Friday, June 9, 2017

KHỦNG HOẢNG QATAR 6/2017

Tính đến ngày 7-6-2017, đã có 8 nước đột ngột tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nhà nước Qatar gồm Ai Cập, Arabia Saudi, Bahrain, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Yemen (chính quyền của tổng thống Ali Abdullah Saleh), Libya (Hội đồng chuyển tiếp quốc gia) và 2 quốc gia không thuộc vùng Vịnh là Maldive (ở giữa Ấn Độ Dương) và Mauritania (Tây Phi). Sự việc đã làm dậy sóng dư luận vì biến cố này xảy ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thăm một số quốc gia vùng Vịnh và dự phiên họp thường kỳ của Hội đồng Hợp tác các nước Arab vùng Vịnh. Cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn chưa từng có ở vùng Vịnh kể từ năm 1991 đến nay đã buộc các nhà nghiên cứu chính trị quốc tế phải tìm hiểu nguyên nhân đích thực của nó. 

1- Vài nét về Qatar: 

Qatar là một quốc gia Hồi giáo phát triển ở vùng Vịnh, Lãnh thổ Qatar nằm trên một bán đảo nhô ra vịnh Persis, có diện tích 11.437 km vuông, dân số khoảng 2.500.000 người nhưng chỉ có 313.000 dân bản địa (khoảng 12,1% dân số), còn lại là ngoại kiều. Hầu hết diện tích lãnh thổ là sa mạc cát và sỏi. Qatar có nền kinh tế chủ yếu dựa vào khai thác và chế biến dầu mỏ, khí đốt. Qatar có trữ lượng dầu mỏ khoảng 25 tỷ thùng, đứng thứ 14 trên thế giới và thứ 6 trong số các quốc gia vùng Vịnh; sản lượng khai thác khoảng trên 1,6 triệu thùng/ngày, đứng thứ 18 trên thế giới. Các mỏ khí thiên nhiên của Qatar có trữ lượng ước khoảng 7.000 tỷ km khối, chiếm khoảng 13% trữ lượng khí thiện nhiên toàn cầu. Qatar cũng là một trong 10 quốc gia giữ vị trí hàng đầu thế giới về khí hóa lỏng với sản lượng khoảng 10 tỷ mét khối/năm. Nhờ nền kinh tế dầu khí, Qatar là nước giàu nhất thế giới xét theo thu nhập bình quân. Năm 2016, GDP danh nghĩa/người của Qatar đạt 68.940 USD/người (thứ 4 thế giới) nhưng nếu tính theo sức mua tương đương (PPP) thì đạt 145.894 USD/người (thứ 1 thế giới). 

Về chính trị, Qatar là quốc gia quân chủ lập hiến Hồi giáo với người đứng đầu nhà nước là Tiểu vương (Emir) của gia tộc Al Thani truyền nối theo thể thức thế tập. Tiểu vương nắm độc quyền bổ nhiệm và bãi nhiệm Thủ tướng cùng các thành viên nội các, tức thành viên của Hội đồng Bộ trưởng. Hội đồng Bộ trưởng có quyền đề xuất ban hành luật. Dự thảo luật và sắc lệnh do Hội đồng Bộ trưởng đề xuất được chuyển cho Hội đồng Cố vấn (Majilis Al Shura) để thảo luận và sau đó chúng được trình lên Tiểu vương để phê chuẩn. Các thành viên của Hội đồng Cố vấn cũng đều do Tiểu vương bổ nhiệm. Pháp luật Qatar không cho phép thành lập các đảng phái chính trị hoặc các đoàn thể xã hội. 

Về tôn giáo, khoảng 78% dân Qatar bản địa theo Hồi giáo dòng Sunni Wahhabi, dòng Hồi giáo cực đoan nhất từng một thời cai trị Arabia Saudi. Chỉ có 21% thao dòng Hồi giáo Shiite. Tuy nhiên, do chính sách nhập cư để phục vụ cho phát triển kinh tế nên hiện trạng dân tộc ở Qatar rất đa dạng. Ở Qatar có 12,1% dân số là người bản địa, 25% dân số gốc Ấn Độ; 10,7% dân số gốc Bangladesh; 5,6% dân số gốc Sri Lanka; 4,8% dân số gốc Pakistan ; còn lại 52, 5% là người gốc các dân tộc khác (Philippines, Ai Cập, Nepal, Trung Quốc...). Tình trang đa dân tộc dẫn đến tình trạng đa tôn giáo ở Qatar, gồm 67,7% dân số theo Hồi giáo, 13,8% theo Cơ Đốc giáo, 13,8% theo Ấn Độ giáo và 3,1% theo Phật giáo. Những tín đồ tôn giáo khác hoặc không theo tôn giáo nào chiếm 1,6% còn lại. 

Tuy là quốc gia nhỏ nhưng Qatar là một thế lực đáng kể trong thế giới Arab. Nước này được xác định là cường quốc khu vực bậc trung, đã ủng hộ một số tổ chức nổi loạn trong "Mùa xuân Ả Rập" ở một số nước về tài chính cũng như thông qua tổ chức truyền thông toàn cầu Al Jazeera của chính Qatar. Qatar là một thành viên sáng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đồng thời là thành viên sáng lập của Tổ chức Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Qatar cũng là một thành viên của Liên đoàn Arap. 

Về quan hệ quốc tế, Qatar có quan hệ song phương với nhiều cường quốc. Qatar là một đầu cầu quan trọng thứ hai của Mỹ ở Trung Đông sau Arabia Saudi. Tại Qatar có các căn cứ không quân Al Udeid của Mỹ và Anh, là trung tâm của toàn bộ hoạt động hàng không của Mỹ và Anh tại vùng Vịnh Persis. Qatar đã ký hiệp ước phòng thủ chung với Pháp năm 1994, với Mỹ năm 2003 và với Anh năm 2005. Thủ đô Doha của Qatar là nơi đặt sở chỉ huy liên quân chống Iraq trong cuộc Chiến tranh vùng Vịnh năm 2003. 

Vậy, điều gì đã làm cho một số quốc gia vùng Vịnh quay lưng lại với Qatar ? 

2- Quan hệ đa phương của Qatar và sự xích mích với các láng giềng 

Trong số các nước Hồi giáo ở vùng Vịnh theo dòng Sunni, Qatar là nước duy nhất dám "cả gan" ký một thoả thuận hợp tác phòng thủ với Iran vào năm 2010 sau khi hai nước này có được thỏa ước chia sẻ quyền khai thác một mỏ khí đốt lớn vào bậc nhất thế giới ở Vịnh Persis. Qatar cũng thường xuyên duy trì quan hệ ngoại giao với Iran thông qua sứ quán của của hai nước tại Doha và Tehran. Đây là điều mà các nước Hồi giáo theo dòng Sunni như Arabia Saudi, Bahhrain, UAE không thể tha thứ cho Qatar. 

Đối với Ai Cập, Bahrain và UAE, Qatar công khai ủng hộ "Tổ chức Anh em Hồi giáo", phong trào Hồi giáo lâu đời nhất, có ảnh hưởng nhất trong thế giới Arap và là tổ chức chính trị đối lập lớn mạnh nhất tại nhiều quốc gia Arab, trong dó có các quốc gia kể trên. Người của tổ chức "Anh em Hồi giáo" từng tổ chức ám sát thủ tướng Ai Cập Mahmoud an-Nukrashi Pasha. 

Đối với Syria, Qatar tài trợ cho các nhóm đối lập cực đoan có vũ trang bao gồm Mặt trận Al-Nusra và liên minh Ahrar Ash-Sham. Qatar cũng ủng hộ Hamas, cánh vũ trang của Tổ chức Giải phóng Palestin (PLO). Cả hai tổ chức "Anh em Hồi giáo" và "Hamas" đều bị cấm hoạt động ở Ai Cập và một số nước khác. Sự ủng hộ của Qatar đối với Hamas đã dẫn đến sự chỉ trích Qatar của Israel, Mỹ, Ai Cập và Arabia buộc tội Qatar phá hoại ổn định khu vực bằng cách ủng hộ Hamas. 

Đối với Yemen, Qatar hỗ trợ cho quân Houthy đối đầu với chính phủ bù nhìn của tổng thống lâm thời thân Arabia Saudi Abd Rabbuh Mansur Hadi, đòi khôi phục chính quyền hợp pháp hợp hiến của tổng thống Ali Abdullah Salleh. Đối với Ai Cập, Qatar công khai ủng hộ tổng thống dân cử Mohamed Morsi của Ai Cập thông qua ngoại giao và mạng lưới truyền thông Al Jazeera trước khi ông ta bị hạ bệ trong cuộc đảo chính do tướng Abdel Fattah Al-Sisi chỉ huy. Qatar còn cho phép lực lượng Taliban vốn đối địch với Mỹ và phương Tây ở Afghanistan mở Văn phòng chính trị tại Doha. 

Đến khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thăm các nước đồng minh của Mỹ ở vùng Vịnh và dự một phiên hợp của Tổ chức hợp tác vùng Vịnh thì mâu thuẫn giữa Qatar và Arabia Saudi đã được đẩy len một nấc thang căng thẳng rất nghiêm trọng. Trước khi phiên họp đang diễn ra thì hãng truyền thông Al Jazeera đã cho phát đi một bài bình luận có nội dung được cho là của Tiểu vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani chỉ trích tâm lý chống Iran đang gia tăng trong khu vực. Ngay sau đó, Doha đã phủ nhận thong tin trên và thông báo rằng tin tặc đã tấn công trang mạng của hãng thông tấn Al-Jareeza và đưa ra thông tin sai lệnh. 

Căng thẳng tiếp tục gia tăng trong Hội nghị cấp cao giữa Mỹ và các nước Hồi giáo khi Hãng thông tấn Nhà nước Qatar đã công bố bài phát biểu nhân danh đại diện thủ lĩnh Hồi giáo của nước này, nhiệt liệt tán thành việc xây dựng quan hệ với Iran, trái ngược hoàn toàn với quan điểm của Arabia Saudi và nhiều nước trong khu vực. Và cuối cùng, "giọt nước tràn ly" chính là những tuyên bố và cam kết của Tiểu vương Al Thani về sự gần gũi với Iran khi ông này có cuộc điện đàm chúc mừng Tổng thống tái cử Iran Hassan Rouhani ngày 27-5-2017. Trong cuộc điện đàm đó, Tiểu vương Al Thani đã ca ngợi mối quan hệ lịch sử và sâu sắc giữa Doha với Tehran, đồng thời bày tỏ mong muốn mối quan hệ hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn. Đối với Riyadh, quốc gia kình địch với Iran thì đây là điều không thể chấp nhận được. Và Arabia Saudi trở thành nước đầu tiên tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, lôi kéo 5 nước khác ở vùng Vịnh làm theo mình. Riyadh còn đóng cửa biên giới với Qatar, đường biên giới trên bộ duy nhất nối Qatar với bán đảo Arab 

Đây không phải là lần đầu tiên khủng hoảng ngoại giao nổ ra giữa Qatar và các nước Hồi giáo trên basnd dảo Arab. Một cuộc khủng hoảng ngoại giao dài 8 tháng đã nổ ra vào năm 2014 khi Arab Saudi, Bahrain và UAE cáo buộc Qatar hỗ trợ phiến quân nhưng chỉ dừng ở mức rút đại sứ tại Doha về nước. 

3- Sống giữa mối thâm thù truyền kiếp giữa Sunni và Shiite, không có chỗ cho sự trung lập 

Cả thế giới đều biết đến mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa hệ phái Sunni và hệ phái Shiite của cũng một tôn giáo có đông tín đồ nhất thế giới: Hồi giáo. Hệ phái Sunni chiếm từ 75% đến 80% tín đồ theo đạo Hồi. Trong khi hệ phái Shiite chỉ chiếm từ 15% đến 20% tổng số tín đồ Hồi giáo toàn cầu. 

Tuy không phải là nước có đông tín đồ Hồi giáo Sunni nhất thế giới như Indonesia nhưng Arabia Saudi được coi là thủ lĩnh của hệ phái Sunni ở vùng Vịnh. Cốt lõi của hệ phái Hồi giáo Sunni ở Arabia Saudi là nhánh Hồi giáo Wahhabi, nhánh cực đoan nhất của hệ phái Sunni. Giáo phái Wahhabi chống lại bất kỳ sự sùng kính nào đối với các địa điểm lịch sử của các tôn giáo khác vì lo ngại có thể dẫn đến những ảnh hưởng bất lợi đối với việc thần thánh hoá cũng như vị thế của các di tích lịch sử Hồi giáo quan trọng nhất (tại Mecca và Medina) nằm tại khu vực Hejaz. Kết quả là, dưới quyền cai trị của gia tộc Saud, khoảng 95% toà nhà lịch sử của Mecca đã bị phá huỷ vì lý do tôn giáo dù hầu hết chúng có niên đại trên 1.000 năm. Tín đồ Hồi giáo theo hệ phái Shiite ở Arabia Saudi phải đối diện với kỳ thị có hệ thống trong công việc, giáo dục và tư pháp. 

Trong khi Arabia Saudi duy trì chính thể quân chủ chuyên chế Hồi giáo thì ở bờ bên kia vịnh Persis, Iran, một quốc gia có đa số dân theo hệ phái Hồi giáo Shiite đã xây dựng chính thể Cộng hòa Hồi giáo. Ở Iran mặc dù có lãnh tụ tối cao là các đại giáo chủ như Ruhollah Musavi Khomeini (còn được gọi là Ayatollah Khomeini) và Ali Hoseyni Khamenei nhưng quyền lực tối cao được chia sẻ cho Nghị viện lập pháp (Majles-e Shura-ye Eslami), cho Tổng thống và Hội đồng Bộ trưởng (hành pháp), cho Tòa án và Hội đồng lợi ích (tư pháp) theo cơ chế tam quyền phân lập kiểu Hồi giáo Shiite. Giúp việc cho "Lãnh tụ tối cao" là Hội đồng bảo vệ cách mạng (gồm 12 nhà làm luật) và Hội đòng tư vấn (gồm 89 tăng lữ Hồi giáo). Việc thành lập các cơ quan nhà nước theo kiểu hiện đại là thành quả tiến bộ của Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 và là điều không thể chấp nhận được với Arabia Saudi vốn là nước đã bảo thủ chế độ Khalip vốn có từ thế kỷ VII (SCN). 

Cho dù vùng Trung Đông Arabia bao gồm 15 quốc gia và 2 vùng lãnh thổ Palestin nhưng Arabia Saudi và Iran vẫn là hai quốc gia có tiềm lực kinh tế, quân sự, chính trị lớn nhất và là hai nước có mối quan hệ đối địch lâu đời nhất, đại diện cho hai hệ phái cơ bản nhất của Hồi giáo là Sunni và Shiite và đều có tham vọng lãnh đạo thế giới Hồi giáo ở Trung Đông (không kể Thổ Nhĩ Kỳ vốn không nằm trong vùng này nhưng đã từng thực hiện tham vọng đó). Mâu thuẫn này vô hình chung chia các quốc gia nhỏ hơn ở Trung Đông thành hai phái, thậm chí là hai bên chiến tuyến. Mâu thuẫn này đã được thực dân Anh khai thác từ thế kỷ XVIII khi người Anh tìm thấy dầu mỏ ở vùng này. Và ngày nay, mâu thuẫn đó cũng được Mỹ và các nước phương Tây triệt để khai thác để phục vụ cho mục đích thống trị khu vực, đặc biệt là từ khi Cách mạng Hồi giáo Iran thành công, dẫn đến sự ra đời của Nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran. 

Chính vì vậy mà bất cứ một mối quan hệ nào của một trong các quốc gia vùng này với Iran đều được Arabia Saudi coi là một hành động thù địch với thế giới Hồi Giáo mà các khalip ở Riyadh tự coi mình là người lãnh đạo. Ngay sau cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Iran và Qatar, truyền thông chính thống của Saudi Arabia đã gay gắt buộc tội Qatar rằng họ đã "không tôn trọng" các nguyên tắc của Tổ chức hợp tác vùng Vịnh (GCC) và "phản bội" các nước Arab vùng Vịnh khi muốn tăng cường quan hệ với Iran, một địch thủ mà lâu nay GCC (thực ra là Arabia Saudi) muốn cô lập. 

Đặc biệt trong thời gian gần đây, khi Iran từng bước khôi phục và gia tăng ảnh hưởng tại khu vực, thể hiện qua việc tăng cường can dự vào các điểm nóng như Syria và Yemen; các nước GCC, đứng đầu là Arabia Saudi, đã liên tiếp lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Arabia Saudi đã trực tiếp hỗ trợ bằng quân sự cho tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh trong khi Iran hỗ trợ cho quân Houthy chống lại Saleh. Mục tiêu trước mắt của Arabia Saudi và 4 nước vùng Vịnh là buộc Doha phải điều chỉnh "lập trường và chính sách" của mình, buộc Qatar phải tuân thủ các điều khoản trong Tuyên bố Riyadh được ký kết năm 2014, trong đó bao gồm cả yêu cầu cô lập Iran và chấm dứt tất cả các hình thức hỗ trợ đối với tổ chức "Anh em Hồi giáo" vốn bị nhiều nước khu vực coi là khủng bố ...  

Tuy nhiên, từ những lưu trữ trước đó ở Nhà Trắng bị rò rỉ qua Wikileaks, có thể thấy một bức tranh khác với những gì mà Arabia Saudi đã cáo buộc Qatar. Trong một bức thư có nhan đề "Những nguồn thông tin tình báo phương Tây, Mỹ và nguồn khu vực" vào tháng 8-2014 gửi cho phát ngôn viên của Tổng thống Mỹ khi đó là John Podesta, bà Hilary Clinton nhấn mạnh rằng "Peshmarga (tức lực lượng vũ trang người Kurd) được trang bị các thiết bị phù hợp và làm việc với các cố vấn Mỹ có thể tấn công IS thông qua sự phối hợp được hỗ trợ bằng đường hàng không". Bà Hillary Clinton cũng đề nghị xem xét khả năng cung cấp cho "Quân đội Syria Tự do" (FSA) những bộ trang phục quân sự đặc biệt cho phép họ thắng IS và đẩy mạnh chiến dịch chống lại chế độ Syria. Bức thư của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton do Wikileaks công bố cho thấy Mỹ biết rằng cả Qatar và Arabia Saudi đã cung cấp hỗ trợ tài chính và hậu cần cho bọn khủng bố "Nhà nước Hồi giáo". Tuy nhiên vì Qatar khôn hơn trong việc "bắt cá hai tay" nên Arabia Saudi phải vội vã "ra tay trước". 

Riêng Ai Cập tuy không xen vào sự đối địch trong quan hệ giữa Riyadh với Tehran nhưng họ có lý do để tham gia "tẩy chay" Qatar vì nước này đã công khai ủng hộ tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi và hỗ trợ cho tổ chức "Anh em Hồi Giáo" đã bị chính quyền Ai Cập của tổng thống Al Sisi đặt ra ngoài vòng pháp luật. Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao với Doha, trục xuất đại sư Qatar ở Cairo và chỉ đóng cửa không phận và các cảng biển đối với mọi phương tiện vận tải Qatar chứ không trừng phạt công dân Qatar như các nước Arabia Saudi, Bahrain và UAE. Libya cũng có lý do tương tự như Ai Cập. Còn Maldives, mọt dảo quốc nằm chơ vơ giữa Ấn Độ Dương cũng đã từng chịu trận đánh bom khủng bố thì không nói rõ lý do chấm dứt quan hệ với Qatar của họ. 

Đối với Mỹ thì đây không chỉ là sự xích mích đơn giản giữa các đồng minh của Mỹ trong "cái chuồng ngựa Hồi giáo Sunni vùng Vịnh" do Arabia Saudi "trông coi" mà nó còn đe dọa bóp chết từ trong trứng một "NATO Sunni" mà Mỹ muốn gây dựng trên bán đảo Arabia để đối phó lại với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như ảnh hưởng của Nga ngày càng tăng lên trong khu vực. Trên bình diện ngoại giao, người phát ngôn Phủ Tổng thống Mỹ Sarah Sanders nêu rõ: "Tổng thống Mỹ cam kết sẽ tiếp tục đối thoại với tất cả các bên liên quan đến tiến trình này, với tất cả các nước có liên quan. Chúng tôi muốn tiếp tục xoa dịu căng thẳng". Đồng quan đểm này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói ông sẽ nỗ lực giảm bớt tác động nghiêm trọng của mâu thuẫn ngoại giao tại Trung Đông tới chiến dịch chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). "Tôi tự tin rằng sẽ không có bất kỳ hệ quả tệ hại nào đến từ tình hình căng thẳng này". 

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu chính trị học Atef Abdel Jawad, giảng viên Trường Đại học George Washington lại không nghĩ như vậy. Ông cho rằng: 

"Có hai thái độ trong lập trường của Mỹ. Thứ nhất, Mỹ luôn nói rằng cuộc khủng hoảng song phương giữa bất kỳ hai nước nào cũng liên quan trước hết đến chính những nước đó. Mỹ không can thiệp vào quan hệ song phương. Như vậy, trong tình huống với Qatar đó là vấn đề nội bộ với Bahrain, Saudi Arabia, Ai Cập và UAE. Thứ hai, Mỹ không hài lòng với liên hệ của Qatar với các tổ chức khủng bố và những nhà tài trợ của chúng... Chúng ta đều biết Mỹ đã có thái độ như thế nào với những ai ủng hộ và tài trợ cho Al-Qaeda". 

Sau khi cuộc "khủng hoảng ngoại giao" ở Trung Đông nổ ra, ở Mỹ đang xuất hiện những lời kêu gọi đưa Qatar vào danh sách các nước bảo hộ khủng bố nhưng hiện tại Mỹ khó có thể có động thái cứng rắn với Qatar bởi Mỹ đang còn phải nhờ Qatar mấy việc: 

Một là Qatar đang cho Mỹ sử dụng căn cứ không quân Al-Udeid. Dây không chỉ là căn cứ xuất phát của các máy bay Mỹ thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở vùng Nam Trung Đông mà còn là căn cứ hậu cần, quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông. 

Hai là Qatar cần cho việc duy trì các liên lạc bí mật với các nhóm khủng bố. Mỹ, các nước Tây Âu và những cường quốc hàng đầu thế giới đều chính thức tuyên bố không tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào với các chiến binh và không có bất kỳ liên lạc nào với chúng. Qatar hiện là nước duy nhất đảm nhiệm vai trò này để giúp CIA cũng như các chính quyền Mỹ và phương Tây. 

Ba là Mỹ cần đến Qatar để làm trung gian hòa giải trong trường hợp cần giải thoát những con tin người châu Âu bị quân khủng bố bắt cóc. Hiện nay, Qatar vẫn là bên trung gian hữu hiệu nhất để giúp Mỹ và phương Tây làm việc này. 

Còn Stanislav Tarasov, nhà khoa học chính trị, chuyên gia về Trung Đông và Kavkaz của Nga thì nhận xét trên một bình diện rộng hơn: 

"Tại Syria hiện nay tình hình đã ổn định tương đối và thiên về hướng có lợi cho lực lượng quân đội và chính giới Damascus, mà trong số các nước ủng hộ có Iran. Ở Yemen đang tiếp diễn chiến sự, lực lượng chống đối có thiện cảm với Iran đang chiến đấu chống liên minh Arab do Saudi Arabia đứng đầu. Còn trên bán đảo Arab từ lâu người ta đã nghi ngờ rằng Doha dành cái nhìn quá thiện cảm về hướng Tehran. Vì thế vụ scandal xung quanh trang web của hãng thông tấn Qatar, dù bị tin tặc đột nhập hay là không hề có chuyện bị bẻ khóa, cũng chỉ là cái cớ hình thức. Nội tình sự thật ẩn sâu hơn nhiều và dồn góp lại thành một tổ hợp phức tạp của những mưu mô phức tạp. Trên bình diện chính trị, ngoại giao có thể chờ đợi những thế cờ xoay chuyển mau lẹ bất ngờ. Hiện tại chỉ một điều có thể nói chắc, là sẽ không nổ ra cuộc xung đột khu vực quy mô với sự tham gia trực tiếp của Iran và các chế độ quân chủ Arab, bởi không hiện hữu điều kiện nào cho khả năng như vậy. Iran là cầu thủ cứng cổ rất đáng gờm, và các đối thủ của Tehran hiểu rõ điều đó". 

Nhận xét của Stanislav Tarasov là có cơ sở bởi tờ báo Anh Financial Time đã đưa cái cớ mà Arabia Saudi dùng để cáo buộc Qatar. Đó là một vụ bắt cóc xảy ra trước đây hơn 18 tháng. Vào tháng 12-2015, những đối tượng nam giới có vũ trang không rõ tung tích mặc quân phục đã bắt cóc những người đi săn ở Qatar. Trong số những người bị bắt cóc có các thành viên Hoàng gia. Theo thông tin từ chỉ huy nhóm vũ trang và đại diện chính quyền trong khu vực này thì Doha đã trả tiền chuộc để giải phóng 26 thành viên Hoàng gia và 50 người đã bị bọn khủng bố bắt làm con tin. Để thực hiện việc đó, Qatar chuyển khoản tiền 1 tỷ USD cho nhóm khủng bố liên quan đến "Al-Qaeda" thông qua Iran làm trung gian. Đến tháng 4-2016, tất cả các con tin đều được thả và mọi khoản tiền đã thanh toán xong. Arabia Saudi cáo buộc Qatar bịa ra vụ này để lấy cớ cung cấp tiền cho Al Qaeda. 

Trong một động thái mới nhất, chính quyền Iran đã ngỏ lời sẵn sàng cho Qatar sử dụng 3 cảng biển của mình để "phá vỡ vòng phong tỏa" do Arabia Saudi đóng cửa biên giới trên bộ duy nhất của Qatar. Gần như ngay lập tức, cả Riyadh và Abu Dhabi đều coi động thái này như là một sự xác nhận của mối quan hệ được cho là nguy hiểm giữa Doha và Tehran. Tuy nhiên, trong con mắt của nhiều nước trên thế giới, chính Mỹ mới là kẻ nuôi dưỡng các lực lượng khủng bố thông qua các quốc gia đồng minh của Mỹ ở vùng Vịnh 

Tình hình vùng Vịnh còn có nhiều diễn biến phức tạp. Khi phiến quân (bao gồm cả IS và các tổ chức vũ trang chống Damascus) liên tiếp thất bại ở Syria và lò lửa chiến tranh ở Syria và Bắc Iraq đang nguội dần thì nguy có một đám cháy mới lại bùng lên ngay trên bán đảo Arab sát sườn hai quốc gia giàu có là Arabia Saudi và UAE. Do mối thâm thù xuyên thiên niên kỷ giữa Hồi giáo Sunni và Hồi giáo Shiite nên ở vùng Vịnh, không có chỗ cho sự trung lập. Nếu thành công trong việc "kéo" Qatar về phía mình, Iran có thêm một đầu cầu bên kia bờ vịnh Persia và chính thức tạo ra một "đồng minh thứ ba" ở Trung Đông sau Syria và lực lượng Houthy ở Yemen. 

Và không chỉ có Iran thắt chặt thêm quan hệ với Qatar. Trong ngày 6-6-2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm với Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani để trao đổi một số ván đề về hợp tác quốc tế. Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết: "Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận các vấn đề về hợp tác giữa Nga và Qatar, trước hết là trong lĩnh vực thương mại, kinh tế và đầu tư. Kết quả phiên họp của một ủy ban liên chính phủ song phương, tổ chức vào tháng 4 vừa qua, được đánh giá rất cao". Mỹ đang đứng trước nguy cơ mất tiếp một đồng minh quan trọng tại vùng Vịnh.

No comments: