Tuesday, October 25, 2016

KHÁI QUÁT VỀ CHÂU PHI

           Võ Minh Tập

        1. Điều kiện tự nhiên và con người

Châu Phi nằm ở phía nam châu Âu và phía Tây Nam châu Á, cách châu Âu bởi Địa Trung Hải, cách châu Á bởi Hồng Hải, là châu lục đứng thứ ba trên thế giới về diện tích lẫn dân số (sau châu Á và châu Mỹ). Châu Phi có diện tích 30.244.050 km2, nếu tính cả các đảo cận kề thì châu lục này chiếm 20,4% diện tích của thế giới. Dân số 800 triệu người, tương đương 1/7 dân số toàn cầu. Toàn châu lục có 55 quốc gia lớn nhỏ, trong đó có 49 quốc gia thuộc vùng đất liền và 6 quốc gia vùng ven biển.
Châu Phi được chia thành 5 vùng lãnh thổ cơ bản, cụ thể là: Bắc Phi (9 nước), Đông Phi (11 nước), Trung Phi (10 nước), Nam Phi (10 nước), Tây Phi (15 nước). Phần lớn đất đai của châu lục nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới. Toàn bộ lục địa châu Phi bị biển đảo bao bọc, với 25.600 km bờ biển, đảo Madagascar lớn nhất châu lục với diện tích 590.500 km2, phía bắc giáp Địa Trung Hải, phía tây giáp Đại Tây Dương, phía nam và đông nam giáp Ấn Độ Dương và Biển Đỏ. Cầu nối ở phía Đông Bắc giữa châu Phi và châu Á là kênh đào Suez dài 160 km bờ biển, Địa Trung Hải ở phía bắc được ngăn cách bởi hai châu lục Phi – Âu. Châu Phi nằm ở hai bên đường xích đạo, điểm Cực Bắc là mũi Blăng cách xích đạo 4.144 km và mũi Kim ở điểm Cực Nam cách xích đạo 3.868 km. Chính sự phân bố tự nhiên này đã tạo nên sự khác biệt lớn giữa các vùng của châu Phi.
Địa hình chủ yếu của châu Phi là cao nguyên, núi và sa mạc chiếm diện tích chủ yếu. Sa mạc Sahara là sa mạc lớn nhất thế giới, với diện tích hơn 9 triệu km2 (xấp xỉ diện tích của Mỹ và Trung Quốc). Mạng lưới sông ngòi châu Phi kém phát triển và phân bố không điều, sông Nin là sông dài nhất lục địa chảy qua 10 nước châu Phi (Eritrea, Ethiopia, Rwanda, Uganda, Congo, Sudan, Tanzania, Burundi, Kenya, Egypt) và thứ hai thế giới sau sông Amazon. Châu Phi cũng là châu lục có nhiều hồ kiến tạo điển hình nhất thế giới như hồ Tanganica, hồ Nyasa và hồ Victoria (diện tích là 69.000 km2) là hồ nước tự nhiên lớn nhất châu Phi.
 Châu Phi được thiên nhiên ưu đãi giàu tài nguyên, nhiều gỗ quí, cây có dầu, cao su, bông, ca cao, cà phê, mía, mỏ quặng (măng gan, crom, đồng, phốtpho, dầu lửa, vàng, platin, uran, kim cương)... Dầu mỏ và khí đốt cũng là tài nguyên có thế mạnh của châu Phi. Theo nhiều dự báo, châu Phi sẽ chiếm 12% cung dầu trong vài năm tới. Ngoài ra, tiềm năng thủy điện của châu Phi cũng chiếm tới 35% trữ lượng của thế giới. Nguồn thực vật tự nhiên của châu Phi rất phong phú. Các khu rừng rậm nhiệt đới xanh tốt quanh năm, với nhiều loại lâm thổ sản quí hiếm, các loại thú (sư tử, ngựa vằn, hươu cao cổ,...) là những tiềm năng du lịch và kinh tế rất lớn của châu Phi.
Châu Phi có dân số đông, chiếm 13% dân số toàn cầu, nhưng lại phân bố không đều. Hiện nay, châu Phi là châu lục có tỷ lệ tăng dân số cao so với mức trung bình của thế giới, năm 2008 là 1,89%, trong khi mức tăng dân số trung bình của thế giới là 1,2%. Dân cư phần lớn là người Nêgrôít  có màu da đen nên được gọi là “lục địa đen”. Ngoài ra, đây cũng là châu lục đa sắc tộc, đa tôn giáo (ba trụ cột tôn giáo chủ yếu là Hồi giáo (27,5%), Kitô giáo (19,1%), Đạo truyền thống (42,2%) so với thế giới), hơn 1.000 bản ngữ khác nhau.
Châu Phi còn là châu lục của dịch bệnh, đặc biệt là AIDS, HIV, chi phí chăm sóc cho người mắc bệnh hàng năm lên tới trên 300 triệu USD. Năm 2005 thế giới có 4,1 triệu bệnh nhân AIDS thì châu Phi là 3,2 triệu người, trong số 2,8 triệu người chết thì châu Phi có tới 2,4 triệu.
Chất lượng dân số thấp dẫn đến sự chênh lệch lớn giữa số lượng và chất lượng nguồn nhân lực châu Phi, lao động chân tay chiếm tỷ lệ cao, đi đôi với tăng dân số là sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, có thể nói là cao nhất thế giới, mức thất nghiệp đã lên đến gần 30%. Thị trường lao động thiếu hụt trầm trọng, dự kiến mối năm phải tiếp nhận thêm 8,7 triệu người lao động cần có việc làm [86:26].
Như vậy, với những thế mạnh hiện có của mình như tài nguyên thiên nhiên, nguồn lao động dồi dào…, châu Phi sẽ có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế, xã hội và hợp tác với thế giới bên ngoài. Đồng thời, châu Phi cũng còn nhiều vấn đề hạn chế, mang tính toàn cầu (như nghèo đói, bệnh tật…) đòi hỏi châu lục này phải giải quyết, nhất là cần sự hổ trợ từ hợp tác quốc tế.  

       2. Về kinh tế, chính trị

Về mặt kinh tế, do vị trí địa lý thuận lợi và có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng và nguồn nhân lực dồi dào nên mặc dù là một châu lục kém phát triển nhất thế giới, song châu Phi đang được thế giới đánh giá là khu vực có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế trong tương lai. 
Từ những năm 90 thế kỷ XX trở về trước, châu Phi luôn bị xem là châu lục kém phát triển nhất thế giới. Từ sau những năm 90, các nước châu Phi đã tiến hành cải cách thể chế kinh tế, đạt được nhiều thành quả to lớn, tộc độ tăng trưởng nhanh với 3,4% giai đoạn 1999 – 2004 so với 2,5 % giai đoạn 1980 – 1990. Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của châu Phi liên tục được cải thiện. Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì tốc độ tăng trưởng của châu Phi từ năm 2005 đến năm 2008 tương ứng là 4,5% - 5,4% - 6,2% - 6,3%. Trong nhiều năm qua, GDP của khu vực tăng trung bình trên 5%/năm. Trong giai đoạn 2003 – 2008, GDP/người ở châu Phi tăng 3,6%, cao hơn nhiều so với mức tăng 1% của giai đoạn 1997 – 2002. Năm 2008, GDP của khu vực châu Phi cận Xahara đạt xấp xỉ 6% - một tốc độ tăng trưởng khá nhanh. Cũng năm 2008, FDI vào châu Phi đạt mức 39 tỉ USD – mức tăng cao nhất kể từ trước đến nay. Châu Phi là châu lục kém phát triển, chính vì vậy, châu lục này luôn phụ thuộc nặng nề vào viện trợ từ bên ngoài. So với giai đoạn 1995 – 2001, viện trợ cho châu Phi giảm -0,4%, nhưng từ năm 2002 đến nay, viện trợ có bước tiến triển nhanh, Trung Quốc là nước viện trợ nhiều nhất, 45% vào năm 2009 cho châu Phi. Viện trợ cho các nước châu Phi chủ yếu tập trung giải quyết các vấn đề như lương thực, giáo dục, y tế, đầu tư cơ sở hạ tầng...
Cơ cấu nền kinh tế chênh lệch khá lớn, nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo, xuất khẩu hàng hóa phần lớn tập trung vào ngành này và khoáng sản, hàng công nghiệp chiếm tỉ trọng nhỏ do tác động từ các nước bên ngoài ở châu Phi. Mặc dù những năm đầu thế kỷ XXI, tình hình xuất khẩu và nhập khẩu của châu Phi có xu hướng tăng, ngoại thương được mở rộng ra bên ngoài nhưng nhìn chung cơ cấu hàng xuất khẩu chủ yếu dựa vào hàng hóa thô, chưa qua chế biến. Các đối tác thương mại chủ yếu của châu Phi là EU, Mỹ, Nga, Nhật, Trung Quốc và Ấn Độ...
Như vậy, cho đến nay, nền kinh tế châu Phi có tốc độ tăng trưởng nhanh và có  nhiều triển vọng, song sự tăng trưởng không đồng đều trên toàn châu lục, vẫn chủ yếu tập trung ở một số nước. Vì thế, nhiều nước châu Phi hiện nay vẫn phụ thuộc rất nặng nề vào nguồn viện trợ từ các tổ chức và các nước lớn trên thế giới.
Về mặt chính trị, có thể nói, từ khi giành được độc lập đến nay, nhiều nước châu Phi vẫn diễn ra các cuộc xung đột về sắc tộc, tôn giáo, tranh giành quyền lực... kéo dài gây nhiều khó khăn cho sự phát triển kinh tế, xã hội của lục địa đen. Những năm 90 thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI, với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, tình hình chính trị khu vực đang đi vào ổn định. Các nước châu Phi đã tiến hành cải cách thể chế chính trị, tiến hành dân chủ hóa chính trị một cách mạnh mẽ, toàn diện, chủ yếu theo hướng phương Tây (xây dựng chế độ nghị viện, đa đảng). Dân chủ hóa đã trở thành làng sóng phát triển rộng rãi đã và đang tiếp tục hoàn thành, mục đích là thiết lập cơ chế để giải quyết các cuộc khủng hoảng chính trị. Việc thay đổi thể chế, tiến hành cải cách chính trị ở châu Phi phần nào đã tạo nhiều thuận lợi cho tình hình các quốc gia ở châu Phi, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, hiện nay châu Phi không tránh khỏi những thách thức nan giải, khó giải quyết, nhiều vấn đề  có nguy cơ tiềm ẩn đối với hòa bình và phát triển của khu vực như xung đột sắc tộc, thể chế yếu kém, nạn tham nhũng...

       3. Về lịch sử

Châu Phi là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại, đặc biệt là nền văn minh Ai Cập tồn tại hơn 3000 năm trước công nguyên. Tiếp đó, vào thế kỷ thứ IX trước công nguyên, xuất hiện người Phênêxi chinh phục cả vùng bắc và đông bắc châu Phi thành lập nên Đế chế Carthage. Đây là một cường quốc về thương mại và có lực lượng hải quân hùng mạnh. Sau đó, vào thế kỷ thứ II TCN, đế chế này bị người La Mã chinh phục và thống trị toàn vùng Bắc Phi. Đến thế kỷ thứ V, Đế chế  Tây La Mã suy yếu và sụp đổ năm 476. Con đường thương mại giữa châu Âu và châu Phi bị cắt đứt cho đến khi người Hồi giáo đến vùng này. Thế kỷ thứ VII, đến lượt người Arab tăng cường có mặt tại châu Phi, văn hóa Arập đã ảnh hưởng sâu sắc đến châu Phi với quy mô lớn. Theo chân các thương nhân, đạo Hồi đã được truyền bá tới những miền đất xung quanh sa mạc Xahara (vùng Bắc Phi), tới vương quốc hùng mạnh nhất thời Trung cổ ở châu Phi là vương quốc Tây Sudan.
Ở phía Nam châu Phi, các nhà khảo cổ học đã xác định sự tồn tại từ nguyên thủy của các tộc người nói tiếng Batu (ngôn ngữ nguồn gốc chung cho tất cả người da đen châu Phi), họ đã tạo nên một nền văn minh nông nghiệp kéo dài 15 thế kỷ đầu công nguyên và bộ tộc này đã thống trị hoàn toàn khu vực phía Nam châu Phi.
Tuy nhiên, từ thế kỷ XV sau công nguyên trở về trước, trừ Ai Cập là một nền văn minh lâu đời, có ảnh hưởng rộng lớn, châu Phi vẫn là một vùng kém phát triển, gần như còn giữ nguyên trạng cuộc sống nguyên thủy. Thật vậy, lịch sử châu Phi đáng được chú ý nhất là từ sau thế kỷ XV, khi người châu Âu xuất hiện và đưa vùng đất này vào quỹ đạo trao đổi, khai thác và mưu sinh.
Từ đây, lịch sử châu Phi bước sang một kỷ nguyên mới, một thời kỳ đen tối. Các nước thực dân phương Tây đã tăng cường thâm nhập vào châu Phi và chia nhau vùng ảnh hưởng và thống trị. Người đi tiên phong chinh phục châu lục này là người Bồ Đào Nha, Đông Phi và Tây Phi trở thành thuộc địa của họ. Theo kinh nghiệm của Bồ Đào Nha, các nước Hà Lan, Anh, Pháp, Mỹ… lần lượt xâm nhập vào châu Phi. Thế kỷ XVII, Hà Lan chiếm đoạt phần cực nam châu Phi, đầu thế kỷ XIX, Anh xâm chiếm vùng Cape Verde rồi mở rộng lên phía Bắc chiếm tiếp vùng Lapan sau khi đánh đuổi người Bauer. Ngay liền sau đó Pháp tiến vào vùng Bắc Phi, tấn công người Arab chiếm toàn bộ Algeria. Với thế lực mạnh hơn, vào đầu những năm 20 thế kỷ XIX, Mỹ đã bỏ tiền mua vùng đất bên bờ biển phía Tây châu Phi. Dưới danh nghĩa là công nhận nền độc lập của Liberia, Mỹ đã lấy quốc gia này làm bàn đạp để mở cách cửa vào châu Phi. Đến cuối thể kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trong toàn bộ các nước thực dân, chỉ có Anh và Pháp đã trở thành hai nước đi đầu trong việc thôn tính châu Phi và Anh là nước có nhiều thuộc địa giàu có nhất ở châu Phi. Đến thập niên đầu thế kỷ XX, việc thôn tính châu Phi của các nước thực dân phương Tây hoàn tất. Lục địa đen trở thành một lục địa đen tối, ảm đạm trong một thời gian khá dài.
So với châu Á, quá trình xâm lược châu Phi của thực dân phương Tây dễ dàng hơn, do hầu hết lục địa này còn trong tình trạng lạc hậu. Đồng thời, hình thức xâm lược cũng có những đặc điểm riêng. Ban đầu, hình thức phổ biến nhất là kiếm lợi thông qua trao đổi hàng hóa công nghiệp để lấy nguồn tài nguyên rẻ mạc. Sau đó, nghề buôn bán nô lệ xuất hiện và ngày càng có qui mô lớn. Đặc biệt là con đường buôn bán nô lệ từ châu Phi đến châu Mĩ, đã chuyển tới 60 triệu người trong khoảng thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XIX [5:89]. Ở một số vùng, bọn thực dân còn giết hại dân cư để chiếm đoạt đất đai và tài sản, lấy đi những công trình văn hóa cổ xưa của các dân tộc.
Như vậy, từ lâu, châu Phi đã trở thành nơi giành giật, chiếm đoạt, thống trị của các thế lực thực dân phương Tây. Điều đó đã để lại những hậu quả nặng nề trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của châu Phi. Vì thế, trong suốt quá trình bị đàn áp, bóc lột đó, nhân dân châu Phi đã đứng lên đấu tranh mạnh mẽ để giành độc lập dân tộc. Đặc biệt sau năm 1954, với thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ của Việt Nam, đã ảnh hưởng to lớn đến phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi. Đặc biệt, năm 1960, có 17 nước châu Phi giành độc lập, lịch sử gọi là “Năm châu Phi” và cuộc đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam châu Phi, trong đó nổi bật nhất là Cộng hòa Nam Phi,  Ông Nelson Mendela đã trở thành Tổng thống người da đen đầu tiên của Cộng hòa Nam Phi, mở ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới cho số phận châu Phi.

Sau chiến tranh lạnh đến đầu thế kỷ XXI, châu Phi có nhiều chuyển biến quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội để bước vào kỷ nguyên hợp tác và hội nhập trong thế kỷ mới.

No comments: