Tuesday, October 25, 2016

VẤN ĐỀ HỘI NHẬP KINH TẾ KHU VỰC CỦA CÁC NƯỚC CHÂU PHI VÀ NHỮNG KINH NGHIỆM CHO AEC


Võ Minh Tập


            Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế “Sự tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN – Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam”, Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội, tr.149-160.
Tóm tắt / Abstract:
Quá trình toàn cầu hóa và xu hướng hợp tác toàn cầu đã tác động rất lớn đến sự phát triển của châu Phi trong thế kỉ XXI. Nhằm đưa châu lục thoát khỏi các khó khăn thách thức, xu hướng hợp tác và liên kết khu vực ở châu Phi đang ngày càng phát triển thể hiện ở sự ra đời và đi vào hoạt động của hàng loạt các tổ chức, liên minh khu vực như AU, NEPAD, COMESA,  EAC, AMU, … Đến nay, quá trình hội nhập khu vực của châu Phi ngày càng sâu rộng, các nước châu Phi đang nỗ lực để vượt qua những khó khăn và thách thức mang tính toàn cầu và mang lại những thành công có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển cho châu Phi, bên cạnh đó còn để lại những kinh nghiệm về liên kết và hội nhập khu vực đối với nhiều nước và khu vực trên thế giới.
Trong bối cảnh các nước ASEAN hướng đến hội nhập khu vực vào năm 2015, nhất là quá trình nhất thể hóa cộng đồng ASEAN 2015 với ba trụ cột chính là Cộng đồng chính trị - an ninh, Cộng đồng kinh tế và Cộng đồng văn hóa – xã hội, trong đó hiện thực hóa Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) có ý nghĩa quan trọng nhất. Vì vậy, sự hội nhập của các nước châu Phi sẽ là vấn đề cần thiết để tham chiếu cho ASEAN.
Bài viết này tập trung phân tích, đánh giá quá trình hội nhập kinh tế của các nước châu Phi sau chiến tranh lạnh đến nay. Từ đó, đưa ra những kinh nghiệm cho các nước ASEAN trong quá trình hiện thực hóa ASEAN vào năm 2015.

Summary /Abstract:
REGIONAL ECONOMIC INTEGRATION ISSUE
OF AFRICA’S COUNTRIES AND EXPERIENCES FOR AEC
Ph.D. Candidate Vo Minh Tap
College of Social Sciences and Humanities,
Vietnam National University - Ho Chi Minh City

The process of globalization and tendency of globalization cooperation has a huge impact on development of Africa in the twenty-first century. In order to help this continent ridding of challengers, cooperation trend and the region connective at Africa is increasingly development reflected through the establishment and operation of series regional organizations such as AU , NEPAD, COMESA, EAC, AMU, ... So far, the process of regional integration of African is deeper and wider, African countries are trying to overcome the difficulties and challenges globally and this bring the successes have great significance with Africa's development, besides it also bring a lot of experiences about linking and integration for others countries and region around the world.
In the context of ASEAN countries towards regional integration in 2015, most particularly is the uniform process of the ASEAN community with three main pillars are the political community - Security, Economic Community and Cultural Community - society, in which the realization of the ASEAN Economic Community (AEC) is the most significant. Therefore, the integration of African countries will be an issues needed to reference for the ASEAN.
This article focused on analysis and assess about the process of economic integration of the African countries after the Cold War to the present. Thence, give the experience to the ASEAN countries in the process of realization of ASEAN in 2015.

1. Những nhân tố tác động đến quá trình hội nhập và liên kết khu vực ở châu Phi
Cho đến nay, lục địa đen vẫn là châu lục tập trung nhiều vấn đề nan giải nhất thế giới, đó là những vấn đề mang tính toàn cầu như sự thay đổi thể chế chính trị, kinh tế; vấn đề sắc tộc, tôn giáo; mối quan hệ với các nước lớn, tài nguyên thiên nhiên… mà nội dung bên trong của nó chứa đựng những gom màu “sáng”, “tối”, gây nhiều khó khăn, thách thức cho châu lục. Tuy nhiên, kể từ sau chiến tranh lạnh, thế giới đã chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ từ các nước châu Phi, châu Phi đã hướng về phía trước, hội nhập với khu vực và thế giới, nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế. Có thể nói ảnh hưởng của lục địa đen ngày càng có sức hút lớn đối với thế giới, đặc biệt là các nước lớn. Một trong những đặc điểm lớn nhất, có tầm quan trọng đối với châu lục là các nước châu Phi muốn khẳng định mình, các nước cùng nhau đưa ra những cam kết đối với thế giới là đưa châu lục của họ thoát khỏi các khó khăn và thách thức hiện nay. Đó là vấn đề hội nhập khu vực.
Vậy những nhân tố nào tác động đến sự liên kết và hội nhập khu vực của các nước châu Phi? Chúng tôi đưa ra 3 nhân tố quan trọng nhất như sau:
Thứ nhất, xu thế toàn cầu hóa và xu hướng hợp tác toàn cầu. Thế giới trong thời đại ngày nay là thời đại toàn cầu hóa, nhất là toàn cầu hóa, khu vực hóa về kinh tế. Bên cạnh những thành quả và lợi ích mà nhân loại được hưởng thì toàn thế giới vẫn phải đối mặt với những bất cập, khó khăn, thách thức, những vấn đề nóng và nổi lên như nạn nghèo đói, chậm phát triển, xung đột, bệnh tật, biến đổi khí hậu, các dịch vụ xã hội…đe dọa sự sống của chúng ta. Điều không may là những vấn đề trên đều tập trung ở châu lục kém may mắn này. Chính vì vậy, quá trình toàn cầu hóa được đẩy mạnh, kéo theo những mối quan tâm lớn cũng đã thay đổi, nhất là trong thế kỉ XXI. Quá trình toàn cầu hóa không thể nào loại bỏ châu Phi, bất chấp những căn bệnh mà châu lục này gánh chịu. Thế giới đã trợ giúp và hợp tác với châu lục để châu lục này thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỉ (MDGs). Làm sao để thoát nghèo, giảm bệnh? Làm sao để đảm bảo hòa bình, an ninh của châu Phi để thúc đẩy châu Phi phát triển? Đó là mục tiêu quan trọng của quá trình toàn cầu hóa và hợp tác quốc tế ở châu lục. Các khó khăn ở châu Phi đều mang tính toàn cầu và việc giải quyết đòi hỏi những nỗ lực của toàn cầu. Hơn nữa, việc châu Phi nổ lực để vượt qua những khó khăn, thách thức đó được coi là sự tham gia và đóng góp tích cực vào công cuộc hợp tác quốc tế vì mục tiêu phát triển toàn cầu.
Thứ hai, những lợi thế và biến đổi lớn của châu Phi. Châu Phi có vị thế địa kinh tế, địa chính trị hết sức quan trọng. Hiện châu lục được đánh giá là khá giàu về tài nguyên thiên nhiên và đầy tiềm năng như vàng, kim cương, gỗ, cô ban, crôm, mangan, bô xít…nhất là dầu mỏ và khí đốt. Dầu mỏ được coi mà “máu”, “máu đen” quí giá ở châu lục, trữ lượng dầu mỏ đứng thứ 4 thế giới với 117,064 tỉ thùng, chiếm 10% tổng trữ lượng dầu mỏ thế giới, còn trữ lượng khí đốt xếp thứ 3 thế giới (sau Trung Đông) và Trung Á với 494,078 Tcf [6]. Mặt khác, kể từ sau chiến tranh lạnh, tiến trình cải cách thể chế chính trị, kinh tế-xã hội một cách toàn diện đã làm thay đổi bộ mặt của các nước châu Phi, kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng nhanh từ 4 đến 5% năm, chính trị tương đối ổn định. Nhiều nước ở châu Phi đóng vai trò là đầu tàu cho châu lục như Nam Phi, Ai Cập, Marốc, Xênêgan, Tanzania…Tuy nhiên, sự phân bố tài nguyên, sự phát triển và tăng trưởng không đồng đều ở châu lục, chủ yếu tập trung ở một số nước, nhiều vấn đề nan giải về chính trị, xã hội vẫn hiện hữu. Châu Phi vẫn phụ thuộc vào nguồn viện trợ và hợp tác giúp đỡ từ các tổ chức và các nước lớn trên thế giới. Chính vì vậy, các nước châu Phi cần phải tận dụng lợi thế của mình, hợp tác và liên kết lại để tìm ra giải pháp để khắc phục tình trạng kinh tế tụt hậu và hòa nhập với thế giới phát triển.
Thứ ba, những vấn đề nan giải của châu Phi. Có thể nói, mặc dù châu Phi đã có nhiều lợi thế và chuyển biến quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội. Song châu lục này vẫn được đánh giá là châu lục nghèo đói, tụt hậu nhất thế giới, theo thống kê ít nhất có 200 triệu trong 800 triệu dân châu Phi bị thiếu ăn, tập trung hầu hết ở Lêxôthô, Malauy, Mô dămbich, Dămbia, Nambia, …Thu nhập bình quân hiện nay ở một số nước còn rất thấp như ở châu Phi cận Sahara (trừ Nam Phi) chỉ có 343 USD/người/năm [7, tr.27], 314 triệu dân diện cực nghèo, và có 35/48 nước nghèo nhất thế giới thuộc về châu Phi, toàn châu lục có gần nửa số dân sống ở mức 0,65 USD/người/ngày [8]. Mặt khác, bạo lực, xung đột vũ trang và bất ổn chính trị xảy ra liên miên như ở Xuđăng, Êthiôpia, Uganđa, Môdămbich, Ăngôla, Liberia, Burun đi, Ruanđa… , chế độ chính trị đa dạng, chủ yếu theo mô hình phương Tây, quá trình dân chủ hóa còn nhiều bất cập nên xảy ra nhiều bạo loạn, tranh chấp quyền lực giữa các đảng phái…. Bên cạnh đó, dịch bệnh lan tràn, khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế yếu kém, năng lực giáo dục hạn chế… Tất cả các vấn đề đó, đòi hỏi các nước châu Phi phải hợp tác, liên kết để giải quyết, đồng thời có sự trợ giúp của quốc tế để khắc phục tình trạng này của châu Phi, hội nhập với thế giới.
Như vậy, những nhân tố trên đây đã tác động rất lớn đến quá trình hội nhập và liên kết khu vực của các nước châu Phi. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là châu Phi đã và đang làm gì, sự phối hợp các cố gắng và nỗ lực của châu Phi với từng thành viên trong cộng đồng riêng lẻ và cộng đồng quốc tế như thế nào, hiệu quả của hội nhập khu vực ra sao…? Đó là những thách thức đặt ra cho quá trình hội nhập ở châu Phi.
2. Tiến trình hội nhập khu vực của các nước châu Phi và AEC
2.1. Liên kết và hội nhập khu vực của châu Phi
Từ đầu thế kỉ XX, đặc biệt là trong thập niên 90 đến nay, quá trình liên kết và hội nhập khu vực của các nước châu Phi được đẩy mạnh với những lộ trình, sáng kiến và đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, nhất là trong việc đẩy mạnh hợp tác kinh tế thương mại, các nước trong khu vực tiến tới từ hội nhập từng khu vực đến hội nhập toàn khu vực châu Phi. Sau đây, chúng tôi sẽ tập trung giới thiệu những tổ chức và chương trình hợp tác khu vực mang tính đặc trưng và có ảnh hưởng ở châu Phi hiện nay.
Liên minh thuế quan Miền Nam Châu Phi (SACU) được thành lập từ năm 1910 và là một trong những liên minh thuế quan được thành lập sớm nhất châu Phi và trên thế giới. Hiện nay khối liên minh này bao gồm 5 quốc gia thành viên  thuộc Đông Nam châu Phi đó là Nam Phi, Bostwana, Lesotho, Namibia và Swaziland. Mục tiêu hướng tới tạo thuận lợi cho việc di chuyển hàng hoá của các thành viên trong khối; tạo ra các thể chế dân chủ, minh bạch, hiệu quả nhằm mang lại lợi ích thương mại bình đẳng cho tất cả các thành viên; thúc đẩy cạnh tranh công bằng trong khu vực; thúc đẩy các cơ hội đầu tư vào nội khối; đẩy mạnh phát triển kinh tế, đa dạng hoá, công nghiệp hoá nền kinh tế và nâng cao tính cạnh tranh của các quốc gia thành viên; thúc đẩy tiến trình hội nhập của các quốc gia thành viên vào nền kinh tế toàn cầu thông qua việc tăng cường thương mại và đầu tư; tạo thuận lợi cho việc phân chia các nguồn thu từ thuế hải quan; tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các chính sách và chiến lược chung của toàn khối.  Tuy các quốc gia thành viên trong khối có sự khác biệt rất lớn về trình độ phát triển kinh tế nhưng có thể nói, hoạt động thương mại giữa các nước SACU hoàn toàn tự do và hầu như không có rào cản nhằm mục đích đẩy mạnh buôn bán trong nội khối, ngoài ra tổ chức này còn qui định một biểu thuế quan chung giữa các nước thành viên.
Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) ra đời năm 1975, gồm 15 quốc gia vùng Tây Phi. Mục tiêu của tổ chức là "tự cung cấp tập thể" cho khu vực thông qua liên minh về kinh tế và tiền tệ, thành lập một khối thương mại.
Liên minh Ả Rập Maghreb (AMU), ra đời năm 1989, gồm Algérie, Libya, Mauritanie, Maroc, Ai Cập và Tunisia. Đây là tổ chức hợp tác toàn diện giữa các nước Bắc Phi trên mọi lĩnh vực và xây dựng lộ trình phát triển trên các lĩnh vực như thiết lập khu mậu dịch tự do giữa các nước trong buôn bán hàng hóa, dịch vụ; Thiết lập một liên minh thuế quan và thị trường chung; Thiết lập liên minh kinh tế tổng thể.
Thị trường chung Đông và Nam Phi (COMESA) ra đời năm 1994, là tổ chức liên kết khu vực lớn thứ hai châu Phi sau (AU), là một khu vực thương mại ưu đãi của 19 quốc gia châu Phi. Mục tiêu hội nhập nội khối là “sự thịnh vượng kinh tế thông qua hội nhập khu vực”, tạo ra một khu vực thương mại tự do giữa các nước thành viên để tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ. Hiện nay, COMESA đã và đang là một thị trường lớn đối với giao dịch thương mại nội và ngoại khối.
Liên minh kinh tế và tiền tệ Tây Phi (UEMOA), ra đời năm 1994, gồm 8 nước có sử dụng đồng tiền chung CFA là Benin, Burkina Faso, Côte d’Ivoire, Guinée Bissau, Mali, Niger, Sénégal và Togo. Đây là một tổ chức khu vực có nhiệm vụ hỗ trợ các quốc gia thành viên trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế bằng cách tạo ra một thị trường mở cửa, cạnh tranh và môi trường pháp lý hài hoà, ổn định. Đồng thời, mục tiêu của tổ chức là thành lập giữa các nước thành viên một thị trường chung tập trung vào việc lưu thông nhân lực, hàng hóa, dịch vụ và vốn dựa trên một biểu thuế chung, trong đó miễn thuế hoàn toàn đối với các mặt hàng nông sản, hàng thủ công và một số mặt hàng công nghiệp giữa các nước thành viên. UEMOA là một trong những khối kinh tế có tính liên kết chặt chẽ nhất ở châu Phi. 
Cộng đồng Đông Phi (EAC), ra đời năm 1967 và tái lập vào năm 1999, gồm 5 nước Burundi, Kenya, Rwanda, Tanzania, và Uganda. Mục tiêu là xóa bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, xây dựng lại các mối quan hệ kinh tế chính thức hướng vào một khu vực đầu tư và một thị trường duy nhất, biến Đông Phi thành một khu vực hấp dẫn, phối hợp đồng bộ các chính sách của các nước thành viên, xây dựng một khu vực thương mại tự do… hướng tới thành lập một liên minh thuế quan, xậy dựng thị trường chung, một liên minh tiền tệ… thể hiện ý đồ và phạm vi hợp tác của khối là rất lớn, toàn diện và lâu dài.
Cộng đồng Kinh tế châu Phi (AEC) là một tổ chức hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên của Liên minh châu Phi. AEC được thành lập theo Hiệp ước Abuja ký năm 1991 và có hiệu lực từ năm 1994. Mục tiêu của AEC là tiến tới thành lập các khu vực thương mại tự do, các liên minh thuế quan, một thị trường chung, một ngân hàng trung ương chung, một đơn vị tiền tệ chung và do đó là thành lập một liên minh kinh tế và tiền tệ. Hiệp ước Abuja đã đề ra một lộ trình như sau để thực hiện AEC: Giai đoạn 1: đến năm 1999 sẽ thành lập các khối khu vực ở những vùng châu Phi còn chưa có khối kinh tế nào; Giai đoạn 2: đến năm 2007, củng cố hội nhập giữa các khối và tiến hành hài hòa các khối; Giai đoạn 3: đến năm 2017, thành lập một khu vực thương mại tự do và liên minh thuế quan trong từng khối; Giai đoạn 4: đến năm 2019, thành lập một liên minh thuế quan trên toàn lục địa; Giai đoạn 5: đến năm 2023 thành lập Thị trường Chung châu Phi trên toàn lục địa; Giai đoạn 6: đến năm 2028, thành lập một liên minh kinh tế tiền tệ (và do đó sẽ có một liên minh tiền tệ và nghị viện chung) trên toàn lục địa. Cộng đồng Kinh tế châu Phi lấy một số hiệp định kinh tế khu vực làm trụ cột, gồm: UMA, CEN_SAO, ECOWAS, EACCAS, EAC, SADC…
Chương trình “ Đối tác vì sự phát triển châu Phi” (NEPAD)¸ ra đời năm 2001 với hy vọng khuyến khích sự phát triển của châu Phi sau nhiều thập kỷ thất bại do di sản của chủ nghĩa thực dân, của chiến tranh lạnh, quản trị yếu kém, chính sách kinh tế, quản lý tồi và sự tàn phá của các cuộc xung đột. Hiện nay, đây là chương trình hành động quan trọng nhất của các nước châu Phi do Liên minh châu Phi (AU) lập ra, nhằm vực dậy nền kinh tế châu Phi, trên cơ sở hợp tác giữa các nước trong khu vực với sự hổ trợ của G8 và các tổ chức tài chính quốc tế, thông qua kế hoạch “Chấn hưng châu Phi trong thế kỉ XXI” và “Kế hoạch Ômêga do Tổng thống Nam Phi, Algieria, Nigieria, Senegal khởi xướng. 5 vấn đề thiết yếu trong Chương trình hành động của NEPAD gồm: dân chủ, hòa bình và an ninh; kinh tế và quản trị doanh nghiệp; cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin; phát triển nguồn nhân lực (đặc biệt trong y tế và giáo dục); nông nghiệp và tiếp cận thị trường. Năm 2002, Đại hội đồng LHQ đã thông qua một nghị quyết chấp nhận NEPAD như một kế hoạch phát triển chính thức của châu Phi.
Khi nghiên cứu các tổ chức liên kết khu vực trên đây, đặc trưng nổi bật nhất là quá trình hợp tác khu vực chủ yếu là về kinh tế thương mại với các dạng cơ bản sau:
Thứ nhất là khu thương mại tự do, chẳng hạn khu thương mại ưu đãi ở Đông Nam Phi, ở đó rào cản thương mại được dỡ bỏ dần giữa các nước thành viên, nhưng vẫn được duy trì ở các nước không phải là thành viên.
Thứ hai là hình thành liên minh thuế quan. Chẳn hạn SACU, trong liên minh có qui định cụ thể về việc thiết lập biểu thuế quan chung và chia sẻ cho nhau thu nhập từ thuế đánh vào hành nhập khẩu.
Thứ ba là khối thị vượng chung, chẳng hạn như COMESA. Mục tiêu là di chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, vốn và nhân công giữa các nước thành viên.
Cuối cùng là liên minh kinh tế, như UEMOA, trong đó các nước thành viên cùng có chung các chính sách thuế và tiền tệ.
Như vậy, với nhiều tiến triển, lộ trình và thành tựu đạt được trên các mặt tự do hóa thương mại, thống nhất tiền tệ, thiết lập liên minh thuế quan, liên minh kinh tế và thị trường chung, trong những năm đầu thế kỉ XXI, quá trình hội nhập khu vực và nhất thể hóa kinh tế sẽ tiếp tục được đẩy mạnh ở châu Phi. Đây chính là điều kiện quan trọng đảm bảo sự phát triển kinh tế, thương mại của các nước trong lục địa đen và mang lại những gợi ý, kinh nghiệm rất có ích đối với các nước Đông Nam Á trong quá trình triển khai và hiện thực hóa Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 (AEC – 2015).
2.2. Liên kết và hội nhập khu vực của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)
Tháng 10/2003, tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần IX (Bali, Indonesian), được sự đồng thuận của các nguyên thủ quốc gia khu vực đã nhất trí thành lập Cộng đồng ASEAN (AC) vào năm 2020, trong đó Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là một trong ba trụ cột của Cộng đồng này. Trong bối cảnh quốc tế, khu vực thay đổi nhanh chóng, tháng 1/2007, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ XII (Cebu, Philippines) đã nhất trí rút ngắn lộ trình xây dựng AC vào năm 2015 và đưa ra Kế hoạch Tổng thể AEC tháng 1/2008 tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần XIII (Singapore) nhằm hiện thực hóa AEC vào năm 2015.
Kế hoạch Tổng thể AEC nhấn mạnh “AEC là mục tiêu cuối cùng của hội nhập kinh tế như đã được nhấn mạnh trong Tầm nhìn ASEAN 2020 [Trong Tầm nhìn ASEAN 2020 đã nhấn mạnh dây dựng ASEAN thành một khu vực kinh tế ổn định, phồn vinh và có khả năng cạnh tranh cao; có sự chu chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và sự chu chuyển tự do hơn đối với nguồn vốn, kinh tế phát triển đồng đều, nghèo đói, sự chênh lệch về xã hội và kinh tế được giảm bớt vào 2020], dựa trên sự hội tụ các lợi ích của các nước thành viên ASEAN nhằm làm sâu sắc và mở rộng hội nhập kinh tế thông qua sáng kiến hiện có và những sáng kiến mới với thời gian đã định [9, tr.5]. Theo đó, Kế hoạch Tổng thể đặt ra mục tiêu làm thay đổi ASEAN thành một thị trường và cơ sở sản xuất duy nhất, một khu vực kinh tế có tính cạnh tranh cao, một khu vực phát triển kinh tế đồng đều và hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế toàn cầu [9, tr.3]. Bốn nội dung nêu trên cũng chính là những đặc trưng quan trọng nhất của mô hình AEC 2015. Vì vậy, lộ trình mà AEC cần thiết phải thực hiện các cam kết thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, tự do hóa luồng vốn, công nghệ, lao động… Đây là những nội dung chính mà các nước trong khu vực đang hết sức nỗ lực hoàn thành nhằm thực hiện được mong muốn hội nhập khu vực ở mức độ sâu nhất có thể.
Từ sự phân tích hội nhập khu vực của châu Phi và hội hập khu vực của AEC có thể thấy: Quá trình hội nhập và liên kết khu vực ở các nước châu Phi được xây dựng và thực hiện sớm hơn nhiều so với lộ trình của các nước ASEAN, bên cạnh đó, ở châu Phi lại xuất hiện nhiều tổ chức và liên kết khu vực trên toàn châu Phi (Bắc Phi, Tây Phi, Đông Nam Phi…), lại có sự trợ giúp và hợp tác với các tổ chức và các nước lớn trên thế giới mà trọng tâm là hội nhập kinh tế thương mại của khu vực trong một thực thể là Liên minh châu Phi (AU). Nhìn tổng quan, quá trình hội nhập khu vực với những lộ trình, tham vọng và quá trình hiện thực hóa theo mục tiêu của cả châu Phi và ASEAN cơ bản giống nhau. Đối với châu Phi lộ trình chung là xây dựng một khu thương mại tự do; hình thành liên minh thuế quan; khối thị vượng chungliên minh kinh tế. Còn đối với ASEAN, do là khu vực đi sau, học hỏi những kinh nghiệm của các tổ chức, liên minh khu vực khác trên thế giới như EU, Nam Mĩ, châu Phi…  nên quá trình xây dựng lộ trình và thực thi cam kết mô hình AEC của ASEAN phần nào thấy rõ ở tính cụ thể, minh bạch và đầy tham vọng hơn ở 4 nội dung: Một thị trường và cơ sở sản xuất duy nhất; Một khu vực kinh tế có tính cạnh tranh; Một khu vực phát triển kinh tế đồng đều và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.
Nếu nhìn thẳng vào thực lực những gì châu Phi thực hiện và của ASEAN hiện nay, lộ trình và hiện thực hóa của hai khu vực tuy có nhiều thuận lợi song cũng gặp rất nhiều khó khăn và cả hai khu vực đều phải tính đến triển vọng thực thi lộ trình và hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới trong tương lai.
3. Đánh giá quá trình hội nhập của châu Phi và kinh nghiệm cho AEC
3.1. Đánh giá quá trình hội nhập khu vực của các nước châu Phi
Qua phân tích những nhân tố tác động đến quá trình hội nhập khu vực của các nước châu Phi, đặc biệt là lộ trình liên kết khu vực thông qua các tổ chức và liên minh kinh tế thương mại, có thể thấy sự hội nhập khu vực đã thu được những kết quả và thành công đáng ghi nhận. Trên phương diện lý thuyết và thực tiễn thì quá trình hội nhập và liên kết khu vực của các nước châu Phi mang lại cơ chế hợp tác hiệu quả, giúp tăng trưởng kinh tế, giảm tải khó khăn. Nếu so với trước đây, các thị trường từ nước riêng lẻ gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế, nhất là chính sách bảo hộ tránh cạnh tranh từ bên ngoài... thì hiện nay các thị trường ở châu Phi đã mở cửa sâu rộng đối với nội khối và cả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đồng thời với việc thực thi liên kết khu vực hiệu quả, các nước châu Phi sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi, nhiều tiềm năng cho việc chuyển giao công nghệ trong và ngoài khối ngày càng mở rộng và chất lượng. Mặt khác, các hoạt động chi phí kinh doanh trong thị trường duy nhất, như COMESA, AEC… sẽ thấp hơn so với chi phí từng nước riêng lẻ, mà mỗi một thị trường có những qui định và cơ cấu thuế quan khác nhau, nên quá trình liên kết nội khối của các nước châu Phi sẽ ngày càng liên kết chặt chẽ, điều đó làm cho những rào cản thương mại sẽ được khắc phục và sự tự do chu chuyển hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới. Nhờ có sự tập trung hóa nền sản xuất và cơ chế thuế quan đơn giản hơn, kĩ năng và chi phí sản xuất sẽ được tối ưu hóa.
Song, có thể thấy rằng bên cạnh những thuận lợi đã tạo được trong thời gian qua, thực trạng khó khăn và hạn chế, thách thức tồn tại trong quá trình hội nhập khu vực của các nước châu Phi vẫn còn rất lớn. Cụ thể là môi trường kinh doanh trong các thị trường sẽ ngày càng cạnh tranh quyết liệt do thuế quan thương mại và đầu tư mà các khối đưa ra là thấp sẽ dẫn tới tăng khả năng cạnh tranh về giá cả và chất lượng sản phẩm, điều này có lợi cho người tiêu dung nhưng bất lợi cho các doanh nghiệp. Thứ hai, các doanh nghiệp phải tranh thủ cơ hội mà nội khối mang lại để hợp lí hóa công nghệ và giảm chi phí sản xuất, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp ở châu Phi phải thật sự năng động để vừa cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực châu Phi (bản địa) với các doanh nghiệp, tập đoàn của nước ngoài. Thứ ba, để hội nhập và phát triển kinh tế trong khu vực và thế giới được hiệu quả, thuận lợi thì điều kiện cần thiết đối với châu Phi là phải có môi trường hòa bình, chính trị ổn định, an ninh, dân chủ… nhưng châu Phi hiện xưa nay vẫn hạn chế ở những yếu tố này. Bên cạnh đó, vấn đề đặc biệt chú ý là xây dựng cơ sở hạ tầng, điện, công nghệ, nguồn nhân lực, giáo dục, phát triển kĩ năng, mở rộng thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu ra bên ngoài vẫn là thách thức không nhỏ, cản trở quá trình hội nhập của khu vực. Cuối cùng, việc xây dựng một khu thương mại tự do, hình thành liên minh thuế quan, khối thịnh vượng chungliên minh kinh tế trong chừng mực nào đó về mức độ hợp tác giữa các nước và phụ thuộc vào tình hình thực hiện cam kết của từng nước thành viên, nhất là vấn đề thành lập liên minh thuế quan. Mặt khác, không chỉ nhiều vấn đề chưa thống nhất được giữa các nước thành viên mà còn ở mức độ khác biệt về trình độ phát triển kinh tế, chế độ chính trị giữa các nước cũng đã gây trở ngại cho sự hợp tác, liên kết khu vực của các nước châu Phi và những hoạt động vẫn còn mang nặng tính hình thức, nói nhiều hơn làm và luôn phụ thuộc vào bên ngoài.
3.2. Kinh nghiệm nào cho Cộng động kinh tế ASEAN (AEC)
Nếu so sánh trình độ phát triển và hội nhập của các nước châu Phi và các nước ASEAN thì các nước ASEAN có nhiều lợi thế hơn. Mặc dù các nước ASEAN đã gặt hái nhiều thành công trong tự do hóa thương mại, dịch vụ, đầu tư, vốn và công nghệ. Song, so với châu Phi thì quá trình xây dựng lộ trình và hiện thực hóa AEC muộn hơn. Hiện tại có thể nhận thấy, quá trình hiện thực hóa AEC còn nhiều hạn chế như cơ chế thương mại, các biện pháp phi thuế quan tồn tại phổ biến, hợp tác dịch vụ còn yếu, mức độ hội nhập kinh tế giữa các nước còn lỏng lẻo, ít có tính ràng buộc pháp lí, sự chênh lệch phát triển và kết nối khu vực. Vì vậy, từ sự hội nhập khu vực của các nước châu Phi, chúng ta có thể rút ra một số kinh nghiệm cho Cộng đồng kinh tế ASEAN như sau:
Thứ nhất, sự tuân thủ nghiêm túc các cam kết cho từng quốc gia, kết hợp nâng cao tính ràng buộc pháp lí của các thể chế hợp tác trong quá trình hội nhập. Các nước châu Phi mặt dù có nhiều cố gắng để thực hiện các cam kết trong từng cộng đồng, tổ chức liên kết khu vực, tuy nhiên do thiếu sự đồng thuận và hạn chế trong việc thực thi của từng nước nên quá trình hội nhập khu vực còn nhiều rào cản cả hiện tại và tương lai. Nếu các nước làm tốt điều này, các nước ASEAN sẽ dễ dàng tiến tới mục tiêu hiện thực hóa AEC, đảm bảo các chương trình hợp tác và liên kết kinh tế khu vực. Các cam kết hiện tại trong AEC đưa ra như cam kết tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, lao động, đầu tư, vốn và công nghệ… còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, ASEAN đưa ra các biện pháp trong Biểu đánh giá AEC buộc các nước phải nổ lực để thực thi nhằm đánh giá năng lực, thái độ của từng nước, tuy nhiên quá trình này chưa được các nước hoàn thành đầy đủ, điều này gây khó khăn cho hội nhập toàn khu vực. Đồng thời để đạt được mục tiêu AEC thì các nước ASEAN phải tăng cường phê chuẩn các Hiệp định của AEC về hải quan và giao thông, nâng cao khả năng của từng nước trong việc thực hiện nội luật hóa các Hiệp định của AEC, thực hiện các cải cách cho phù hợp với các sáng kiến khu vực và nâng cao năng lực các nước trong việc thực hiện các dự án của AEC…
Thứ hai, từng bước thực hiện hài hòa chính sách, xây dựng và thực thi thể chế ở cấp từng quốc gia và cấp độ khu vực. Việc hài hòa hóa chính sách tạo cơ sở cho việc hình thành thể chế liên kết khu vực trong môi trường mà chính sách phát triển quốc gia vốn đa dạng và khác biệt trong quá trình liên kết. Việc thực hiện hài hòa hóa chính sách cho thấy lợi thế mối quan hệ tương hỗ giữa các quốc gia thành viên nhằm duy trì thường xuyên quá trình liên kết. Đồng thời, nếu thực hiện hài hòa chính sách, xây dựng và thực thi thể chế ở cấp từng quốc gia và cấp độ khu vực  sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho quá trình hiện thực hóa AEC như sự thống nhất các chính sách, thực hiện tốt các nội dung AEC đảm bảo các nước không đi lệch hướng, thực hiện mục tiêu thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất, phát triển một khu vực có tính cạnh tranh cao, hòa nhập vào nền kinh tế toàn cầu.
Thứ ba, thường xuyên đặt ra các chương trình nghị sự hàng năm để nâng cao hiệu quả hợp tác, liên kết và hội nhập khu vực. Để hiện thực hóa AEC với những nội dung, mục tiêu, lộ trình được xác định, các nước trong khu vực cần phải rà soát cụ thể từng nội dung của các trụ cột, đánh giá việc triển khai của từng thành viên, tìm kiếm nguyên nhân, biện pháp thực hiện và giải quyết từng vấn đề tồn đọng. Để làm được việc đó, cần phải có cơ chế giám sát hiệu quả, nhất là Ban thư kí ASEAN. Thực tế, trong các phiên thảo luận, gặp gỡ của các Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế, Hội đồng AEC…vẫn rất chung chung, né tránh những vấn đề hạn chế. Cho nên việc thực hiện chương trình nghị sự hàng năm để nâng cao hiệu quả hợp tác, liên kết và hội nhập khu vực sẽ tạo được niềm tin, sự cở mở trong thảo luận để đảm bảo cho quá trình triển khai lộ trình không bị đứt quãng.
Cuối cùng, đồng thuận hướng đến xây dựng cộng đồng, tăng cường kết nối khu vực. Kết nối khu vực là vấn đề có ý nghĩa quan trọng để hội nhập khu vực, quan trọng nhất là kết nối vật chất, thể chế và kết nối nguồn lực. Bên cạnh đó, sự đồng thuận giữa các nước sẽ tạo cơ sở tự do di chuyển hàng hóa, lao động và các loại hình hợp tác là rất quan trọng để ASEAN hiện thực hóa các nội dung và mục tiêu của AEC.
Kết luận
Xu thế tăng cường hợp tác, liên kết khu vực ở châu Phi đã, đang và sẽ ngày càng phát triển, thể hiện sự ra đời và đi vào hoạt động của hàng loạt các tổ chức khu vực gồm những tổ chức chung của toàn bộ châu lục như Liên minh châu Phi, hay các tổ chức liên kết tiểu khu vực theo từng nhóm nước thuộc từng vùng riêng biệt… Mặc dù phạm vi hợp tác của các nước châu Phi được xác định rất rộng giữa các nước thành viên thông qua các chính sách, chương trình, mục tiêu… đạt nhiều kết quả nhưng thực tế vẫn còn nhiều hạn chế gây trở ngại cho sự hợp tác, liên kết và hội nhập khu vực của các nước châu Phi.
Tuy nhiên, có thể nói, quá trình hội nhập khu vực sẽ tiếp tục được đẩy mạnh ở châu Phi. Tất cả những tổ chức, chương trình hội nhập của các nước châu Phi sẽ đóng vai trò định hướng và chỉ đạo rất quan trọng giúp cho châu Phi đi đến mục tiêu phục hưng châu Phi trong thế kỉ XXI. Với cách tiếp cận như vậy, hy vọng châu Phi sẽ chiếm một vị thế không thể phủ nhận trong công cuộc hợp tác, hội nhập và phát triển kinh tế trong khu vực và toàn cầu.
Đối với ASEAN, nhiều quốc gia trong khu vực đã có mối quan hệ truyền thống, mật thiết với các nước châu Phi, vì vậy, không ít những nước đã hiểu rõ và nhận diện sự hội nhập khu vực của châu Phi. Chắc chắn ASEAN cũng đồng cảm với những khó khăn của lục địa đen và sẵn sàng chia sẻ cho nhau các kinh nghiệm về cải cách và hội nhập trong thời đại mới hiện nay. Các nước ASEAN hướng đến hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu cần phải xem hội nhập của châu Phi là một nền tảng, có thể rút ra và vận dụng những kinh nghiệm để phát triển và hội nhập. Những kinh nghiệm chúng tôi cố gắng đưa ra trên đây tuy không hoàn toàn khúc triết và đầy đủ, cần phải đi sâu nghiên cứu hơn nữa của các học giả… nhưng thiết nghĩ cũng mang đến những gợi mở có ý nghĩa thực tiễn cho các nước ASEAN hướng đến hiện thực hóa AEC vào năm 2015.
Tài liệu tham khảo
1. Đỗ Đức Định (Chủ biên, 2006), Tình hình chính trị, kinh tế cơ bản của châu Phi, Nxb KHXH, Hà Nội.
2. Nguyễn Thanh Hiền (chủ biên, 2008), Hợp tác giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu của châu Phi, Nxb KHXH, Hà Nội.
3. Nguyễn Huy Hoàng (2013), Đánh giá thực hiện các cam kết xây dựng Cộng đồng ASEAN, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
4. Nguyễn Văn Hà (Chủ biên, 2013), Hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN và tác động đến Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội.
5. H.E. Mrango, The Partnership for Africa’s Development (NEPAD) – East African Community (AEC) and Tanzania Perspectives, www.worldbank.org.
6. The Energy Information Administration (EIA), 03/03/2009.
7. The World Bank (2006), Africa Development Indicator 2006.
8. The World Bank (2004), Africa Development Indicator 2004.
9. ASEAN Economic Community Blueprint, ASEAN Secretariat, 1/2008.



No comments: