Tuesday, October 25, 2016

HOẠT ĐỘNG KINH TẾ CỦA TRUNG QUỐC Ở CHÂU PHI TỪ NĂM 2000 ĐẾN NAY



Võ Minh Tập

Tạp chí Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, số 8/2016

Quan hệ kinh tế giữ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và châu Phi bắt đầu từ những năm 1950, đến nay đã trãi qua 6 thập kỷ phát triển, đặc biệt mối quan hệ kinh tế giữa hai bên phát triển mạnh mẽ trong thập niên 2000. Sự tham gia của Trung Quốc ở châu Phi trên lĩnh vực kinh tế với ba trụ cột chủ yếu là thương mại, đầu tư và viện trợ phát triển đã tác động tích cực cũng như tiêu cực về nhiều mặt đến Trung Quốc cũng như các nước châu Phi. Quá trình tham gia của Trung Quốc ở châu Phi đã kích hoạt các cuộc tranh luận nóng, với nhiều quan điểm trái chiều bởi các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách nhiều quốc gia và dư luận truyền thông trên thế giới. Bài viết này phân tích những thành tựu về quan hệ Trung Quốc – châu Phi trên lĩnh vực kinh tế (chủ yếu về thương mại, đầu tư và viện trợ phát triển). Từ đó, rút ra một vài nhận xét về sự tham gia kinh tế của Trung Quốc ở châu Phi từ năm 2000 đến nay.
1. Thành tựu quan hệ kinh tế Trung Quốc – châu Phi từ 2000 – nay 
Từ năm 2000, Trung Quốc đã không ngừng điều chỉnh và triển khai chính sách kinh tế đối với châu Phi, thu được nhiều thành tựu toàn diện. Trung Quốc từng bước định vị và xác lập vai trò của mình trên lục địa châu Phi.
1.1. Về thương mại (trade)
Trung Quốc hiện nay là một trong những quốc gia thương mại lớn nhất thế giới, đứng sau EU-27 và cạnh tranh với Mĩ ở vị trí thứ hai. So với năm 1950, khi thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi chỉ đạt 121 triệu USD, năm 2000 tăng lên 10,6 tỷ USD, tăng trưởng 30% mỗi năm kể từ đó. Từ 2000-2010, tổng giá trị thương mại của Trung Quốc với châu Phi đã tăng từ 10,6 tỷ USD năm 2000 lên 127 tỷ USD trong năm 2010[1]( hơn gấp 10 lần), với tốc độ tăng trưởng 35%. Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi năm 2009[2]. Trong năm 2012, thương mại của Trung Quốc với châu Phi đạt 198,5 tỷ USD, trong khi EU (423 tỷ USD), Mĩ (101 tỷ USD). Chia sẻ giá trị thương mại của châu Phi trong tổng thương mại toàn cầu của Trung Quốc tăng từ 2,10% năm 2000 lên 5,13% năm 2013[3]. Đến năm 2015, thương mại hai bên đạt 300 tỷ USD (tăng hơn 30 lần so với năm 2000), hai bên dự kiến đạt 400 tỷ USD vào năm 2020[4]. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại cá nhân lớn nhất của châu Phi, vượt qua các đối tác truyền thống như Mĩ, Pháp, Anh, Đức…
Biểu đồ 1: Thương mại Trung Quốc-Châu Phi từ 2000 – 2015 (tỷ USD)
Nguồn: China Statistical Yearbook 2000-2015 và tính toán của tác giả
Từ 2000-2013, Trung Quốc nhập khẩu từ châu Phi đạt 5,5 tỷ USD tăng lên 113,17 tỷ USD và xuất sang châu Phi đạt từ 4,4 tỷ USD lên 85,31 tỷ USD[5]. Trung Quốc luôn bị thâm hụt thương mại với châu Phi. Về phân ngành, Trung Quốc nhập khẩu từ châu Phi chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng và tài nguyên thiên nhiên[6], ví dụ năm 2000, Trung Quốc nhập khẩu 3,4 tỷ USD (chiếm 74,5%) lên hơn 68,2 tỷ USD (chiếm 81,3%) vào năm 2013, châu Phi trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn thứ hai của Trung Quốc (chủ yếu là Sudan và Angola), sau Trung Đông. Trong khi đó xuất khẩu của Trung Quốc đến châu Phi chủ yếu là hàng hóa sản xuất (máy móc, dệt may, điện tử)[7], ví dụ năm 2000, Trung Quốc xuất sang châu Phi đạt 4,6 tỷ USD (96,2%) lên 84,6 tỷ USD (99,5%) năm 2012. Trung Quốc cũng phân bổ dòng chảy thương mại đến một số quốc gia chủ yếu trên lục địa. Ví dụ theo dữ liệu của UN COMTRADE thì năm 2000, 6 đối tác thương mại chính của Trung Quốc (chiếm hơn 66%) gồm: Nam Phi (21,21%), Angola (19,40%), Ai Cập (9,38%), Nigeria (8,85%), Benin (3,48%) và Cộng hòa Congo (3,54%). Đến năm 2012, 6 đối tác thương mại chính của Trung Quốc (chiếm hơn 67%) gồm Nam Phi (30,24%), Angola (18,96%), Nigeria (5,33%), Ai Cập (4,81%), Libya (4,42%) và Algeria (3,90%).
Mặc dù thương mại Trung Quốc-châu Phi chiếm tỉ trọng tương đối nhỏ (khoảng 4-5%), nhưng đã phát triển nhanh hơn so với thương mại của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới và thương mại của châu Phi với các đối tác truyền thống. Vai trò của Trung Quốc về đóng góp cho sự phát triển châu Phi đã tiếp tục được tăng cường đáng kể. Tuy rằng Hoa Kỳ và EU vẫn là một trong những đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất cho nhiều nền kinh tế châu Phi nhưng điều quan trọng là tỷ lệ và tốc độ tăng trưởng đáng chú ý về tham gia của Trung Quốc ở châu Phi.
1.2. Về đầu tư (FDI)
Trung Quốc bắt đầu đầu tư vào các nước châu Phi trong những năm 80, tuy nhiên, kể từ năm 2000, đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi đã được phát triển nhanh chóng hơn và Trung Quốc đã tăng tốc đầu tư vào Châu Phi đáng kể. Về dòng vốn FDI (FDI flows), theo MOFCOM, dòng vốn FDI của nước này vào châu Phi tăng từ 220 triệu USD năm 2000 lên 3,2 tỷ USD năm 2014 (xem biểu đồ 2). Theo Văn phòng thống kê quốc gia Trung Quốc, doanh thu từ các dự án hợp đồng kỹ thuật của Trung Quốc ở châu Phi đã tăng từ 1,2 tỷ USD năm 2000 lên 29 tỉ USD năm 2011. Cũng theo MOFCOM công bố vào 8/2013, từ năm 2009-2012, dòng vốn FDI của Trung Quốc vào châu Phi đã tăng từ 1,4 tỷ USD lên 2,5 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 20,5%[8].
Biểu đồ 2: Dòng vốn FDI của Trung Quốc vào châu Phi 2000-2014 (tỷ USD)
Nguồn: Dữ liệu từ UNCTAD, MOFCOM, China Statistical Yearbook.
Về lượng vốn FDI (FDI stock), lượng vốn FDI của Trung Quốc vào châu Phi tăng nhanh và liên tục. Theo thống kê năm 2000, lượng vốn FDI của Trung Quốc ở châu Phi đạt 0,5 tỷ USD tăng lên 30 tỉ USD trong năm 2015[9]. Hai bên hướng đến tăng đầu tư trực tiếp đến 100 tỷ USD vào năm 2020[10].  Chính phủ Trung Quốc đã đóng một vai trò tích cực trong việc khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng đầu tư ở châu Phi, như một phần của chiến lược "đi ra ngoài" (“Going Out” Strategy). Theo Giấy trắng về Hợp tác Kinh tế và Thương mại Trung Quốc, vào cuối năm 2012, Trung Quốc đã ký kết hiệp định đầu tư song phương với 32 nước châu Phi và thiết lập cơ chế Ủy ban kinh tế chung với 45 quốc gia châu Phi.
Như vậy, mặc dù FDI của Trung Quốc vào châu Phi trong thực tế là thấp (cả về giá trị, GDP và tổng dòng vốn FDI) so với dòng FDI từ các đối tác truyền thống phương Tây (Mĩ, Anh, Pháp) cũng như ở các khu vực khác trên thế giới. Ví dụ, năm 2013 (chiếm 3,1%), ít hơn đầu tư của Trung Quốc ở các khu vực còn lại như: châu Á (70,1%), Mỹ Latinh (13,3 %) và châu Âu (5,5%), Bắc Mĩ (4,5%), châu Đại Dương (3,4%)[11]. Phần lớn các tư ra nước ngoài của Trung Quốc tập trung ở Châu Á, ngoại trừ năm 2008, châu Phi là khu vực nhận dòng vốn FDI đứng thứ hai trong các khu vực còn lại. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng FDI của Trung Quốc vào châu Phi trong hơn thập kỷ qua là nhanh chóng và rất nổi bật. Trung bình dòng vốn FDI của Trung Quốc chảy vào châu Phi trong 2000-2015 chỉ chiếm 5% trong tổng số FDI vào châu Phi. Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước đang phát triển lớn nhất ở châu Phi.
Các điểm đến FDI của Trung Quốc là rất không đồng đều. Khu vực Nam Phi là điểm đến hàng đầu cho FDI, tiếp nhận 47% dòng FDI của Trung Quốc khoảng từ năm 2004-2013 (chủ yếu là Cộng hòa Nam Phi, Zambia). Bắc Phi là điểm đến FDI thứ hai của Trung Quốc với 17,08% (chủ yếu là Algeria, Sudan). Tây Phi đứng thứ ba tiếp nhận 15,79% FDI của Trung Quốc (chủ yếu là Nigeria, Ghana, Niger). Đông Phi đã nhận được khoảng 10,64% FDI của Trung Quốc (chủ yếu là Mauritius, Ethiopia và Kenya). Trung Phi có thị phần thấp nhất dòng FDI của Trung Quốc, tiếp nhận 10,32% (chủ yếu là Cộng hòa Dân chủ Congo). Các nước trong khu vực không có tài nguyên thiên nhiên có thể giải thích lý do tại sao họ thu hút đầu tư ít hơn từ Trung Quốc[12]. Phần lớn FDI của Trung Quốc tập trung vào các quốc gia giàu tài nguyên và quốc gia ven biển ở châu Phi như: Nam Phi, Nigeria, Ai Cập, Morocco, Zambia, DRC, Mauritius, Niger  và Tunisia... Trong giai đoạn 2003-2008, các nước chủ yếu nhận đầu tư của Trung Quốc là các quốc gia có nhiều dầu mỏ và các nước giàu khoáng sản khác như Nam Phi (64%), Nigeria (9%), Zambia (5%), Algeria (5%) và Sudan (4%)[13], nhóm nước này chiếm 87% tổng FDI của Trung Quốc. Năm 2011, quốc gia nhận FDI lớn nhất của Trung Quốc là Nigeria, Algeria, Nam Phi, DRC, Niger, Ai Cập, Libya, Zambia, Sudan và Ethiopia[14]. Tuy nhiên, trong thực tế, đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi là đặc biệt quan trọng tập trung vào nhóm nước châu Phi nào đó. Ví dụ, khi nhìn vào phần trung bình FDI của Trung Quốc trong tổng dòng vốn FDI chảy vào châu Phi từ năm 2000-2011, FDI của Trung Quốc chiếm 52% tổng dòng vốn FDI ở Zimbabwe, 26% ở Mauritius và 13% ở cả Nam Phi và Zambia. Số lượng người Trung Quốc ở châu Phi hiện nay được cho là hơn 1 triệu người và hơn 3000 công ty Trung Quốc đang tham gia vào các hoạt động kinh tế và thương mại ở châu Phi[15].
Trong hơn thập kỷ qua, đa số các công ty Trung Quốc đầu tư vào châu Phi là thuộc sở hữu nhà nước (SOEs), mặc dù FDI của các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc (SMEs) đã tăng đáng kể trong những năm gần đây. Trước năm 2000, không có doanh nghiệp tư nhân báo cáo FDI sang châu Phi[16]. Năm 2002, con số này tăng lên đến 2 trong tổng số 18 dự án đang hoạt động. Năm 2005, dự án đầu tư tư nhân có một sự gia tăng lớn với 52 dự án, chiếm 35% tổng số FDI của Trung Quốc ở châu Phi. Trong năm 2011, con số này là 923 dự án, tương đương 55% của các dự án FDI đang hoạt động từ Trung Quốc đến châu Phi, vượt qua các khoản đầu tư của doanh nghiệp nhà nước (45%)[17]. Doanh nghiệp nhà nước đầu tư chủ yếu trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, nhất là dầu mỏ, cơ sở hạ tầng, viễn thông. Còn doanh nghiệp tư nhân hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ và sản xuất.
3. Về viện trợ phát triển (ODA)
Trung Quốc là một trong những nhà cung cấp viện trợ và các khoản vay quan trọng nhất cho các nước châu Phi, mặc dù nước này không thường xuyên báo cáo số liệu về các khoản viện trợ đến châu Phi. Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ các dự án hợp tác kinh tế ở châu Phi thường kiên kết với hoạt động FDI và thương mại[18]. Các lĩnh vực hợp tác kinh tế mà Trung Quốc đang hoạt động chủ yếu ở châu Phi bao gồm cơ sở hạ tầng (đường sắt, đường giao thông, viễn thông) và các dự án xây dựng cơ sở (tòa nhà chính phủ, sân vận động, bệnh viện, trường học)[19]. Hơn nữa, Trung Quốc cung cấp viện trợ tài chính dưới các hình thức tài trợ, cho vay không lãi suất, giảm nợ và các khoản vay ưu đãi cũng như tín dụng xuất khẩu ưu đãi và các khoản vay thương mại từ các ngân hàng Trung Quốc[20]. Viện trợ của Trung Quốc cho châu Phi tăng từ 0,55 tỷ USD năm 2000 lên 3,2 tỷ USD năm 2013 (xem biểu đồ 3). Có ý kiến cho rằng hiện Trung Quốc đã thế chỗ Mỹ trở thành “mạnh thường quân” lớn nhất tại châu Phi chủ yếu dựa trên cách nhìn nhận về sự suy giảm sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ. Tuy nhiên, từ những dữ liệu có được và từ định nghĩa ODA của OECD, các nhà phân tích cho biết trong giai đoạn từ năm 2000-2013, Trung Quốc đã viện trợ khoảng 31,5 tỷ USD cho châu Phi, tương đương mức trung bình khoảng 2,25 tỷ USD/năm. Trong khi đó, mức ODA mà Mỹ cấp cho châu Phi trong cùng giai đoạn cao gấp gần ba lần con số trên, ước tính vào khoảng 92,7 tỷ USD, tương đương 6,62 tỷ USD/năm[21].
Viện trợ của Trung Quốc cho châu Phi đã tăng lên nhanh chóng, liên tục và ổn định kể từ năm 1990châu Phi là khu vực nhận viện trợ lớn nhất của Trung Quốc, chiếm gần một nửa ngân sách. Ví dụ, từ 1950-2009, châu Phi chiếm (45,7%), tiếp theo là châu Á (32,8%), Mĩ latinh (12,7%), châu Đại Dương (4,0%), châu Âu (0,3%) và còn lại là các khu vực khác (4,5%)[22]. Tuy nhiên, giá trị viện trợ nước ngoài của Trung Quốc cho châu Phi vẫn còn khá nhỏ so với một số đối tác truyền thống viện trợ cho châu Phi. Ví dụ năm 2011,viện trợ cho châu Phi của Mĩ (9,4 tỷ USD), Pháp (4,6 tỷ USD), Đức (2,5 tỷ USD), Anh (3,4 tỷ USD)[23]
Biểu đồ 3: ODA của Trung Quốc vào châu Phi từ 2000 – 2013, (tỷ USD)
Nguồn: China Statistical Yearbook và MOFCOM officials.
Ngoài ra, Quỹ Phát triển Trung Quốc - Châu Phi được đưa ra bởi Ngân hàng Phát triển Trung Quốc trong năm 2007 cung cấp vốn cho các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ở châu Phi. Quỹ đã nhận được lên đến 3 tỷ USD năm 2012 và tài trợ 60 dự án trên khắp 30 quốc gia châu Phi, đạt 5 tỷ USD trong năm 2014[24]. Trong một cuộc phỏng vấn tháng 7/2012 với phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc, Chủ tịch Ex-Im Trung Quốc nói rằng trong 7-8 năm qua, Ex-Im Trung Quốc hoàn thành khoảng 600 dự án và cung cấp khoảng 38 tỷ USD trong các khoản vay cho tất cả châu Phi. Trong tháng 1 năm 2012 cuộc phỏng vấn với truyền thông Trung Quốc chính thức, phó chủ tịch Quỹ Phát triển Trung Quốc-Châu Phi của Ngân hàng phát triển Trung Quốc nói rằng vào cuối năm 2008, quỹ này đã đầu tư 400 triệu USD trong 20 dự án ở châu Phi[25].
Tại hội nghị FOCAC-6 năm 2015, Ông Tập Cận Bình đưa ta cam kết lớn nhất cho châu Phi với 60 tỉ USD (trong đó 5 tỷ USD tài trợ và cho vay không lãi suất, 35 tỷ USD cho vay ưu đãi và tín dụng tiêu dùng và phần còn lại là tài trợ thương mại). Trung Quốc đã liên tục tăng gấp đôi cam kết tài chính của mình đối với châu Phi tại các cuộc họp FOCAC: từ 5 tỷ USD năm 2006 (với 3 tỷ vốn vay ưu đãi và 2 tỷ tín dụng tiêu dùng), đến 10 tỷ vốn vay ưu đãi năm 2009 và đến 20 tỷ năm 2012[26]cam kết 20 tỷ USD của Trung Quốc với khoản này đã được hoàn thành trước thời hạn[27]. Từ năm 2009 đến năm 2011, Trung Quốc xây dựng 100 trường học, 30 bệnh viện, 30 trung tâm phòng chống sốt rét và 100 dự án năng lượng sạch. Hỗ trợ kỹ thuật của Trung Quốc từ năm 2006 và 2009 để đào tạo cán bộ, thành lập trung tâm trình diễn công nghệ nông nghiệp. Trung Quốc đã thành lập 20 trung tâm trình diễn công nghệ nông nghiệp và đến năm 2012 Trung Quốc đã đào tạo 40.000 nhân viên châu Phi trong các lĩnh vực khác nhau[28]. Đến năm 2009, Trung Quốc xóa 312 khoản nợ cho 35 nước châu Phi trị giá 29,3 triệu USD[29]. Trong lĩnh vực văn hóa, Trung Quốc xây dựng 29 Viện Khổng Tử ở châu Phi, cho 20.000 sinh viên châu Phi nhận học bổng của chính phủ và góp phần vào việc thiết lập các nền tảng mới cho sự hợp tác văn hóa[30]. Kể từ khi bùng phát của virus Ebola ở Tây Phi, Chính phủ Trung Quốc đã viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho châu Phi với tổng số tiền 122,6 triệu USD.
Trong hơn thập kỷ qua, đóng góp của châu Phi trong hợp tác kinh tế của Trung Quốc trên toàn thế giới đã tăng gần gấp 3 lần từ 10% năm 2000 lên 29% năm 2011, điều đó cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của các dự án của Trung Quốc ở châu Phi.
2. Một vài nhận xét
Tính đến nay, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi và châu Phi hiện nay là nguồn nhập khẩu chủ yếu của Trung Quốc, châu Phi là thị trường hợp đồng dự án xây dựng ở nước ngoài lớn thứ hai, là điểm đến ODA lớn nhất của Trung Quốc và Trung Quốc là nhà đầu tư đang phát triển lớn nhất ở châu Phi, xếp trong top 5 trong các nhà đầu tư tại châu Phi. Chúng tôi xin rút ra một vài nhận xét như sau:
2.1. Mặc dù sự tham gia của Trung Quốc với châu Phi không phải là mới, tham gia của Trung Quốc ở châu Phi đã đạt được sự chú ý đặc biệt trong bối cảnh tiếp cận chiến lược toàn cầu của họ từ năm 1990. Điều này có nghĩa là chủ động của Trung Quốc để tham gia với châu Phi trong nhiều lĩnh vực hợp tác và tương tác kinh tế. Chúng ta không thể phủ nhận rằng việc tìm kiếm thị trường, tài nguyên và năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ và các khoản đầu tư đã trở thành mục tiêu chính của chính sách của Trung Quốc đối với châu Phi để đáp ứng cho sự phát triển tổng thể kinh tế nhanh của Trung Quốc và phát triển công nghiệp sản xuất, thị trường cho sản phẩm của Trung Quốc và hỗ trợ xúc tiến ngoại giao tại các chương trình nghị sự toàn cầu của Bắc Kinh. Trung Quốc cũng đã kết hợp cung cấp các ưu đãi thương mại, đầu tư, viện trợ và các trợ giúp kỹ thuật, cho vay lãi suất thấp và cam kết ngoại giao với các nhà lãnh đạo châu Phi. Do đó, Trung Quốc đã định vị mình như một nguồn thay thế tiềm năng phát triển cho nhiều quốc gia châu Phi và đã có năng lực để lấp đầy khoảng trống mà châu Phi bị phương Tây bỏ qua.
2.2. Trung Quốc đã dành ưu tiên cho châu Phi như một đối tác chiến lược ở cả cấp độ chính trị và kinh tế. Trong thời gian qua (và có thể nhiều thập kỷ tới), các vấn đề châu Phi sẽ được định hình một cách đáng kể trong tham gia hoạt động thương mại, đầu tư của Trung Quốc, trong khi ảnh hưởng địa chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc sẽ đưa đến những hậu quả lâu dài đáng kể cho sự phát triển chính trị và kinh tế của châu Phi. Tăng trưởng kinh tế ngoạn mục của Trung Quốc không những tạo cơ hội mới cho châu Phi mà còn gặp nhiều thách thức lớn. Ngân hàng Thế giới đã xác nhận rằng thương mại ngày càng tăng của Trung Quốc đã tạo động lực tăng trưởng chủ yếu cho châu Phi và triển vọng gia tăng thương mại hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho cả châu Phi và Trung Quốc trong thời gian dài. Các khoản đầu tư và viện trợ của Trung Quốc tại châu Phi thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển rõ ràng và tạo ra các cơ hội thương mại mới tại thị trường trong nước. Cụ thể, các khoản đầu tư của Trung Quốc trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, cơ sở hạ tầng viễn thông là vô cùng có lợi cho sự phát triển của châu Phi.
2.3. Theo một số nhà quan sát, các bằng chứng về sự tham gia ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Phi là để đảm bảo tiếp cận các nguồn tài nguyên phong phú của châu lục thông qua sự kết hợp về sức mạnh mềm, vốn nay ưu đãi, chiến lược đầu tư và hợp tác chính trị. Thật vậy, chúng ta cần nhấn mạnh thực tế của một mối liên kết giữa việc đảm bảo nguồn cung ổn định của dầu và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc như là một yếu tố quan trọng của an ninh quốc gia Trung Quốc. Trong viễn cảnh này, Trung Quốc đã phát triển một chiến lược đối với an ninh năng lượng với châu Phi. Tuy nhiên, các cường quốc Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU đã luôn luôn chiếm ưu thế trong việc kiểm soát các nguồn cung cấp dầu mỏ và khí đốt của thế giới, kể cả ở châu Phi. Trung Quốc và Ấn Độ là mới nhất khi tham gia cuộc tranh giành này để đảm bảo tiếp cận nguồn cung cấp ổn định của dầu mỏ và khí đốt. Do đó, mối quan tâm về an ninh năng lượng là tâm điểm trong chính sách châu Phi của cả các cường quốc phương Tây và không ngoại trừ Trung Quốc.
2.4. Sự tham gia của Trung Quốc ở châu Phi được chính phủ các nước châu Phi chào đón[31]. Các nước châu Phi chấp nhận Trung Quốc như là một mô hình chính trị và kinh tế mới, một đối tác thương mại và đầu tư thay thế cho mô hình phương Tây [32]. Quan hệ Trung Quốc-Châu Phi là bình đẳng hơn với các đối tác truyền thống của phương Tây và các nước châu Phi đánh giá cao chính sách không can thiệp của Trung Quốc[33]. Trung Quốc không đặt ra bất kỳ điều kiện chính trị cho chính phủ các nước châu Phi trong trường hợp họ có ý định ký hợp đồng kinh tế[34]. Như vậy, theo quan điểm đó, Trung Quốc sẽ giúp châu Phi có cơ hội tăng trưởng kinh tế, hội nhập với thế giới và giải quyết các khó khăn về kinh tế-xã hội ở châu Phi. Tuy nhiên, để tận dụng những cơ hội phát triển và hưởng lợi nhiều hơn cho châu Phi khi gia tăng sự tương tác với Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại và đầu tư thì châu Phi cần phải giải quyết những trở ngại, thách thức hiện có như việc cải cách triệt để nền kinh tế có định hướng, cải cách hệ thống pháp luật, các chính sách hỗ trợ người nghèo, dân chủ hóa hệ thống chính trị, cải cách doanh nghiệp, giải quyết xung đột, đào tạo nguồn lao động chất lượng và có tính cạnh tranh...
2.5. Mối quan hệ năng động Trung Quốc-châu Phi sẽ cung cấp nhiều tiềm năng mới và có nhiều lợi thế cho cả hai bên. Trung Quốc và châu Phi cần đưa ra chính sách phù hợp, hiệu quả có tính bắt buộc để đảm bảo một mối quan hệ Trung Quốc-châu Phi cùng có lợi và lâu dài ở cả hiện tại và trong tương lai. Thật vậy, cho đến nay sự tham gia kinh tế của Trung Quốc ở châu Phi luôn bị dư luận chỉ trích, điều này sẽ ảnh hưởng đến hành vi của các doanh nghiệp Trung Quốc và Trung Quốc sẽ có giải pháp điều chỉnh chính sách. Về phía Chính phủ các nước châu Phi cũng cần có giải pháp và chính sách hiệu quả và từng bước khẳng định vị thế của mình để đảm bảo rằng Trung Quốc là một đối tác chứ không phải là một đối thủ cạnh tranh kinh tế hoặc là chủ nghĩa thực dân.
2.6. Các vấn đề về dân chủ, quản trị và phát triển kinh tế thời gian qua đã đặt ra thách thức quan trọng đối mối quan hệ kinh tế Trung Quốc – châu Phi. Về vấn đề này Trung Quốc đã và đang mất dần sự ủng hộ của người dân châu Phi, vì vậy các doanh nghiệp Trung Quốc cần phải sửa đổi hành vi và thực thi hiệu quả các cam kết với châu Phi trong khi tham gia hoạt động kinh tế trên lục địa. Chính phủ Trung Quốc phải đảm bảo rằng các doanh nghiệp của mình cần tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, thúc đẩy chuyển giao kỹ năng và công nghệ, thúc đẩy tính minh bạch, thực thi công bằng và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở châu Phi. Chính phủ Trung Quốc nên khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc tích cực đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội bền vững ở châu Phi. Khi Trung Quốc không giải quyết tốt các vấn đề trên sẽ làm tổn thương đến mối quan hệ lâu dài với châu Phi. Hơn nữa, nếu Trung Quốc bỏ qua các nhu cầu và nguyện vọng của người dân châu Phi sẽ là thiếu khôn ngoan - chắc chắn đây là một trong những bài học quan trọng của "cuộc cách mạng hoa nhài" gần đây ở Tunisia và Ai Cập.
2.7. Sự tham gia của Trung Quốc ở châu Phi trên lĩnh vực kinh tế không những đáp ứng nhu cầu phát triển và cung cấp những cơ hội cho sự phát triển kinh tế của châu Phi. Sự tăng trưởng kinh tế của châu Phi trong hơn thập niên đầu thế kỉ XXI, trung bình hơn 5,5% một phần là nhờ sự đóng góp của Trung Quốc trong các hoạt động kinh tế. Theo nhiều chuyên gia kinh tế và các tổ chức tài chính quốc tế đã khẳng định, châu Phi là một lục địa đang đi lên vì khu vực này có sự tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới, sau châu Á. Sự đóng góp của Trung Quốc đối với sự phát triển của châu Phi được xem từ quan điểm chung như là một yếu tố tích cực. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế của Trung Quốc ở châu Phi cũng không hẳn hoàn toàn là màu hồng, đúng như lời chỉ trích của dư luận (về giải quyết việc làm, tiêu chuẩn lao động nghèo, chuyển giao công nghệ hạn chế, chất lượng công trình xây dựng thấp, nạn tham nhũng và hỗ trợ chế độ độc tài…). Quan trọng hơn là cơ hội mà châu Phi tham gia với Trung Quốc là cần phải được xác định và nắm bắt. Các thách thức lớn đối với chính phủ các nước châu Phi là làm sao xác định một chiến lược như thế nào khi tham gia hợp tác với Trung Quốc trong bối cảnh và điều kiện phát triển của mình.
Chú thích:





[1] African Development Bank, (2012), Chinese Investments and Employment Creation in Algeria and EgyptEconomic Brief, pp.2.
[2] OECD (2011), “OECD Factbook 2011-2012: Economic, Environmental and Social Statistics”, http://www.oecd-ilibrary.org/economics/oecd-factbook-2011-2012_factbook-2011-en.
[3] China State Council (2013), China-Africa Economic and Trade Cooperation, Beijing, People’s Republic of China, pp.1–22 và AfDB (2014), African Economic Outlook 2014, Tunis, Tunisia: African Development Bank.
[4] "China-Africa trade approaches $300 billion in 2015", http://news.xinhuanet.com/english/2015-11/09/c_134798979.htm
[5] China State Council (2013), China-Africa Economic and Trade Cooperation, Beijing, People’s Republic of China, pp.1–22
[6] “Sino-African Economic and Trade Cooperation As Shown by Numbers”, Xinhua News Agency, March 24 2013, http://news.xinhuanet.com/world/2013-03/24/c_115138809.htm
[7] Wu Fang (2012), “Retrospection and Prospect of Si-no-African Economic and Trade Cooperation”,  http://www.chinafrica.cn/chinese/jm/txt/2012-12/21/content_508332.htm.
[8] Ministry of Commerce of Chinese (2013), China-Africa Economic and Trade Cooperation, Information Office of the State Council, Beijing, http://news.xinhuanet.com/english/china/2013-08/29/c_132673093_2.htm.
[9] H.H.S.Viswanathan (2015), FOCAC 2015: Consolidating China-Africa relations, http://www.orfonline.org/research/focac-2015-consolidating-china-africa-relations/.
[10] Steven Kuo (2015), "China's Investment In Africa - The African Perspective", http://www.forbes.com/sites/riskmap/2015/07/08/chinas-investment-in-africa-the-african-perspective/#766f948316e2
[11] UNCTAD (2013), World Investment Report 2013: Global value chains: Investment and trade for development, New York and Geneva: United Nations và MOFCOM (2013), 2013 Statistical Bulletin of China's Outward Foreign Direct Investment,  China’s Ministry of Commerce, National Bureau of Statistics, and State Administration of Foreign Exchange.
[12] OECD and AFDB, (2010), African Economic Outlook – Public ressource mobilisation and Aid”, Paris: Organisation for Economic Cooperation and Development and Development Centre and African Development Bank.
[13] Kiggundu, M.N (2008), A profile of China`s outward Foreign Direct Investment to Africa, Proceedings of African Society of Business and Behavioral SciencesVol. 15, no.1, pp.130-144.
[14] Kobylinski, Katarina (2012), “Chinese Investment in Africa: Checking the Numbers and Figures”, Briefing Paper 7, pp.7,
[15] H. H. S. Viswanathan (2015), tài liệu đã dẫn.
[16] Shen, X., (2013), Private Chinese investment in Africa: myths and realities”, Policy Research Working Paper 6311 (2013), World Bank, pp.1-47.
[17] Shen, X., (2013), Private Chinese investment in Africa: myths and realities”, Policy Research Working Paper 6311 (2013), World Bank, pp.1-47.
[18] Biggeri, M. and M. Sanfilippo (2009), Understanding China’s Move into Africa: An Empirical Analysis, Journal of Chinese Economic and Business Studies, 7 (1), pp.31–54Sanfilippo, M. (2010), “Chinese FDI to Africa: What Is the Nexus with Foreign Economic Cooperation?, African Development Review, 22 (S1), pp.599–614.
[19] Biggeri, M. and M. Sanfilippo (2009), Understanding China’s Move into Africa: An Empirical Analysis, Journal of Chinese Economic and Business Studies, 7 (1), pp.31–54.
[20] Bräutigam, D. (2011), Chinese Development Aid in Africa: What, Where, Why, and How Much?in J. Golley and L. Song (eds.), Rising China: Global Challenges and Opportunities, Canberra: Australia National University Press, pp.203–223.
[21] Brad Parks (2015), "10 Essential Facts About Chinese Aid in Africa", http://nationalinterest.org/feature/10-essential-facts-about-chinese-aid-africa-14456?page=show
[22] China State Council. (2011), China’s Foreign Aid, Beijing, People’s Republic of China, pp.1–19.
[23] OECD-DAC (2013), International Development Statistics Database (IDS)”, Paris, France: Organization for Economic Cooperation and Development-Development Assistance Committee, www.oecd.org/dac/stats/idsonline
[24] CCS (2013)  The China-African Development Fund (CADFund) as a Sovereign Wealth Fund for Africa’s Development?, Policy Briefing, Stellenbosch: The Centre for Chinese Studies at Stellenbosch University.
[25] United States Government Accountability Office (2013), Government Accountability Office. Sub-Saharan Africa: Trends in U.S. and Chinese Economic Engagement, GAO, Washington, DC 20548, (February), pp.35.
[26] Yun Sun (2015), Xi and the 6th Forum on China-Africa Cooperation: Major commitments, but with questions, http://www.brookings.edu/blogs/africa-in-focus/posts/2015/12/07-china-africa-focac-investment-economy-sun
[27] "Greeting message to China-Africa Media Summit from South African president", http://www.chinadaily.com.cn/world/XiattendsParisclimateconference/2015-12/01/content_22597265.htm)
[28] Embassy of the People’s Republic of China in the Republic of Ghana (2012), “Stronger China, Better Opportunity for Ghana”, http://gh.china-embassy.org/eng/xwdt/t995433.htm.
[29] Government of the People’s Republic of China (2011), “Foreign Aid White Paper”, http://english.gov.cn/official/2005-08/17/content_24165.htm#2012.
[30] Jintao, H.E. Hu (2012), “Open Up New Prospects for A New Type of China-Africa Strategic Partnership”, Paper presented at the Opening Ceremony of the Fifth Ministerial Conference of The Forum on China-Africa Cooperation, Beijing, July 19.http://gh.china-embassy.org/eng/xwdt/.
[31] Rocha, John (2007), “A New Frontier in The Exploitation of Africa’s Natural Resources: The Emergence of China” In African perspectives on China in Africa, edited by Firoze Manji and Stephen Marks. 15-34. Cape Town, Nairobi and Oxford: Fahamu and Pambazuka, pp.15.
[32] Xem tại:
- Obiorah, Ndubisi (2007), “Who’s Afraid of China in Africa? Towards an African Civil Society Perspective on China-Africa Relations”, In African perspectives on China in Africa, edited by Firoze Manji and Stephen Marks, Cape Town, Nairobi and Oxford: Fahamu and Pambazuka, pp.44.
- Brautigam, Deborah (2010), “Looking East: Africa’s Newest Investment Partners”, Global Journal of Emerging Market Economies 2, pp.187.
[33] Alden, Chris (2007), China in Africa, London: Zed Books & David Philip, pp.8.
[34] Xem tại:
- Mohan, Giles and Marcus Power (2008), “New African choices? The Politics of Chinese engagement in Africa and the changing architecture of international development”, Review of African Political Economy 35, pp.5.
- Caniglia, Laura (2011), “Western ostracism and China’s presence in Africa”, China Information 25, pp.178.


No comments: