
Quan hệ thương mại Việt Nam-Ma-rốc
Việt Nam và Ma-rốc lập quan hệ ngoại giao từ ngày 27/3/1961. Hai nước đã mở Đại sứ quán tại thủ đô của nhau và trao đổi nhiều đoàn cấp cao.  Về phía Việt Nam có đoàn Chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An thăm Ma-rốc năm 2005, Đoàn Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2004. Về phía Ma-rốc cũng có các đoàn như Chủ tịch Hạ viện thăm Việt Nam năm 2003, của Thủ tướng Ma-rốc năm 2008.
Hai nước đã thành lập Uỷ ban hỗn hợp liên chính phủ và đã ký nhiều biên bản thoả thuận trong đó có Hiệp định thương mại (2001), Hiệp định về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ (2004), Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (2008), Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư , Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực du lịch (2012)...
Trong lĩnh vực thương mại, thời gian qua, Bộ Công Thương đã quan tâm đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Ma-rốc. Cùng với việc Đại sứ quán được thành lập, Thương vụ Việt Nam tại Ma-rốc cũng chính thức đi vào hoạt động năm 2005.
Nhiều đoàn nghiên cứu chính sách và xúc tiến thương mại đã được tổ chức tại Ma-rốc như đoàn do Thứ trưởng Thương mại Trần Đức Minh dẫn đầu (năm 2006), đoàn của Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang (năm 2008), đoàn của Thứ trưởng Trần Tuấn Anh (2013). Bộ Công Thương cũng tổ chức đoàn tham dự Diễn đàn Kinh doanh châu Á tại Ma-rốc năm 2012. Tháng 11/2013, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã có buổi tiếp ông Mohamed Abbou, Bộ trưởng đặc trách ngoại thương của Ma-rốc nhân dịp vào Việt Nam tham dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế Việt Nam-Trung Đông-Bắc Phi.
Trong 10 năm qua, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Ma-rốc đã có bước tăng trưởng nhanh chóng, từ con số nhỏ bé 8,5 triệu USD năm 2004 lên 31,1 triệu USD năm 2009 và 108,6 triệu USD năm 2013. Đáng chú ý là trong cán cân thương mại, Việt Nam luôn xuất siêu với giá trị lớn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 100,9 triệu USD năm 2013, tăng 24% so với năm 2012 và cao gấp 12 lần so với cách đây 10 năm. Kể từ năm 2012, Ma-rốc đã trở thành 01 trong 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi.
Bảng 1: Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Ma-rốc (2004-2013)
                                                                                                  Đơn vị: USD
Năm
Tổng kim ngạch
VN xuất khẩu
VN nhập khẩu
2004
8.555.123
8.230.204
324.919
2005
8.793.064
8.147.186
645.878
2006
12.114.452
11.103.240
1.011.212
2007
27.519.617
27.053.216
466.401
2008
33.527.022
30.164.137
3.362.885
2009
31.136.909
28.887.082
2.249.827
2010
31.930.725
28.268.142
3.662.583
2011
45.271.101
40.392.916
4.878.185
2012
85.527.725
81.753.194
3.774.531
2013
108.665.446
100.992.727
7.672.719
                                                      Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam
Về nhập khẩu của Việt Nam từ Ma-rốc, tuy có mức tăng cao song do xuất phát điểm thấp nên giá trị không đáng kể, chỉ đạt 7,6 triệu USD năm 2013, tăng gấp đôi so với năm 2012 và gấp 23 lần so với năm 2004.
Có được kết quả trên trước tiên phải kể đến việc thành lập và đi vào hoạt động của Cơ quan Thương vụ Việt Nam vào cuối năm 2005 tại thành phố Casablanca, trung tâm kinh tế của Ma-rốc. Với vai trò cầu nối, Thương vụ đã cung cấp những thông tin thị trường, giới thiệu cơ hội kinh doanh, góp phần giúp doanh nghiệp hai nước tìm hiểu, nắm bắt được những tiềm năng hợp tác thương mại và tiếp xúc với các khách hàng.
Thứ hai là bản thân các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp của Việt Nam đã ngày một quan tâm đến thị trường Ma-rốc. Các doanh nghiệp đã tích cực tham gia các đoàn nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại tại Ma-rốc do Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức. Một số doanh nghiệp tham gia đều đặn các hội chợ, triển lãm quốc tế thường niên như Triển lãm nông nghiệp Meknes, Hội chợ Ramadan...
Thứ ba là cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có sự dịch chuyển theo hướng tích cực: Các mặt hàng nông sản xuất khẩu thô như cà phê, hạt tiêu, cơm dừa đã giảm dần nhường chỗ cho hàng công nghiệp như điện thoại, máy vi tính và linh kiện, sản phẩm dệt may, giày dép. Số lượng mặt hàng xuất khẩu chủ lực ngày càng đa dạng hơn, không chỉ bó hẹp vào một, hai sản phẩm như những năm trước đây.
Bảng 2. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ma-rốc năm 2013
Mặt hàng xuất khẩu
Giá trị (USD)
Điện thoại di động và linh kiện
63,520,171
Cà phê
6,381,031
Hàng hải sản
4,751,560
Hàng hoá khác
4,514,543
Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện
3,419,954
Giày dép các loại
2,299,124
Sản phẩm hóa chất
2,218,147
Tàu thuyền các loại
1,983,217
Sản phẩm dệt may
1,763,041
Sợi các loại
1,708,853
Lưới đánh cá
1,300,853
Hạt tiêu
1,300,650
Máy móc thiết bị, dụng cụ & phụ tùng
880,788
Cao su và sản phẩm từ cao su
736,235
Dầu mỡ động thực vật
667,629
Linh kiện phụ tùng xe máy
606,741
Bật lửa
594,459
Túi xách, ví, vali, mũ & ô dù
384,899
Sản phẩm chất dẻo
308,853
Đĩa lưu trữ thông tin thuộc nhóm 8523
308,070
Hàng rau quả
302,340
Máy hút bụi
212,358
Sản phẩm gỗ
177,518
LK ô tô CKD, SKD dưới 12 chỗ ngồi
152,567
Bánh, kẹo & sản phẩm từ ngũ cốc
123,936
Vải
98,185
Dao cạo và lưỡi dao cạo
97,684
Hoa hồi
83,120
Kính xây dựng
39,637
Gạo
24,460
Nguyên phụ liệu dệt may, da & giày
18,714
Thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu
13,387
Tổng
100,992,724
Nguồn: Tổng cục Hải quan VN
Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Ma-rốc năm 2013 đạt 7,6 triệu USD, tăng 100% so với năm 2013 với các sản phẩm chính là hàng hải sản 2,1 triệu USD, máy vi tính 2 triệu USD, sản phẩm dệt may 1,3 triệu USD, phân DAP 1,1 triệu USD…
Mặc dù có sự tăng trưởng mạnh song trao đổi thương mại song phương nhất là kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ma-rốc vẫn còn khiêm tốn chưa tương xứng với tiềm năng hai nước. Ma-rốc là một trong những quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh ở châu Phi, có tình hình chính trị ổn định. Tại thị trường này, thời gian qua cũng không xảy ra các vụ lừa đảo thương mại qua mạng Internet. Hàng hoá của Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng địa phương biết đến và đánh giá cao. Ngoài ra, với lợi thế có cơ quan Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại, cùng với công tác thông tin, tuyên truyền tích cực của Bộ Công Thương về tiềm năng xuất nhập khẩu của thị trường này, dự báo thời gian tới kim ngạch giữa hai nước có nhiều khả năng nâng cao kim ngạch./.
                                                Hoàng Đức Nhuận


No comments: