MỤC LỤC NỘI DUNG:
1. Trung Quốc gia tăng hiện diện ở Đông Nam Á
2. Bẫy nợ: phụ thuộc kinh tế kiểu mới
TRUNG QUỐC GIA TĂNG HIỆN DIỆN Ở ĐÔNG NAM Á
Tháng 11/2017, sau khi Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm chính thức đầu tiên trên cả hai cương vị này đến Việt Nam. Ngay sau đó, ông Tập Cận Bình sang thăm chính thức Lào. Hai chuyến thăm đầu tiên đến Đông Nam Á cho thấy những tín hiệu quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc sau Đại hội 19.
Tham vọng của Trung Quốc hiện nay là trở thành một cường quốc khu vực. Báo cáo Chính trị Đại hội 19 cho thấy số lần xuất hiện của từ “cường quốc” đã tăng từ 4 lần (Đại hội 15) lên 23 lần. Điều này thể hiện sự tự tin của ông Tập Cận Bình vào sức mạnh và vị trí quốc tế mà Trung Quốc đã định hình được trong 5 năm đầu dưới sự lãnh đạo của ông. Dưới thời ông Tập Cận Bình, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã quyết đoán và cứng rắn hơn nhiều so với các chính phủ tiền nhiệm, đánh dấu bằng ba “dịch chuyển” quan trọng trong chính sách ngoại giao.
Chỉ trong vòng 5 năm dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, với đường lối ngoại giao láng giềng mới, Trung Quốc đã gia tăng nhanh chóng ảnh hưởng của mình tại Đông Nam Á, đưa khu vực này quay trở lại vị trí một trong các trọng tâm ngoại giao của Trung Quốc. Sự hiện diện thông qua “sức mạnh mềm” của Trung Quốc thực hiện qua cả hai kênh: quan hệ kinh tế và quan hệ văn hóa.
Về kinh tế, đến cuối năm 2016, kim ngạch thương mại hai chiều Trung Quốc – ASEAN đã đạt 452.2 tỷ USD, đưa Trung Quốc thành đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu lớn thứ hai và thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của ASEAN. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào ASEAN tính theo giá trị cộng dồn đến tháng 5/2017 đạt 183 tỷ USD. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đẩy mạnh các sáng kiến kinh tế đối ngoại, thúc giục các nước phối hợp với Trung Quốc để xây dựng các mô hình hợp tác kinh tế chưa từng có tiền lệ như sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI), dự án “hợp tác năng lực sản xuất” và xây dựng “khu hợp tác kinh tế qua biên giới”.
Về văn hóa, các Học viện Khổng tử (confucius institute) và các Lớp học Khổng tử (confucius class) được Trung Quốc như một nỗ lực cho việc tăng cường truyền bá tiếng Trung và văn hóa Trung Quốc ra bên ngoài. Số liệu năm 2015 cho thấy, chỉ riêng khu vực Đông Nam Á đã chiếm tới 1/3 số Học viện Khổng tử và 1/5 số Lớp học Khổng tử của Trung Quốc tại châu Á.
Hoạt đồng đầu tư ra nước ngoài và cho vay phát triển của Trung Quốc đã tiến hành từ hàng chục năm nay, nhưng cùng với các sáng kiến kinh tế mới và tham vọng trở thành “quốc gia trung tâm”. Số liệu mà tổ chức AidData thu thập cho thấy, trong giai đoạn 2000 – 2014, Trung Quốc đã cho vay phát triển, viện trợ dưới nhiều hình thức các khoản vay lên tới 354,3 tỷ USD Mỹ. Con số này tương đương với con số 394,6 tỷ USD của Hoa Kỳ trong cùng thời kỳ. Nhưng cho vay với hình thức ODA của Trung Quốc chỉ chiếm 23%. Đặc điểm chung của hoạt động cho vay từ Trung Quốc là nhắm đến các dự án kinh tế trong lĩnh vực giao thông, năng lượng và khai khoáng nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, đầu tư, thương mại giữa các nước nhận vốn với Trung Quốc.
Tại châu Á, từ 2000 – 2014, Trung Quốc cho các nước châu Á vay 119,6 tỷ USD với 1225 dự án với 35% tập trung vào năng lượng, 30% dành cho giao thông và 18% dành cho công nghiệp, khai thác mỏ và xây dựng. Ba nhóm cho vay này chiếm 82,7% tổng số vốn dành cho châu Á của Trung Quốc, trong khi đó, con số tương ứng của Nhật Bản là 34%, của Mỹ là 15,4%.
Câu hỏi quan trọng mà các quốc gia cần trả lời làm sao để biến nguồn lực từ Trung Quốc thành động lực thực sự của mình thay vì để nó trở thành một gánh nặng trong dài hạn?
Nhiều nước nhận vốn vay của Trung Quốc đã lâm vào tình trạng dở khóc dở cười của căn bệnh đam mê các dự án “hoành tráng” mà xem nhẹ hiệu quả thực tế. Trong sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI)., đường ống khí đốt đến Kyaukpyu của Myanamar sử dụng chưa đến 1/3 ba năng lực thiết kế kể từ ngày khánh thành vào năm 2013, trong khi phải dùng ít nhất một nửa công suất mới hòa vốn. Còn đường ống dẫn dầu chạy qua nước này để nối vào Côn Minh (Trung Quốc) thì đến năm 2017 mới có lô dầu đầu tiên. Chi phí cho hai dự án này ngốn của Myanmar 2,5 tỉ USD.
BẪY NỢ: PHỤ THUỘC KINH TẾ KIỂU MỚI
Các nghiên cứu của VCES cho thấy việc dự án của Trung Quốc ở nước ngoài bị dừng lại, huỷ bỏ không phải là ít. Có bốn nhóm lý do chính được chính phủ các nước đưa ra bao gồm: (i) Mối lo ngại đầu tiên là các vấn đề môi trường; (ii) Mối lo ngại về các vấn đề xã hội; (iii) Các công ty Trung Quốc thiếu công khai, minh bạch trong quá trình đấu thầu; (iv) Sự trỗi dậy của Trung Quốc về quân sự và những căng thẳng về chủ quyền các nước láng giềng khiến chính phủ các nước nghi ngại các dự án đầu tư CSHT sẽ được dùng làm vũ khí chính trị.
Những lý do này có thể “hợp lý” khi nhìn vào thực tế các nước như Đông Nam Á. Nhưng khi những nước được coi là thân cận với Bắc Kinh cũng hoãn, huỷ dự án, có thể còn có các nguyên do khác. Gần đây, khái niệm “chính sách bẫy nợ/debt trap poilicy” được thảo luận rộng rãi với hàm ý Trung Quốc đưa các nước vào các dự án khổng lồ, tạo ra gánh nặng nợ vượt quá khả năng chi trả của quốc gia dẫn đến sự phụ thuộc chính sách vào ý muốn của Trung Quốc. Mặc dù đây là một khái niệm còn gây tranh cãi, nhưng quan sát “làn sóng xét lại” đối với dự án sử dụng vốn vay Trung Quốc có thể thấy nỗi lo về “nợ không trả được” ngày càng trở thành quan ngại chính đứng đằng sau quyết định của các chính phủ.
Vấn đề thực sự của các quốc gia khi nhận vốn vay Trung Quốc là chính phủ mắc nợ, lợi nhuận rơi vào tay các công ty Trung Quốc còn mức độ cải thiện đời sống của người dân địa phương thì không rõ ràng.
Sri Lanka đang nợ Trung Quốc hơn 8 tỷ đô-la Mỹ với mức lãi suất 7%/năm. Nợ công của Djibouti chiếm khoảng 88% GDP, phần lớn là nợ Trung Quốc. Lào và Campuchia là hai quốc gia Đông Nam Á tham gia tích cực nhất vào sáng kiến BRI, đồng thời là quốc gia có tốc độ tăng trưởng vay nợ từ Trung Quốc lớn nhất. Theo IMF năm 2016 nợ vay Trung Quốc hiện chiếm hơn 40% GDP Lào và hơn 25% GDP của Campuchia.
Dự án đường sắt Trung – Lào (nối Côn Minh tới Vientiane) có chi phí khoảng 7 tỷ USD, trong đó chính phủ Lào sẽ đóng góp 700 triệu đô-la Mỹ (30% tổng số vốn). Nhưng trong số 700 triệu này, Lào chỉ tự túc được 220 triệu đô-la, còn lại 480 triệu đô-la Mỹ sẽ phải vay Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (CHEXIM) với mức lãi suất 2,3%/năm trong thời hạn 35 năm, ân hạn 5 năm. Điều này có nghĩa là trên thực tế Lào phải vay Trung Quốc tới 95% số vốn để hoàn thành dự án tốn kém này. Dự kiến, để đổi lấy 480 triệu đô-la Mỹ cho dự án đường sắt nêu trên, Lào sẽ phải giao cho CHEXIM hai dự án mỏ.
CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á CẦN LÀM GÌ?
Là một hiệp hội, mức độ thể chế hoá của ASEAN còn nhiều điểm cần cải thiện. Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng, nhiều thách thức hiện hữu đã đặt ra cho từng nước với tư cách một thành viên của khối.
(i) Làm sao cân bằng được các nhu cầu phát triển kinh tế của từng nước thành viên với yêu cầu có tiếng nói chung trong vấn đề liên quan đến an ninh, chính trị của ASEAN.
(ii) Làm sao cân bằng giữa các kế hoạch phát triển quốc gia với quy hoạch phát triển tổng thể của khu vực.
(iii) Làm sao đảm bảo vị trí trung tâm của ASEAN tại các diễn đàn đa phương hiện nay.
Ngoài ra, sự gia tăng đầu tư của Trung Quốc tại khu vực cũng có thể tạo ra một số rủi ro tiềm ẩn với các quốc gia tiếp nhận vốn liên quan tới:
(i) Tính minh bạch thấp dẫn đến trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp và chính quyền yếu kém
(ii) Cách thức tiến hành dự án ít tạo ra sự phát triển bền vững và bao trùm
(iii) Những mục đích mang tính chiến lược, chính trị của Trung Quốc
(iv) Tham nhũng, hối lộ
(v) Khả năng trả nợ kém dẫn đến gia tăng các đòi hỏi về lợi ích của Trung Quốc
Để làm rõ những tác động này, một nhóm các think-tank của 8 nước ASEAN gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Indonesia và Thái Lan sẽ làm việc cùng với Trung tâm Doanh nghiệp tư nhân Quốc tế (CIPE) trong một dự án nghiên cứu cấp khu vực về đánh giá tác động của đầu tư Trung Quốc đến khu vực. Dự án dự kiến tiến hành trong một năm. Với vai trò là một chương trình nghiên cứu về kinh tế và chiến lược Trung Quốc, VCES tham gia vào Diễn đàn khu vực các think-tank Đông Nam Á tổ chức tại Bali (Indonesia) trong 3 ngày từ 12-14/10 và sẽ tham dự vào dự án nghiên cứu trên.
No comments:
Post a Comment