Tuesday, October 25, 2016

CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA TRUNG QUỐC VỚI CHÂU PHI TRONG THẬP NIÊN ĐẦU THẾ KỶ XXI THÀNH CÔNG, THÁCH THỨC VÀ TRIỂN VỌNG

Kỷ yếu Hội nghị khoa học quốc tế  2013 Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên và hoạt động nghiên cứu khoa học, Khoa sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ, ngày 10/12/2013, tr.278-284.


TÓM TẮT
Những năm đầu thế kỉ XXI, cùng với sự lớn mạnh về kinh tế và chính trị, Trung Quốc có điều kiện triển khai chiến lược ngoại giao nước lớn của mình và châu Phi thực sự là điểm đến quan trọng trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Với những ưu thế của mình, Trung Quốc đã thông qua những chính sách đối với châu Phi một cách toàn diện, hầu hết trên tất cả các lĩnh vực, đi vào chiều sâu và đã đạt được những thành tựu quan trọng đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.
Bài viết tập trung đánh giá vị trí của châu Phi trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong những thập niên đầu thế kỷ XXI, từ đó trình bày những thành công, thách thức chính sách đối ngoại của Trung Quốc với châu Phi cùng triển vọng của chính sách này trong thập niên tiếp theo của thế kỷ XXI.
SUMMARY
CHINA’S FOREIGN POLICY TOWARDS AFRICA IN THE EARLY XXI CENTURY:
SUCCESS AND CHALLENGES AND PROSPECTS
MA. Vo Minh Tap
In the early twenty- first (21st) century, along with the rising economics and politics, China has been in the condition of deploying its major diplomatic strategy and Africa is really the important target in Chinese diplomatic policy. With its vantages, China has thoroughly adopted the multi-faceted policies towards Africa, almost over all aspects of sectors and has gained many crucial achievements to bring realistic benefits to both sides.
This article focuses on assessing Africa's position in China's foreign policy in the first decade of the twenty-first century, which presents the success and challenges in China's foreign policy with Africa and development prospects of this policy in the next decade of the twenty-first century.
1. Châu Phi trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc những năm đầu thế kỷ XXI.
Châu Phi là một châu lục rộng lớn gồm 54 quốc gia với tổng diện tích khoảng 30 triệu km2, dân số khoảng 900 triệu người, là châu lục giàu tài nguyên thiên nhiên, ẩn chứa nhiều tiềm năng to lớn. Nhiều thế kỉ qua, châu Phi được biết đến như một thế giới của nghèo đói, bênh tật, xung đột, bạo lực, có mức sống thấp nhất so với các châu lục khác. Bước sang thế kỉ XXI, châu Phi nổi lên như một tâm điểm, đón nhận sự quan tâm của nhiều nước lớn trên thế giới cùng với những lợi ích và tính toán riêng của họ.
Về mặt lịch sử, là châu lục có lịch sử lâu đời, là một trong những nơi sản sinh ra cái nôi của nền văn minh nhân loại. Trong nhiều thế kỉ, các dân tộc châu Phi đã chống lại những thế lực thực dân hùng mạnh, xóa bỏ những rào cản để giành lấy tự do, độc lập góp phần to lớn đối với sự tiến bộ của nhân loại. Sau khi giành được độc lập, nhiều nước đã đi vào ổn định chính trị, kinh tế-xã hội, tìm kiếm mô hình phát triển kinh tế để hội nhập với xu thế chung của thế giới, điều đó đã đem lại sự tăng trưởng liên tục về kinh tế của châu Phi. Ngày nay, các nước châu Phi tìm cách vượt qua những khó khăn, thách thức và ngày càng tích cực tham gia hội nhập như hợp tác Nam – Nam, thúc đẩy đối thoại Bắc – Nam, đặc biệt là vị thế, vai trò của châu Phi ngày càng quan trọng trong các vấn đề quốc tế và khu vực.
Đối với Trung Quốc, châu Phi là một vùng đất xa xôi về mặt địa lý, nhiều thập niên của thế kỉ XX, đây không phải là địa bàn truyền thống trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Nhưng bước sang đầu thế kỉ XXI, Trung Quốc lại coi trọng, xem đó điểm đến quan trọng trong chính sách ngoại giao và phát triển mối quan hệ nhiều mặt giữa hai đối tác.

2. Những thành công chính sách đối ngoại của Trung Quốc với châu Phi

Chính sách đối ngoại của Trung Quốc với châu Phi những năm đầu thế kỉ XXI đã mang lại những thành công cho Trung Quốc như sau:
Thứ nhất, cơ bản Trung Quốc đã cô lập được Đài Loan, buộc các nước châu Phi phải công nhận nguyên tắc “một nước Trung Quốc”. Đây là một nổ lực quan trọng xuyên suốt trong chính sách châu Phi của Trung Quốc kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay. Tính đến năm 2010, trong số 23 nước có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, ở châu Phi chỉ còn 4 nước là Kurkina Faso, Gambia, Swaziland và Saô Tômé and Principe, con số này giảm dần khi những quốc gia như Lesotho (1994), Niger (1996), Nam Phi (1997), CAR – Trung Phi (1998), Guinea Bissau (1998), Liberia (2003), Senegal (2005), Chad (2006) [8, tr136] và Malawi (2008).
Thứ hai, Trung Quốc đã đạt được sự ủng hộ của các nước châu Phi trên trường quốc tế, củng cố địa vị nước lớn và vị thế của Trung Quốc ở cấp độ toàn cầu.Trung Quốc như một quyền lực toàn cầu đang nổi lên trong một trật tự thế giới đang thay đổi. Có thể nói, trong các nước quan hệ với châu Phi, Trung Quốc được các nước châu Phi ủng hộ chính trị trong các diễn đàn quốc tế rất thành công như sự hổ trợ từ các nước châu Phi trong Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc. Thông qua cách tiếp cận toàn cầu, lãnh đạo Trung Quốc có thể duy trì sự phát triển và ổn định chính trị nội bộ, hợp pháp hóa các lợi ích trong quá trình gia tăng của Trung Quốc trong cộng đồng quốc tế, đạt được mục tiêu lâu dài của một thế giới đa cực, công bằng, dân chủ trong hệ thống quốc tế. Phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Trung Quốc, Lưu Kiến Siêu đã nói rằng “Trung Quốc cần châu Phi, họ (Trung Quốc) cần châu Phi cho các nguồn lực để cung cấp nhiêu liệu cho các mục tiêu phát triển của Trung Quốc, cho thị trường để duy trì nền kinh tế đang phát triển của Trung Quốc và liên minh chính trị để hổ trợ nguyện vọng của Trung Quốc như một ảnh hưởng toàn cầu  [7, tr3].
Đồng thời, trong phạm vi toàn cầu, mục tiêu của Trung Quốc muốn đối phó lại cái  gọi là “mối đe dọa từ Trung Quốc” để xây dựng một vị thế địa chính trị ngày càng tăng ở châu Phi, cạnh tranh với phương Tây, nhất là Mỹ. Điều này Trung Quốc càng muốn khắc sâu ảnh hưởng của mình đối với các chính phủ châu Phi để bảo vệ họ khỏi những lời chỉ trích và khiển trách đối với việc vi phạm nhân quyền [6, tr30].
Mặt khác, việc tăng cường các mối quan hệ Trung Quốc-châu Phi sẽ có lợi cho đoàn kết và hợp tác giữa các nước đang phát triển. Hiện nay, Trung Quốc là quốc gia đang phát triển lớn nhất trên thế giới, và châu Phi là một lục địa tập trung lớn nhất các nước đang phát triển. Sự phát triển của quan hệ Trung Quốc-châu Phi sẽ có ý nghĩa thực tế trong việc nâng cao vị thế quốc tế của các nước đang phát triển. Nó cũng sẽ giúp thiết lập một trật tự quốc tế mới sẽ thúc đẩy hợp tác Nam-Nam và thịnh vượng chung của các nước đang phát triển, nâng cao vị trí và ảnh hưởng của Trung Quốc và châu Phi trên trường quốc tế…
Thứ ba, Trung Quốc đã tăng cường tình hữu nghị đối với châu Phi, mở rộng hợp tác giúp châu Phi cùng phát triển để qua đó tiếp tục củng cố niềm tin của châu Phi đối với Trung Quốc, tạo điều kiện mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phi và giành thắng lợi trong cuộc cạnh tranh, ảnh hưởng đối với các nước lớn tại châu Phi. Quan hệ Trung Quốc – châu Phi có một bề dày lịch sử hơn nửa thế kỷ, đặc biệt trong những năm đầu thế kỷ XXI, quan hệ hai bên ngày càng thiết chặt và phát triển về chất. Hai bên đã thành lập Diễn đàn hợp tác Trung Quốc – châu Phi (FOCAC) từ năm 2000. Thông qua cơ chế này, lãnh đạo hai bên đã tăng cường hàng chục cuộc gặp gỡ, tiếp xúc và trao đổi thường niên như các cuộc gặp cấp cao, hội nghị Bộ trưởng của Trung Quốc và các nước châu Phi…. nhằm tăng cường ảnh hưởng sâu rộng ở lục địa đen, tạo cho mình chỗ đứng mạnh mẽ. Đồng thời, việc tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, nhất là thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại, viện trợ và đầu tư của Trung Quốc đến châu Phi, hai bên đã tạo được sự tin cậy, hợp tác thuận lợi và lâu dài.
Thứ tư, Trung Quốc đã và đang xây dựng, duy trì các quan hệ song phương nhằm bảo đảm đường đến các thị trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở châu Phi. Trong một thập niên qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tận dụng hàng chục chuyến viếng thăm châu Phi nhằm điều chỉnh mối quan hệ kinh tế và chính trị đang ngày càng phức tạp với các nước châu Phi cũng như những hàm ý trong chính sách Châu phi của mình đối với việc mở rộng hình ảnh quốc tế của Trung Quốc (ví dụ, cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dafur, Sudan). … Mục tiêu chủ chốt của các cuộc viếng thăm cấp lãnh đạo này là mở thêm đường dẫn đến các nguồn tài nguyên của Châu Phi. Chuyến thăm của Ông Hồ Cẩm Đào năm 2004 và 2006 đều bao gồm những lần dừng chân ở các quốc gia nhiều dầu như Nigeria và Angola.

3. Những thách thức Trung Quốc phải đối mặt

Bên cạnh những thành công đạt được, việc hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại đối với châu Phi, Trung Quốc cũng không tránh được những khó khăn, thách thức:

Thứ nhất, sự phát triển và những tình huống thay đổi ở các nước châu Phi. Tuy châu Phi là dần đi vào ổn định về chính trị, tăng trưởng về kinh tế, xã hội có nhiều biến đổi nhanh chóng từ sau chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, một sự thật dễ nhận thấy ở sự mất cân bằng về sự phát triển kinh tế và chính trị trong các khu vực khác nhau ở châu Phi. Một mặt, ở Bắc Phi, Nam Phi và một số nước Tây Phi  đã duy trì ổn định về chính trị, phát triển bền vững về kinh tế. Mặt khác, chính trị nội bộ của một số nước châu Phi bất ổn, kinh tế trì tuệ kéo dài. Điều này, theo các nhà nghiên cứu cho rằng, có thể “mất cân bằng trong sự phát triển và phân cực sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong thế kỷ XXI” [5, tr24]. Vì vậy, với chính sách mà Trung Quốc đề ra đối với châu Phi, Trung Quốc phải có những hướng giải quyết khác nhau, ở từng khu vực khác nhau và ở từng giai đoạn phát triển khác nhau về nhiều mặt nhất là ở lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư... Mặc  khác, châu Phi là châu lục đa sắc tộc, đa tôn giáo, chứa nhiều yếu tố không ổn định như các cuộc xung đột các bộ lạc, xung đột nội bộ các đảng cầm quyền, tranh chấp biên giới, mâu thuẫn tôn giáo. Điều này làm cho quá trình tiến tới hòa bình, ổn định chung ở châu Phi kéo dài và thường xuyên, một số vùng vẫn còn tình trạng căng thẳng. Vì vậy, thách thức lớn đối với sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ Trung Quốc – châu Phi là liệu châu Phi có nhận ra một nền hòa bình bền vững, toàn diện, ổn định va đoàn kết trong thế kỷ XXI.
Thứ hai, sự cạnh tranh từ các nước lớn như Mĩ, EU, Ấn Độ, Nga… với Trung Quốc. Trong các nước cạnh tranh với Trung Quốc ở châu Phi, có thể EU và Hoa Kỳ là những đối thủ cạnh tranh nặng kí nhất đối với Trung Quốc. Thật vậy:
Đối với Mỹ, có 3 mối quan tâm hiện nay khi Trung Quốc tăng cường mở rộng ở châu Phi: những lợi ích của Trung Quốc ở châu Phi sẽ ảnh hưởng trực tiếp lợi ích của Mỹ khi tham gia ở châu Phi; Cách Trung Quốc mở rộng ở châu Phi sẽ làm giảm các tiêu chí dân chủ, nhân quyền, đặc biệt là quyền con người và các hoạt động quản trị tốt; Sự mở rộng của Trung Quốc sẽ thách thức vai trò lãnh đạo trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Ba mối quan tâm trên đã được phân tích và thảo luận rất cụ thể. Sự hiện diện của Mỹ ở châu Phi kể từ đầu thế kỷ XXI bởi nhiều lí do, trong đó quan trọng nhất là sự cần thiết về nguồn tài nguyên, nhất là dầu mỏ, chiến dịch chống khủng bố… Chính vì vậy, năm 2006, cả Trung Quốc và Mỹ đều công khai tuyên bố rằng châu Phi có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh năng lượng của họ và cả hai nhìn thấy một nhu cầu cấp thiết để phát triển một chính sách chặt chẽ mang tính chiến lược đối với châu Phi [4, tr37]. Mặt khác, Hoa Kì đã khởi xướng nhiều chính sách về kinh tế (Chính sách tài chính và hổ trợ, chính sách thương mại...) nhằm thức đẩy sự tăng trưởng kinh tế và cơ hội hợp tác giữa hai bên. Đồng thời, khuyến khích các công ty Mĩ thâm nhập vào thị trường châu Phi.
Đối với EU, trong thập niên đầu thế kỷ XXI, có thể nói cạnh tranh giữa Trung Quốc và EU tại châu Phi chủ yếu ở lĩnh vực kinh tế - thương mại, nhất là về viện trợ và vấn đề an ninh. EU đã xem Trung Quốc là đối thủ thách thức lợi ích thương mại của họ ở châu Phi. Năm 2008, theo sáng kiến của EU, giữa Châu Phi – EU – Trung Quốc đã đưa ra sáng kiến đối thoại 3 bên nhằm giải quyết các vấn đề của châu Phi. Ngoài ra, EU đã công bố chiến lược châu Phi của họ trong năm 2005, Chiến lược Liên kết châu Phi – EU năm 2007 và chương trình hành động 2008 – 2010. Hiện nay EU là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của châu Phi (gần 85% hàng hóa xuất khẩu của châu Phi được tiêu thụ ở thị trường châu Âu, châu Phi chiếm 9% tổng kim ngạch xuất khẩu của EU, một nửa trong số đó là sản phẩm năng lượng. Năm 2009, EU đã kí Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) với các nước châu Phi, cùng với vùng Caribê và Thái Bình Dương (ACP) để tạo thành khu vực thương mại tự do (FTA).
Cùng với Mĩ, EU, nhiều nước khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, Việt Nam… cũng đang tích cực thực hiện nhiều chính sách để xâm nhập vào châu Phi. Mục đích chủ yếu là tiếp cận các nguồn năng lượng từ lục địa đen. Mặc dù hiện tại, so với Trung Quốc thì các nước trên vẫn ở mức độ còn thấp. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa về kinh tế như hiện nay, cuộc cạnh tranh gay gắt của nhiều nước tại châu Phi sẽ đặt ra nhiều thách thức to lớn đối với Trung Quốc.
Thứ ba, thái độ của các nước châu Phi đối với chính sách của Trung Quốc. Mối đe dọa thể hiện ở việc Trung Quốc đã đưa nhiều sản phẩm giá rẻ của mình đến châu Phi và điều đó đã bóp ngặt ngành công nghiệp của các nước bản địa, trước hết là ngành dệt may. Sự lo lắng của người dân châu Phi còn là do sự trao đổi không ngang giá các nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo được của mình với thành phầm hoặc bán thành phẩm của Trung Quốc. Họ cũng không hài lòng với hệ thống trả công lao động không công bằng cho công nhân viên chức châu Phi làm việc trong các xí nghiệp Trung Quốc, cũng như đối với việc đưa công nhân Trung Quốc sang làm việc ở châu Phi, trong khi châu Phi đang thừa lao động phổ thông. Thêm vào đó, nhiều nước châu Phi có cán cân thương mại âm với Trung Quốc. Và lẽ dĩ nhiên, còn có các lo lắng có cơ sở, cho rằng, tất cả các khoản nợ vay tín dụng, đầu tư vào châu Phi là làm giàu cho giới quan chức châu Phi chứ không phải phục vụ cho nhu cầu các tầng lớp dân cư nghèo khổ, cũng như giải quyết những vấn đề phát triển ở các nước châu Phi. Ngoài ra phá hoại ô nhiễm môi trường, gây bất ổn xã hội như thất nghiệp, chênh lệch giàu nghèo… Sau Hội nghị Diễn đàn Trung Quốc – châu Phi vừa tổ chức tháng 7 năm 2012, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma bất ngờ lên tiếng cảnh báo về "quan hệ thương mại không bền vững" giữa châu Phi và Trung Quốc ngay sau thời điểm Bắc Kinh cam kết cho các nước lục địa đen vay 20 tỉ USD. Tổng thống Zuma nhấn mạnh: "Kinh nghiệm kinh tế quá khứ của châu Phi với châu Âu cho thấy sự cần thiết phải cẩn trọng khi hợp tác với các nền kinh tế khác". Nhà lãnh đạo Nam Phi không nói rõ "kinh nghiệm quá khứ với châu Âu" là gì, nhưng không ai quên việc thực dân châu Âu đã biến châu Phi thành thuộc địa như thế nào trong các thế kỷ trước [9].
Nhìn chung, có thể thấy đa phần các nước châu Phi hoan nghênh quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, mối quan hệ đang lên này cũng vấp phải không ít những lời chỉ trích, nghi ngờ của dư luận châu Phi và dư luận thế giới về những tác động tiêu cực của nó. Trung Quốc đã có những phản ứng nhằm thanh minh cho hành động của họ trước những cáo buộc về việc nước này đang thi hành một “chính sách thực dân kiểu Trung Quốc” tại châu Phi..
Thứ tư, chính sách cạnh tranh các doanh nghiệp ở nước ngoài trong nền kinh tế của Trung Quốc. Hiện nay, cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc đang thực hiện, cải cách hệ thống kinh tế trong nước chưa được hoàn thành. Điều này phần nào sẽ ảnh hưởng đến động lực và năng lực của các doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài. Đối với thời gian dài, trong quan điểm của một số doanh nghiệp Trung Quốc, các nước châu Phi vẫn còn lạc hậu về kinh tế, thị trường nhỏ và hầu hết đã được kiểm soát bởi các nước phương Tây. Vì vậy, họ đang thiếu các lợi ích và lo ngại về phát triển thị trường ở châu Phi.
Trong những năm gần đây, mặc dù ngày càng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc thâm nhập vào châu Phi tăng cường thương mại và đầu tư, khả năng cạnh tranh của họ vẫn còn hạn chế, có khi vẫn còn ở phía sau các nước phương Tây, do thiếu kinh nghiệm kinh doanh ở nước ngoài và chất lượng nhân viên thấp.
Vì vậy, trong thế kỷ 21, ở một mức độ lớn, sự phát triển của quan hệ kinh tế thương mại Trung-Phi sẽ phụ thuộc nhiều ở các doanh nghiệp nhà nước. Đây cũng là thách thức lớn đối với Trung Quốc khi tham gia hợp tác ở châu Phi. Nếu Trung Quốc cải thiện được điều này, tương lai quan hệ Trung Quốc – châu Phi sẽ mang lại kết quả tốt đẹp.
KẾT LUẬN
Quan hệ Trung Quốc – châu Phi thập niên đầu thế kỷ XXI, đã đạt nhiều thành tựu quan trọng và có nhiều nét mới mang tính đột phá trong cả lĩnh vực kinh tế và chính trị ngoại giao. Trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, sự phụ thuộc, ảnh hưởng và tác động lẫn nhau của tất cả các quốc gia, dân tộc và khu vực trên thế giới thì chiến lược của Trung Quốc xâm nhập vào châu Phi để đáp ứng lợi ích của họ và việc các nước châu Phi hưởng ứng và hợp tác mạnh mẽ với Trung Quốc là hoàn toàn phù hợp.
Quan hệ Trung – Phi tuy phát triển mạnh mẽ, nhưng vị trí của Trung Quốc ở châu Phi vẫn xếp sau Mỹ và đang gặp nhiều thách thức từ nước này. Ngoài ra, cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và các nước lớn khác đã tác động không nhỏ đến lợi ích của Trung Quốc ở lục địa đen.
Mặc dù gặp nhiều thách thức lớn từ nhiều phía, nhưng vị trí và vai trò của Trung ngày càng tăng, điều này phản ảnh sự lựa chọn khôn khéo trong đường lối chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Với Trung Quốc, ngoài lợi ích về kinh tế như dầu mỏ, tài nguyên, thương mại… thì mối quan hệ chiến lược Trung – Phi đã góp phần cũng cố vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế. Và ngược lại, các nước châu Phi quan hệ với Trung Quốc cũng giúp các quốc gia này phát triển cũng như vị trí của châu Phi ở khu vực và quốc tế.
Với những thế mạnh hiện có, quan hệ Trung Quốc – châu Phi thật sự là mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi, triển vọng trong thời gian tới sẽ được thúc đẩy hơn nữa. Điều cần thiết là các bên đối tác sẽ tìm ra các giải pháp phù hợp với điều kiện hoàn cảnh và điều kiện của  mình theo nguyên tắc và thông lệ quốc tế. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho cả Trung Quốc, châu Phi và nhiều đối tác khác, trong đó có Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1.      Li Anshan (2007) “China and Africa: Policy and Challenges,” China Security, Vol. 13, No.13, pp.69-93.
2.      Anthony Yaw Baah and Herbert Jauch (eds.) (2009): Chinese investments in Africa: A labour perspective, Windhoek: African Labour Research Network, May 2009, ISBN No: 99916-64-94-7.
3.       Nguyễn Thanh Hiền (Chủ biên, 2010), Châu Phi: Những đặc điểm chính trị chủ yếu hiện nay, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
4.      Yi-Chong Xu (2008),“China and the United States in Africa: Coming Conflict or Commercial Coexistence?”, Australian Journal of International Affairs, Volume 62, Number 1,March  2008, pp. 16-37(22).
6.      Hannah Edinger, Hayley Herman & Johanna Jansson (2008), New impulses from the South China’s engagement of Africa, A Publication of the Centre for Chinese Studies (CCS), Stellenbosch University Stellenbosch, South Africa.
7.      Lt. Col JS Kohli (2009), The Dragon on Safari: China’s Africa Policy, Ínstitute of Peace and Conflict Studies, Niu Delhi, India.
8.      Evan S. Medeiros (2006), Chinese Foreign Policy: The African Dimension, Presentation given at a FLADIPRI conference on “Strategy and Security in Southern Africa”, Lisbon.

9.      China Policy In Focus, https://sites.google.com/site/chinapolicyinfocus/home

No comments: