Wednesday, July 18, 2018

Trung Quốc: "Món quà từ thiên đường" đối với Châu Phi

Trung Quốc gia tăng đầu tư sản xuất ở châu Phi 

Trong kỳ trước với tiêu đề: "Cách Trung Quốc dùng vũ khí ở châu Phi", chúng ta đã tìm hiểu về việc Bắc Kinh lập căn cứ quân sự, dùng viện trợ quân sự, bán vũ khí để gia tăng ảnh hưởng ở châu Phi. Song song với đó, nước này cũng đã sử dụng hữu hiệu con bài về kinh tế. 

Sự hỗ trợ kéo dài một thập kỷ của Trung Quốc đối với châu Phi đã mang lại kết quả hữu hình với hàng nghìn km đường sắt mới và hàng chục cảng, sân bay và nhà máy điện được xây dựng từ các dự án đầu tư của Bắc Kinh. Theo một số nhà nghiên cứu, châu Phi có thể nổi lên như một cường quốc toàn cầu mới. 

Trung Quốc đã tạo điều kiện cho châu Phi vươn lên như một cường quốc "tiềm năng sản xuất toàn cầu", nhấn mạnh Irene Yuan Sun trong một cuốn sách mới tung ra có tiêu đề "Công xưởng tiếp theo của thế giới". 

Cuốn sách cho thấy Bắc Kinh hiện đang chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất của mình với lục địa châu Phi, đã biến đổi đất nước của mình thành một công xưởng sản xuất lớn trong vài thập kỷ qua. 

Theo nghiên cứu từ Hội đồng Quốc tế Nga (RIAC), Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại chính của các nước châu Phi kể từ năm 2009. Trong năm 2000, tổng kim ngạch giữa Trung Quốc và châu Phi mới chỉ vẻn vẹn 10 tỷ dollars, nhưng con số này đã tăng vọt lên 220 tỷ US vào năm 2014. 

Nghiên cứu của RIAC cho biết, năm 2017, Trung Quốc đã đầu tư vào việc cung cấp các khoản vay cho các nước châu Phi với tổng số tiền vượt quá 100 tỷ dollars. Các đối tác lớn của Bắc Kinh trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp và trong danh mục đầu tư là Ai Cập, Nigeria, Algeria, Nam Phi, Ethiopia, Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), Zambia, Angola, Morocco, Niger, Cameroon, Chad và một số quốc gia khác. 

Các nhà quan sát chỉ ra rằng, Quỹ Phát triển Trung Quốc-Châu Phi, thường được gọi là Quỹ CAD, được tạo ra và tài trợ bởi Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (một ngân hàng nhà nước) vào năm 2006 và bắt đầu hoạt động vào năm 2007. 

Không giống như các cơ quan viện trợ khác của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC), thay vì cho vay, quỹ này thực hiện đầu tư trực tiếp tại châu Phi thông qua đồng tài trợ cho các dự án của Trung Quốc và nước ngoài trên lục địa châu Phi. 

Quỹ CAD cung cấp một phần ba ngân sách cần thiết cho một dự án, hoạt động như một nhà đầu tư thụ động. Trong 10 năm qua, cơ cấu tài chính này của Trung Quốc đã đầu tư khoảng 3,2 tỷ USD vào 91 dự án ở 36 quốc gia châu Phi. 

Theo số liệu năm 2017, các doanh nghiệp thuộc các nước châu Phi hàng năm sản xuất ra một số lượng hàng hóa cực lớn, bao gồm: 11.000 xe tải, 300.000 máy điều hòa, 540.000 tủ lạnh, 390.000 Tivi và 1,6 triệu tấn xi măng, trong khuôn khổ sáng kiến ​​của Quỹ CAD. 

Mặc dù quỹ không công bố dữ liệu về những nỗ lực cụ thể của nó nhưng RIAC cho rằng, quỹ này đã tham gia vào các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng, sản xuất công nghiệp, chiết xuất, chế biến tài nguyên thiên nhiên và nông nghiệp. 

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã tham gia xây dựng hơn 100 khu công nghiệp và 40% trong số đó đã đi vào hoạt động. 

Hơn nữa, Trung Quốc đã hỗ trợ 5,756 km đường sắt, 4,335 km đường cao tốc, chín cảng, 14 sân bay, 34 nhà máy điện, cũng như 10 nhà máy thủy điện lớn và khoảng 1.000 nhà máy thủy điện nhỏ đã được xây dựng ở châu Phi (tính đến cuối năm 2016). 

Các dự án đường sắt của Trung Quốc ở châu Phi phần lớn được coi là một sự thay đổi cục diện khu vực và có thể giúp thúc đẩy hội nhập chính trị ở Lục dịa Đen. 

Tăng cường viện trợ kinh tế, hỗ trợ quân sự, bán vũ khí 

Ông Nikolai Shcherbakov, một nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Phi của Viện Lịch sử Tổng hợp, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAS), đã từng phát biểu rằng, sẽ rất rủi ro khi đầu tư vào bất kỳ sản xuất nào ở Châu Phi, bao gồm cả việc xây dựng đường sắt, nhưng người Trung Quốc đang chấp nhận rủi ro này. 

Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đã trở thành "một món quà từ thiên đường" cho châu Phi trong một thời gian không ngắn. 

Trong khi các số liệu liên quan đến hỗ trợ phát triển của Trung Quốc ở châu Phi mà Bắc Kinh đưa ra có vẻ tương đối thấp, thì một viện nghiên cứu của Mỹ là Trung tâm phát triển toàn cầu (Center for Global Development) đã tiết lộ rằng, trong giai đoạn từ 2000-2016, viện trợ của Bắc Kinh thực tế cao hơn nhiều so với tuyên bố chính thức. Trên thực tế, nó gần như ngang bằng tổng lượng viện trợ của Hoa Kỳ là 75 tỷ dollars, nếu có tính đến các dự án của đất nước này trong lĩnh vực y tế, giáo dục và văn hóa. 

Hiện nay, Trung Quốc đang thúc đẩy hợp tác quốc phòng với các nước châu Phi. Bắc Kinh tiếp tục củng cố vị thế địa-chính trị của mình ở lục địa đen, nơi mà ngoài các hoạt động đầu tư và cái gọi là "ngoại giao đường sắt", Bắc Kinh đang gia tăng doanh số bán vũ khí cho các quốc gia khu vực này. 

Vừa qua, Bắc Kinh đã tổ chức Diễn đàn Quốc phòng và An ninh Trung Quốc - Châu Phi đầu tiên, quy tụ các đại diện đến từ 50 quốc gia châu Phi và Liên minh châu Phi. Diễn đàn này sẽ là một công cụ hiệu quả để Bắc Kinh đẩy mạnh bán vũ khí cho các quốc gia trong khu vực tiềm tàng xung đột này. 

Sở dĩ Bắc Kinh vượt Mỹ để trở thành nhà cung cấp vũ khí và trang thiết bị hàng đầu cho châu Phi là do vũ khí của Trung Quốc rẻ hơn so với các sản phẩm tương tự của phương Tây, nhưng chất lượng thì không phải là quá kém. 

Ngoài ra, Bắc Kinh còn cung cấp thêm các điều kiện hấp dẫn về tài chính, gồm các khoản vay dài hạn để cung cấp vũ khí, mà đổi lại là các ưu đãi trong lĩnh vực đầu tư. 

Bên cạnh đó, Trung Quốc đã lập một cơ sở hậu cần-kỹ thuật (căn cứ bảo đảm hải quân) ở Djibouti, nhằm một mặt cung cấp hỗ trợ quân sự cho châu Phi, mặt khác còn hỗ trợ lực lượng tàu chống hải tặc dọc theo bờ biển Đông Phi và các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. 

Để tuyên truyền cho các hoạt động của đất nước trên lục địa châu Phi, các phương tiện truyền thông Trung Quốc thường nhấn mạnh vào nguyên tắc "không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước" mà Bắc Kinh thường tuyên bố lấy đó làm nền tảng cho ngoại giao của mình. 

Ví dụ như tờ "Nhân dân Nhật báo" (People's Daily) đã từng ca ngợi: "Nhân dân Trung Quốc và châu Phi là một cộng đồng liên minh chặt chẽ với một tương lai chung. Sự hợp tác giữa hai bên nhưng là những người anh em. Cho dù tình hình quốc tế hay nền kinh tế thế giới có thể phát triển như thế nào, không bao giờ có sự suy giảm hỗ trợ của Trung Quốc đối với châu Phi". 

Sau sự suy yếu của chiến lược thuộc địa do phương Tây dẫn đầu, Trung Quốc dường như đã tìm ra một cách mới để phát triển bằng cách đầu tư vào tương lai của châu Phi, nhằm đạt được những lợi ích kinh tế to lớn; cùng với đó là sự mở rộng ảnh hưởng địa-chính trị, cạnh tranh với Mỹ và châu Âu.


No comments: