Tuesday, October 25, 2016

AN NINH NĂNG LƯỢNG CỦA ẤN ĐỘ VÀ QUAN HỆ NĂNG LƯỢNG ẤN ĐỘ - CHÂU PHI NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY

PGS.TS Nguyễn Cảnh Huệ
Trường ĐHSP TP.HCM
NCS. Võ Minh Tập
Đại học KHXH-NV TP.HCM

Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và châu Á, số 7 (20), tháng 7/2014, tr.23-30.

Năng lượng là một trong những nhân tố quyết định hàng đầu đối với sự tồn tại và phát triển con người, của mọi quốc gia và bất kì nền văn minh nào trên thế giới. Đối với Ấn Độ, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong hơn 2 thập niên qua, đặc biệt là thập niên đầu thế kỉ XXI, cùng với dân số đông và tăng nhanh khiến cho nhu cầu năng lượng của nước này ngày càng thiếu hụt trầm trọng, nhu cầu tiêu thụ năng lượng dự báo sẽ tăng gấp đôi đến năm 2035. Mặc dù Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra chiến lược về an ninh năng lượng quốc gia nhưng đến nay vẫn chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ. Trong khi đó cuộc chiến năng lượng giữa các cường quốc ở những điểm nóng về năng lượng trên thế giới đặt ra những thách thức không nhỏ đối với Ấn Độ.
 Chính nhu cầu bức thiết đó, Ấn Độ đã đẩy mạnh thực hiện chính sách ngoại giao năng lượng trong thời gian qua. Châu Phi là mục tiêu mà Ấn Độ theo đuổi với vai trò là khu vực đáp ứng nguồn cung năng lượng cho Ấn Độ.
Vậy, thực trạng an ninh năng lượng của Ấn Độ như thế nào? Quan hệ hợp tác, khai thác năng lượng giữa Ấn Độ và châu Phi ra sao? Bài viết này sẽ tập trung làm rõ những câu hỏi đó.
Từ khóa: Ấn Độ, Châu Phi, chiến lược, an ninh năng lượng…
                                      
                                       INDIA’S ENERGY SECURITY AND
INDIA - AFRICA ENERGY RELATIONS IN RECENT YEARS
India’s Energy security and India – Africa energy relations in recent years

Energy is one of the major factors with the existence and development of man, of country and of any civilization around the world. For India, the economic growth rate over two decades, especially low in the first decade of XXI century, combined with the high population and dramatically increasing make the energy demand of this country more and more shortfall. In addition, energy demand expected to double by 2035. Although the Indian government has made ​​strategy of national energy security but till now there is still no strong changes. Meanwhile, the energy battle between the great powers at the energy hot spots in the world pose significant challenges for India.
Because of this urgent demand, India has stepped up enforcement of energy diplomacy in recent years and for the next decades. Africa is the goal pursued by India as a regional energy supplies to meet energy demand of India.
So what is the reality status of energy security of India. How is the cooperative relation of India and Africa? This essay will take a closer look in these issues.
Keyword: India, Africa, strategy, energy security ...
1. Thực trạng an ninh năng lượng của Ấn Độ
Theo số liệu thống kê, năm 2011, Ấn Độ có tổng số 1,210 tỉ người, chiếm 17,5% dân số thế giới, đứng thứ 2 thế giới sau Trung Quốc[1]. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) trung bình từ năm 2000 – 2012 là 7,4%[2], nền kinh tế xếp thứ 4 thế giới[3].
Ấn Độ là quốc gia tiêu thụ năng lượng thứ tư thế giới sau Trung Quốc, Mĩ và Nga. Theo thống kê, hiện nay Ấn Độ phải dựa vào khoảng 80% nhu cầu nhập khẩu dầu thô và 18% nhu cầu khí đốt tự nhiên, chiếm 4,4% lượng tiêu thụ năng lượng toàn cầu[4]. Theo báo cáo chính sách năng lượng tích hợp được công bố tháng 8/2006, nếu Ấn Độ duy trì tốc độ tăng trưởng 8% thì mức độ phụ thuộc nhập khẩu năng lượng sẽ tăng với dự kiến là 90% đối với dầu, khoảng 50% khí đốt tự nhiên và giới hạn trên 45% đối với than vào năm 2030[5].
Xuất phát từ thực trạng và nhu cầu năng lượng của Ấn Độ, có thể thấy:
Đối với than (Coal), đây được coi là nguồn năng lượng quan trọng nhất của Ấn Độ. Với trữ lượng 221 tỷ tấn, trong đó 84 tỷ tấn đã được minh chứng và dự kiến được sử dụng cho 200 năm sau. Ấn Độ hiện là nước sản xuất than lớn thứ ba và nắm giữ 7% trữ lượng than toàn cầu. Than đá chiếm khoảng 56% tổng nhu cầu sử dụng năng lượng thương mại cơ bản của Ấn Độ, trong đó hơn 90% nhu cầu được đáp ứng bởi than đá. Tuy nhiên, gần 70% than đá của Ấn Độ kém chất lượng, hàm lượng tro cao, lên đến 45%[6], đồng thời thiếu công nghệ làm sạch thích hợp đã đặt ra thách thức lớn về môi trường. Do đó, để đảm bảo an ninh năng lượng, các nhà máy nhiệt điện, ngành công nghiệp thép… phải tìm cách nhập khẩu lớn than chất lượng từ bên ngoài như Australia, Indonesia, Nam Phi…
Đối với dầu (Oil), hiện tại dầu nội địa chỉ đáp ứng 36% nhu cầu, trong khi đó tổng nhu cầu sản phẩm dầu mỏ phải đáp ứng thông qua nhập khẩu là 70%, phần lớn là từ Trung Đông. Theo đánh giá, trữ lượng dầu của Ấn Độ khoảng 5,6 tỷ thùng, đứng thứ 2 ở châu Á sau Trung Quốc và dự báo nhu cầu sử dụng dầu của Ấn Độ sẽ tăng lên 91,6% vào năm 2020[7]. Ấn Độ thực thi chính sách ngoại giao năng lượng để khai thác nguồn tài nguyên này từ 25 quốc gia (2004-2005) lên 50 quốc gia như hiện nay.
Đối với khí tự nhiên (Natural gas), theo tính toán, khí thiên nhiên chiếm khoảng 8% mức sử dụng năng lượng cơ bản của Ấn Độ, mức tiêu thụ thấp như vậy là do lượng khí sẵn có của Ấn Độ bị hạn chế và lượng khí này chỉ chiếm 0,5% so với tổng trữ lượng được phát hiện trên thế giới. Theo dự báo đến 2015, nhu cầu khí tự nhiên của Ấn Độ sẽ tăng gấp đôi (230-320 triệu m3/ngày), Ấn Độ phải sản xuất theo dự kiến là 254 m3/ngày, trong khi đó 58 triệu m3 sẽ được nhập khẩu dưới hình thức khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Hiện nay, Ấn Độ chỉ sản xuất được 132 m3/ngày từ trong nước và còn lại phải nhập từ bên ngoài[8]. Các đối tác chủ yếu mà Ấn Độ nhập khẩu khí là từ Trung Đông, Trung Á và các nước láng giềng (Bangladesh, Myanmar).
Đối với năng lượng hạt nhân (Nuclear energy), hiện tại mức sử dụng của Ấn Độ đạt 2,29% (2,720 MW) trên tổng năng suất. Ấn Độ là nước tiên phong về lĩnh vực này và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng  trong tương lai. Dự báo, Ấn Độ sẽ phụ thuộc vào nhập khẩu uranium. Việc tìm nguồn cung ứng uranium là cần thiết đối với nước này nhằm đáp ứng mục tiêu điện hạt nhân sẽ đạt mức sản lượng tích lũy khoảng 20.000 MW điện vào năm 2020 (Theo tầm nhìn năm 2020 của Bộ Năng lượng Nguyên tử (DAE)[9].
Đối với năng lượng tái tạo (Renewable Energy)[10], Ấn Độ hiện tại có nhiều lợi thế để phát triển nguồn năng lượng này như năng lượng gió, sinh khối, mặt trời, thủy triều, thủy điện… Ấn Độ là một trong những nước tạo năng lượng gió hàng đầu thế giới (cùng với Mĩ, Đức, Trung Quốc, Đan Mạch và Tây Ban Nha). Tuy nhiên, do hạn chế về chi phí, tính cạnh tranh và môi trường nên phần nào gây trở ngại lớn trong việc khai thác các nguồn tài nguyên này.
Như vậy, vấn đề an ninh năng lượng là một yêu cầu bức thiết và sống còn đối với Ấn Độ trong hiện tại và tương lai. Ấn Độ đã đưa ra các kế hoạch 5 năm và tích cực triển khai thực hiện đầy tham vọng, thế nhưng đến nay vẫn còn nhiều bất cập đối với vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng. Trong khi nền kinh tế của Ấn Độ đã tăng trưởng trung bình trên 7% mỗi năm trong những năm qua, sản xuất năng lượng đã quản lý tăng trưởng hàng năm chỉ có 5% . Với mức tiêu thụ bình quân đầu người thấp 490 kg dầu so với trung bình toàn cầu 1780 kg/năm, và dự báo nhu cầu gia tăng về năng lượng của Ấn Độ là một trong những quốc gia cao nhất thế giới. Ấn Độ chiếm khoảng 2,4 % sản lượng năng lượng của thế giới, nhưng tiêu thụ khoảng 3,3% mỗi năm, những lo ngại nghiêm trọng rằng khoảng cách giữa cung và cầu năng lượng sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ trong tương lai.
Thực tế an ninh năng lượng của Ấn Độ có cả những thách thức nội bộ và bên ngoài. Ấn Độ đã hạn chế nguồn tài nguyên năng lượng trong nước; cơ sở hạ tầng hạn chế và không đáng tin cậy; và chính sách năng lượng dài hạn tích hợp của nó còn non trẻ. Vấn đề môi trường phát sinh từ việc tăng tiêu thụ năng lượng được giả định tỷ lệ đáng báo động. Các ép buộc chính trị và quan liêu tắc nghẽn đang ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đúng chính sách năng lượng tích hợp. Ở bên ngoài, việc đảm bảo cung cấp năng lượng liên tục với giá cả hợp lý từ nước ngoài trong khi sản xuất trong nước thấp, nhu cầu lại cao và ngày càng tăng, là một thách thức quan trọng.
2. Hợp tác năng lượng Ấn Độ - châu Phi những năm gần đây
Vai trò của châu Phi trong chiến lược năng lượng của Ấn Độ
Quan hệ Ấn Độ - châu Phi đã có truyền thống lâu đời, lại gần gũi về mặt địa lí, Ấn Độ có chung ngôn ngữ với nhiều nước nói tiếng Anh ở châu Phi, văn hóa Ấn Độ, nhất là điện ảnh được ưa chuộng phần lớn tại châu Phi… đây được xem là chất xúc tác thúc đẩy quan hệ giữa hai bên trong thế kỉ XXI.
Theo dự báo, châu Phi là khu vực có trữ lượng dầu mỏ đứng thứ 4 thế giới với 117,064 tỉ thùng, chiếm 10% tổng trữ lượng dầu mỏ thế giới, còn trữ lượng khí đốt xếp thứ 3 thế giới (sau Trung Đông và Trung Á) với 494,078 Tcf[11], chiếm 7,9% trữ lượng khí đốt tự nhiên của thế giới; 5% trữ lượng than (trong đó Nam Phi chiếm 3,7%) và 38% trữ lượng uranium. Trong vòng 10 – 15 năm tới, hầu hết các thị trường dầu mỏ thế giới sẽ đến từ châu Phi[12].
Với những thế mạnh hiện có của châu Phi, Ấn Độ đã tích cực triển khai chính sách ngoại giao mạnh mẽ với lục địa đen. Riêng trong quan hệ hợp tác năng lượng, đây được coi là mối quan hệ mới mẻ, được đẩy mạnh từ nửa sau thập niên đầu thế kỉ XXI. Cũng như nhiều cường quốc khác là Mĩ, EU, Trung Quốc…, Ấn Độ xem châu Phi như một khu vực đầy tiềm năng cần phải tiếp cận khai thác (nhất là tài nguyên năng lượng và khoáng sản), thông qua các mối quan hệ kinh tế, thương mại để phát triển mối quan hệ mạnh mẽ và lâu dài với châu Phi.
Trong tình hình nhu cầu đảm bảo nguồn cung và cầu năng lượng Ấn Độ ngày một tăng cao, trong khi khu vực Trung Đông, Trung Á, các nước láng giềng với Ấn Độ (Pakistan, Bangladesh…) chủ yếu vì lí do chính trị và an ninh đã hạn chế nguồn cung năng lượng cho Ấn Độ, đồng thời do tác động của cuộc cạnh tranh năng lượng giữa các cường quốc tại các điểm nóng về năng lượng đã thách thức an ninh năng lượng của Ấn Độ. Vì vậy châu Phi là khu vực có ý nghĩa đặc biệt trong chính sách đối ngoại và năng lượng của Ấn Độ trong thế kỉ XXI.
Hợp tác năng lượng Ấn Độ - châu Phi
Khi nền kinh tế Ấn Độ phát triển, mức độ phụ thuộc nhập khẩu năng lượng tăng nhanh và một khía cạnh quan trọng trong chiến lược an ninh năng lượng của Ấn Độ là đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, cả về sự lựa chọn nguồn nguyên liệu cũng như nơi xuất xứ, Châu Phi là đối tác quan trọng của Ấn Độ. Vì đây là khu vực cung cấp nguồn tài nguyên quan trọng thay thế cho sự phụ thuộc ngày càng lớn của Ấn Độ hiện nay và trong tương lai. Ngoài dầu mỏ, châu Phi cung cấp số lượng lớn: than, khí thiên nhiên, Urani… (Xem bảng 1):
Bảng 1: Nhập khẩu năng lượng của  Ấn Độ từ châu Phi
Năng lượng
Các nước châu Phi (theo thứ tự quốc gia)
Than
- 4 quốc gia theo thứ tự: South Africa, Egypt, Mozambique, Algeria.
Dầu
- 19 quốc gia theo thứ tự: Angola, Egypt, Algeria, Libya, Sudan, Congo, Equatorial Guinea, Guinea, DRC, Gabon, Guinea, Bissau, Côte d’Ivoire, Morocco, Liberia, Tanzania, Tunisia, South Africa.
Khí thiên nhiên
- 5 quốc gia theo thứ tự: Egypt, Nigeria, Algeria, South Africa, Guinea.
Uranium/
Thỏa thuận hạt nhân
- 6 quốc gia theo thứ tự: Nambia, Malawi, South Africa, Niger, Madagascar, Gabon.
Source: Government of India, Ministry of Commerce and Industry, Department of Commerce, Export Import Data Bank, 2009–2010.
Từ bảng 1 cho thấy, lợi ích năng lượng của châu Phi đối với Ấn Độ là rất lớn. Trước năm 2008, thương mại năng lượng của Ấn Độ chủ yếu tập trung vào Ai Cập, Nigeria và Nam Phi. Trong năm 2009 – 2010, Nam Phi là đối tác cung cấp than đứng đầu châu Phi cho Ấn Độ, với trị giá 1,314.38 triệu USD (chiếm 21% tổng nhập khẩu than đá của Ấn Độ), tăng hơn 35%, Ai Cập là nước đứng thứ hai với 33.750.000 USD[13]. Cũng trong thời gian này, trong 50 quốc gia mà Ấn Độ nhập khẩu dầu thô (so với 35 nước nước năm 2006), thì châu Phi có đến 19 nước, chiếm khoảng hơn 20% tổng lượng nhập khẩu dầu của Ấn Độ (so với 17,9 % năm 2006-07) (Xem bảng 2).
Bảng 2: Nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ gừ châu Phi (Triệu USD)

2006-07
2007-08
2008-09
2009-10
Nhập khẩu dầu thô từ châu Phi
8,441.75
11,788.84
12,968.82
15,967.73
Tổng lượng nhập khẩu dầu thô
47,018.75
64,052.50
77,310.75
77,506.56
Tỷ lệ %
17.9%
18.4%
16.77%
20.6%
Source: Government of India, Ministry of Commerce and Industry, Department of Commerce, Export Import Data Bank, 2009–2010.
Trong bảng 2 cũng cho thấy, nhập khẩu dầu của Ấn Độ từ châu Phi tăng nhanh và đều đặn. Ngoài ra, châu Phi đang trở thành nhà cung cấp quan trọng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho Ấn Độ, chiếm 11,9% tổng nhập khẩu khí của Ấn Độ, đứng đầu là Ai Cập và Nigeria[14]. Về hợp tác khai thác điện hạt nhân, trong 6 đối tác năm 2009-10, thì Nambia là đối tác quan trọng nhất của Ấn Độ. Năm 2009 hai bên kí Hiệp định hợp tác về sử dụng hòa bình về năng lượng hạt nhân, nước này cũng cung cấp uranium, đồng và kim cương chi Ấn Độ. Ngoài ra, các công ty tư nhân Ấn Độ cũng thăm dò và khai thác uranium ở Niger, Madagascar, các nước Nam Phi, Gabon và Malawi là những nước cung cấp số lượng lớn uranium cho Ấn Độ[15]. Mặc dù châu Phi đóng vai trò quan trọng trong chiến lược năng lượng của Ấn Độ, nhưng Tây Á vẫn là khu vực cung cấp chính, khu vực này chiếm 70 tổng nhập khẩu dầu của Ấn Độ và hơn 80% nhập khẩu khí đốt tự nhiên[16] (chủ yếu là Qatar, Saudi Arabia và United Arab Emirates).
Tính đến năm 2010, Ấn Độ đã ký các thỏa thuận khai thác dầu mỏ với Nigeria,Angola và nhiều nước châu Phi khác bao gồm: Sudan, Libya, Ai Cập và Gabon, Burkina Faso, Guinea-Bissau, Senegal… để đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực khai thác khí tự nhiên và dầu mỏ. Các công ty dầu mỏ của Ấn Độ rất quan tâm các dự án năng lượng tại Côte d’Ivoire, Ghana và Sad. Ấn Độ còn cam kết giúp đỡ các công ty châu Phi cải thiện kỹ năng bằng việc chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm chế biến kim loại, vì thế các nước châu Phi không đơn thuần xuất khẩu quặng thô.
Một điều nhận thấy, Ấn Độ không phải là quốc gia duy nhất quan tâm đến năng lượng ở châu Phi. Đến nay, ngoài các đối tác truyền thống của châu Phi như Mĩ, EU thì có thêm sự hiện diện của Trung Quốc, Nhật Bản, Nga… tạo nên cuộc cạnh tranh tài nguyên tại châu lục. Nigeria cung cấp gần 10% nhập khẩu dầu cho Ấn Độ, nhưng gần 30% nhập khẩu sang Mĩ, hay như DRC xuất khẩu gần 70% năng lượng sang Mĩ, trong khi Ấn Độ là 27%, đối tác năng lượng hàng đầu của Angola là Trung Quốc (chiếm 40% tổng nhập khẩu dầu), trong khi Ấn Độ chỉ chiếm 9%[17]. Như vậy, so với các đối tác khác (Mĩ, Trung Quốc, EU…), Ấn Độ vẫn còn hạn chế, và điều này tác động không nhỏ đến nổ lực mang tính chiến lược của Ấn Độ khi quan hệ với châu Phi.
Thật vậy, để tăng cường sự hiện diện của Ấn Độ ở châu Phi, Ấn Độ buộc phải tính toán đến những điểm mạnh và điểm yếu của mình trong quan hệ với châu Phi như lựa chọn đối tác, nhu cầu tài chính, lựa chọn mặt hàng năng lượng, thông qua đối thoại BRICS – châu Phi… Một trong những đòn bẩy để Ấn Độ thâm nhập vào thị trường năng lượng châu Phi là lĩnh vực kinh tế - thương mại. Theo số liệu chính thức, kim ngạch thương mại  giữa Ấn Độ và châu Phi tăng từ 5,5 tỉ USD năm 2001 lên 45 tỉ USD năm 2010. Hai bên đề ra mục tiêu nâng giá trị buôn bán song phương lên 70 tỉ USD vào năm 2015. Đầu tư của Ấn Độ vào châu Phi tăng 83,7% năm 2009. Châu Phi chiếm 33% trong tổng mức đầu tư ra nước ngoài của Ấn Độ[18]. Năm 2011, Ấn Độ đứng vị trí thứ 5 trong 20 nước hàng đầu về đầu tư FDI vào châu Phi[19].
Theo khung hợp tác Ấn Độ - châu Phi được đưa ra sau Hội nghị cấp cao Ấn Độ - châu Phi lần thứ 1 diễn ra tại Niu Đê-li (Ấn Độ) năm 2008, năng lượng là 1 trong 7 lĩnh vực mà cả hai bên cam kết hợp tác và được khẳng định lại tại Hội nghị cấp cao Ấn Độ - châu Phi lần thứ 2 tại Addis-Abeba (Ethiopia) vào năm 2011. Toàn bộ những văn kiện được kí kết giữa Ấn Độ và châu Phi trong thời gian qua trên các lĩnh vực nhằm mục đích chen chân vào châu Phi, Ấn Độ cũng được quyền mua đất và tài nguyên của lục địa đen.
3. Thay lời kết luận
Sự phát triển của Ấn Độ trong mấy thập niên qua và triển vọng trong thời gian  tới đã, đang và sẽ đặt ra thách thức đối với nước này trên lĩnh vực an ninh năng lượng. Tình hình khai thác và sử dụng năng lượng tại Ấn Độ không đáp ứng nhu cầu hiện tại và dẫn đến sự thiếu cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Sự trỗi dậy của nền kinh tế Ấn Độ đã đưa đất nước này ngày càng phụ thuộc hơn vào nguồn năng lượng từ bên ngoài. Vì vậy, trong hơn 1 thập niên qua, Ấn Độ đã nỗ lực thực hiện chiến lược ngoại giao năng lượng ở nhiều cấp độ, tầng nấc khác nhau để có một chỗ đứng trong thị trường năng lượng thế giới. Châu Phi là khu vực đầy tiềm năng mà Ấn Độ hướng tới.
Mặt dù mối quan hệ Ấn Độ - châu Phi không phải là mới, nhưng mối quan hệ năng lượng giữa hai bên được cho là tương đối mới và vẫn đang phát triển. Mối quan tâm của Ấn Độ đối với các nguồn năng lượng của châu Phi chứng tỏ một sự phụ thuộc ngày càng tăng về nhập khẩu năng lượng của Ấn Độ, Ấn Độ muốn đa dạng hóa nguồn cung để đảm bảo an ninh năng lượng, một phần do sự gia tăng nhu cầu năng lượng và thiếu nguồn lực trong nước để đáp ứng nhu cầu đó. Bản chất của mối quan hệ năng lượng của Ấn Độ với các quốc gia châu Phi đã được mở rộng ngày càng mở rộng theo chiều sâu. Tất nhiên mối quan hệ đó được đặt trong bối cảnh như nhu cầu và các mối quan hệ với các nước sản xuất năng lượng quan trọng của Ấn Độ; sự tham gia của Ấn Độ trong các lĩnh vực khác ở châu Phi (thương mại, giữ gìn hòa bình, giáo dục…); vai trò của các cường quốc tiêu dùng năng lượng quan trọng của châu Phi (Mĩ, Trung Quốc, OECD…) và sự cần thiết cho sự phát triển năng lượng bền vững.
Trong bối cảnh phụ thuộc ngày càng lớn vào năng lượng của Ấn Độ và các cường quốc trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nga... ráo tiết và không ngừng tranh giành lợi ích tại châu Phi, buộc Ấn Độ phải hoạch định và thực thi chiến lược tiếp cận châu lục này để không bị lấn át từ phía các nước đã thâm nhập ảnh hưởng rất sâu tại khu vực này. Đây thật sự là một thách thức không nhỏ mà Ấn Độ phải vượt qua.


Xem chú thích:
[1] Ngô Xuân Bình (Chủ biên, 2013), Những vấn đề kinh tế - chính trị cơ bản của Ấn Độ thập niên đầu thế kỉ XXI và dự báo xu hướng đến năm 2020, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, tr.32.
[2] Nguồn: indiabudget.nic.vn.
[3] Trong năm 2010, Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới với trị giá 3,92 nghìn tỉ USD so với mức 9,98 nghìn tỉ USD của Trung Quốc và Mỹ là 14,12 nghìn tỉ USD, http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/66309/kinh-te-an-do-se-vuot-tq-nam-2050-.html.
[5] Government of India, Planning Commission, Integrated Energy Policy, August 2006, p. 45, 
http://www.planningcommission.nic.in/reports/genrep/intengpol.pdf.
[6] Tarun Das, Colette Mathur & Frank-Jurgen Richter (2013), Ấn Độ - Sự trỗi dậy của một cường quốc, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, tr.175, 181 và 183.
[7] Báo cáo: Africa and Geopolitics of India’s Energy security “India's energy security strategy”, in workshop on ‘Africa and the Geopolitics of India's Energy Security’ to be held in Johannesburg 5 October 2010 and Cape Town on 6 October 2010. See at: http://www.saiia.org.za/presentations-speeches/africa-and-the-geopolitics-of-indias-energy-security.
[8] Shebonti Ray Dadwal (2011), India and Africa: Towards a Sustainable Energy Partnership, SAIIA, Occasition paper No 75, February 2011, p.7.
[9] Tarun Das…. (2013), Sđd, tr.163.
[10] Ấn Độ là nước duy nhất trên thế giới có một Bộ  chuyên giải quyết các nguồn năng lượng tái tạo và tài nguyên năng lượng mới. Ấn Độ là nước đứng thứ 5 trong việc sản xuất năng lượng gió toàn cầu. Vào tháng 7/2009, Ấn Độ đã công bố một kế hoạch 19 tỷ USD để sản xuất 20 GW năng lượng mặt trời nào năm 2020.
[11] Cơ quan thông tin về năng lượng, EIA, 03/03/2009.
[12] Dẫn theo: Shebonti Ray Dadwal (2011), p.9.
[13] Government of India, Ministry of Commerce and Industry, Department of Commerce, op. cit.
[14] Devika Sharma and Swati Ganeshan (2011), Before and Beyond Energy: Contextualising the India–Africa Partnership, The South African Institute of International Affairs (SAIIA), Occasional Paper No 77,  February 2011, p.7.
[15] Devika Sharma and Swati Ganeshan (2011),...., tr.7
[16] Government of India, Ministry of Commerce and Industry, Department of Commerce, op. cit.
[17] Dẫn theo: Devika Sharma and Swati Ganeshan (2011),...., tr.11.
[18] Dạ Lan Hương (2011), Ấn Độ gia tăng ảnh hưởng ở châu Phi, http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Binh-luan/2011/346/An-Do-gia-tang-anh-huong-o-chau-Phi.aspx
[19] Thùy Dương (2013), Bước phát triển mới quan trọng của BRICS,  http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/The-gioi-van-de-su-kien/2013/20882/Buoc-phat-trien-moi-quan-trong-cua-BRICS.aspx, ngày 5/4/2013.






No comments: