Wednesday, November 30, 2016

TRUNG QUỐC NỖ LỰC CHỐNG LẠI ẢNH HƯỞNG CỦA MỸ TẠI CHÂU PHI

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)

Thứ Năm, ngày 28/3/2013

TTXVN (Niu Yoóc 22/3)

“Tạp chí Á–Âu” ngày 14/3 cho biết trong một hội nghị gần đây của Quốc hội Trung Quốc ở Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã công bố một kế hoạch dài hạn nhằm hội nhập khoảng 400 triệu người sống ở các vùng nông thôn vào các đô thị bằng cách tập trung thúc đẩy mức tăng trưởng ở các thành phố vừa và nhỏ. Ngược lại với tình trạng thiếu quan tâm tới phát triển cơ sở hạ tầng ở Mỹ và châu Âu, mỗi năm Trung Quốc chi khoảng 500 tỷ USD cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và 6.400 tỷ USD cho kế hoạch đô thị hóa trong 10 năm để biến kế hoạch di dân nông thôn ra thành thị trở thành dự án lớn nhất trong lịch sử nhân loại.


Để thực hiện các chủ trương như vậy không chỉ đòi hỏi Trung Quốc phải sử dụng các phương pháp sản xuất khối lượng lớn và thời gian hiệu quả, mà cả các nguồn lực khổng lồ. Do đó không có gì ngạc nhiên khi chuyến công du đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ông ta đến châu Phi để tăng cường các mối quan hệ thương mại và năng lượng cùng có lợi được triển khai khắp lục địa đen từ lâu và khiến các nhà hoạch định chính sách ở Oasinhtơn và các nước phương Tây cảm thấy khó chịu. Ông Tập Cận Bình sẽ đến thăm một số nước châu Phi mà Trung Quốc mong muốn mở rộng quan hệ, trong đó đặc biệt là Nam Phi. Từ khi thiết lập quan hệ năm 1998, thương mại song phương giữa hai nước tăng từ 1,5 tỷ USD lên 16 tỷ USD năm 2012, Tiếp theo mối quan hệ chủ yếu trao đổi kinh tế, hiện Trung Quốc và Nam Phi đã công bố kế hoạch tăng cường quan hệ Quân sự trong một chương trình hợp tác chính trị và an ninh. Tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi năm 2012, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tuyên bố cung cấp khoản vay 20 tỷ USD cho các nước châu Phi để phục vụ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng như: các tuyến đường giao thông, đường sắt và bến cảng nhằm cho phép trao đổi khối lượng hàng hóa thương mại và xuất khẩu lớn hơn. Trong bài phát biểu tại diễn đàn, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma nói về khả năng không bền vững của mô hình thương mại hiện nay giữa Trung Quốc và châu Phi, trong đó các loại nguyên liệu thô được đưa về Trung Quốc và hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang khu vực này. Ông Zuma nói: “Kinh nghiệm về kinh tế trước đây của châu Phi đến với châu Âu cho thấy phải thận trọng khi tham gia quan hệ đối tác với các nền kinh tế khác. Chúng tôi tin tưởng mục đích của Trung Quốc khác với châu Âu-khu vực đến nay tiếp tục có ý đồ gây ảnh hưởng tới các nước châu Phi vì lợi ích riêng của họ”. Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình cho thấy Trung Quốc chú trọng tới mối quan hệ Trung Quốc-châu Phi và trong chuyến thăm, ông cũng tham dự hội nghị thứ năm của BRICS-hội nghị thượng đỉnh đầu tiên được tổ chức tại châu Phi để hỗ trợ nhà lãnh đạo nhóm các nền kinh tế mới nổi trên thế giới gồm: Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi. Nhóm BRICS, chiếm khoảng 43% dân số thế giới và 17% tổng thương mại toàn cầu, được thiết lập để tăng đầu tư gấp 3 vào lĩnh vực công nghiệp của châu Phi, từ 150 tỷ USD năm 2010 lên 530 tỷ USD năm 2015, dưới chủ đề: “BRICS và châu Phi: quan hệ đối tác vì phát triển, hội nhập và công nghiệp hóa”. Nhờ chú trọng chuyển đổi theo hướng xây dựng khu vực công nghiệp của châu lục, rõ ràng Nam Phi được coi là một bàn đạp thâm nhập châu Phi và một đối tác phát triển quan trọng của lục địa cho các nước thành viên BRICS khác. Các nhà phân tích cho rằng thiết lập nhóm BRICS là một biện pháp quan trọng để xóa bỏ một trật tự kinh tế thế giới đơn cực và sự ra đời của BRICS là không có gì đáng ngạc nhiên. Khi các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu bị suy yếu do chính sách thắt lưng buộc bụng, tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục và nhu cầu giảm, thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU)và Nam Phi giảm từ 36% năm 2005 xuống 26,5% năm 2011, ngược lại, thương mại giữa các nước BRICS với Nam Phi tăng từ 10% năm 2005 lên 18,6% năm 2011. Giá trị và tầm quan trọng của BRICS có khả năng ảnh hưởng đến các mối quan hệ chính trị và kinh tế Nam-Nam, và khả năng các rào cản thương mại sẽ giảm và các hoạt động trao đổi kinh tế dần dần sẽ sử dụng các đồng tiền địa phương.

 Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) đã chi trả 5,5 tỷ USD sau khi mua 20% cổ phần trong Standard Bank của Nam Phi năm 2007 và việc mua cổ phần này rất có lợi cho Bắc Kinh để mở rộng các tài khoản bằng đồng nhân dân tệ (NDT), bởi vì Standard Bank đang có hơn 500 chi nhánh ở 17 nước châu Phi sử dụng đồng NDT. Hiện nay Trung Quốc và châu Phi đang chú trọng xây dựng cơ sở công nghiệp quy mô lớn tại Châu Phi. Các cuộc khảo sát cho thấy đến nay khoảng 1.600 công ty sử dụng châu Phi như một cơ sở công nghiệp, trong đó toàn bộ đầu tư của Trung Quốc cho sản xuất công nghiệp chiếm 22% và khai thác khoáng sản chiếm 29%. Tổng công ty hóa dầu của Trung Quốc (Sinopec) đang tăng cường hợp tác với đối tác Công ty dầu lửa quốc gia Nam Phi (PetroSA) để xây dựng một nhà máy lọc dầu trị giá 11 tỷ USD ở bờ biển phía Tây Nam Phi. Do Nam Phi không có nơi dự trữ khí đốt hoặc dầu lửa lớn, nhà máy lọc dầu như dự kiến sẽ phụ thuộc vào nhập khẩu và chủ yếu phục vụ thị trường nội địa. Vì vậy nhà máy sẽ phục vụ thị trường Nam Phi và không được sử dụng để chế biến dầu lửa xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là một trong những khoản đầu tư mới nhất cho thấy các nhà đầu tư Trung Quốc sẵn sàng đổ tiền vào khu vực công nghiệp, năng lượng và cơ sở hạ tầng ở châu Phi. Thực tế cuộc hành trình của con rồng Trung Quốc đang diễn ra ở khắp nơi của châu Phi từ Tandania và Cộng hòa Dân chủ Cônggô, đến Nigiêria và Ănggôla. Ông Tập Cận Bình cũng sẽ đến thăm thủ đô Luanda của Ănggôla, nơi Trung Quốc cung cấp cho quốc gia nhiều dầu lửa này các khoản vay trị giá khoảng 4,5 tỷ USD từ năm 2002. Sau cuộc nội chiến kéo dài 27 năm bắt đầu từ năm 1975, Bắc Kinh đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái thiết Ănggôla thông qua hoạt động của 50 công ty lớn trực thuộc nhà nước và hơn 400 công ty tư nhân Trung Quốc ở nước này. Do đó Ănggôla trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở châu Phi với khối lượng thương mại song phương đạt 20 tỷ USD/năm. Đại sứ Trung Quốc Trương Bác Luân cho biết ông nhận thấy tiềm năng to lớn trong việc phát triển hơn nữa mối quan hệ Trung Quốc-Ănggôla và hỗ trợ nước này trong việc giảm sự phụ thuộc vào các nguồn thu từ dầu lửa, đồng thời ưu tiên phát triển nông nghiệp, các ngành dịch vụ, năng lượng đổi mới, giao thông vận tải và cơ sở hạ tầng cơ bản khác.

 Hoạt động thương mại của Trung Quốc tại Cộng hòa Dân chủ Cônggô cũng tăng đáng kể không những trên lĩnh vực khai thác khoáng sản mà cả viễn thông. Năm 2000, Công ty ZTE của Trung Quốc hoàn tất hợp đồng trị giá 12,6triệu USD với Chính phủ Cônggô để thành lập công ty viễn thông đầu tiên giữa Trung Quốc và Cônggô, đồng thời Kinsasa xuất khẩu côban trị giá 1,4 tỷ USD sang Trung Quốc năm 2007-2008. Phần lớn nguyên liệu thô của Cônggô như côban, quặng đồng và các loại gỗ cứng được xuất khẩu sang Trung Quốc để chế biến hơn nữa và 90% nhà máy chế biến ở tỉnh giàu tài nguyên Katanga thuộc sở hữu của người Trung Quốc. Năm 2008, một tổ hợp công ty Trung Quốc được cấp giấy phép khai thác mỏ ở Katanga để đổi lấy 6 tỷ USD cho các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó xây dựng 2 bệnh viện, 4 trường đại học và một dự án thủy điện, nhưng Quỹ Tiền tệ Quốc tế can thiệp và ngăn chặn thỏa thuận này vì nó vi phạm chương trình giảm nợ nước ngoài cho các nước nghèo (HIPC). Trung Quốc đã đầu tư đáng kể vào các khu vực sản xuất tại các nền kinh tế không giàu tài nguyên như Dămbia và Tandania, và là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi. Trung Quốc nhập khẩu 1,5 triệu thùng dầu/ngày từ châu Phi, chiếm 30% tổng lượng dầu lửa nhập khẩu của Trung Quốc. Tại Gana, Trung Quốc đầu tư cho hãng hàng không quốc gia Gana nhằm phục vụ các đường bay nội địa. Trung Quốc cũng hợp tác với Chính phủ Gana xây dựng đập thủy điện Bui Hydroelectric Dam. Thương mại Trung Quốc-châu Phi tăng từ 10,6 tỷ USD năm 2000 lên 106,8 tỷ USD năm 2008 với tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 30%. Cuối năm 2009, Trung Quốc hủy bỏ hơn 300 khoản vay không lãi suất của 35 nước nghèo mắc nợ lớn và các nước kém phát triển nhất châu Phi. Trung Quốc là nước cung cấp tài chính lớn nhất của lục địa, và không nước nào có thể so sánh với ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh tại châu Phi, thậm chí Trung Quốc còn tài trợ 200 triệu USD cho Liên minh châu Phi xây dựng trụ sở tại Addis Ababa của Êtiôpi. Ông David Shinn, cựu đại sứ Mỹ tại Buốckina Phaso và Êtiôpi cho biết sự can dự kinh tế và vai trò quan trọng của Trung Quốc trong việc phát triển khu vực khoáng sản, công nghiệp viễn thông và các dự án cơ sở hạ tầng cần thiết khác tại châu Phi đang khiến phương Tây lo lắng. Trong chuyến công du ngoại giao châu Phi năm 2011, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton đã chỉ trích Trung Quốc áp đặt chủ nghĩa thực dân mới khắp lục địa này. Tại châu Phi, sự khác biệt về quan điểm, chiến lược chính sách đối ngoại và kinh tế của hai cường quốc Mỹ-Trung được thể hiện rõ hơn bất cứ khu vực nào trên thế giới. Oasinhtơn đang nỗ lực chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc khắp châu Phi và tìm cách hợp pháp hóa sự hiện diện của họ thông qua các hoạt động chống khủng bố và mở rộng Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại châu Phi (AFRICOM) – tiền đồn của quân đội Mỹ có nhiệm vụ chỉ đạo mọi hoạt động ở lục địa châu Phi. Ngược lại, Trung Quốc không ngừng nỗ lực thực hiện chiến lược gia tăng ảnh hưởng kinh tế và thương mại trong khu vực.

 Năm 2008, Phó Đô đốc Robert T. Moeller cho biết nguyên tắc chỉ đạo của AFRICOM là bảo vệ “sự lưu thông tự do các nguồn tài nguyên thiên nhiên từ châu Phi đến thị trường toàn cầu” và khẳng định sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc là một thách thức lớn đối với lợi ích của Mỹ trong khu vực. Gần đây Oasinhtơn thông báo Lầu Năm Góc sẽ triển khai hàng nghìn lính Mỹ ở 35 quốc gia châu Phi vào đầu năm 2013 để thực hiện các chương trình huấn luyện và nhiều hoạt động khác nhằm tăng cường vai trò của Lầu Năm Góc ở châu Phi – chủ yếu tại các quốc gia có các nhóm quan hệ với al-Qaeda. Do Chính quyền Obama có xu hướng phát triển công nghệ máy bay không người lái, các nhà phân tích coi chủ trương đó là để tạo cơ sở can thiệp quân sự của Mỹ trong tương lai bằng cách sử dụng công nghệ máy bay không người lái quy mô lớn ở châu Phi như đã thấy gần đây tại Xômali và Mali. Mỹ cũng thường xuyên tố cáo “chủ nghĩa thực dân mới” của Trung Quốc tại châu Phi do nước này chỉ chú trọng xây dựng các ngành công nghiệp, thúc đẩy phát triển và cải thiện cơ sở hạ tầng vật chất cũng như hành chính trong khu vực. Khi ông Tập Cận Bình nắm vai trò lãnh đạo một đất nước thực hiện một số dự án phát triển quan trọng nhất tại lục địa đen, mối quan hệ giữa Bắc Kinh với châu Phi sẽ là mối quan hệ quan trọng. Tuy nhiên, mặc dù mọi thứ có vẻ thuận lợi, nhưng Chính quyền của ông Tập Cận Bình phải giành được sự tin tưởng của các nước đối tác châu Phi bằng cách thường xuyên quan tâm các hoạt động đang xảy ra ở lục địa đen. Chính quyền mới ở Bắc Kinh phải nỗ lực rà soát việc thực hiện các dự án của các tập đoàn và các hoạt động kinh doanh của người Trung Quốc, trong đó đặc biệt cần tôn trọng các quy định về môi trường, tiêu chuẩn an toàn và phương pháp xây dựng hiệu quả, chất lượng của các nước khu vực. Nếu không, chừng mực nào đó Trung Quốc sẽ trở thành mối đe dọa và khó có thể loại trừ ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây trong khu vực./.

No comments: