Sunday, December 11, 2016

ÔNG MODI VÀ CUỘC HẸN VỚI CHÂU PHI

Chuyến công du của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới 4 nước châu Phi từ ngày 7-11/7 là một chuyến thăm lịch sử, tô đậm thêm khẩu hiệu của ông về Ấn Độ như một "quyền lực hàng đầu" trên thế giới.

Chuyến đi cho thấy sự trân trọng các mối quan hệ song phương trong tương quan về mặt kết quả dài hạn đối với tham vọng quyền lực mềm, kinh tế và chiến lược của Ấn Độ.

Ông Modi nổi tiếng với các chuyến công du những nước gần như lãng quên ý nghĩa của việc chào đón một nhà lãnh đạo Ấn Độ. Tại Mozambique, ông sẽ trở thành Thủ tướng Ấn Độ đầu tiên có mặt ở nước này kể từ khi ông Indira Gandhi đến thăm vào năm 1982. Ông cũng sẽ là Thủ tướng Ấn Độ đầu tiên đến thăm Kenya kể từ năm 1981. Mặc dù ông Manmohan Singh đã đến Nam Phi vào năm 2013 với tư cách Thủ tướng, nhưng là để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS chứ không phải thăm song phương. Bằng cách thực hiện sứ mệnh tăng cường quan hệ song phương với các quốc gia trọng điểm ở Nam châu Phi, Thủ tướng Modi đang đưa ra tín hiệu rằng ông coi trọng các nước này một cách thực chất.

Bảo vệ bờ biển phía Đông

Một điểm nổi bật trong chính sách đối ngoại của ông Modi là sự nhấn mạnh về ngoại giao quốc phòng để củng cố vị trí của Ấn Độ như một nhà cung cấp an ninh mạng cho các nước đang phát triển. Sự lựa chọn 4 quốc gia trong chuyến công du lần này của ông không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà là một phần của chính sách được cân nhắc kỹ lưỡng, đó là đề cao khu vực Ấn Độ Dương (IOR) -  nơi mà khu vực phía Tây giáp với các nước trên.

Chiến lược thương mại và hải quân mở rộng của Ấn Độ cần được gắn kết với bờ biển phía Đông của châu Phi nếu nước này muốn trở thành nhân tố định hình ổn định và hòa bình ở IOR. Trên thực tế, chính phủ của ông Modi đã chủ tâm khởi động lại đối thoại quốc phòng với Mozambique vào năm 2015 sau nhiều năm lơ là. Dự án phát triển cảng Sagar Mala không đơn thuần là một ưu tiên chính sách trong nước mà còn là nỗ lực chiến lược của Ấn Độ trong việc trở thành đối tác hậu cần và quốc phòng của đường bờ biển phía Đông châu Phi.

Thủ tướng Modi cũng đã đến thăm Mauritius và Seychelles - hai quốc gia châu Phi quan trọng nằm ngoài lục địa và đẩy mạnh sự hỗ trợ an ninh của Ấn Độ tại đây. Giờ đây, bằng cách thu hút các nước Đông Phi bằng sự tin cậy để chia sẻ và truyền công nghệ nhạy cảm và bí quyết trong tình báo, trinh sát và đào tạo, ông đang thực hiện bước đi chủ động không chỉ trên mặt trận kinh tế mà cả chính trị ở lục địa này.

Cách tiếp cận kinh tế

Tất nhiên, kinh tế không bao giờ nằm ngoài chương trình nghị sự trong mối tương tác giữa Ấn Độ với châu Phi. Tuy nhiên, ở đây, điều mới mẻ là cách chiến dịch “Sản xuất tại Ấn Độ” của ông Modi nhận được sự chào đón của châu lục này.

Trong khi nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại và tỷ lệ hấp thụ đối với khoáng sản châu Phi ở mức thấp, các chính phủ và người dân châu Phi đang tìm kiếm một quyền lực châu Á lớn khác có thể tạo ra doanh thu xuất khẩu ổn định, đồng thời giúp họ tiến hành công nghiệp hoá. Đối với nhiều người châu Phi, Ấn Độ được cho là một đối tác dân chủ, được ưu tiên hơn bởi cách tiếp cận của nước này không phải hoàn toàn do nhà nước định hướng (như Trung Quốc) và có khu vực tư nhân đang gia tăng hoạt động trên lục địa này. Mối quan tâm cá nhân của Thủ tướng Modi trong kết nối doanh nghiệp nông nghiệp của Ấn Độ với các quốc gia châu Phi cho an ninh lương thực cũng như trong thăm dò chung và khai thác các nguồn năng lượng, là một điểm cộng lớn đối với châu Phi.

Đối với những ai còn hoài nghi về tính toán của Ấn Độ liệu có giống Trung Quốc như khai thác tài nguyên cho đến khi cạn kiệt nguồn lực tự nhiên giàu có của châu lục này, thì thông điệp của Thủ tướng Modi được gửi gắm trước thềm chuyến thăm này đã nêu rõ: “Chúng tôi không phải ở đây ở khai thác” và “chúng tôi muốn trở thành những đối tác phát triển”.

Trong một bài giảng gần đây tại Bộ Thống kê của Chính phủ Nam Phi ở Pretoria, tôi nhận được câu hỏi: "Ông nói rằng Ấn Độ là nước duy nhất đến đây để giúp xây dựng nguồn nhân lực và tăng cường an ninh cho chúng tôi. Nhưng không một quốc gia nào làm theo kiểu từ thiện cả. Tại sao Ấn Độ làm những việc này? Động cơ thực sự là gì?”.



Ông Modi cần phải làm thỏa mãn mối bận tâm này không chỉ bằng cách đưa ra các chương trình mới mẻ hơn thông qua việc đưa các chuyên gia giáo dục và kỹ thuật của Ấn Độ đến châu Phi, mà còn bằng cách cho thấy Ấn Độ và châu Phi cùng phụ thuộc lẫn nhau như thế nào trong thế kỷ XXI. Ấn Độ cần thị trường xuất khẩu vì trong quá trình công nghiệp hoá còn châu Phi có dân số trẻ trung và sức mua đang gia tăng, điều này sẽ giúp thương mại hai chiều từ 72 tỷ USD lên đến  700 tỷ USD và hơn nữa. Nếu châu Phi không phát triển trong sự giàu có, ổn định và tự tin, Ấn Độ sẽ giống như “bị khuyết tật” (handicapped).

Nếu Ấn Độ không cùng châu Phi giải quyết các cuộc khủng hoảng lớn trên hành tinh, Ấn Độ không bao giờ có thể trở thành một quyền lực lớn trên chính trường thế giới. Do đó, số phận của hai bên gắn kết với nhau không chỉ vì vị trí địa lý, quan điểm tương đồng tại Liên hợp quốc hay trải nghiệm lịch sử đều là những người dân thuộc địa, mà còn vì sự bổ sung cơ bản của tương lai đang chờ đón cả hai bên.

Trung Quốc đã tung hô mô hình hợp tác Nam-Nam như một thành công vang dội ở châu Phi. Tuy nhiên, sự thiếu vắng của yếu tố nhân lực, sự minh bạch, khía cạnh xã hội hay dân chủ trong mô hình đó đồng nghĩa với việc Ấn Độ có một vị trí không thể thiếu trên lục địa. Ấn Độ đã có một địa vị đặc biệt trong trái tim của nhũng người dân châu Phi thế kỷ trước. Điều mà chuyến công du của ông Modi tới châu lục này có thể làm là ghi dấu Ấn Độ trong tinh thần hướng về tương lai và giấc mơ của châu Phi.

Bài viết của GS. Sreeram Chaulia, trưởng khoa tại Trường Các vấn đề quốc tế Jindal, đăng trên The Hindu ngày 6/7.

TRUNG ĐÔNG: LÀM SAO ĐỂ CHẤM DỨT BẠO LỰC TÔN GIÁO?

Đó là câu hỏi được đánh giá là bức thiết đối với tình hình Trung Đông hiện nay. Ông Moha Ennaji* đã đi tìm câu trả lời trong bài viết trên Project Syndicate, ngày 8/12.Sự phát triển của chủ nghĩa cực đoan, bạo lực và nội chiến ở Trung Đông kể từ sau cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả rập năm 2011 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân và phúc lợi xã hội của nhiều nước trong khu vực. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng các chính phủ ủng hộ hòa bình, kiến tạo thịnh vượng và bảo vệ con người đang là nhiệm vụ vô cùng cấp thiết.

Tâm lý đánh đồng

Tính đến nay, tình trạng bạo lực ở Trung Đông đã khiến khoảng 180.000 người Iraq và 470.000 người Syria thiệt mạng, 6,5 triệu người Syria phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Những người tị nạn này, bao gồm nhiều phụ nữ và trẻ em, thường bị tra tấn trong các nhà tù hay bị lạm dụng trong các trại tạm cư.

Theo Trung tâm Nghiên cứu chính sách Syria, một nửa trong số những người tị nạn là trẻ em và thiếu niên dưới 18 tuổi. Thực tế này được đánh giá là sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực đến sự phát triển của quốc gia Trung Đông này trong tương lai. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ước tính, 2,1 triệu trẻ em đang sống ở Syria và 700.000 em đang tị nạn ở nước ngoài không được đến trường.

Có thể nói, những tổn thất về con người nói trên là biểu hiện của một vấn đề sâu sắc hơn: mâu thuẫn tôn giáo ở Trung Đông, cụ thể là Hồi giáo. Trái với suy nghĩ của số đông, các tín đồ Hồi giáo không cho rằng tôn giáo của họ bản chất đã mang tính bạo lực.

Khi theo dõi tin tức ở phương Tây, người ta dễ hiểu tại sao Hồi giáo lại chịu nhiều sự chỉ trích đến thế. Từ sự tàn bạo của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Iraq, các cuộc tấn công đẫm máu của al-Qaeda cho đến các vụ hành quyết dã man phụ nữ ngoại tình theo luật Sharia ở Afghanistan, bạo lực ở Trung Đông... đều được quy kết cho nguyên nhân tôn giáo. Vì vậy, Hồi giáo thường được nhìn nhận như một mối đe dọa nghiêm trọng.

Tuy nhiên, như nhà triết học Canada Charles Taylor giải thích, nguy hiểm thực sự không phải ở bản thân Hồi giáo, mà là “tâm lý đánh đồng”. Các phần tử Hồi giáo cực đoan chỉ chiếm chưa đầy 0,5% số người Hồi giáo trên toàn thế giới. Dù vậy, hình ảnh về những kẻ thánh chiến đang dần đại diện cho Hồi giáo trong mắt truyền thông phương Tây, và điều này ảnh hưởng xấu đến các tiến trình phát triển chính trị ở Trung Đông.

Bỏ qua những bản chất tốt đẹp của Hồi giáo, truyền thông phương Tây đang củng cố một quan điểm cứng nhắc và áp đặt: Hồi giáo đồng nghĩa với bạo lực. Trên thực tế, quan niệm này đang ngày càng được chấp nhận rộng rãi ở Mỹ và châu Âu, theo Michael Griffin trong cuốn sách “Nhà nước Hồi giáo và việc viết lại lịch sử”.

Các giải pháp chính sách

Hiện nay, nhiều người tán thành với lý thuyết “sự va chạm văn hóa” của cố Giáo sư Đại học Harvard Samuel Hungtington, cho rằng Hồi giáo mâu thuẫn với xã hội hiện đại. Tuy nhiên, luận điểm của Huntington đã bỏ qua những ý tưởng và ảnh hưởng của những người tiên phong cải cách Hồi giáo – như Muhammad Abdul (1) và Jamaleddin al-Afghani (2), vốn có tác động đến tận ngày nay.

Một trong những ảnh hưởng sâu rộng nhất của các nhà cải cách nói trên là sự hình thành trào lưu “salafi”, theo đó nhấn mạnh nhà nước hiện đại đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của cộng đồng Hồi giáo. Ngày nay, các nhà tư tưởng Hồi giáo, như Abdolkarim Soroush (Iran), Tahar Haddad (Tunisia), Fazlur Rahman (Pakistan)... vẫn tiếp tục nghiên cứu sự kết nối giữa tư tưởng Hồi giáo và các giá trị hiện đại. Mặc dù những kẻ cực đoan luôn phủ nhận ý kiến của những nhà tư tưởng Hồi giáo này, song quan điểm của họ vẫn có ảnh hưởng sâu sắc đến các tầng lớp tín đồ trên toàn thế giới.

Trên thực tế, các học giả Hồi giáo nói trên cũng thừa nhận tôn giáo cũng phần nào góp phần tạo nên tình trạng bạo lực ở Trung Đông. Các hành động bạo lực, vốn phổ biến và đa dạng ở khu vực, được hình thành từ nhiều yếu tố bao gồm mâu thuẫn quan điểm tôn giáo, truyền thống văn hóa, sắc tộc, chiến tranh, sự đấu đá chính trị… Tuy nhiên, như đã nói ở trên, về bản chất, Hồi giáo không kích động bạo lực, chiến tranh. Nhiều tổ chức đang lợi dụng danh nghĩa Hồi giáo để thực hiện các âm mưu có lợi cho mình.

Điều Trung Đông cần hiện nay là các chính sách phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả nhằm giải quyết các vấn đề có thể gây ra mâu thuẫn tôn giáo, chẳng hạn như tạo ra các cơ hội giáo dục bình đẳng, tạo công ăn việc làm, xử lý tình trạng tham nhũng… Những chiến lược này có thể giúp nâng cao tiến trình dân chủ hóa, sự phát triển kinh tế, thúc đẩy xã hội dân sự cũng như cải thiện môi trường truyền thông đại chúng. Điều quan trọng là các chính phủ ở khu vực không nên “Hồi giáo hóa” mọi vấn đề, mà tốt hơn là phát triển các giải pháp chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân.

Trong số vấn đề kể trên, giáo dục là yếu tố then chốt quyết định thành công. Các chương trình đào tạo cần mang tính tổng hợp hơn, mở rộng kiến thức của học sinh về tôn giáo và văn hóa. Bên cạnh đó, các trường học cần giữ sự khách quan trước áp lực của chính phủ và giáo hội, đồng thời nêu cao tinh thần tự do tôn giáo.

Cuối cùng, năng lực của chính phủ trong việc giải quyết bạo lực tôn giáo cũng là việc không được xem nhẹ. Trừ phi các nhà lãnh đạo có thể dung hòa giữa chính sách và tôn giáo, bạo lực sẽ không bao giờ kết thúc.

* Ông Moha Ennaji là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đối thoại liên văn hóa và người tị nạn (Morocco) và là Giáo sư Văn hóa học tại Đại học Fez (Morocco). Các cuốn sách của ông mới xuất bản bao gồm “Những biên giới mới của sự di cư của người Hồi giáo ở Bắc Mỹ và châu Âu”, “Cộng đồng người Hồi giáo Morocco ở châu Âu”.

Bài viết trên phản ánh quan điểm riêng của tác giả.

---

[1] Muhammad Abdul (1849-1905), người Ai Cập, là nhà luật học Hồi giáo, học giả tôn giáo và nhà cải cách tự do. Ông được xem là một trong những người xây dựng nên “chủ nghĩa hiện đại Hồi giáo” – còn được gọi là Neo-Mu’tazilism.

[2] Jamaleddin al-Afghani (1839-1897), người Thổ Nhĩ Kỳ, là nhà hoạt động chính trị và nhà tư tưởng Hồi giáo. Ông cũng là người góp phần hình thành nên “chủ nghĩa hiện đại Hồi giáo”.

Wednesday, November 30, 2016

MĨ ĐIỀU CHÌNH CHÍNH SÁCH VỚI CHÂU PHI

Là châu lục giàu tiềm năng, châu Phi luôn chiếm vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của các cường quốc. Đối với Mỹ, châu Phi chưa bao giờ hết “nóng”, khi cường quốc số một thế giới này luôn có những chính sách nhằm gia tăng ảnh hưởng cũng như lợi ích tại khu vực.

Trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống B.Ô-ba-ma, Mỹ đã có những bước điều chỉnh cơ bản chính sách đối với châu Phi. Tăng cường sự hiện diện cũng như ảnh hưởng của Mỹ ở lục địa đen được coi là một trong những “di sản” quan trọng về chính sách đối ngoại mà ông Ô-ba-ma muốn để lại dấu ấn sau khi rời Nhà trắng. Diễn đàn Thương mại Mỹ - châu Phi (USABF) được tổ chức ở Niu Oóc gần đây cũng không nằm ngoài mục tiêu nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ tài chính, thương mại và đầu tư giữa hai bên. Theo đuổi cách tiếp cận mới đối với châu Phi, Mỹ đang có trong tay nhiều sự lựa chọn. Không chỉ bị giới hạn trong khuôn khổ những thỏa thuận viện trợ hay chống khủng bố, Mỹ có thể mở rộng mối quan hệ hợp tác với các nước châu Phi sang lĩnh vực thương mại, đầu tư. Giới doanh nghiệp Mỹ coi châu Phi là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu nguyên liệu thô.

Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật Cơ hội và Tăng trưởng cho châu Phi (AGOA) dưới thời Tổng thống B.Clin-tơn. Thời Tổng thống G.Bu-sơ, Mỹ đã thành lập Bộ Chỉ huy châu Phi (AFRICOM) và triển khai Chương trình cứu trợ khẩn cấp nhằm đối phó căn bệnh HIV/AIDS. Còn trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống B.Ô-ba-ma, Mỹ đã chuyển hướng chính sách đối ngoại, trong đó ưu tiên hợp tác kinh tế thương mại với châu Phi. Tại USABF gần đây, Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma cùng những người đồng cấp Nam Phi, Ni-giê-ri-a và khoảng 50 nhà lãnh đạo châu Phi khác, cùng đại diện hơn 100 tập đoàn đã thảo luận bảy vấn đề thiết yếu đối với nền kinh tế châu Phi gồm tài chính, đầu tư, cơ sở hạ tầng, năng lượng, nông nghiệp, hàng hóa tiêu dùng và công nghệ thông tin - truyền thông. Tại đây, hàng loạt sáng kiến đầu tư của chính phủ và khu vực tư nhân đã được công bố. Nhờ những điều chỉnh cơ bản trong chính sách của Mỹ mà nguồn vốn đầu tư đã được khơi thông, đổ vào các thị trường châu Phi. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Mỹ và các nước châu Phi tăng nhanh. Trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống B.Ô-ba-ma, Mỹ đã triển khai sáng kiến “điện năng châu Phi” với gần 43 tỷ USD vốn cam kết từ 120 đối tác công-tư. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Cộng đồng các nước Đông Phi (EAC) sang thị trường Mỹ cũng đã tăng 24% trong giai đoạn 2013-2014.

Sự điều chỉnh chính sách của Mỹ đối với châu Phi được đưa ra trong bối cảnh nhiều cường quốc cũng đẩy mạnh chiến lược nhằm giành ảnh hưởng tại lục địa đen, nhất là trong lĩnh vực thương mại - đầu tư. Mặc dù châu Phi chỉ chiếm khoảng 3,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn cầu, tuy nhiên vai trò của châu lục này ngày càng được khẳng định với nhiều tiềm năng quan trọng và luôn cần thiết cho chiến lược của các cườn g quốc. Tăng cường sự hiện diện ở châu Phi thông qua các sáng kiến thúc đẩy thương mại và đầu tư hai chiều là hướng đi chủ yếu của Oa-sinh-tơn. Riêng nhiệm kỳ hai, Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma đã có hai chuyến công du tới châu Phi. Trong khi toàn cầu có nhiều sự dịch chuyển chiến lược, việc Mỹ nỗ lực xây dựng mối quan hệ đối tác hiệu quả với các nước châu Phi, trong đó thúc đẩy thương mại - đầu tư được cho là sẽ mang lại nhiều sự lựa chọn hơn cho Oa-sinh-tơn trong quá trình hoạch định chính sách đối ngoại.

TRUNG QUỐC XÂY ĐƯỜNG TÀI HỎA 750 KM ĐẦU TIÊN Ở CHÂU PHI

Từ năm 2009, Trung Quốc đã coi châu Phi là địa điểm trọng yếu để thúc đẩy nền kinh tế trong nước đang thiếu động lực tăng trưởng.


Đường sắt dài 750 km được hai công ty Trung Quốc thực hiện kết nối thành phố Addid Ababa (Ethiopia) với thành phố cảng Djibouti ở Biển Đỏ. Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố nước này không bắt chước kiểu cách “thực dân phương tây” khi nhiều đồn đoán cho rằng Trung Quốc đang muốn lợi dụng nguồn tài nguyên giàu có ở châu Phi để phát triển kinh tế.

Thủ tướng Ethiopia Jailemariam Desalegn và người đồng cấp Djibouti Ismael Guelleh đã được những quan chức Trung Quốc đón tiếp trước buổi cắt băng khánh thành tuyến đường sắt mới.

“Tàu hỏa sẽ thúc đẩy kinh tế đất nước và có lợi lớn cho các khu công nghiệp, nông trại xây dựng trong tương lai. Cơ hội nghề nghiệp cũng là rất hứa hẹn”, ông Deselegn nói tại buổi lễ.


Hiện nay, café vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Ethiopia. Quốc gia châu Phi này đang cố gắng đa dạng hóa danh mục hàng hóa xuất khẩu và thúc đẩy công nghiệp chế biến.

Đường tàu hỏa chạy điện này là tuyến đầu tiên có mặt ở châu Phi sẽ lưu chuyển nông sản giữa hai vùng của Ethiopia và Djibouti trong chưa đầy 10 tiếng đồng hồ. Trước đây, thời gian di chuyển giữa hai địa điểm là vài ngày.

“Chúng tôi rất phấn khởi. Trước đây xe tải phải đi từ 2 tới 3 ngày mới tới được Djibouti”, Tingrit Worku, một nông dân Ethiopia,  nói. “Tàu hỏa sẽ tạo ra sự thay đổi lớn lao”.


Hiện nay mỗi ngày có hơn 1.500 xe tải chạy trên tuyến đường nối Ethiopia và khu cảng ở Biển Đỏ. 90% hàng hóa xuất nhập khẩu vận chuyển qua tuyến giao thông huyết mạch này. Biển Đỏ là trung tâm thương mại lớn của châu Á, châu Âu và phần còn lại của châu Phi.

“Đây là một phép màu thực sự. Ethiopia là quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Phi hiện nay. Kết nối với Biển Đỏ ở Djibouti sẽ tạo ra lợi thế lớn cho kinh tế nước này thăng hoa”, Mekonnen Getachew, quản lý dự án thuộc Tập đoàn Đường sắt Ethiopia, phát biểu.


Năm ngoái, Ethiopia tăng trưởng 10,2% nhưng nạn hạn hán tồi tệ nhất 30 năm qua sẽ kéo tốc độ tăng trưởng xuống dưới 4,5% trong năm 2016. Với tuyến đường sắt mới, hai quốc gia Ethiopia và Djibouti đều được hưởng lợi. Djibouti sẽ được tiếp cận thị trường 95 triệu dân của Ethiopia và ngược lại Ethiopia có thể tiếp cận Biển Đỏ nhộn nhịp.

Tuyến đường sắt mới cũng chấm dứt hệ thống đường ray Pháp xây dựng từ năm 1917. Sau hàng thập kỷ sử dụng, tuyến đường cũ kĩ này đã hư hỏng nặng. Sau buổi cắt băng khánh thành, đơn vị chủ quản sẽ chạy thử trong 3 tháng và hành khách không phải trả tiền khi ngồi tàu. Ngoài ra, hàng hóa sẽ được chuyển tới thành phố Mieso, Dire Dawa, Dewele.


“Chúng tôi vẫn chưa có kinh nghiệm quản lý đường sắt. Ethiopia đã kí hợp đồng đào tạo với Trung Quốc để huấn luyện chuyên môn trong 5 năm”, Getachew nói.

Đường sắt mới trị giá 3,4 tỉ USD với đoàn tàu sơn đỏ, vàng và xanh lá, đại diện cho quốc kỳ Ethiopia. 70% vốn được ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc cung cấp. Hai đơn vị thi công là Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc và Tập đoàn Xây dựng Dân dụng Trung Quốc. Nhiều ý kiến đặt ra quanh sự thiếu minh bạch và quản lý yếu kém của tuyến đường sắt này.


Mới đây, một đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc đã có mặt ở Addid Ababa để ký kết thỏa thuận cung cấp 100 triệu USD xây dựng đường quốc lộ ở Ethiopia.

Nguồn tài nguyên giàu có ở châu Phi đã giúp nền kinh tế Trung Quốc cất cánh và nước này cũng là đối tác thương mại lớn nhất của lục địa đen từ năm 2009. Dù vậy, đầu tư ở châu Phi sụt giảm hơn 40% trong năm 2015 khi nền kinh tế Trung Quốc suy thoái.


Tuyến đường sắt 750km là bước đầu tiên trong hệ thống 5.000 km ở Ethiopia dự kiến hoàn thành vào năm 2020, nối Kenya, Sudan và Nam Sudan.

Djibouti là quốc gia nhỏ nhất ở khu vực Sừng châu Phi, coi dự án là bước khởi đầu của kế hoạch đường sắt xuyên châu Phi, nối Biển Đỏ và Đại Tây Dương. Nếu đi bằng thuyền, hành trình mất tới 3 tuần. Dù vậy, ước mơ này sẽ không dễ thực hiện vì đường sắt sẽ phải đi qua những vùng đang chiến tranh triền miên như Nam Sudan và cộng hòa Trung Phi.

Djibouti cũng là nơi đặt căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài.

Theo Quang Minh - Guardian (Dân Việt)

http://www.24h.com.vn/tin-tuc-quoc-te/trung-quoc-xay-duong-tau-hoa-750km-dau-tien-o-chau-phi-c415a824552.html

KINH TẾ CHÂU PHI 2013-2014 VÀ TRIỂN VỌNG ĐẦU TƯ

Bất chấp chính trị bất ổn, kinh tế Châu Phi vẫn đạt mức tăng trưởng 5% trong năm 2012-2013, cao hơn các châu lục khác trên thế giới. Năm 2012, sự tăng trưởng mạnh kinh tế Bờ Biển Ngà, đã giúp khu vực Tây Phi phát triển trong khi các nước khác vẫn duy trì được nền kinh tế ổn định. IMF cho biết kinh tế Châu Phi tăng trưởng là 5,4%. Nhưng tại Bắc Phi, sự bất ổn chính trị đã ảnh hưởng đến nền kinh tế của Ai Cập và Tunisia. Trong báo cáo năm 2013, kinh tế Bắc Phi chậm lại kể từ mùa xuân Ả Rập tháng 1/2011 (theo số liệu của WB). Hầu hết các nước Bắc Phi không đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra: Ai Cập đạt 2,7%, Angieri đạt 2,6%, Maroc 2,9%, Tunisia 2,5%. Riêng Libi sản lượng khai thác dầu đã phục hồi sau cuộc chiến và đạt mức tăng trưởng cao kỷ lục với 117%. Tăng trưởng kinh tế năm 2012 khu vực Bắc Phi là 4,7%.

Nhìn chung năm 2012, tình hình an ninh chính trị tương đối ổn định tại đa số các nước Châu Phi, đặc biệt các quốc gia như Bờ Biển Ngà, Sierra Leone, Zambia, Ghana và Senegal đã có sự tiến bộ rõ rệt. Senegal đã thành công khi tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống vào đầu năm 2012. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số điểm nóng như bất ổn chính trị tại Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Mali và tình trạng cướp biển gia tăng tại vùng vịnh Guinea (Tây Phi). Dù có những bất ổn chính trị Châu Phi vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài bởi những tiềm năng chưa được khai thác, môi trường kinh doanh đang được cải thiện, tình hình chính trị đi vào ổn định và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao hơn các khu vực khác. Những lĩnh vực như chế biến nông sản, xây dựng, năng lượng, mỏ, tài chính - ngân hàng, ô tô, viễn thông, vận tải thu hút được nhiều nguồn vốn FDI nhất.

Kinh tế Châu Phi đạt 4,8% năm 2013 và dự đoán là 5,3% năm 2014 (Theo số liệu của OECD, AfDB, ECA và UNDP). Các kênh tài chính đầu tư và kiều hối…. vào Châu Phi lên cao kỷ lục với 186,3 tỷ USD trong năm 2012. Trong đó, kiều hối 60,4 tỷ USD, viện trợ nước ngoài 56,1 tỷ USD. Các quốc gia Nam Phi, Angola và Mozambique là những điểm thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với các lĩnh vực viễn thông, tài chính và bảo hiểm chiếm tỷ trọng lớn. Theo Báo cáo của Ngân hàng phát triển châu Phi (AFDI), trong thập kỷ qua, Châu Phi là khu vực tăng trưởng nhanh thứ hai trên thế giới chỉ sau Châu Á. Theo thống kê của tạp chí The Economist (Anh), 6/10 nước có tốc độ phát triển nhanh nhất trong năm 2012 đến từ lục địa đen.

Trong những năm qua phát triển kinh tế, xã hội và môi trường đầu tư của Châu Phi đã thay đổi một cách triệt để, góp phần vào sự phát triển vốn đầu tư. Các chỉ số kinh tế cho thấy xu hướng lạc quan để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong những năm tiếp theo, đó chính là điều kiện cần thiết góp phần thay đổi hình ảnh của Châu Phi với các nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn ý thức được các thách thức họ phải đối mặt tại một số quốc gia như tại vùng Sừng châu Phi, đặc biệt là Somalia, Mali, Guinea Bissau, nơi luôn hiện diện sự bất ổn về chính trị.

Định hướng phát triển nền kinh tế nội địa và thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế khu vực nhằm tránh phụ thuộc vào kinh tế của Châu Âu và Bắc Mỹ đã phát huy hiệu quả và giúp tăng trưởng thương mại của các nước Châu Phi khu vực cận Sahara từ 7% vào năm 1990 lên 15% vào năm 2010. Sự nỗ lực của chính phủ các nước ở Châu Phi nhằm thực thi các chính sách tự do hóa thương mại trong khu vực, hội nhập thể chế và phát triển cơ sở hạ tầng đang là động lực cốt lõi để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp tục phát triển mở rộng thị trường, vùng, miền.

Nếu năm 2001 Brazil đầu tư vào châu Phi 69 tỉ USD thì tới năm 2009 con số này đã lên đến hơn 210 tỉ USD. Các công ty Brazil tập trung nhiều vào lĩnh vực khai khoáng, đặc biệt là than đá, và mới chỉ tập trung vào những quốc gia như Angola hay Mozambique do sự tương đồng về ngôn ngữ. Nhưng giờ đây, hoạt động đã được mở rộng ra toàn Châu Phi như Algeria, Congo và Guinea. Bên cạnh đó, đầu tư vào dầu khí đang được quan tâm. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Brazil Petrobras hiện đã khuếch trương hoạt động của mình tại 28 nước Châu Phi. Ở khu vực Tây Phi, mục tiêu chính của Petrobras là tìm kiếm nguồn dầu thô nhẹ, đồng thời tìm kiếm cơ hội khai thác ở vùng nước cực sâu mà họ rất có thế mạnh. Tuy nhiên, hiện Brazil vẫn còn xếp sau Trung Quốc về những dự án đầu tư tại Châu Phi. Hoa Kỳ cũng có những dự định trở lại châu lục này với chuyến đi dài ngày của Tổng thống Obama vào ngày 26/6 - 2/7/2013 với tuyên bố “Tôi đang ở Châu Phi bởi vì tôi nghĩ nước Mỹ cần có mặt trong một châu lục đầy hứa hẹn và tiềm năng này. Nó sẽ mang lại điều tốt đẹp cho nước Mỹ”.

Để duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, Châu Phi cần thúc đẩy chương trình nghị sự về cải cách cơ cấu nhằm nâng cao mức tăng trưởng. Mặc dù có sự tăng tốc phát triển, nhưng chưa thật sự cải thiện cuộc sống của nhiều người Châu Phi và còn rất nhiều người chỉ được hưởng một phần từ sự phục hồi kinh tế của lục địa.
Theo IMF tốc độ tăng trưởng trung bình tại Mozambique là 8% trong 20 năm, nhưng GDP bình quân đầu người chỉ tăng từ 150 đến 500 USD. Báo cáo thường niên của AfDB, Trung tâm Phát triển của OECD, ECA và UNDP trong tháng 5/2013, tài nguyên thiên nhiên như nông nghiệp, khai thác khoáng sản và năng lượng là chìa khóa để chuyển đổi kinh tế của Châu Phi. Nhưng Châu Phi phải làm như thế nào nếu các nước công nghiệp phát triển và mới nổi suy thoái?

Hầu hết các nước Châu Phi phụ thuộc vào việc sản xuất và xuất khẩu một số lượng hạn chế sản phẩm. Đa dạng hóa xuất khẩu liên quan đến việc đa dạng hóa sản xuất. Sản phẩm nông nghiệp như các sản phẩm khai khoáng có thể được xử lý tại chỗ nhưng điều này liên quan đến một số điều kiện bao gồm cơ sở hạ tầng, giáo dục, đào tạo và thị trường mở cửa hơn nữa. Theo Emmanuel Nnadozie, giám đốc bộ phận chính sách kinh tế vĩ mô của Ủy ban Kinh tế Châu Phi (ECA), tiếp cận các thị trường là điều cần thiết để thực hiện một quá trình "chuyển dịch cơ cấu dựa trên tài nguyên thiên nhiên: hội nhập khu vực và tiếp cập một cách tốt hơn vào thị trường của những đối tác lớn."
Nigeria, quốc gia đông dân nhất và sản xuất dầu mỏ hàng đầu ở Châu Phi, đã vượt mặt Nam Phi để trở thành nền kinh tế lớn nhất lục địa, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 510 tỷ USD năm 2013 (Số liệu do Văn phòng Thống kê quốc gia của Nigeria (Yemi Kale) công bố). Trong năm 2012, GDP của Nigeria đạt 453,9 tỷ USD, trong khi đó Nam Phi đạt 384 tỷ USD. Nigeria cũng đã đặt mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển nền kinh tế, đưa quốc gia Tây Phi này vào danh sách 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2020. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về Châu Phi, còn được gọi “Davos châu Phi”, lần thứ 24 khai mạc ngày 8/5/2014 tại Nigeria. WEF về châu Phi năm nay diễn ra trong bối cảnh đất nước này đang phải đối mặt với những thách thức lớn về an ninh, đặc biệt là các vụ tấn công và bắt cóc gần 300 nữ sinh do nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram tiến hành.



Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan phát biểu tại diễn đàn WEF ngày 8/5/2014 - Ảnh: AFP/TTXVN

Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các nước Châu Phi đã tăng trưởng từ 196 triệu USD năm 2002 lên 1 tỷ USD năm 2007 và lên gần 4,3 tỷ USD năm 2013. Châu Phi có nhu cầu lớn đối với hàng nông sản, công nghiệp mà Việt Nam có thế mạnh như: gạo, cà phê, hạt tiêu, dệt may, da giày, thủy sản, điện thoại, linh kiện điện tử, máy móc thiết bị phụ tùng, linh kiện xe gắn máy… Ngược lại, Việt Nam cần nhập khẩu những mặt hàng nguyên liệu đầu vào quan trọng như hạt điều, bông, gỗ, dầu thô, khoáng sản, sắt thép phế liệu… từ Châu Phi để phục vụ ngành công nghiệp chế biến trong nước. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi đã không ngừng tăng từ 127 triệu USD năm 2002 lên 683 triệu USD năm 2007 rồi 2,87 tỷ USD năm 2013, với tốc độ trung bình là 38%/năm. Việt Nam có quan hệ thương mại với tất cả 55 nước trong khu vực. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Châu Phi cũng tăng liên tục từ 69,3 triệu USD năm 2002 lên 1,24 tỷ USD năm 2011 và 1,42 tỷ USD năm 2013, tăng trung bình 62%/năm.
Tính đến hết năm 2012, đã có 18 dự án đầu tư của Việt Nam tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ Châu Phi với tổng số vốn 1,1 tỷ USD, các lĩnh vực đầu tư đa dạng như: viễn thông, xây dựng, sản xuất tấm lợp, xe gắn máy, hàng may mặc, điện tử, điện lạnh, đồ uống đóng chai, khai thác và chế biến gỗ, vàng, khoáng sản, nông nghiệp… Tính đến năm 2012, đã có 7 quốc gia Châu Phi đầu tư vào Việt Nam. Các lĩnh vực đầu tư chính gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa, lĩnh vực hoạt động khoa học công nghệ, dịch vụ lưu trú và tư vấn. Đứng đầu trong danh sách đầu tư vào Việt Nam là Cộng hòa Seychelles với 7 dự án, tổng số vốn là 28,63 triệu USD. Tiếp đến là Mauritius với 10 dự án, tổng số vốn đạt 19,5 triệu USD. Kenya với 1 dự án đầu tư số vốn 16 triệu USD. Ngoài ra còn có các dự án nhỏ của doanh nghiệp các nước Nigeria, Maroc, Ai Cập và Sierre leone.

Trần Nguyễn
(Tổng hợp)

HỘI THẢO QUỐC TẾ TOKYO VỀ PHÁT TRIỂN CHÂU PHI LẦN THỨ 6/2016

Hội thảo quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi lần thứ 6 sẽ diễn ra tại Kenya từ ngày 27 và 28 tháng 8 năm 2016.

Với khẩu hiệu “Bán đảo Nhật Bản thay đổi, lục địa Châu Phi cũng thay đổi”, Hội thảo quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi (Ticad) lần thứ 6 sẽ diễn ra tại thủ đô Nairobi, Kenya từ ngày 27 và 28 tháng 8 năm 2016. Hội thảo này là một trong những khuôn khổ quan trọng nhất về hợp tác và hỗ trợ phát triển của Nhật Bản tồn tại từ 23 năm nay. Ticad ra đời năm 1993 và được tổ chức 3 năm một lần.

Đây là lần đầu tiên Ticad được tổ chức ngoài Nhật Bản, điều đó cho thấy đất nước mặt trời mọc coi trọng đối tác Châu Phi, muốn xem lục địa này là một trong những ưu tiên về địa chiến lược. Cũng không phải ngẫu nhiên sự kiện diễn ra tại Nairobi vì Kenya cùng với Nam Phi và Ghana là một trong những đối tác lâu đời và trung thành nhất của Nhật Bản tại lục địa này.

Dự kiến, Hội nghị sẽ đón tiếp hơn 6000 đại biểu đến từ Châu Phi (trong đó có khoảng 40 nguyên thủ) và Nhật Bản cũng như đại diện các tổ chức quốc tế, các nước tài trợ chính, xã hội dân sự và lĩnh vực tư nhân quốc tế. Khoảng 150 công ty Nhật Bản đã đăng ký tham dự diễn đàn doanh nghiệp diễn ra vào ngày 26 tháng 8 do Tổ chức ngoại thương Nhật Bản (JETRO) chủ trì. JETRO hiện có 7 văn phòng đại diện tại Nam Phi, Bờ Biển Ngà, Ai Cập, Ethiopia, Kenya, Nigeria và Maroc. Số lượng doanh nghiệp Nhật Bản hiện diện tại Châu Phi đã tăng gấp đôi so với thời điểm tổ chức Hội thảo lần trước, từ 333 lên 687 doanh nghiệp. Trao đổi thương mại giữa Nhật Bản và Châu Phi vẫn còn ở mức khiêm tốn. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu sang châu lục này đạt 8,57 tỷ USD trong khi nhập khẩu của Nhật Bản từ Châu Phi là 11,55 tỷ USD. Những khó khăn chủ yếu mà doanh nghiệp Nhật Bản gặp phải tại Châu Phi là quản lý rủi ro chính trị và an ninh. Ngoài ra là vấn đề thuế, chuyển tiền và thủ tục hải quan cũng như thiếu cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.

Ngoài việc tăng cường đối tác công-tư (PPP) - hòn đá tảng trong quan hệ hợp tác của Nhật Bản tại châu Phi, Ticad VI sẽ là dịp điểm lại các hoạt động đã triển khai kể từ Hội nghị lần trước (diễn ra tại Yokohama vào tháng 6/2013) về công nghiệp hóa châu Phi, cải thiện bộ máy y tế hay thúc đẩy ổn định xã hội trước tình trạng đói nghèo và chủ nghĩa cực đoan.
Trong chuyến thăm châu Phi năm 2014, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhắc lại việc Chính phủ Nhật hứa dành 1,4 tỷ USD tại Ticad VI cho việc tăng cường hòa bình và ổn định tại khu vực Sahel, Trung Phi và Nam Sudan nơi từ năm 2012, Nhật Bản đã tham gia tích cực vào các hoạt động gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ Liên hiệp quốc. Hiện Nhật Bản có 400 binh sỹ tại Djouba và nhiều máy bay chở quân tại Nam Sudan. Còn nhớ tháng 9/2015, sau cuộc tranh luận kéo dài và kịch liệt tại Nghị viện, Quốc hội Nhật Bản đã nhất trí sửa đổi điều 9 Hiến pháp cho phép gửi các lực lượng tự vệ của Nhật Bản đến các vùng chiến sự ở bên ngoài.

Tokyo hiện vẫn bị ám ảnh về vấn đề chủ nghĩa khủng bố và bảo vệ kiều dân tại châu Phi, nhất là từ sau vụ bắt cóc con tin tại nhà máy lọc dầu In Amenas, ở An-giê-ri vào tháng 1/2013, làm 10 nhân viên người Nhật thiệt mạng.

TRANH CÃI VỀ SỰ HIỆN DIỆN CỦA TRUNG QUỐC Ở CHÂU PHI

Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Châu Phi kể từ năm 2009, nhưng chỉ trong nửa đầu năm nay, đầu tư của Trung Quốc ở lục địa đen này đã tăng tới 84% lên mức 1,2 tỉ USD. Mới đây nhất, hồi đầu tháng 12 vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình khi tham dự Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - Châu Phi ở Johannesburg đã cam kết dành 60 tỉ USD cho các dự án phát triển của Châu Phi trong vòng 3 năm tới.

Sự hiện diện của Trung Quốc ở Châu Phi làm nóng lên cuộc tranh luận, liệu các nước lục địa đen được hưởng lợi hay đơn giản đang bị lợi dụng.

"Tôi nghĩ rằng, các chính phủ có quyền tìm kiếm những thỏa thuận tốt nhất mà họ có thể nhận được ở bất kỳ đâu" - Wole Soyinka, người Nigeria đoạt giải Nobel Văn học từng có lần bày tỏ quan điểm khi được mời bình luận về sự hiện diện của Trung Quốc ở Châu Phi. "Hoặc là tin vào thị trường tự do, hoặc là không. Tôi nghĩ, tất cả những gì chúng ta phải thận trọng là việc chúng ta không thay thế ràng buộc giao kèo này bằng một giao kèo khác".

Nhưng không phải ai cũng đồng tình với quan điểm trên. Ông Stephen Hayes, Chủ tịch hội đồng doanh nghiệp Châu Phi, người chào đón các doanh nghiệp Trung Quốc, cho rằng, sự áp đảo của Trung Quốc ở Châu Phi khiến ông có cảm giác như đội quân kiến Amazon khuất phục tất cả mọi thứ trên đường đi của chúng.

Một chuyên gia khác, ông Peter Hitchens, thậm chí còn nói thẳng trong bài báo của mình với tiêu đề "Trung Quốc đã tạo ra một đế chế nô lệ mới ở Châu Phi như thế nào", trong đó ông miêu tả cách thức người Châu Phi phải chịu đựng những ông chủ Trung Quốc để có thể kiếm tiền vì "sự tồn tại trong bệnh tật ở những khu ổ chuột đầy mầm mống sốt rét". Vì sao những người Châu Phi chịu đựng những điều kiện tồi tệ như vậy? Cùng lý do được đưa ra là giải pháp khác có thể còn tồi tệ hơn. Trên thực tế, nhiều công nhân sản xuất bánh kẹo biết ơn các công ty Trung Quốc vì đã cho họ làm việc nhiều giờ hơn và kiếm được nhiều tiền hơn.

 Tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - Châu Phi, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết 60 tỉ USD cho các dự án phát triển tại lục địa này trong 3 năm.
Tương tự, nhà kinh tế Jeffrey Sachs đã nói, "mối quan tâm của tôi không phải là có quá nhiều nhà máy sản xuất kẹo mà là có quá ít". Trong khi đó, nhà kinh tế học Paul Krugman đã quan sát thấy, các nhà máy kẹo giúp hàng trăm triệu người chuyển từ trạng thái nghèo đói cùng cực tới một trạng thái vẫn còn khủng khiếp, nhưng dù sao cũng tốt hơn đáng kể".

Hitchens cho biết, một số học giả Châu Phi mà ông gặp thích sự tham gia của Trung Quốc ở Châu Phi hơn so với phương Tây, họ đùa rằng, "nước duy nhất trở nên giàu có thông qua quyên góp là Vatican". Tuy nhiên, những lợi ích được dự báo dựa trên ý niệm rằng, ít nhất các ông chủ Trung Quốc thuê người Châu Phi. Nhưng đôi khi, họ thậm chí không làm như vậy. Cựu Tổng thống Zambia Michael Sata từng phàn nàn: "Họ mang thợ nề, thợ mộc, thợ ống nước Trung Quốc sang. Chúng tôi cần tuyển những người có kỹ năng mà chúng tôi không có ở Zambia. Nhưng Trung Quốc không đào tạo nhân công của chúng tôi mà tự đưa người sang".

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu hồi tháng 8 của Viện Brookings, trên tất cả, đầu tư của Trung Quốc ở Châu Phi giúp lục địa này tăng trưởng nhanh hơn và xóa đói giảm nghèo, trong khi nhu cầu của Trung Quốc đối với tài nguyên đã tạo ra "điều kiện tốt hơn về thương mại và khối lượng xuất khẩu cao hơn"

Tài liệu trích dẫn một số ví dụ, chẳng hạn thỏa thuận năm 2008 giữa Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Congo và Sicomines, một tập đoàn Trung Quốc khai thác khoáng sản ở Katanga để đổi lại là đầu tư cơ sở hạ tầng. Congo là một trong những nước có mức thấp nhất thế giới về tỉ lệ tiêu thụ điện trên đầu người và tiếp cận nước uống ở nông thôn, khiến việc phát triển hạ tầng là một ưu tiên hàng đầu.

Do đó, sự hiện diện của Trung Quốc ở Châu Phi không phải là một vấn đề, miễn là về đầu tư. Cái cần lo lắng là viện trợ của Trung Quốc. Trong bài báo tháng trước, Roudabeh Kishi - nghiên cứu sinh sau tiến sĩ và Clionadh Raleigh - giáo sư địa chính trị lưu ý, không giống như viện trợ của phương Tây thường đi kèm với đòi hỏi tiến bộ về dân chủ hay nhân quyền, viện trợ của Trung Quốc "không có sự ràng buộc nào hết". Nghiên cứu chỉ ra rằng, khi Trung Quốc gửi viện trợ, chính phủ của nước nhận trở nên bạo lực hơn với công dân của mình". Lý do không phải vì Trung Quốc cung cấp viện trợ cho các nước đã bạo lực sẵn, mà vì Trung Quốc cho viện trợ vô điều kiện, khiến các nhà lãnh đạo dễ có cơ hội phạm tội.

Mặc dù viện trợ vô điều kiện của Trung Quốc thực chất là có hại, song cũng cần phải cẩn thận không nói quá về nỗ lực của Trung Quốc ở Châu Phi. "Nếu ai đó đem đến một thỏa thuận tốt, tôi sẽ kiểm tra với luật sư, và không một điểm nhỏ nào có thể qua mắt tôi. Nếu tốt, tôi sẽ chấp nhận, cho dù là của nước nào. Tôi chỉ cần đảm bảo được tính toàn vẹn doanh nghiệp của tôi, môi trường của tôi, phần còn lại để cho thị trường quyết định" - chuyên gia Soyinka nói.

"NỔI SỢ D.TRUMP" CỦA CHÂU PHI VÀ CƠ HỘI CỦA TRUNG QUỐC

Khi ông Trump “chèo lái con thuyền” nước Mỹ, Washington có thể sẽ rút khỏi châu Phi và Trung Quốc đã sẵn sàng để sẵn sàng lấp đầy khoảng trống.
Khi ông Donald Trump được bầu trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, ông đã đưa ra những tuyên bố mơ hồ và những chính sách không xác định. Trong khi châu Á và châu Âu được nhấn mạnh trong chiến dịch tranh cử, ông Trump lại khá im lặng về châu Phi. Sắp tới, ông Trump sẽ nhậm chức vào tháng 1/2017. Có nhiều điều không chắc chắn về việc ông sẽ định hình chính sách của mình với châu Phi và mối quan hệ giữa Mỹ và “Lục địa đen” sẽ bị ảnh hưởng như thế nào trong tương lai.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là việc ông Trump đắc cử sẽ là tin xấu đối với châu Phi. Dựa vào tuyên bố “Nước Mỹ là trên hết” của ông, châu Phi sẽ không nằm trong danh sách ưu tiên khi Mỹ giảm sự can dự của mình với thế giới nhằm tập trung các nguồn lực cho các vấn đề trong nước. Đầu tiên có thể sẽ là vấn đề cắt giảm viện trợ. Mặc dù Mỹ chỉ giành 1% tổng ngân sách liên bang cho viện trợ năm 2015, nhưng có số này có nguy cơ giảm xuống mức thấp lịch sử dưới thời ông Trump. Trong khi châu Phi là lục địa có tốc độ phát triển nhanh nhất, ông Trump dường như không quan tâm đến điều này.

Tổng thống Trump cũng có thể là “hồi chuông báo tử” đối với hầu hết các thỏa thuận thương mại của Mỹ với châu Phi. “Đạo luật Cơ hội và Phát triển châu Phi” (AGOA), vốn được ký thành luật tháng 5/2000 nhằm giúp “các nước Tiểu vùng Sahara hưởng lợi thông qua việc tiếp cận tự do thị trường Mỹ”, có thể sẽ là một trong những thỏa thuận Mỹ-châu Phi đầu tiên bị hủy bỏ. AGOA đã thành công trong trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư, trở thành ưu tiên hàng đầu cho chính sách Mỹ ở châu Phi. Với thương mại hai chiều đạt 36 tỷ USD năm 2015, các nước châu Phi có thể mất hàng tỷ USD nếu AGOA bị bãi bỏ. Cùng với nguy cơ “Kế hoạch viện trợ khẩn cấp cho châu Phi của Tổng thống Mỹ” (PEPFAR) và những sáng kiến phát triển khác như “Đạo luật Điện châu Phi” của ông Obama bị hủy, lục địa đen có thể sẽ rơi vào “bóng tối”.

Ngoài ra, lịch sử của những tuyên bố và hành động theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc gây tranh cãi của Tổng thống đắc cử Mỹ, cùng với việc bổ nhiệm ông Stephen K. Bannon vào vị trí chiến lược gia trưởng kiêm cố vấn cấp cao của Nhà Trắng, sẽ khiến cho các nước châu Phi không thể đặt sự tin cậy của họ đối với chính quyền của ông Trump. Trên thực tế, điều này có thể làm gia tăng những quá trình hủy hoại vốn đang diễn ra trong khu vực, đặc biệt là khi Trung Quốc đang tăng cường những nỗ lực nhằm “quyến rũ” các nhà lãnh đạo châu Phi.

Yếu tố Trung Quốc

Trong khi đó, những lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ ở châu lục này được bảo vệ thông qua một số căn cứ quân sự và các thỏa thuận quốc phòng mong manh. Camp Lemonnier, cơ sở lớn nhất của Mỹ, ở Djibouti và đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố dựa trên những máy bay không người lái nhằm đối phó với các nhóm khủng bố như Boko Haram và cướp biển Somali. Từ Djibouti, quân đội Mỹ có thể giám sát nhiều điểm nóng an ninh của châu Phi, cũng như phía Tây Nam của bán đảo Arab. Nói cách khác, Mỹ sẽ không để mất căn cứ này.

Nhưng Tổng thống Djibouti Ismail Omar Guelleh lại đang có xu hướng ngả sang Trung Quốc, khi Bắc Kinh có kế hoạch đầu tư hàng tỉ đô la vào quốc gia Đông Phi này. Năm 2015, Djibouti đã đồng ý để Trung Quốc bố trí căn cứ quân sự đầu tiên của Bắc Kinh, gần Camp Lemonnier, khiến nhiều chuyên gia an ninh quan ngại, trong đó có vấn đề nghe lén của Trung Quốc. Ông Guelleh giờ đây có khả năng sẽ ngả sang Bắc Kinh nhiều hơn trong tương lai khi ông Trump hướng vào các vấn đề nội bộ của Mỹ.

Kết quả cuối cùng là tất cả các nước châu Phi sẽ tìm kiếm các mối quan hệ ngày càng gần gũi hơn với đối thủ cạnh tranh chính của Mỹ ở châu lục này – Trung Quốc. Về mặt truyền thống, Mỹ đã cung cấp các kế hoạch chi tiết cho sự phát triển của Lục địa đen. Nhưng sự can dự của Trung Quốc ở châu lục này đã tăng lên nhanh chóng và nhiều nhà lãnh đạo châu Phi ngày càng hướng về Bắc Kinh như một thay thế cho các mô hình dân chủ và tự do do Mỹ dẫn đầu. Theo một cuộc khảo sát của Afrobarometer, Trung Quốc đứng thứ hai về mô hình phát triển, được hỗ trợ bởi các khoản đầu tư lớn của Bắc Kinh và mối quan hệ thương mại ngày càng mở rộng.

Khi ông Trump “chèo lái con thuyền” nước Mỹ, Washington có thể sẽ rút khỏi châu Phi và Trung Quốc đã sẵn sàng để sẵn sàng lấp đầy khoảng trống. Tổng thống sắp mãn nhiệm Mỹ, ông Obama đã nỗ lực đầy khó khăn để giành được “trái tim và khối óc” của người châu Phi, nhưng chiến dịch tranh cử của ông Trump đã cho thấy có ít hy vọng về những tiến bộ mà Mỹ có thể tạo ra trong thương mại, đầu tư, cải thiện mức sống đối với châu lục này.
NGUỒN: http://vfpress.vn/tai-chinh/noi-so-donald-trump-cua-chau-phi-va-co-hoi-cho-trung-quoc-337582.html

CUỘC ĐỐI ĐẦU TRUNG - NHẬT TẠI CHÂU PHI

Thương trường như chiến trường. Hai nền kinh tế số 2 và số 3 thế giới (Trung Quốc và Nhật) đang trong thế đối đầu lớn tại một thị trường xa xôi nhưng đầy tiềm năng là châu Phi.
Đã từ nhiều năm nay, Trung Quốc dần xây dựng được vị trí là một trong những quốc gia đầu tư lớn nhất vào châu Phi, mà điển hình nhất là khoản cam kết cho vay lên tới 60 tỉ USD vào lục địa đen trong vòng 3 năm tới của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Nam Phi vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nền kinh tế thứ 2 thế giới tại châu Phi đang gặp phải một sự thách thức không hề nhỏ, và thách thức đó lại đến từ nền kinh tế số 3 thế giới là Nhật Bản, khi đất nước mặt trời mọc cũng đang có nhu cầu rất lớn mở rộng đầu tư ra nước ngoài như một giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước. Châu Phi là một thị trường đầy tiềm năng để đầu tư của các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, và trong tương lai gần nó sẽ là địa điểm cho một cuộc đối đầu lớn về cạnh tranh kinh tế giữa hai quốc gia châu Á là Nhật Bản và Trung Quốc.

Một cam kết có vai trò quan trọng vừa được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra tại hội nghị các nhà lãnh đạo châu Phi tại thủ đô Nairobi của Kenya, theo đó Nhật Bản sẽ cam kết một gói hỗ trợ trị giá 30 tỉ USD vào nền kinh tế các quốc gia châu Phi trong vòng 3 năm tới. Vị thủ tướng Nhật Bản thậm chí còn tuyên bố một cách đầy tự tin rằng nước này hoàn toàn có thể trở thành đối tác kinh tế lớn nhất với các nước châu Phi và qua mặt hai nhà đầu tư lớn khác tại lục địa đen là Trung Quốc và Mỹ. Đây được xem là bước đi tiếp theo trong chiến lược mở rộng đầu tư kinh tế tại các thị trường tiềm năng nhất trên thế giới của Nhật Bản, cách đây vài tháng một gói hỗ trợ có trị giá tương đương cũng đã được Nhật Bản cam kết với Ấn Độ.

Khi nền kinh tế có tới 60% tăng trưởng hằng năm là dựa vào tiêu dùng nội địa của Nhật Bản đang có dấu hiệu chững lại vì giảm phát và dân số già hóa, thì rõ ràng việc tăng cường đầu tư ra nước ngoài có thể trở thành đòn bẩy tăng trưởng cho kinh tế Nhật, khi nó sẽ giúp tăng trưởng kim ngạch thương mại hai chiều, và mở rộng thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp Nhật. Hiện tại kim ngạch thương mại song phương giữa Nhật Bản và các nước châu Phi vẫn còn khá khiêm tốn, đạt khoảng 20 tỉ USD vào năm 2015, trong đó xuất khẩu của các nước châu Phi đến Nhật chỉ đạt 8,5 tỉ USD trong khi chiều ngược lại là 11,6 tỉ USD. Con số này còn ít hơn kim ngạch thương mại hai chiều giữa Nhật Bản và một nền kinh tế đang phát triển như Indonesia hay Việt Nam.

Tuy vậy, sẽ không dễ để Nhật Bản có thể qua mặt Trung Quốc trong việc cạnh tranh và tăng cường ảnh hưởng về kinh tế tại châu Phi. Trong số các nền kinh tế đang có tỷ trọng đầu tư lớn nhất tại châu Phi, thì tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư của Trung Quốc là lớn nhất. Kể từ năm 2003 đến nay, vốn đầu tư của Trung Quốc vào các nước châu Phi thuộc tiểu vùng Sahara đã tăng gấp 40 lần, đỉnh điểm là cam kết gói đầu tư trị giá lên tới 60 tỉ USD của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào nền kinh tế châu Phi diễn ra cuối năm ngoái. Trong khi đó, số vốn mà Nhật Bản đầu tư vào nền kinh tế các nước châu Phi trong vòng 23 năm qua mới chỉ đạt tổng cộng khoảng 47 tỉ USD. So với Nhật Bản hay Mỹ, thì Trung Quốc có nhiều lợi thế hơn trong việc tiếp cận và mở rộng ảnh hưởng kinh tế tại châu Phi do khoảng cách phát triển không quá lớn. Trong đó, Trung Quốc là nước nhập khẩu nguyên liệu thô lớn nhất của các quốc gia châu Phi, tổng kim ngạch xuất khẩu nguyên liệu thô của các nước này đã tăng gấp 5 lần kể từ khi làm ăn với Trung Quốc. Hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc cũng xâm nhập thị trường châu Phi vốn có thu nhập thấp, thuận lợi hơn nhiều so với hàng hóa của các nước phát triển như Mỹ hay Nhật. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang là một trong những chủ nợ lớn nhất tại châu Phi, khi tỷ lệ nợ Trung Quốc của các nước châu Phi vùng hạ Sahara đã tăng từ mức 2% năm 2005 lên tới 15% năm 2012.

Nhưng, không phải là không có những kẽ hở để Nhật Bản khai thác trong cuộc tranh giành ảnh hưởng kinh tế với Trung Quốc tại châu Phi. Khi Trung Quốc tái cơ cấu nền kinh tế hướng tới tiêu thụ nội địa nhiều hơn, đồng thời nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu thô cũng giảm mạnh, đang là lý do khiến cho ảnh hưởng kinh tế của nước này ở châu Phi sụt giảm, bất chấp những khoản đầu tư lớn mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố. Theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc, dòng vốn đầu tư nước này rót vào châu Phi giảm tới 45,9% trong quý 1/2015 so với cùng kỳ. Rõ ràng khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc, và các nhà đầu tư nước này không còn dư dả và buộc phải chọn lựa các đối tượng dễ sinh lời hơn chủ yếu ở châu Âu và Mỹ, thì đầu tư vào châu Phi sẽ giảm mạnh. Ngoài ra, việc các nước châu Phi duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân 5-6% trong vòng 20 năm qua cũng khiến cho nhu cầu và tiêu chuẩn xuất nhập khẩu của khu vực này thay đổi khá nhiều, từ chỗ chuộng hàng hóa giá rẻ Trung Quốc sang các loại sản phẩm có chất lượng và giá cả cao hơn.

Trên khía cạnh này thì Nhật Bản đang có nhiều lợi thế hơn Trung Quốc trong việc cạnh tranh ảnh hưởng kinh tế tại châu Phi. Nền kinh tế quốc nội đã bão hòa buộc các doanh nghiệp Nhật Bản phải đẩy mạnh xuất khẩu và đầu tư ra nước ngoài như giải pháp để tăng trưởng kinh tế, trong khi đó Trung Quốc hiện lại đang bước vào giai đoạn tăng trưởng dựa trên tiêu dùng nội địa và giảm đầu tư ra nước ngoài. Việc liên tiếp đưa ra các gói hỗ trợ phát triển kinh tế lên tới hàng chục tỉ USD cho các thị trường lớn như Đông Nam Á, Ấn Độ và giờ đây là châu Phi, chính phủ Nhật Bản dường như đang không giấu diếm ý định tạo ra một tuyến kết nối về trao đổi thương mại khổng lồ nối liền châu Phi với các thị trường lớn châu Á, trong đó Nhật Bản giữ vai trò trung tâm – một con đường tơ lụa của riêng Nhật Bản, có lẽ là vậy.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg/Cafebiz)

VẤN ĐỀ HÌNH ẢNH CỦA TRUNG QUỐC TẠI CHÂU PHI

Richard Aidoo, The Diplomat, 25 tháng Mười 2012

Trần Ngọc Cư (dịch)

Chính sách “không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác” của Bắc Kinh từng được sự ủng hộ của các lãnh đạo châu Phi, vốn tìm cách phát triển kinh tế mà không chấp nhận những điều kiện tiên quyết về chính trị. Hiện nay, tình hình chính trị châu Phi đang thay đổi, liệu chính sách này của Trung Quốc có trở thành lỗi thời hay không?

Kể từ thập niên 1950 đến nay, Trung Quốc (TQ) đã thực sự sử dụng học thuyết bất can thiệp (non-interference) để chỉ đạo nghị trình chính sách đối ngoại của mình tại thế giới đang phát triển. Trong những cam kết kinh tế và ngoại giao gần đây của TQ tại châu Phi, chính sách này đã bị kiểm điểm và khiển trách gay gắt khi Bắc Kinh âm mưu theo đuổi những luồn lách chiến lược để thu mua tài nguyên thiên nhiên dựa trên tình liên đới giữa các nước đang phát triển ở phía nam (south-south solidarity) với các chính phủ châu Phi. Phương Tây thường xuyên chỉ trích Trung Quốc vì cho rằng nước này đã lợi dụng chính sách bất can thiệp của mình để đảm bảo một nguồn cung cấp liên tục các tài nguyên thiết yếu cho Trung Quốc và để tiếp tục bán vũ khí cho các chế độ côn đồ tại Sudan và Zimbabwe. Với một loạt các vụ trục xuất người TQ từ một số nước châu Phi và dấu hiệu gần đây cho thấy sự bất bình của nhiều bộ phận dân chúng châu Phi đối với Trung Quốc, liệu Bắc Kinh sẽ phản ứng lại bằng cách đẩy mạnh luận điệu tuyên truyền về chính sách bất can thiệp hay sẽ giảm nhẹ nghị trình đối ngoại này tại châu Phi?

Chính sách bất can thiệp nằm trong Năm nguyên tắc chung sống hòa bình chủ yếu để ngăn cản các lãnh đạo Trung Quốc can thiệp vào công việc nội bộ của một nuớc khác. Việc tôn trọng sự bất khả xâm phạm chủ quyền này đã được Bắc Kinh sử dụng như một trục xoay cho các hành vi chính trị quốc tế năng động hay thụ động (không làm gì cả) của TQ, đưa đến những lựa chọn gay gắt và lắt léo trong cộng đồng quốc tế. Từ việc bỏ phiếu trắng đối với Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an LHQ, một nghị quyết cấm bay trên không phận Lybia đã chấm dứt chế độ Gaddafi, đến vai trò ù lì của Trung Quốc tại Sudan, Trung Quốc đã tỏ ra thận trọng (đôi khi quá thận trọng) nhằm duy trì dấu chân ngoại giao khổng lồ của mình tại châu Phi.

Thật may mắn cho Bắc Kinh, thập niên vừa qua tương đối là một thời kỳ trăng mật của Trung Quốc tại châu Phi, khi mà các lãnh đạo của lục địa này đâm ra bất mãn với nghị trình tân tự do (neoliberal agenda) của Washington, khiến họ sẵn sàng theo đuổi một lựa chọn khác – một hứa hẹn tăng trưởng kinh tế mà không kèm theo những điều kiện tiên quyết về chính trị, mà nếu có điều kiện thì cũng chỉ ở một giới hạn nào đó thôi. Rõ ràng là, chính sách bất can thiệp rất được lòng giới lãnh đạo phi Châu hơn là đối với dân chúng sở tại, vì chính sách này không bắt buộc các lãnh đạo phải chấp nhận các chuẩn mực dân chủ trong quan hệ đối tác với Trung Quốc. Tuy vậy, trong những tháng gần đây Trung Quốc đã chứng kiến một sự gia tăng các vụ trục xuất kiều dân của mình từ châu lục này, cũng như tinh thần bài Hoa ngày một dâng cao trong một số bộ phận dân chúng phi Châu nhất định. Trong tình hình này, lãnh đạo Trung Quốc có lẽ cần phải đánh giá để xem, liệu là Bắc Kinh đã quá xâm lo vào công việc nội bộ của các nước châu Phi đến mức không thể tiếp tục chính sách bất can thiệp của mình được nữa, hoặc, ngược lại, liệu là chính sách này có nên tiếp tục trong một nỗ lực nhằm tránh bị qui kết là “một nước thực dân” hay “bóc lột tài nguyên thiên nhiên của nước khác” hay không?

Khi Trung Quốc thọc sâu vào lục địa này và liên tục ký kết những hiệp đồng khai thác tài nguyên rất quyến rũ đồng thời mở thị trường cho hàng hóa TQ, việc duy trì chính sách không can thiệp vào nội bộ trở nên ngày càng khó bền vững. Trong hầu hết mọi đối tác với các quốc gia châu Phi, Bắc Kinh chủ yếu quan tâm duy trì quyền tiếp cận liên tục với các tài nguyên chiến lược của châu lục này. Những hành động này gồm có việc Trung Quốc ào ạt đầu tư vào các công nghiệp khai thác dầu lửa tại Angola và Sudan; vào nguồn lợi to lớn về đồng (copper) tại Zambia và thậm chí nỗ lực gần đây của Trung Quốc nhằm nắm một số cổ phần từ các mỏ dầu lửa mới tìm được tại Ghana và Uganda. Việc TQ tham gia vào các khu vực chiến lược này đã đẩy vốn đầu tư lên cao trong nỗ lực cạnh tranh và can thiệp vào nội bộ nước khác khi mà các lợi ích đối nội và đối ngoại chồng chéo lên nhau trong việc thu mua và khai thác các tài nguyên. Năm 2010, chẳng hạn, báo chí cho biết Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) – một công ty tầm cỡ quốc tế do Nhà nước TQ làm chủ – đã giành mua 4 tỉ Mỹ kim cổ phần dầu lửa của Kosmos Energy từ tay của ExxonMobil. Đi kèm với những hợp đồng khai thác tài nguyên có sức cạnh tranh cao như thế, Trung Quốc cũng đưa ra những miếng mồi ngày càng hấp dẫn để thường xuyên ve vãn các lãnh đạo địa phương đầy quyền lực nhằm đảm bảo việc tiếp cận liên tục những tài nguyên chiến lược này, đồng thời phải tìm cách giảm thiểu sự bất bình của người dân bản địa. Tình trạng khó xử này sẽ tiếp tục đi ngược lại chính sách bất can thiệp, một chính sách có mục đích phân biệt Bắc Kinh với các chính phủ phương Tây [từng là thực dân] tại châu Phi.

Mùa Xuân Ả Rập và các phong trào chính trị khác tràn qua nhiều nước trong khu vực, cũng gây căng thẳng cho chính sách không can thiệp của Trung Quốc. Vì tự mình ràng buộc vào chính sách không can thiệp, phản ứng của Bắc Kinh trước phong trào chính trị bất ngờ này đang được các nhà phê bình chăm chú theo dõi. Một vài phản ứng có ý nghĩa chiến lược của Bắc Kinh trong Mùa Xuân Ả Rập, như quyết định tiếp xúc với các lực lượng đối lập của Libya trước khi Muammar Gaddafi bị giết, đã cho thấy tính mềm dẻo của chủ trương bất can thiệp, khi Bắc Kinh muốn tạo cho mình thế đứng của một cường quốc chính đáng trong khu vực tiếp theo sau những biến động chính trị và xã hội tại đó. Trong trường hợp này và nhiều trường hợp khác, người ta có thể cho rằng, Trung Quốc đã từ bỏ những tín điều trong chính sách bất can thiệp để dọn đường cho các thế hệ tương lai “đầy sáng kiến”. Vả lại, đây là một điều có thể xảy ra, nếu căn cứ vào sự kiện rằng sau sáu thập niên, chính sách bất can thiệp của Trung Quốc vẫn còn được định nghĩa rất mù mờ, do đó thường được coi là một lý thuyết nói lên tính cách thụ động của Bắc Kinh trong một hệ thống quốc tế khá phức tạp, nơi đó các quốc gia thường phải thể hiện nhiều lựa chọn khó khăn. Cuộc xung đột vũ trang giữa Sudan và tân quốc gia Nam Sudan đã và đang diễn ra chủ yếu giữa những lời kêu gọi Trung Quốc phải hành động một cách vô vị kỷ (selflessly), bằng cách đóng vai trò cường quốc toàn cầu có trách nhiệm thay vì chỉ cố nắm quyền lực toàn cầu với động cơ khai thác tài nguyên của nước khác. Sau một thời gian liên tục giữ thái độ thờ ơ dưới chiêu bài không can thiệp vào nội bộ nước khác, câu hỏi sau cùng cần phải đặt ra là, liệu Bắc Kinh sẽ tiếp tục đứng bên lề mà không bị tổn thất về mặt ngoại giao bao lâu nữa, trong khi các xung đột nội bộ đang đe dọa các lợi ích kinh tế tối quan trọng của Trung Quốc tại châu Phi?

Vì Bắc Kinh luôn luôn được [các lãnh đạo châu Phi] khuyến khích phải phân biệt chính sách và sự hợp tác của mình với các hành vi của phương Tây, nên “hình ảnh” là một vấn đề hết sức quan trọng. Đối với Trung Quốc, việc duy trì một hình ảnh được quản lý chu đáo tại châu Phi sẽ là một yếu tố quan trọng để giảm bớt các tranh luận về chủ nghĩa thực dân mới mà các thành phần chỉ trích đang nhắm vào Trung Quốc. Chính sách không can thiệp vào nội bộ nước khác luôn luôn được Bắc Kinh đem ra để trả lời những chất vấn về chính sách ích kỷ và những thắng lợi kinh tế của mình tại châu Phi. Một khi thời kỳ trăng mật ban đầu đã qua lâu rồi, với vô số doanh nghiệp Trung Quốc đổ bộ lên đất châu Phi, nhiều bộ phận dân chúng của châu lục này không còn chấp nhận hình ảnh của Trung Quốc như là một đối tác không vụ lợi và không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác, do đó người dân bản địa gần đây đã bày tỏ thái độ bài Trung Quốc tại những nơi như Zambia và Sudan và các vụ công dân Trung Quốc bị trục xuất khỏi các nước như Angola, Ghana và Nigeria ngày một gia tăng. Để đối phó với những nhức nhối trong quan hệ Hoa-Phi (Sino-African relations) hiện nay và vạch ra một đường lối khác với đường lối [thực dân trước đây] của phương Tây, tại châu Phi, Bắc Kinh đang lãnh một nhiệm vụ khó tưởng tượng nỗi, vừa làm một cường quốc có trách nhiệm, biết ban khen và biết khiển trách, vừa làm một đối tác biết tôn trọng các nhà nước bản địa, nêu cao chính sách “không can thiệp vào nội bộ nước khác”. Trong việc duy trì thế quân bình mong manh này, chính sách bất can thiệp đang trở thành một ảo vọng (mirage), vì việc Trung Quốc gia tăng đầu tư kinh tế có thể đưa đến cám dỗ là phải góp tay tạo dựng và duy trì một môi trường tiên quyết, cần thiết cho những đầu tư này phát triển.

Sau cùng, Bắc Kinh hiện đang đối phó với một thế hệ lãnh đạo mới tại châu Phi, một thế hệ đang nằm dưới sức ép phải chấp nhận những lý tưởng tự do dân chủ và một nghị trình kinh tế thực tiễn. Mặc dù luôn luôn bị phương Tây vạch trần là một chiếc bánh vẽ, chính sách bất can thiệp của TQ ở dưới nhiều dạng thức khác nhau đã từng chinh phục thiện cảm của các lãnh đạo châu Phi; họ đã coi chính sách này như một lối thoát cần thiết để ra khỏi quan hệ đổi chác sòng phẳng (quid pro quo relations) với phương Tây.

Tuy nhiên, với giới lãnh đạo mới này, Trung Quốc đang gặp phải một tình thế khó xử. Tại nhiều nước châu Phi, “những thủ lĩnh chính trị” từng mặn mà với Trung Quốc – như Meles Zenawi, Muamma Gaddafi, Hosni Mubarak, và Abdoulaye Wade – không còn tại chức. Thay thế họ ở vị trí quyền lực là những lãnh đạo dân cử chịu trách nhiệm trước nhân dân hay những lãnh đạo từng bị răn đe bởi cái chết thảm khốc hay đột ngột của các vị tiền nhiệm. Bắc Kinh sẽ phải đối phó với thế hệ lãnh đạo mới này tại châu Phi, một thế hệ muốn dứt khoát với dĩ vãng và vì thế sẽ tìm cách tiếp cận với Trung Quốc và chính sách bất can thiệp của đại cường này bằng một thái độ dè dặt.

Nhiên hậu, với nỗ lực lùng sục tài nguyên và thị trường trong một cơn nghiện, những động lực thầm kín đằng sau chính sách ngoại giao bất can thiệp của Bắc Kinh tại châu Phi sẽ bị thế giới đem ra tranh luận trong một thời gian. Nhưng, chính sách bất can thiệp có thể là một con dao chiến lược hai lưỡi, hoặc là nó tách biệt sự hiện diện của Trung Quốc tại châu Phi với các thế lực thực dân trong quá khứ, hoặc là nó trở thành một gánh nặng đè lên lương tâm của cái gọi là sự trỗi dậy hoà bình của Trung Quốc. Để thể hiện tiền đề thứ nhất, Bắc Kinh sẽ phải đặt chính sách này trong bối cảnh thực tiển của châu Phi, phải xét đến tình hình chính trị đang thay đổi trên châu lục này.

R.A.

Richard Aidoo là một Phó giáo sư trong Khoa Chính trị và Địa lý của Đại học Duyên hải Carolina (Coastal Carolina University).

Nguồn: thediplomat.com


CHÂU PHI VÀ BÀI HỌC TỪ GIẤC MƠ TRUNG HOA

Sau tin về công ty Trung Quốc đề nghị tuyển 2.100 lao động Trung Quốc sang làm dự án ở Trà Vinh gần đây, bức tranh về người lao động Trung Quốc tại châu Phi, nơi mối quan hệ hợp tác giữa hai bên đã được các nghiên cứu và tư liệu báo chí mô tả, có thể là một tham khảo đáng lưu ý.
Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, nhiều nước châu Phi đã không còn có được sự hỗ trợ từ bên ngoài. Dù giàu có về tài nguyên, nhưng nền kinh tế kiệt quệ do chiến tranh và quản lý nhà nước kém cỏi khiến các nước châu Phi thèm khát đầu tư phát triển từ nước ngoài. Vào thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, khi phương Tây còn đang bận rộn với vùng Trung Đông, Trung Quốc đã nhanh chóng tiếp cận châu Phi.

Một số nghiên cứu về mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi đã chỉ ra rằng các hoạt động của Trung Quốc không hoàn toàn theo kiểu thực dân chủ nghĩa. Khác với đầu tư từ phương Tây thường đi kèm với các điều kiện về thể chế chính trị và luật pháp, các gói đầu tư từ Trung Quốc thường mang tính nhượng bộ và không can thiệp vào nội bộ quốc gia sở tại. Vì thế, những nhà lãnh đạo châu Phi đã dễ dàng dang rộng tay mời chào các công ty Trung Quốc đến đất nước họ. Kể từ năm 2009, Trung Quốc đã trở thành bạn hàng lớn nhất của châu Phi. Theo tờ The Wall Street Journal, cam kết đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi năm 2014 là 27,7 tỉ đô la Mỹ.

GS. Ian Taylor từ Đại học St. Andrews, Scotland, nhận định trong cuốn sách “Vai trò mới của Trung Quốc ở châu Phi” là những hoạt động đầu tư kinh tế của Trung Quốc tại châu Phi đã mở ra nhiều cơ hội cho lục địa này nếu các nước châu Phi biết tận dụng một cách thận trọng.

Lời khuyên về sự thận trọng là có cơ sở nếu nhìn vào khía cạnh xã hội của những nước châu Phi đã nhận đầu tư và viện trợ. Cùng với các dự án khai thác dầu khí, khoáng sản và xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ, các công ty Trung Quốc còn đem theo một số lượng lớn lao động của họ đến châu Phi. Hàng trăm ngàn lao động Trung Quốc đã được gửi đến đây để làm những công việc khác nhau, từ chuyên gia hóa dầu cho đến lao công cuốc đường. Chỉ riêng ở Sudan, con số lao động Trung Quốc trong năm 2006 đã là 24.000 người. Con số này chắc không dừng lại ở đó với đà tăng trưởng đầu tư vào châu Phi của Bắc Kinh. Các chính sách và hệ quả của nguồn lao động Trung Quốc vào châu Phi đã gây ra những tranh cãi lớn tại lục địa già này.

Mặc dù có vài công ty Trung Quốc tuyển dụng lao động châu Phi, đa số rất hạn chế sử dụng người bản địa. Các quan chức chính phủ và ông chủ công ty Trung Quốc giải thích cho chính sách này là vì có sự khác biệt trong văn hóa, ngôn ngữ và kỷ luật giữa người Trung Quốc với người bản địa, nên tốt nhất là để người Trung Quốc làm việc cùng với nhau. Giải thích này ám chỉ là lao động Trung Quốc làm việc năng suất và hiệu quả hơn những người châu Phi, và qua đó các khoản đầu tư của các công ty Trung Quốc có thể được phát huy tối đa.

Sự bất mãn của nhiều người châu Phi ngày càng tăng, họ yêu cầu được hưởng lợi từ việc khai thác tài nguyên tại đất nước của mình. Cựu Bộ trưởng thương mại Zambia, Dipak Patel, khi còn tại nhiệm đã phải thốt lên: “Lao động Trung Quốc làm cả những việc như đẩy xe vật liệu. Đó không phải là loại đầu tư mà chúng ta muốn. Tôi hiểu là họ có tới hơn 1,2 tỉ người nhưng họ không cần phải gửi dân mình tới châu Phi”.

Cùng chia sẻ lo lắng với người lao động bản địa là các tiểu thương người Phi. Ví dụ như ở Cameroon, thương nhân người Hoa đã trở thành đối thủ cạnh tranh chính trong các lĩnh vực buôn bán nhỏ lẻ. Đến cả những quầy bán bánh rán trên đường phố cũng đang dần chuyển sang tay thương nhân Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các tổ chức lao động và môi trường ở châu Phi đang gia tăng sức ép lên chính phủ của họ để đòi hỏi sự minh bạch trong các chính sách đầu tư của Trung Quốc. Robert Rotberg, Giáo sư Đại học Harvard, đã nhận xét: “Khi các nước châu Phi không xây dựng được những luật lệ nền tảng có tính phối hợp chung và cải thiện khả năng quản trị, Trung Quốc sẽ tiếp tục tận dụng khai thác các quốc gia yếu thế hơn trong công cuộc tìm kiếm tài nguyên và xác nhận quyền lực kinh tế mà hầu như không để ý đến các giá trị và nhu cầu của người dân châu Phi” (trong cuốn sách China into Africa: Trade, Aid, and Influence do Robert I. Rotberg năm 2008.

Paolo Woods, phóng viên ảnh kỳ cựu cộng tác với nhiều tờ báo có tiếng như Time, Newsweek và Le Monde, đã có bộ ảnh tư liệu nổi tiếng phản ảnh sự bùng nổ đáng kinh ngạc của cộng đồng người Trung Quốc tại châu Phi vào năm 2008. Dựa trên các bức ảnh đó, Woods đã cùng với hai nhà báo khác xuất bản cuốn sách ảnh có tên là Hành trình Trung Hoa: Con đường bành trướng của Bắc Kinh tại châu Phi. Woods cũng kể lại khi ông dự hội nghị thượng đỉnh Phi - Trung vào tháng 11-2006, lúc Bắc Kinh công bố số tiền khổng lồ mà họ sẽ đầu tư vào châu Phi, một đại biểu châu Phi ngồi cạnh ông đã thì thầm “Ngay lúc này, chúng tôi cần các lãnh đạo của mình phải thật sáng suốt”. 

> Trung Quốc bị chỉ trích “bóc lột” tài nguyên châu Phi 
> Mỹ không "ngại" Trung Quốc đầu tư ở châu Phi 
> Cuộc đấu "sư tử" và "voi" tại châu Phi 
> Châu Phi chỉ trích Mỹ và Châu Âu

HUẾ DƯƠNG/TBKTSG

LỤC ĐỊA THỨ HAI CỦA TRUNG QUỐC: CHÂU PHI

Câu chuyện mê hoặc nhưng đáng báo động về quá trình thực dân hóa kinh tế của Trung Quốc tại châu Phi

Nhà báo Howard W. French đi vòng quanh châu Phi để gặp gỡ với một số trong số một triệu người di cư Trung Quốc hiện đang sống và làm việc ở đó.

Chris Hartman, đăng trên Christian Science Monitor 08 tháng 8 năm 2014

Người dịch: Kevin Bùi

Trong biên niên sử của chủ nghĩa thực dân và bá quyền hiện đại, chỉ có một vài hiện tượng có tính mưu đồ như sự vận động hung hăng của Trung Quốc vào châu Phi, nơi mà, theo Howard W. French, là lục địa thứ hai của Trung Hoa với xấp xỉ một triệu người Hoa đã di cư sang cho tới nay. Trong cuốn sách mới quan trọng của mình, French dệt một tấm thảm phong phú các giai thoại, xen kẽ với rất nhiều cuộc phỏng vấn với những người di cư Trung Quốc và người châu Phi bản địa, cung cấp cho độc giả cái nhìn rất công bằng, đôi khi hài hước và thông cảm, nhưng luôn luôn theo sát mối quan hệ độc đáo này.

French, người trước đó đã viết về châu Phi cho The New York Times và The Washington Post và thông thạo tiếng Hoa, lưu ý một số động cơ khiến người Hoa di cư đến châu Phi: cơ hội kinh tế rộng lớn hơn, cải thiện chất lượng cuộc sống và tương đối ít lãnh đạo tham nhũng hơn. Chính phủ Trung Quốc dưới sự lãnh đạo Tập Cận Bình cũng khuyến khích sự di cư này, Tập hiểu rằng châu Phi đang thể hiện một cơ hội lớn cho sự phát triển và thị trường mới. Chính phủ Trung Quốc đồng thời cũng hiểu rõ rằng châu Phi đã phần lớn bị Phương Tây bỏ qua và do vậy đã chủ động trong việc khai thác khoảng trống để lại bởi phương Tây và Mỹ.

Châu Phi, theo quan điểm của French, hiện đã đạt được một sự ổn định chính trị tương đối, và có thể coi là có diện tích đất trồng trọt được lớn nhất trên thế giới và và nguồn cung cấp đặc biệt dồi dào các tài nguyên thiên nhiên – bao gồm đồng, vàng, kim cương và các khoáng sản khác – lục địa này cung cấp cho những người Trung Quốc các cơ hội kinh doanh mà không bao giờ tồn tại ở quốc gia quê hương mà họ tự cho là “tham nhũng”, “quá đông đúc” và “quá bị ô nhiễm”.

Đầu tư đáng kể từ chính phủ Trung Quốc đã giúp đỡ cácđại công ty quốc doanh đạt được một chỗ đứng trên vùng đất mới này; nhưng French nhấn mạnh rằng có rất nhiều việc định hình tương lai của Trung Quốc tại châu Phi đến từ những người chơi nhỏ bé hơn, những doanh nghiệp mà  theo cách riêng của mình, chính là những kiến trúc sư của mối quan hệ liên lục địa vừa chớm nở này.

Chắc chắn, đã có những đụng độ văn hóa, với việc châu Phi chỉ trích các đơn vị Trung Quốc đang khai thác các ngành công nghiệp địa phương và các nguồn tài nguyên thiên nhiên thường xuyên xảy ra. Rào cản ngôn ngữ và các cuộc đàm phán khó khăn với chính quyền địa phương cũng là những thách thức đáng kể cho những người khách châu Á. Tuy nhiên, cuốn sách của French có đầy các ví dụ về những người di cư Trung Quốc kiên cường, những người đã theo đuổi thành công cơ hội trong lĩnh vực mới này.

Một trong những cá nhân sống động mà French phỏng vấn là Hào Shengli, một người định cư ở Mozambique, người đã mua một vùng đất lớn để trồng thuốc lá và các cây trồng khác. Tính cách hướng ngoại của anh được tiết lộ thông qua ngôn ngữ ướp đậm những lời tục tĩu và những thành kiến ​​chủng tộc và tình dục. Từng trải qua nhiều thất bại kinh doanh ở Trung Quốc, Hào đại diện cho bản chất tinh khiết nhất của tâm lý “cao bồi”- một người theo chủ nghĩa cá nhân không dễ bị lừa và nhìn những người bản địa như một trở ngại phải vượt qua – mặc dù ông cũng dành những lời chỉ trích sắc nhọn cho chính phủ quê hương, mà ông cho rằng về cơ bản là tham nhũng, cũng như những người di cư Trung Quốc đồng hương, những người mà anh không nhất thiết phải tin tưởng.

Zambia là dừng chân tiếp theo của French – một trong những quốc gia sản xuất đồng hàng đầu của thế giới. Có vẻ như người ta đã lãng quên thực tế làTrung Quốc, chiếm 40% nhu cầu đồng thế giới, có các lợi ích hấp dẫn trong tương lai của Zambia. Theo ước tính của French, hiện nay có trên 100.000 người Trung Quốc định cư ở Zambia, là một trong những cộng đồng di dân lớn nhất của Trung Quốc ở châu Phi. Và đầu tư của Trung Quốc đã giúp nền kinh tế Zambia có nơi nương tựa và giúp hình thành một tầng lớp trung lưu châu Phi lên tới 300 triệu người, nhiều hơn so với Ấn Độ. Mặc dù vậy, Zambia đã trở thành điểm nóng cho nhiều cuộc tranh luận chính trị và bất ổn lao động của châu lục này về những người Trung Quốc mới tới.

Ở ngoại ô Lusaka, thủ đô Zambia, French gặp Hồ Renzhong, một chủ trang trại lợn và gia cầm. Anh sở hữu một “biệt thự trang trại” và trang trại của anh được trang bị với những trại giống gà “hiện đại một cách ấn tượng”. Anh đã chuyển từ tỉnh Giang Tây của Trung Quốc trong giữa những năm 1990 và tạo ra gia sản lớn bằng cách chăn nuôi gà và mua những khu đất lớn. Hồ khẳng định với French, “Mọi thứ đã bắt đầu phát triển thực sự nhanh chóng ở quê nhà và rất nhiều người cứ cố bảo tôi rằng tôi đã phạm sai lầm.Nhưng tôi chưa bao giờ thực sự nhìn lại. “

Yang Bohe điều hành một nhà máy chế biến đồng ở gần Ndola. Giống như Hào Shengli, ông đã phải chịu đựng sự đàn áp của Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc và cũng đang tìm kiếm một khởi đầu mới ở một vùng đất mới. Yang là một trong số hiếm hoi những người di cư Trung Quốc nói tiếng Anh, và buồn bã kể lại ông đã kết bạn với một giáo viên ở Thành Đô người, người tự mang lại rủi ro cho chính mình, đã đưa cho Yang ba trang của một quyển Kinh Thánh mỗi ngày để Yang học trước khi đốt đi.

Yang cuối cùng đã vay vốn và xây dựng một nhà máy luyện đồng tại Ndola, một thành công tuyệt vời; nhưng những lời đồn đại thì cứ lan rộng, và chỉ làm trầm trọng thêm lời phàn nàn phổ biến của người Zambia về người Hoa- rất ít thuê nhân công địa phương và cách ly mình khỏi dân bản xứ. Lặp đi lặp lại một định kiến ​​phổ biến, Yang khẳng định: “Họ rất giàu có về đấtđai. Và người Zambia có thân thể tốt.Vấn đề là họ không thể làm việc chăm chỉ. “Nhưng French cũng không kém phần ngạc nhiên khi ông hỏi Yang về những người Trung Quốc khác cùng ở Ndola. “Tôi không nói chuyện với người Trung Quốc khác ở đây,” ông nói vớiFrench.”Tôi chỉ quan tâm tới việc của mình.”

Các dự án công nghiệp và cộng đồng người Trung Quốc ở Lusaka, bao gồm một bệnh viện 159 giường và một sân vận động 45.000 chỗ ngồi mới, đã làm nhụt đi sự đối lập ở địa phương, nhưng bọt sủi dưới bề mặt là sự oán giận nóng bỏng của người Zambia về mức lương thấp, ngày làm việc 13 giờ và làm việc trong những điều kiện nguy hiểm mà họ tin rằng phải chịu trách nhiệm cho cái chết của rất nhiều người lao động. Người Trung Quốc thực thi một mức độ an toàn lao động nhất định; nhưng thường thì người lao động địa phương không cóđược sự bảo vệ từ hóa chất hay không khí độc hại mà nhà máy thải ra. Và để thêm dầu vào lửa, vi phạm nhân quyền của Trung Quốc ở các mỏ Collum và Chambisi của Zambia trong thập kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ trên thực tế đã bị bỏ qua bởi chính phủ Tổng thống Zambia Rupiah Banda, chính quyền mà dường như đã bị bán sạch cho Trung Quốc với sức mạnh kinh tế đáng kể  của họ. Đó là một chủ đề thường xuyên xuất hiện trong cuốn sách của French.

Ở Senegal, một trong những nền văn hóa thương mại sôi động nhất của châu Phi, cửa hàng Trung Quốc đã trở nên vô cùng phổ biến, và cũng như ở Zambia, đã dẫn đến một phản ứng dữ dội nhanh chóng từ người dân địa phương coi đây là sự “thuộc địa hóa” lĩnh vực bán lẻ của họ. Cuộc gặp gỡ tiếp theocủa Frenchvới Li Jicai, một chủ doanh nghiệp xuất nhập khẩu rất thành công tại thủ đô Senegal Dakar. Tìm cách thâm nhập vào ngành thương mại mà trước đây chiếm lĩnh bởi dân Li-băng (Lebanese), Li cho biết anh đã phải nghiên cứu kỹ lưỡng lịch sử của khu vực.Anh nói vớiFrench, “Khi tôi đến lần đầu, tôi cảm nhận rằng thương mại rất kém phát triển.Tôi bán quần áo.Tôi bán giày dép.Tôi đã bán hàng hóa.Về cơ bản, tôi đã bán bất cứ điều gì tôi có thể.Đối với tôi, sự hiểu biết về châu Phi đã trở thành chuyện hiểu biết về kinh tế.Điều đó đã trở thànhthầy giáo của tôi.”Ghi nhận thành công của Li, những người khác nhanh chóng tham gia các cuộc di cư từ Hà Nam đến Dakar.

Trên đại lộLa Centenaire của Dakar, những quầy hàng của thương nhân Trung Quốc nằm xen kẽ với quầy hàng của những người Senegal đầy cảnh giác.French tán chuyện với một trong số những người di dân Hà Nam (TQ), Lưu, người nhanh chóng lên giọng về sự không hài lòng của anh đối với dân địa phương: “ Làm thế nào để họ có thể phát triển với cái kiểu giáo dục họ có ở đây? Hãy nhìn Trung Quốc mà xem.Chúng tôi đưa người vào không gian.Chúng tôi phát triển các công nghệ của mình.Chúng tôi phát minh ra các thứ và cạnh tranh với các nước giàu. Nhưng đám dân này, họ thuộc loại không thể dạy dỗ gì được… Vì họ sẽ chẳng học”.Nhưng đây cũng là một môi trường kinh tế khắc nghiệt đối với người Hoa, rất nhiều người đã phải buộc quay về quê hương sau khi thất bại về tài chính.Lưu than phiền về tình trạng tội phạm ở Dakar, gợi ý rằng người Hoa là mục tiêu chủ yếu. Ngoài ra, một số phụ nữ yếu đuối như Chen, người đã di cư sang Senegal trong tuyệt vọng, đã phải trải qua bị buôn bán tình dục.

Trên một chuyến bay sang Liberia, French gặp một người phụ nữ trẻ trung linh hoạt đến từ Quảng Đông, tên là Jin Hui. Người phụ nữ này “ bị kẹt chặt… với những quan sát văn hóa của cô về [Liberia], với một tràng dài như bản kinh cầu gồm những cái nhìn hạ cố về một bộ phận cư dân uể oải, bẩn thỉu, lười biếng của đất nước này. Đối với French, các quốc gia như Liberia và các láng giềng như Sierra Leone và Guinea, đã vướng vào cái gọi là “chiến tranh bẩn thỉu” của những năm ở thập kỷ ’90, ‘2000, minh họa các con đường khác nhau mà châu Phi có thể đi theo trong tương lai, và vai trò quan trọng mà Trung Quốc có thể đảm nhiệm ở lục địa này. Các quốc gia châu Phi với những nền dân chủ ổn định sẽ tận dụng mối quan hệ với Trung Quốc để giành được sự đầu tư và tăng trưởng kinh tế dựa trên nhu cầu mạnh mẽ của Trung Quốc về những mặt hàng xuất khẩu của họ. Nhưng mặt khác, các quốc gia với truyền thống độc tài và xung đột nội bộ có xu hướng bán nguồn khoáng sản dồi dào của họ cho Trung Quốc và không thể tận dụng được cơ hội kiếm lời ngoài những gì đào bới và bán được.Nói cách khác, nước nào đã đa dạng hóa nền kinh tế của mình sẽ thành công, nước nào không làm được vậy sẽ thất bại.

French dẫn lời của nhà văn Graham Greene, miêu tả Liberia với thương hiệu độc đáo “đầy hạt giống” lâu nay, theo French, giờ đây nhường chỗ cho sự khốn khổ. Liberia là một sáng tạo của Mỹ ở thế kỷ 19, và trong tâm trí French, là “điều gần đây nhất mà Mỹ đã từng làm cho một thuộc địa châu Phi”. Ông cho rằng dù với sự cần cù, nhiệt tình đáng kể và các doanh nghiệp của người Hoa nhập cư, không hề có sự tiến bộ nào ở Liberia cả.

Một trong những người French phỏng vấn ở Monrovia, một chủ khách sạn tên là Li Jiong, đón French trên chiếc xe Mercedes Benz đời mới và ngay lập tức bắt đầu câu chuyện về chính trị. “Người Mỹ mang rất nhiều tiền cho đất nước này, nhưng hoàn toàn bị lãng phí.Tiền đó không bao giờ tới được người dân.Trung Quốc học hỏi được từ điều đó”. Ông tiếp tục, “ chúng tôi chẳng cho tiền. Chúng tôi xây các thứ.Bằng cách đó, người dân có thể nhìn thấy các tác động.”Trở về khách sạn của Li, French không tìm thấy cái khăn tắm nào trong phòng, nhân viên sau đó đã mang khăn lại cho French và khẳng định “Chúng tôi thường không đưa khăn tắm vì phần lớn người Hoa đều tự mang khăn của mình.Họ không muốn dùng những cái khăn mà một người da đen có thể đã từng dùng qua”.

Li sau đó đánh bóng về khách sạn của mình cũng như viêc buôn bán cây iroko, hisnuli, hoặc những gì tự ứng dụng, và duyên phận của anh, [yuan fen], để làm giàu ở châu Phi: “Tôi có “yuan fan” vì tôi làm việc chăm chỉ. Đó là lý do tại sao tôi có nhà thế này, có xe và có các công việc kinh doanh khác. Không làm việc chăm chỉ, thì số mệnh chẳng nghĩa lý gì”.Anh sau đó tiếp tục đề tài về người Liberia.”Đám lãnh đạo ở đây chẳng hiểu biết chút gì về việc họ làm.Nếu không thì tại sao có tới 80% dân số thất nghiệp?Nếu không thì tại sao họ chẳng đủ nuôi sống mình?” Và tình cờ nghe được cuộc gọi giận dữ của French tới Kenya Airway về việc mất hành lý, Lí tiếp tục “ Người da đen không biết làm việc gì nên hồn… Truyền thống của họ được hình thành từ thời không có điện thoại cũng như đường cao tốc.Họ rất dễ dàng vứt bỏ những gì không khẩn cấp ra khỏi đầu óc”. Điều này dẫn tới nhận định của French về những người Hoa ông gặp ở Liberia: “Một số thì có những nhận xét thiếu hiểu biết về người châu Phi và hoàn cảnh của họ, và cả những ngây thơ trông thấy của người châu Phi. Cũng có kiểu lạc quan và tự tin đáng kinh ngạc,cả hai cách nghĩ đều có vẻ ngây thơ như nhau”.


Củng cố thêm cho những khuôn mẫu đánh giá của người Hoavề người Liberia là Tiến sĩ Đại, người điều hành một phòng khám y tế Trung Quốc ở ngoại ô Monrovia.Ông nói rằng ông không thuê người Liberia, vì họ”bẩn, lười biếng và hay ăn cắp.”Ông nói thêm, “Các bệnh nhân không thích họ.Ví dụ  đã có một người da trắng – một nhà ngoại giao Đức – trực tiếp cho tôi biết: “ Tôi tin vào khả năng của anh và sự sạch sẽ của anh, nhưng nếu có người da đen ở đay thì tôi sẽ không dùng phòng khám này”. Tôi chẳng làm gì được.Tôi không thể thay đổi cách nghĩ của người da trắng”. French tự nghĩ “Đây là một cách khá thông minh, dù không thuyết phục để xây dựng và tẩy rửa hình ảnh của mình một chút bằng cách dùng những người khác để thể hiện định kiến của mình”.

Khi đến thăm Conakry, Guinea, Frenchgặp phải các vấn đề về điện, ùn tắc giao thông và những đám đông cảnh sát quân sự, và những yếu tố này, trong số những điều khác, khiến French so sánh hợp đồng trị giá 5 tỷ USD, Trung Quốc đã cung cấp Guinea (cải thiện cơ sở hạ tầng để đổi lấy đặc quyền của Trung Quốc trongkhai thác quặng sắt, quặng bauxite và dầu khí) với lời đề nghị $6 tỉ đổi lấy 20 năm khai thác khoáng sản của Congo- cả hai đã từng trải qua chế độ độc tài và đại diện cho con đường xuống dốc mà French đã đề cập ở trên.

Amadou Dano Barry, bạn đồng hành ở Guinea củaFrench và là học giả ở Đại học Conakry, giải thích sự xông xáo của Trung Quốc ở nước này: “Nó được việc cho người Hoa ở châu lục này. Đó là bởi vì người châu Phi đã không làm chủ được quản lý.Các nhà lãnh đạo của chúng tôi biếngnhác và thái độ của họ là những thứ chi tiết thì quá phức tạp.”Đánh giá người Trung Quốc, Barry cho biết thêm,” Người Trung Quốc đến và họ muốn sắt của anh, bauxite của anh, dầu khí của anh. Đổi lại, họ sẽ cung cấp các dự án chìa khóa trao tay cho anh, những dự án mà họ cung cấp các vật liệu, công nghệ và cả nhân công, với tiền lương phần lớn không được thanh toán ở trong nước (Guinea) và không đóng góp gì cho nền kinh tế quốc gia sở tại. Trung Quốc từ lâu đã tài trợ các dự án như vậy ở các nước như Congo và Guinea bất kể nội tình đất nước đó ra sao, và điều này mang lại những lời chỉ trích đáng kể của phần còn lại của thế giới dành cho Trung Quốc.

Trong Freetown, Sierra Leone, cuộc nội chiến tàn phá đất nước; nhưng ngay sau khi người Nigeria đẩy lùi những phiến quân khỏi thành phố, doanh nhân Trung Quốc đã tới Freetown và đàm phán thành công mua lại  Bintumani, một khách sạn lớn đã bị hư hại nặng và bị cướp phá trong cuộc xung đột. Không lâu sau, họ hoàn toàn khôi phục khách sạn, và điều này là sự khởi đầu của sự hồi sinh của Freetown.Các công ty làm đường của Trung Quốc sau đó đã đến và giành được hợp đồng từ các công ty Ý và Senegal từng làm việc trước đó.

Hoạt động này, như French ghi nhận, báo trước chiến lược chặt cây mở đường của Trung Quốc: “Để kiểm soát và làm sống lại ngành công nghiệp khai thác mỏ đã bị tàn phá trước đây, với trữ lượng bao la gồm quặng sắt, rutil, titan và rất nhiều kim loại công nghiệp khác”. Các công ty Trung Quốc như Vật liệu đường sắt và sau đó là tập đoàn Sắt Thép Sơn Đông gần đây hợp tác với nhà công nghiệp Rumani Frank Timis, để giành được 25 ngàn km vuông đất có chứa quặng sắt với trữ lượng khoảng 1 tỷ tấn.

Trong lúc ở Freetown, French gặp Joseph Rahall, người đứng đầu một tổ chức phi chính phủ (NGO) tên gọi Phong cảnh Xanh (Green Scenery), tham gia vào quá trình xây dựng xã hội dân sự Sierra Leone. Rahall nhận xét: “Người Trung Quốc làm việc theo một cách rất đặc biệt. Họ thích thương thảo trực tiếp với tổng thống và thực hiện các cử chỉ ngoạn mục, và chỉ có vậy. Họ không tham gia bất kỳ thảo luận công khai nào, và họ cũng chẳng coi trọng vô số các tiêu chuẩn quốc tế, hoặc xã hội dân sự, hay các nguyên tắc dân chủ. Đó là tóm lược căn bản những thỏa thuận lớn của họ ở đất nước này- không chỉ quặng sắt, mà còn là dầu khí và gỗ”. Anh tiếp tục, “trong khi phương Tây chĩa ngón tay vào anh, bảo anh là đồ tham nhũng, thì người Trung Quốc lại đợi sẵn”. Cái này gọi là giải pháp “Trung Quốc thay thế”’ theo ý kiến của Rahall, anh sẽ bị “kẹt giữa ma quỷ[Phương Tây] và đại dương xanh”. Điều này, cùng với sự yếu kém của Sierra Leone trong việc đối phó với tình trạng tham nhũng địa phương, tạo ra các cơ hội kinh tế đặc biệt hấp dẫn với Trung Quốc, chẳng hạn như thỏa thuận Timis.

Xâm nhập kinh tế Trung Quốc vào Mali và Ghana cũng theo một mô hình tương tự. Faliry Boly, một nông dân và một đầu óc chính trị “sớm hiểu biết” ở Bamako, Mali, đã chứng kiến và nghiên cứu sự tham dự của Trung Quốc vào đất nước của anh từ khi chế độ độc tài xã hội chủ nghĩa sụp đổ và hình thành nên một trong những chính quyền dân chủ đầu tiên trong khu vực. Anh nhớ lại cuộc họp với một đại diện của Đảng Cộng Sản Pháp vào cuối thập niên 90: “Ông ấy nói rằng người Trung Quốc đang trên đường đến, và họ rất dám làm, vì thế các anh phải cẩn thận. Tôi [Boly] bảo ông ấy rằng Trung Quốc cũng là những kẻ săn mồi giống hệt người Pháp trước đây.Sự khác biệt duy nhất là kẻ cắp Trung Quốc là kẻ cắp ngồi trong văn phòng.Sẽ mất một thời gian dài trước khi anh nhận ra cái gì đã xảy đến với anh.

Và nói chuyện với French, Boly nhấn mạnh thêm hình ảnh Trung Hoa: “Trung Quốc có các phương cách để tiến lên khác với Phương Tây. Họ giống như con trăn: lặng lẽ quan sát con mồi, chậm rãi chờ đợi. Theo cùng cách ấy, người Trung Quốc chờ đợi kết quả lâu dài.Họ chờ đợi kết quả tối đa.

Ghana là nước đầu tiên ở châu Phi cận Sahara giành độc lập từ Anh, năm 1957.Đây là quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên, bao gồm cả vàng, ca cao và dầu, và có một hệ thống chính trị tương đối ổn định. Trung Quốc đề xuất  tài trợ bằng “hiện vật”, chi trả cho việc đại tu hệ thống cơ sở hạ tầng của Ghana để đổi lại một phần lợi nhuận dầu khí. Đây là một kiểu trao đổi, mà French khẳng định, sẽ tăng thêm khả năng Ghana bị thiệt thòi về dầu và các nguồn khoáng sản khác trong thời hạn lâu dài với Trung Quốc vì chốt giá thấp bất kể giá tăng sau này.

Trong khiFrench gặp gỡ với Edward Brown của Trung tâm Chuyển đổi kinh tế châu Phi (ACET), thì Tổng thống Ghana John Atta Mills trở về từ Bắc Kinh, đã ký ” một biên bản ghi nhớ” cho một gói vay của Trung Quốc $13tỷ USD mà ông nói sẽ “chuyển đổi nền kinh tế nước ta cũng như đời sống của nhân dân”. Đầu tư của Trung Quốc tại Ghana trải trên diện rộng, bao gồm cả đường ống truyền dẫn đưa khí thiên nhiên từ các mỏ ngoài khơi mới được khai thác ở phía tây của đất nước, các đập thủy điện,hệ thống cấp nước và các dự án điện khí hóa nông thôn. Sẽ có một nhà máy lọc nhôm có khả năng sản xuất hai triệu tấn nhôm mỗi năm, và những con đường sẽ được phục hồi và xây dựng mới.

Nhưng ngược lại, trong khi phỏng vấn vua Wuo của Ghana, French biết thêm rằng, có một khoản vay trị giá $622 triệu USD Trung Quốc cho Ghana vay để di dời ba làng người Ghana trước khi khởi công đập Akosombo. Kết quả là, French kết luận, “phù hợp với mô típchung ở châu Phi, phần lớn số tiền Trung Quốc cho vay đều quay về túi của các nhà thầu và cung cấp thiết bị Trung Quốc”. Nói ngắn gọn thì, các quốc gia chủ nhà như Ghana có rất ít lợi ích hữu hình từ những “tình thương” như vậy

Tiếp theo, French phỏng vấn French Kwadwo Tutu, một nhà kinh tế cấp cao tại Viện Kinh tế, một chuyên gia cố vấn Ghana, người đã tổng kết đánh giá của ông về sự tham dự của bên ngoài (bao gồm cả Trung Quốc) vào Ghana: “Nếu chúng tôi tiếp tục con đường này, sẽ chỉ là một là vấn đề thời gian trước khi những mỏ dầu mới phát hiện mà người ta đang ăn mừng sẽ cạn sạch, và con cháu chúng tôi chẳng được hưởng lợi gì”. French cũng quan sátthấy nhiều người Ghana than phiềncông khai về việc người Trung Quốc tham gia khai thác trái phép, chặt phá rừng và tàn phá đất đai bằng thủy ngân để khai thác vàng. Họ cũng phàn nàn về các sản phẩm chất lượng kém của Trung Quốc, cũng như xu hướng hối lộ và tham nhũng của người Hoa.

Dự án xây dựng lớn nhất của Trung Quốc ở Ghana là đập thủy điện Bui. Công ty Trung Quốc giám sát xây dựng đập này, Sinohydro, theo sát một kịch bản đã rèn giũa nhiều lần trong các thương vụ tương tự trước đó, hoàn toàn thiếu minh bạch về các giao dịch. Mặc dù hiện đang tham gia hơn 70 dự án đập thủy điện trên khắp Châu Phi, Sinohydro cung cấp rất ít thông tin công khai và giữ khoảng cách với các phương tiện truyền thông. Trong khi ở châu Phi, dù có yêu cầu từ các Đảng đối lập và các nhóm dân sự đòi hỏi chính quyền công bố chi tiết các dự án đó, thì thường xuyên là bạn vẫn sẽ nghe rất ít từ phía Trung Quốc.

Trong những chuyến đi của ông tới Tanzania, Mali, Namibia, Mozambique, bất cứ nơi nào, những giai thoại Frenchnghe được dường như theo một mẫu tương tự. Người tham gia có thể thay đổi, nhưng câu chuyện cứ lặp đi lặp lại. Trong cuộc họp với các tùy viên thương mại của Trung Quốc ở Mozambique, French được cho biết rằng trở ngại của đất nước này để nuôi chính nó là “văn hóa”. Tùy viên này cho biết thêm, “Người Trung Quốc có thể thực sự chi ku [chịu khổ]. … Tại Trung Quốc, chúng tôibảo rằng, nếu anh đang đói hoặc lạnh thì anh phải đi làm một cái gì đó. … người Trung Quốc đang hối hả làm việc, để kiếm tiền, để làm giàu. Nếu họ là nông dân, họ sẽ không bỏ phí ngày nào.Ở đây, mọi thứ không như thế.Người châu Phi thích nhảy múa.Đó là đặc sản của họ.Họ có thể nghèo, nhưng họ hạnh phúc”. Trong lúc tự nhủ về biết bao lần điệp khúc mệt mỏi này trong những chuyến đi của mình, French trầm ngâm, “Trung Quốc thực ra chẳng phá bỏ đi chủ nghĩa gia trưởng phương Tây mà họ luôn miệng chỉ trích, mà họ chỉ đơn giản thay thế nó bằng thứ chủ nghĩa của chính họ”. Người Trung Quốc không bao giờ coi người châu Phi một cách bình đẳng, mà chỉ như “con cháu” của họ, “ chỉ có khả năng chập chững bước đi với phần thưởng ngọt ngào và những lời dụ dỗ vốn dành cho trẻ con”.

Trong lời bạt của cuốn sách, French cân nhắc liệu sự năng nổ này của Trung Quốc ở châu Phi có tương tự như cách giải thích truyền thống về chủ nghĩa đế quốc hay không. Ông xác định rằng “Trung Quốc, luôn miệng bác bỏ tham vọng toàn cầu nào liên quan tới chủ nghĩa bá quyền, luôn cạnh tranh với ai đó về thứ gì đó- đó là sự ưu việt trên toàn cầu. Kích thước tổng thể của nhiều dự án của Trung Quốc ở châu Phi là sự nhắc nhở thế giới về tầm với, quyền lực, sự rộng lượng và lòng trắc ẩn của Trung Quốc”. Đồng thời, cũng giống như quyền lực một thời của Phương Tây ở châu Phi, sự chuyên tâm của Trung Quốc vào hệ thống cơ sở hạ tầng của Châu Phi là quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, nhưng cũng khiến cho Trung Quốc dễ dàng hơn trong việc vận chuyển tài nguyên ra khỏi các quốc gia ấy. Chẳng hạn, French để ý “Người Bồ Đào Nha hiểu được tiềm năng của một cộng đồng người [di cư] ở mảnh đất xa xôi nào đó trong việc xây xựng các mạng lưới thương mại thuận lợi, tăng cường ảnh hưởng chính trị, và thậm chí giảm bớt các vấn đề ở quê nhà, bằng cách trao cho các thành phần bên lề xã hội một cơ hội tìm kiếm sự giàu sang và chuộc lỗi.”

“Lục địa thứ hai của Trung Quốc” là một nghiên cứu vững chãi,sắc bén, đanh thép và thú vị về việc làm thế nàomà Trung Quốc, ở cả mức cá nhân lẫn tập thể, lại khôn ngoan và triệt để chủ nghĩa cơ hội trong việc vận dụng tối đa các mối quan hệ với các nước châu Phi nhằm mở rộng ảnh hưởng kinh tế trên toàn thế giới. Các dự án cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc ký với các quốc gia châu Phi, dù rằng mang đến lợi ích tạm thời cho các nước chủ nhà, lại mang đến cho Trung Quốc sự giàu có chưa từng biết đến dưới dạng những tài nguyên thô. Họ cũng rải đường tới chủ nghĩa bá quyền trên lục địa ấy, thứ chủ nghĩa mà chính quyền Trung Quốc – bất kể việc họ luôn chối bỏ – đã đi theo.