Sunday, December 11, 2016

ÔNG MODI VÀ CUỘC HẸN VỚI CHÂU PHI

Chuyến công du của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới 4 nước châu Phi từ ngày 7-11/7 là một chuyến thăm lịch sử, tô đậm thêm khẩu hiệu của ông về Ấn Độ như một "quyền lực hàng đầu" trên thế giới.

Chuyến đi cho thấy sự trân trọng các mối quan hệ song phương trong tương quan về mặt kết quả dài hạn đối với tham vọng quyền lực mềm, kinh tế và chiến lược của Ấn Độ.

Ông Modi nổi tiếng với các chuyến công du những nước gần như lãng quên ý nghĩa của việc chào đón một nhà lãnh đạo Ấn Độ. Tại Mozambique, ông sẽ trở thành Thủ tướng Ấn Độ đầu tiên có mặt ở nước này kể từ khi ông Indira Gandhi đến thăm vào năm 1982. Ông cũng sẽ là Thủ tướng Ấn Độ đầu tiên đến thăm Kenya kể từ năm 1981. Mặc dù ông Manmohan Singh đã đến Nam Phi vào năm 2013 với tư cách Thủ tướng, nhưng là để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS chứ không phải thăm song phương. Bằng cách thực hiện sứ mệnh tăng cường quan hệ song phương với các quốc gia trọng điểm ở Nam châu Phi, Thủ tướng Modi đang đưa ra tín hiệu rằng ông coi trọng các nước này một cách thực chất.

Bảo vệ bờ biển phía Đông

Một điểm nổi bật trong chính sách đối ngoại của ông Modi là sự nhấn mạnh về ngoại giao quốc phòng để củng cố vị trí của Ấn Độ như một nhà cung cấp an ninh mạng cho các nước đang phát triển. Sự lựa chọn 4 quốc gia trong chuyến công du lần này của ông không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà là một phần của chính sách được cân nhắc kỹ lưỡng, đó là đề cao khu vực Ấn Độ Dương (IOR) -  nơi mà khu vực phía Tây giáp với các nước trên.

Chiến lược thương mại và hải quân mở rộng của Ấn Độ cần được gắn kết với bờ biển phía Đông của châu Phi nếu nước này muốn trở thành nhân tố định hình ổn định và hòa bình ở IOR. Trên thực tế, chính phủ của ông Modi đã chủ tâm khởi động lại đối thoại quốc phòng với Mozambique vào năm 2015 sau nhiều năm lơ là. Dự án phát triển cảng Sagar Mala không đơn thuần là một ưu tiên chính sách trong nước mà còn là nỗ lực chiến lược của Ấn Độ trong việc trở thành đối tác hậu cần và quốc phòng của đường bờ biển phía Đông châu Phi.

Thủ tướng Modi cũng đã đến thăm Mauritius và Seychelles - hai quốc gia châu Phi quan trọng nằm ngoài lục địa và đẩy mạnh sự hỗ trợ an ninh của Ấn Độ tại đây. Giờ đây, bằng cách thu hút các nước Đông Phi bằng sự tin cậy để chia sẻ và truyền công nghệ nhạy cảm và bí quyết trong tình báo, trinh sát và đào tạo, ông đang thực hiện bước đi chủ động không chỉ trên mặt trận kinh tế mà cả chính trị ở lục địa này.

Cách tiếp cận kinh tế

Tất nhiên, kinh tế không bao giờ nằm ngoài chương trình nghị sự trong mối tương tác giữa Ấn Độ với châu Phi. Tuy nhiên, ở đây, điều mới mẻ là cách chiến dịch “Sản xuất tại Ấn Độ” của ông Modi nhận được sự chào đón của châu lục này.

Trong khi nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại và tỷ lệ hấp thụ đối với khoáng sản châu Phi ở mức thấp, các chính phủ và người dân châu Phi đang tìm kiếm một quyền lực châu Á lớn khác có thể tạo ra doanh thu xuất khẩu ổn định, đồng thời giúp họ tiến hành công nghiệp hoá. Đối với nhiều người châu Phi, Ấn Độ được cho là một đối tác dân chủ, được ưu tiên hơn bởi cách tiếp cận của nước này không phải hoàn toàn do nhà nước định hướng (như Trung Quốc) và có khu vực tư nhân đang gia tăng hoạt động trên lục địa này. Mối quan tâm cá nhân của Thủ tướng Modi trong kết nối doanh nghiệp nông nghiệp của Ấn Độ với các quốc gia châu Phi cho an ninh lương thực cũng như trong thăm dò chung và khai thác các nguồn năng lượng, là một điểm cộng lớn đối với châu Phi.

Đối với những ai còn hoài nghi về tính toán của Ấn Độ liệu có giống Trung Quốc như khai thác tài nguyên cho đến khi cạn kiệt nguồn lực tự nhiên giàu có của châu lục này, thì thông điệp của Thủ tướng Modi được gửi gắm trước thềm chuyến thăm này đã nêu rõ: “Chúng tôi không phải ở đây ở khai thác” và “chúng tôi muốn trở thành những đối tác phát triển”.

Trong một bài giảng gần đây tại Bộ Thống kê của Chính phủ Nam Phi ở Pretoria, tôi nhận được câu hỏi: "Ông nói rằng Ấn Độ là nước duy nhất đến đây để giúp xây dựng nguồn nhân lực và tăng cường an ninh cho chúng tôi. Nhưng không một quốc gia nào làm theo kiểu từ thiện cả. Tại sao Ấn Độ làm những việc này? Động cơ thực sự là gì?”.



Ông Modi cần phải làm thỏa mãn mối bận tâm này không chỉ bằng cách đưa ra các chương trình mới mẻ hơn thông qua việc đưa các chuyên gia giáo dục và kỹ thuật của Ấn Độ đến châu Phi, mà còn bằng cách cho thấy Ấn Độ và châu Phi cùng phụ thuộc lẫn nhau như thế nào trong thế kỷ XXI. Ấn Độ cần thị trường xuất khẩu vì trong quá trình công nghiệp hoá còn châu Phi có dân số trẻ trung và sức mua đang gia tăng, điều này sẽ giúp thương mại hai chiều từ 72 tỷ USD lên đến  700 tỷ USD và hơn nữa. Nếu châu Phi không phát triển trong sự giàu có, ổn định và tự tin, Ấn Độ sẽ giống như “bị khuyết tật” (handicapped).

Nếu Ấn Độ không cùng châu Phi giải quyết các cuộc khủng hoảng lớn trên hành tinh, Ấn Độ không bao giờ có thể trở thành một quyền lực lớn trên chính trường thế giới. Do đó, số phận của hai bên gắn kết với nhau không chỉ vì vị trí địa lý, quan điểm tương đồng tại Liên hợp quốc hay trải nghiệm lịch sử đều là những người dân thuộc địa, mà còn vì sự bổ sung cơ bản của tương lai đang chờ đón cả hai bên.

Trung Quốc đã tung hô mô hình hợp tác Nam-Nam như một thành công vang dội ở châu Phi. Tuy nhiên, sự thiếu vắng của yếu tố nhân lực, sự minh bạch, khía cạnh xã hội hay dân chủ trong mô hình đó đồng nghĩa với việc Ấn Độ có một vị trí không thể thiếu trên lục địa. Ấn Độ đã có một địa vị đặc biệt trong trái tim của nhũng người dân châu Phi thế kỷ trước. Điều mà chuyến công du của ông Modi tới châu lục này có thể làm là ghi dấu Ấn Độ trong tinh thần hướng về tương lai và giấc mơ của châu Phi.

Bài viết của GS. Sreeram Chaulia, trưởng khoa tại Trường Các vấn đề quốc tế Jindal, đăng trên The Hindu ngày 6/7.

TRUNG ĐÔNG: LÀM SAO ĐỂ CHẤM DỨT BẠO LỰC TÔN GIÁO?

Đó là câu hỏi được đánh giá là bức thiết đối với tình hình Trung Đông hiện nay. Ông Moha Ennaji* đã đi tìm câu trả lời trong bài viết trên Project Syndicate, ngày 8/12.Sự phát triển của chủ nghĩa cực đoan, bạo lực và nội chiến ở Trung Đông kể từ sau cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả rập năm 2011 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân và phúc lợi xã hội của nhiều nước trong khu vực. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng các chính phủ ủng hộ hòa bình, kiến tạo thịnh vượng và bảo vệ con người đang là nhiệm vụ vô cùng cấp thiết.

Tâm lý đánh đồng

Tính đến nay, tình trạng bạo lực ở Trung Đông đã khiến khoảng 180.000 người Iraq và 470.000 người Syria thiệt mạng, 6,5 triệu người Syria phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Những người tị nạn này, bao gồm nhiều phụ nữ và trẻ em, thường bị tra tấn trong các nhà tù hay bị lạm dụng trong các trại tạm cư.

Theo Trung tâm Nghiên cứu chính sách Syria, một nửa trong số những người tị nạn là trẻ em và thiếu niên dưới 18 tuổi. Thực tế này được đánh giá là sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực đến sự phát triển của quốc gia Trung Đông này trong tương lai. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ước tính, 2,1 triệu trẻ em đang sống ở Syria và 700.000 em đang tị nạn ở nước ngoài không được đến trường.

Có thể nói, những tổn thất về con người nói trên là biểu hiện của một vấn đề sâu sắc hơn: mâu thuẫn tôn giáo ở Trung Đông, cụ thể là Hồi giáo. Trái với suy nghĩ của số đông, các tín đồ Hồi giáo không cho rằng tôn giáo của họ bản chất đã mang tính bạo lực.

Khi theo dõi tin tức ở phương Tây, người ta dễ hiểu tại sao Hồi giáo lại chịu nhiều sự chỉ trích đến thế. Từ sự tàn bạo của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Iraq, các cuộc tấn công đẫm máu của al-Qaeda cho đến các vụ hành quyết dã man phụ nữ ngoại tình theo luật Sharia ở Afghanistan, bạo lực ở Trung Đông... đều được quy kết cho nguyên nhân tôn giáo. Vì vậy, Hồi giáo thường được nhìn nhận như một mối đe dọa nghiêm trọng.

Tuy nhiên, như nhà triết học Canada Charles Taylor giải thích, nguy hiểm thực sự không phải ở bản thân Hồi giáo, mà là “tâm lý đánh đồng”. Các phần tử Hồi giáo cực đoan chỉ chiếm chưa đầy 0,5% số người Hồi giáo trên toàn thế giới. Dù vậy, hình ảnh về những kẻ thánh chiến đang dần đại diện cho Hồi giáo trong mắt truyền thông phương Tây, và điều này ảnh hưởng xấu đến các tiến trình phát triển chính trị ở Trung Đông.

Bỏ qua những bản chất tốt đẹp của Hồi giáo, truyền thông phương Tây đang củng cố một quan điểm cứng nhắc và áp đặt: Hồi giáo đồng nghĩa với bạo lực. Trên thực tế, quan niệm này đang ngày càng được chấp nhận rộng rãi ở Mỹ và châu Âu, theo Michael Griffin trong cuốn sách “Nhà nước Hồi giáo và việc viết lại lịch sử”.

Các giải pháp chính sách

Hiện nay, nhiều người tán thành với lý thuyết “sự va chạm văn hóa” của cố Giáo sư Đại học Harvard Samuel Hungtington, cho rằng Hồi giáo mâu thuẫn với xã hội hiện đại. Tuy nhiên, luận điểm của Huntington đã bỏ qua những ý tưởng và ảnh hưởng của những người tiên phong cải cách Hồi giáo – như Muhammad Abdul (1) và Jamaleddin al-Afghani (2), vốn có tác động đến tận ngày nay.

Một trong những ảnh hưởng sâu rộng nhất của các nhà cải cách nói trên là sự hình thành trào lưu “salafi”, theo đó nhấn mạnh nhà nước hiện đại đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của cộng đồng Hồi giáo. Ngày nay, các nhà tư tưởng Hồi giáo, như Abdolkarim Soroush (Iran), Tahar Haddad (Tunisia), Fazlur Rahman (Pakistan)... vẫn tiếp tục nghiên cứu sự kết nối giữa tư tưởng Hồi giáo và các giá trị hiện đại. Mặc dù những kẻ cực đoan luôn phủ nhận ý kiến của những nhà tư tưởng Hồi giáo này, song quan điểm của họ vẫn có ảnh hưởng sâu sắc đến các tầng lớp tín đồ trên toàn thế giới.

Trên thực tế, các học giả Hồi giáo nói trên cũng thừa nhận tôn giáo cũng phần nào góp phần tạo nên tình trạng bạo lực ở Trung Đông. Các hành động bạo lực, vốn phổ biến và đa dạng ở khu vực, được hình thành từ nhiều yếu tố bao gồm mâu thuẫn quan điểm tôn giáo, truyền thống văn hóa, sắc tộc, chiến tranh, sự đấu đá chính trị… Tuy nhiên, như đã nói ở trên, về bản chất, Hồi giáo không kích động bạo lực, chiến tranh. Nhiều tổ chức đang lợi dụng danh nghĩa Hồi giáo để thực hiện các âm mưu có lợi cho mình.

Điều Trung Đông cần hiện nay là các chính sách phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả nhằm giải quyết các vấn đề có thể gây ra mâu thuẫn tôn giáo, chẳng hạn như tạo ra các cơ hội giáo dục bình đẳng, tạo công ăn việc làm, xử lý tình trạng tham nhũng… Những chiến lược này có thể giúp nâng cao tiến trình dân chủ hóa, sự phát triển kinh tế, thúc đẩy xã hội dân sự cũng như cải thiện môi trường truyền thông đại chúng. Điều quan trọng là các chính phủ ở khu vực không nên “Hồi giáo hóa” mọi vấn đề, mà tốt hơn là phát triển các giải pháp chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân.

Trong số vấn đề kể trên, giáo dục là yếu tố then chốt quyết định thành công. Các chương trình đào tạo cần mang tính tổng hợp hơn, mở rộng kiến thức của học sinh về tôn giáo và văn hóa. Bên cạnh đó, các trường học cần giữ sự khách quan trước áp lực của chính phủ và giáo hội, đồng thời nêu cao tinh thần tự do tôn giáo.

Cuối cùng, năng lực của chính phủ trong việc giải quyết bạo lực tôn giáo cũng là việc không được xem nhẹ. Trừ phi các nhà lãnh đạo có thể dung hòa giữa chính sách và tôn giáo, bạo lực sẽ không bao giờ kết thúc.

* Ông Moha Ennaji là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đối thoại liên văn hóa và người tị nạn (Morocco) và là Giáo sư Văn hóa học tại Đại học Fez (Morocco). Các cuốn sách của ông mới xuất bản bao gồm “Những biên giới mới của sự di cư của người Hồi giáo ở Bắc Mỹ và châu Âu”, “Cộng đồng người Hồi giáo Morocco ở châu Âu”.

Bài viết trên phản ánh quan điểm riêng của tác giả.

---

[1] Muhammad Abdul (1849-1905), người Ai Cập, là nhà luật học Hồi giáo, học giả tôn giáo và nhà cải cách tự do. Ông được xem là một trong những người xây dựng nên “chủ nghĩa hiện đại Hồi giáo” – còn được gọi là Neo-Mu’tazilism.

[2] Jamaleddin al-Afghani (1839-1897), người Thổ Nhĩ Kỳ, là nhà hoạt động chính trị và nhà tư tưởng Hồi giáo. Ông cũng là người góp phần hình thành nên “chủ nghĩa hiện đại Hồi giáo”.